Ngô Ngọc Trai : "Nhưng hiện tại đang có một điểm gây tắc nghẽn trên con đường phát triển của
Việt Nam, đó là vấn đề dân chủ nhân quyền.
Vấn đề nhân quyền của Việt Nam giống như vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều
Tiên, đều đang là cái gây cản trở cho các hoạt động thương mại đầu tư giữa Việt
Nam, Triều Tiên và các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu.
Mà nếu tháo gỡ được rào cản này thì sẽ có rất nhiều cho đất nước."
Ngoại giao VN cần gỡ ‘rào cản nhân quyền’
Từ ngày 13-17/8 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 của
ngành ngoại giao Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết thành
tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối ngoại, và Việt Nam
là nước ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với năm
nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và toàn bộ nhóm G7, và
13 trên 20 nước trong G20.
Đó là những đối tác thương mại đầu tư lớn nhất của Việt Nam, chỉ riêng năm
nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và G7 đã chiếm trên
27% tổng vốn đầu tư FDI, chiếm gần 50% tổng kim ngạch thương mại 2017.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Thủ tướng Phúc cũng chỉ đạo ngành ngoại
giao cần tìm ra những phương thức sáng tạo, nâng cao vị thế quốc gia, khai thác
những điểm thuận, khắc phục những điểm bất đồng để tạo ra các cơ hội cho hòa
bình, ổn định hợp tác và phát triển.
Thủ tướng Phúc cũng cho rằng ngành ngoại giao cần làm tốt công tác tham mưu
cho Chính phủ và cả các bộ ngành, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành
cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới.
Đối ngoại giúp cho phát triển
Phải công nhận là sự phát triển của đất nước lâu nay gắn liền với sự phát triển
của ngành ngoại giao Việt Nam.
Nếu coi sự tăng trưởng phát triển kinh tế suốt mấy chục năm qua là kết quả
của những hoạt động đầu tư nước ngoài, của việc xuất khẩu hàng hóa ra thế giới,
thì khi đó sẽ phải ghi nhận vai trò quan trọng của ngành ngoại giao khi đã
thiết lập tạo dựng các mối quan hệ đầu tư, khai thông thúc đẩy cho xuất khẩu
hàng hóa.
Đến nay để đất nước phát triển hơn nữa thì ngành ngoai giao lại phải làm
tốt hơn nữa công việc của mình.
Đó là tham mưu tư vấn cho Chính phủ thực sự xử lý được các vấn đề nội tại
để khắc phục những điểm bất đồng dị biệt của Việt Nam so với thế giới.
Các nhà ngoại giao cũng cần chỉ ra cho Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp
xem nơi nào cần hợp tác làm ăn, nơi nào có thể xuất khẩu hàng hóa, nơi nào cần
mua thiết bị phương tiện.
Theo đó, ngành ngoại giao cùng với Chính phủ sẽ đặt nền móng cho các hoạt
động của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Có đáng chịu tắc nghẽn vì nhân quyền?
Nhưng hiện tại đang có một điểm gây tắc nghẽn trên con đường phát triển của
Việt Nam, đó là vấn đề dân chủ nhân quyền.
Vấn đề nhân quyền của Việt Nam giống như vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều
Tiên, đều đang là cái gây cản trở cho các hoạt động thương mại đầu tư giữa Việt
Nam, Triều Tiên và các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu.
Mà nếu tháo gỡ được rào cản này thì sẽ có rất nhiều cho đất nước.
Chúng ta biết rằng Việt Nam hiện nay đang mở cửa kinh tế, hội nhập ngày
càng sâu vào môi trường thế giới. Mới đây Việt Nam còn góp quân đi tham gia gìn
giữ hòa bình với Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan.
Nhưng sự hội nhập và phát triển của Việt Nam còn chưa hết tiềm năng, đáng
ra có những việc chúng ta có thể làm được giúp cho nguồn vốn đầu tư dồi dào
hơn, hàng hóa xuất khẩu thuận lợi hơn, đất nước phát triển mau chóng hơn, đời
sống người dân được thịnh vượng hơn.
Có một rào cản ngăn cản chúng ta đạt được điều đó: giữa Việt Nam và nhiều
nền kinh tế lớn còn có sự bất đồng về vấn đề nhân quyền, về các quyền tự do dân
chủ mà người dân được hưởng.
Với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu thì các hoạt động kinh tế thương
mại của họ lại gắn liền với các giá trị tự do dân chủ mà họ cổ súy, họ cho rằng
sự thịnh vượng quốc gia bắt đầu từ tự do cá nhân và thương mại tự do, đây là
những giá trị mà thực ra đã trở thành phổ quát được luật hóa thành luật pháp
quốc tế.
Họ sẽ khó đặt niềm tin vào những quốc gia mà họ cho rằng còn chưa tuân thủ
luật pháp quốc tế, chưa tôn trọng các giá trị phổ quát và do vậy làm giảm đi
những cơ hội thương mại đầu tư.
Luật pháp quốc tế bao gồm các công ước quốc tế như Công ước quốc tế về nhân
quyền, Công ước quốc tế về các quyền và dân sự và chính trị của Liên Hợp Quốc
năm 1966 mà Việt Nam đã ký kết tham gia năm 1982.
Khi chính phủ nước họ chưa tin tưởng thì doanh nghiệp nước họ cũng được
khuyến cáo rủi ro và kém đi niềm tin để đầu tư làm ăn.
Do vậy nếu Việt Nam chúng ta cho thấy nước mình là một thành viên có trách
nhiệm, tôn trọng luật pháp quốc tế và các giá trị phổ quát thì các nước họ sẽ
yên tâm làm ăn với một đất nước có ý thức như vậy.
Họ sẽ mở rộng các phạm vi giao thương, phát triển đối tác đầu tư lâu dài,
thay vì thương mại theo sự vụ ngắn hạn vì thiếu sự tin cậy lẫn nhau.
Hãy hình dung xem nếu Bắc Triều Tiên khi tuân thủ luật pháp quốc tế giải
trừ vũ khí hạt nhân thì đất nước sẽ hưởng lợi về kinh tế thương mại đầu tư thế
nào, nhân dân sẽ hưởng lợi ấm no như thế nào?
Ở Việt Nam vấn đề nhân quyền cũng tương tự vậy và chỉ khác về mức độ.
Cho nên mọi người cần nhìn ra vấn đề. Rào cản nhân quyền thực sự là chướng
ngại không đáng có, rất đáng tiếc, làm giảm đi cơ hội được phát triển phú cường
của nhân dân.
Dân chủ và nhân quyền sẽ giúp đối ngoại thuận lợi
Những quốc gia có nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và EU rất quan tâm đến số phận tù tội của những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền tại Việt Nam.
Những quốc gia có nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và EU rất quan tâm đến số phận tù tội của những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền tại Việt Nam.
Trong các hoạt động ngoại giao họ thường chỉ ra mối liên hệ giữa nhân quyền
và phát triển.
Mới đây đại diện của các cơ quan ngoại giao Đức và EU đã vào thăm một tù
nhân lương tâm là ông Trần Huỳnh Duy Thức đang thụ án tù tại Trại giam số 6 ở
tỉnh Nghệ An về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Họ đã bày tỏ sự cảm mến về mong muốn được tự do và sinh sống ngay trên mảnh
đất quê hương của ông Thức.
Đây là một tù nhân lương tâm thường được các cơ quan ngoại giao quốc tế
nhắc đến khi xét đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam, ông Thức đã thụ án sang
năm thứ 10 trong bản án 16 năm tù giam.
Ngay tại thời điểm Tòa án xét xử năm 2010, Bộ Ngoại giao Anh khi đó đã lên
tiếng cho rằng “Quyền tự do ngôn luận và tự do lưu thông tư tưởng là tối quan
trọng cho một nền kinh tế và xã hội phát triển”, và bản án chỉ “gây phương
hại cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Năm 2016 Nghị viện Châu Âu ra một Nghị quyết số 2016/2755(RSP) về nhân
quyền Việt Nam, trong đó ghi nhận rằng EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của
Việt Nam, EU cùng với các nước thành viên là nhà cung cấp viện trợ phát triển
chính thức lớn nhất cho Việt Nam, và ghi nhận rằng EU sẽ tăng 30% ngân sách cho
việc này lên 400 triệu euro trong giai đoạn 2014-2020.
Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt ngay
lập tức mọi hành động sách nhiễu, đe dọa, ngược đãi các nhà hoạt động nhân
quyền, và trả tự do cho các nhà hoạt động đã bị bắt giữ và cầm tù oan uổng như
Trần Huỳnh Duy Thức.
Đó chỉ là một trường hợp mà các cơ quan ngoại giao quốc tế đã bày tỏ mối
quan tâm như vậy.
Tựu chung lại, vấn đề nhân quyền đồng bộ với thương mại tự do sẽ luôn là
mối quan tâm của ngoại giao quốc tế.
Việc cải thiện môi trường dân chủ trong nước và trả tự do cho tù nhân lương
tâm sẽ giúp ích cho các hoạt động đối ngoại và tạo đà phát triển cho Việt Nam.