Giáo Sư Hồ Ngọc Đại |
Trong mục này đã có hai bài nhắc đến
Giáo Sư Hồ Ngọc Đại với phương pháp mới của ông khi dạy viết tiếng Việt cho trẻ
em lớp Một. Ký giả này chỉ được biết tên ông Hồ Ngọc Đại sau khi đọc những lời
phê phán về phương pháp dạy đánh vần của ông; và đã góp ý kiến về vấn đề đó vì
dư luận đang sôi nổi.
Nhưng nếu chỉ nói đến ông Hồ Ngọc Đại
qua các câu chuyện trên mạng gần đây thì rất “oan” cho ông. Cho nên ký giả đã
tìm hiểu thêm, hy vọng biết rõ về con người độc đáo này. Xin trình bày thêm về
nhân vật Hồ Ngọc Đại để làm bổn phận đối với quý vị độc giả vẫn theo dõi mục
này.
Giáo Sư Tương Lai |
Giáo Sư Tương Lai mới kể ông được nghe
Hồ Ngọc Đại thuật chuyện một buổi hội thảo tại hội trường của Bộ Công An, người
ta nói chuyện về “chống tiêu cực.” Ông Hồ Ngọc Đại đã phát biểu ý kiến rất đáng
chú ý: “Chuyện chống tiêu cực đương nhiên là phải làm rồi. Nhưng đừng nghĩ là
có thể dẹp sạch được tiêu cực. Không có đâu. Bao giờ tiêu cực lên đến Bộ Chính
Trị thì rồi mới thấy là tiêu cực nằm ngay trong quy luật vận động và phát
triển.”
Câu nói này có thể diễn tả lại cho dễ
hiểu hơn: Trong chế độ này (Cộng Sản) không thể nào làm hết tiêu cực được.
Tiêu cực, theo nghĩa thường dùng trong
nước, nghĩa là những hành vi xấu xa, như lạm quyền, tham ô, ăn cắp chẳng hạn.
Ông Hồ Ngọc Đại báo trước rằng theo “quy luật vận động và phát triển” của xã
hội chung quanh ông, thì hiện tượng “tiêu cực” sẽ lên đến Bộ Chính Trị đảng
Cộng Sản. Và lúc đó mọi người mới thấy “tiêu cực” nằm trong bản chất của chế
độ.
Ông Tương Lai công nhận: “Mà quả có
thế!” Vì bây giờ ai cũng thấy “cái sự thật tiêu cực… biến hóa khủng khiếp đến
cỡ nào.”
Không biết ông Hồ Ngọc Đại đã nói câu
trên ở thời điểm nào, có lẽ phải mấy chục năm trước đây. Nhưng một người dám
nêu lên ý kiến như thế, khi sống giữa hoàn cảnh xã hội một chế độ độc tài toàn
trị, không phải một người tầm thường.
Năm nay 84 tuổi, ông Hồ Ngọc Đại thiết
tha với việc dạy trẻ em, có lẽ vì ông đã tốt nghiệp tiến sĩ Đại Học Lomonosov
tại Moscow với đề tài luận án: “Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy toán học
hiện đại cho học sinh cấp 1” năm 1976. Ông kể kinh nghiệm “giác ngộ” của mình:
“Năm 1968 khi sang Liên Xô chứng kiến cuộc nổi loạn của sinh viên, những đổi
mới thất bại trong giáo dục, tôi cho rằng những cái cũ kỹ trong giáo dục chắn
chắn thất bại.”
Năm 1978, ông sáng lập Trung Tâm Công
Nghệ Giáo Dục ở Việt Nam và sách dạy lớp Một của ông bắt đầu được đem ra thừ.
Năm 1986, các địa phương được khuyến khích dùng bộ sách này. Năm 2000, có đạo
“Luật Giáo Dục” bắt cả nước phải dùng chung một bộ sách giáo khoa, cuộc thí
nghiệm của ông bị ngưng; cho tới năm 2006 mới lại được đem ra thí nghiệm lại.
Năm 2017, Viện Khoa Học Giáo Dục được lệnh nghiên cứu về phương pháp của Hồ
Ngọc Đại, rồi lại cho phép sử dụng.
Nhưng gần đây nổi lên một trận “ném đá”
nhắm vào phương pháp Hồ Ngọc Đại. Chữ “ném đá” là do Giáo Sư Phạm Toàn dùng
trong một lần nói chuyện gần đây về vụ này. Ông Phạm Toàn cũng là một người có
chí hướng cải cách giáo dục, cụ thể là làm những sách giáo khoa mới, với nhà
xuất bản Cánh Buồm, trong hàng chục năm nay. Phương pháp Hồ Ngọc Đại đi trước
may mắn hơn nên đã có cơ hội được thử nghiệm, còn những bộ sách của nhóm ông
Phạm Toàn vẫn bị gạt qua “lề bên trái!”
Phong trào “ném đá” vào phương pháp dạy
đánh vần mới của Hồ Ngọc Đại được tung ra nhằm những mục đích nào, chúng ta sẽ
bàn sau. Nhưng vụ ném đá ồn ào này đã làm cho bao nhiêu người ngoại cuộc chỉ
nhìn thấy những điều khác thường, có vẻ “ngớ ngẩn” của phương pháp dạy đánh
vần; mà không chú ý đến những ý tưởng nền tảng của phương pháp mà ông Hồ Ngọc
Đại đề nghị. Khi tìm hiểu rõ hơn, phải công bằng nhận định rằng Hồ Ngọc Đại có
nghiên cứu và suy nghĩ trước khi đưa ra các phương pháp mới, dù chúng ta có
đồng ý với việc áp dụng phương pháp đó hay không.
Ông Hồ Ngọc Đại vốn chuyên về tâm lý
giáo dục, với khuynh hướng triết học hơn khoa học thực nghiệm. Hồ Ngọc Đại kể
rằng các nhà tư tưởng có ảnh hưởng tới ông nhất là Marx, Hegel, hai triết gia
thời xưa, rồi tới Freud, Piaget là hai nhà tâm lý hơn 100 năm trước đây. Trong
số này không thấy tên một nhà ngữ học thế kỷ 20 nào. Mà trong thế kỷ trước, môn
ngữ học đã tiến những bước khổng lồ.
Hồ Ngọc Đại dám đi bước đầu đòi thay đổi
việc dạy trẻ em, một phần vì ông chịu ảnh hưởng của các vị thầy, là giáo sư tâm
lý học nổi tiếng trong phong trào đòi cải cách giáo dục ở Nga.
Để công bằng với ông, nên nghe ý kiến
ông đã nói, “…nền giáo dục cũ thường dạy trẻ theo kiểu noi gương thánh hiền,
phấn đấu theo gương hay trở thành người này, người khác… Còn một nền giáo dục
hiện đại là làm sao mỗi người cần được trở thành và xứng đáng với chính ‘nó,’
không phải học theo ai cả.” Vì, ông cho rằng đây là “thời đại của mỗi cá nhân,…
nền giáo dục của chúng ta phải là nền giáo dục mà mỗi cá nhân được là chính
mình.” Ông giải thích, “Người lớn không thể lấy chuẩn của người khác để áp dụng
cho trẻ – với tâm hồn trong sáng như cây cỏ… người lớn không thể dạy trẻ bằng
ảo tưởng, mong muốn của chính mình.”
Nghe câu những ý này người ta có thể
liên tưởng tới “Thuyết Nhân Vị” của mấy triết gia Pháp vào nửa đầu thế kỷ 20,
mà có thời ở miền Nam Việt Nam đã được chính quyền cổ võ. Nhưng đối với Liên Xô
thời 1970, đây là những ý kiến táo bạo. Các chế độ Cộng Sản đều hô hào trẻ em
phải theo gương các ông trùm Lenin, Stalin, các anh hùng lao động. Bây giờ nói
cần đào tạo trẻ em trở thành “chính nó,” và “không phải học theo ai cả.”
Ông Hồ Ngọc Đại học được những điều này,
và dám nói ở Việt Nam thời 1980, đó là điều đáng phục. Có thể coi đây là những
tuyên ngôn “chống chủ nghĩa giáo điều” sớm nhất trong xã hội sống dưới chế độ
Cộng Sản ở Việt Nam. Không bị buộc tội “chủ nghĩa cá nhân” là may lắm!
Vụ “ném đá” vào phương pháp dạy đánh vần
của Hồ Ngọc Đại quá ồn ào nên đã che lấp tất cả những ý kiến táo bạo kể trên,
như đề cao cá nhân, đưa ra phương pháp phát triển tư duy độc lập trong đầu óc
học sinh! Những ý kiến đó bị bỏ qua, quên lãng, là điều rất đáng tiếc.
Những ý kiến “cách mạng” trên được thể
hiện trong sách dạy cho trẻ em lớp Một hay không? Phương pháp đó có hiệu quả
hơn những phương pháp khác hay không? Giáo Sư Phạm Toàn cho rằng “cách học theo
đường lối ngữ âm học do Công Nghệ Giáo Dục và Giáo Sư Hồ Ngọc Đại khởi xướng
chính là cách khác để học sinh luyện tư duy.” Ký giả này vẫn nghĩ rằng cách thử
thách tốt nhất là thí nghiệm các phương pháp song song với nhau, rồi so sánh
kết quả.
Trong một xã hội tự do dân chủ thì một
vấn đề như “phương pháp dạy đánh vần cho trẻ em” sẽ được thảo luận và quyết
định như thế nào? Câu trả lời là tự do. Những người làm việc giáo dục cung cấp
một dịch vụ, thị trường tự do sẽ quyết định dịch vụ nào đáng mua!
Khi mọi người được tự do phát biểu, tự
do hội họp, thì tất cả các phương pháp đều có cơ hội được trình bày và đem ra
thí nghiệm như nhau. Không chính quyền nào được phép cấm đoán các ý kiến khác
biệt để giành độc quyền chỉ huy công việc giáo dục theo “chủ nghĩa’ hay theo
phương pháp của mình.
Vậy tại sao lại xảy ra vụ “ném đá” ông
Hồ Ngọc Đại?
Giáo Sư Tương Lai nói một cách bóng bẩy:
“Ào ào đổ lộc rung cây, ở trong dường có hơi đồng dẫn đưa.”
Nói “hơi đồng,” là nói đến tiền! Làm cho
khốc hại chẳng qua vì tiền!
Một
lý giải đã được nêu ra là cuộc ném đá ồn ào này do một nhóm “mafia sách giáo
khoa” tung ra để triệt hạ sách của ông Hồ Ngọc Đại! Nếu những sách của ông bị
gạt bỏ thì học sinh tất cả các trường phải mua một thứ sách giáo khoa duy nhất
do Bộ Giáo Dục sản xuất! Trong bài trước, mục này đã nêu mấy con số lợi nhuận
khổng lồ của “phi vụ” này.
Không
cần nói ai cũng biết, chế độ vẫn tự gọi là Cộng Sản, hay xã hội chủ nghĩa hiện
nay ở Việt Nam chỉ tôn thờ đồng tiền. Đảng Cộng Sản cố bám lấy quyền lực vì
chức vụ sinh ra tiền bạc. Chỉ khi nào chấm dứt chế độ “hơi đồng” này thì những
cuộc thảo luận về phương pháp tập đánh vần, phương pháp giáo dục, hay bất cứ đề
tài nào khác, mới có thể thực hiện một cách công bằng và khoa học.
Cuối cùng, mọi
không nên tiếp tục tham dự vào cuộc “ném đá Hồ Ngọc Đại” có thể chỉ do bàn tay
mafia dàn dựng! Bổn phận quan trọng nhất bây giờ là đòi một nền giáo dục tự do
trong một xã hội dân chủ tự do. (Ngô
Nhân Dụng)
Nguồn: Theo NV
Nguồn: Theo NV