Hơn 33 ngày - ANH THỨC TUYỆT THỰC !
Tuấn Khanh
(Tặng những người bạn đang âu lo của tôi)
từ trái qua là thầy Thích Phước An, thầy Thích Tuệ Sỹ và thầy Thích Phước Viên |
Bức ảnh trắng đen lịch sử, ghi lại giờ phút mà nhà cầm quyền trả tự do cho
ngài Thích Tuệ Sỹ. Đó là một đêm vào năm 1998, trên chuyến xe đưa ngài cùng
nhiều người khác ra khỏi nhà tù. Ngồi chung với ngài, từ trái qua là thầy Thích
Phước An, thầy Thích Tuệ Sỹ và thầy Thích Phước Viên.
Nụ cười an nhiên vẫn thường hiện trên gương mặt của ngài, một người trải
qua miệt mài những năm tù, thậm chí kề cận với án tử hình ấy, có thể làm bạn
phải nghĩ suy về nhiều điều. Phải có trái tim mang đầy niềm tin chính nghĩa, vô
úy, vô ngã… mới có thể khiến con người nhẹ bước qua những điều khó tin trong
một thế giới với pháp luật, chính trị tăm tối như trong bức hình ấy.
Năm 1978, ngài Thích Tuệ Sỹ bị công an ập và chùa Già Lam, Sài Gòn, bắt
mang đi cải tạo – với lý do như hàng trăm ngàn trí thức, công chức, cựu binh…
của miền Nam, mà đường về nhà thì tùy theo vui buồn của các nhà lãnh đạo cộng
sản, gọi là khoan hồng. Những tháng năm giam hãm “cải tạo” không tên gọi chính
thức đó, kéo dài đến năm 1981.
Năm 1984, ngài bị bắt cùng 17 người nữa, trong đó có giáo sư Trí Siêu Lê
Mạnh Thát. Lý do bắt giữ, mà công an khép tội, nghe cũng rất quen thuộc là “âm
mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhưng thực chất, cuộc bắt giữ nhằm chặn đứng
phong trào phục hưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, sau khi nhà cầm
quyền đã tìm cách phế bỏ tổ chức này, bằng cách lập ra một giáo hội Phật giáo
của Nhà nước kiểm soát vào năm 1981, và tổ chức này vẫn hoạt động với sự yểm
trợ chính trị của nhà nước Việt Nam cho đến nay.
Lúc bị bắt, công trình “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” lớn nhất của
hai vị Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát, hai bậc học giả Phật giáo hàng đầu của Việt Nam,
là việc soạn cuốn Bách Khoa Phật học Ðại Tự Ðiển.
Vào những ngày tháng không có mạng xã hội, không có thư tín tự do và cũng
không cơ quan truyền thông quốc tế nào được đi lại, dự khán tòa án, án tử hình
đã được áp cho ngài Tuệ Sỹ trong tháng 9/1988. Với các phiên xử đấu tố theo
kiểu miền Bắc trước năm 1975, có lẽ không có gì là quá bất thường trong xã hội
Việt Nam khép kín bấy giờ, nhưng tin tức về bậc trí giả Phật giáo Việt Nam bị
án tử hình đã làm cả thế giới chấn động. Nhiều quốc gia lên tiếng phản đối, các
tổ chức quốc tế và cơ quan Liên Hợp Quốc đã liên tục chất vấn và làm áp lực với
Hà Nội khiến hai tháng sau, án tử hình được chuyển thành án tù chung thân.
Khi ấy, tòa án không có luật sư, và ngài Tuệ Sỹ cũng không làm đơn xin
kháng án hay phúc thẩm. Án chung thân đưa ngài đi xa cả ngàn cây số khỏi miền
Nam, và giam ở trại Ba Sao, Hà Nam, nhằm cắt đứt mọi liên lạc với giới tăng ni
và tín đồ đang đau đớn dõi theo.
Nhưng khi Việt Nam bắt đầu nối kết với thế giới, đặc biệt là khi Hoa Kỳ bỏ
cấm vận vào năm 1994, những vết nhơ như án tù và sự đàn áp tôn giáo với ngài
Tuệ Sỹ cùng nhiều người khác phải được rửa để những cái bắt tay làm ăn được tự
tin hơn, sạch hơn. Một phái đoàn đặc biệt được cử đến trại giam gặp ngài, và đề
nghị ngài viết đơn xin ân xá, để được nhà nước khoan hồng. Thậm chí đơn được
đánh máy sẳn, đề sẳn tên người gửi là chủ tịch Trần Đức Lương. Đơn chỉ cần ngài
ký tên là xong.
Nhưng ngài Tuệ Sỹ đã từ chối lá đơn xin ân xá đó, và trả lời rằng: “Không
ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”. Việc ép buộc diễn ra với
những kiểu khác nhau, và để chống lại, ngài đã tuyệt thực để phản đối.
Khác với trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức, sau 10 ngày tuyệt thực và tin tức
lan đi, nhà cầm quyền phải nhượng bộ và trả tự do cho ngài. Nhưng một năm sau
đó thì ngài lại gặp khó khăn trong việc sinh hoạt tín ngưỡng, để rồi luôn như
trong tình trạng giam lỏng hoặc theo dõi chặt chẽ, suốt từ đó đến nay.
Sự kiện ông Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực chống lại việc ép buộc viết đơn
xin ân xá, cho thấy suốt bao nhiêu thập niên, chính sách của nhà tù và kiểm
soát chính trị của nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn không đổi, chỉ có gay gắt
hơn và thách thức hơn.
Hai con người trong hai thời điểm khác nhau, nhưng hoàn toàn giống ở chỗ,
khi ngài Tuệ Sỹ tuyệt thực, ngài không tin rằng ai đó bên ngoài sẽ giúp được
mình. Ngài chấp nhận cái chết đến trước mắt như lẽ đương nhiên vì không muốn
quỳ gối trước cường quyền. Ông Trần Huỳnh Duy Thức thì biết mình được ủng hộ bởi
nhiều người, nhưng ông sẳn sàng chấp nhận cái chết đến, vì biết khó mà thuyết
phục một nhà cầm quyền như Việt Nam biết thượng tôn pháp luật một cách đơn giản
theo lẽ nhân loại văn minh.
Hình ảnh chung của cả hai con người ấy, là nụ cười. Đích đến là chân lý,
luôn làm con người mạnh hơn cả ngục tù và súng đạn. Khi đích đến là chân lý, nụ
cười luôn ở trên môi. Nụ cười đó, là khoan hồng vô lượng sẳn có trong tim, đủ
thức tỉnh dân tộc giữa những đêm dài tăm tối.
Tôi luôn nhớ, và tôi mời bạn cùng nhớ.
(Bài viết, nhân ngày tuyệt thực thứ 33 của Trần Huỳnh Duy Thức, tại trại
giam số 6, Nghệ An).
Tuấn Khanh. /.