19 septembre 2018

THẾ GIỚI ĐẦU TIÊN CỦA TÔI




(Chuyện Nhà của tôi linh tinh lắm. Thậm chí còn vô duyên nữa.
Thôi thì nghe theo các bạn khuyến khích, tôi cứ liều cho nó lên từng
 mẩu một trong những gì tôi còn nhớ, rủ các bạn cùng ngoái nhìn với 
tôi vài quang cảnh của một thời đã mất).  


Ngôi nhà đầu tiên của gia đình tôi nằm ở hông trái Nhà Thờ Lớn thành phố.

Trước khi cha mẹ tôi lấy nhau, hai ông bà không ở riêng mà ở với gia đình mình. Cha tôi ở nhà ông anh cả làm thông phán Tòa Sứ, mẹ tôi sống với bà ngoại và ông anh làm ở Sở dây thép[1]. Tôi không nhớ tên cái phố con con hay cái ngõ bé tí ấy, cũng chẳng nhớ ngôi nhà đầu tiên của chúng tôi số mấy. Các bậc cha chú tôi và mọi người trong họ hàng tôi mỗi khi nhắc tới nó đều nói: “Hồi nhà cháu còn ở phố Nhà Chung”.

Như mọi gia đình nghèo ở thành phố, gia đình tôi chuyển nhà nhiều lần, nhưng nơi tôi được đặt bàn chân bé nhỏ của mình lên mặt đất lần đầu để lại trong tôi một dấu vết không phai mờ. Dù gì nó vẫn là thế giới đầu tiên của tôi.

Gọi ngôi nhà đầu tiên là nói phóng lên, chứ nó là một căn rất nhỏ, trần thấp, các phòng nối với nhau bằng một lỗ trống hẹp hình chữ nhật đứng. Những căn khác cũng thế, hình dạng và kích thước y hệt nhau, xếp thành một hàng đều tăm tắp. Không thể nở ra theo chiều ngang, những căn phòng hẹp nối tiếp nhau ra tới tận sân sau nơi có nhà xí với những bậc cao. Sau nhà xí là một lối đi hẹp dành cho phu đổ thùng.

Trong nhà lúc nào cũng tối thui, bước ra khỏi cửa là chói mắt. Trước nhà, trên vỉa hè rất hẹp, có một cây bàng nhỏ lá xanh lá đỏ lưa thưa. Chỉ có thể nhìn rõ mọi vật trong nhà khi nào cả cửa ra vào lẫn cửa sổ được mở toang, hoặc mọi đèn đều được bật.

Tiếng là phố Nhà Chung nhưng dân ở khu vực này lương đông hơn giáo. Vào sáng sớm chủ nhật có thể thấy những giáo dân ít ỏi ở những căn hàng xóm ra đường, lẫn vào dòng con chiên đông đúc tuôn chảy về phía trước cửa Nhà Thờ, nơi những cái chuông trên tháp không ngừng đổ hồi inh ỏi.

Trong nhà không có ban thờ, không có tượng Chúa. Chỉ có chân dung ông nội bà nội tôi treo trên tường. Tôi không biết mặt các cụ. Khi tôi ra đời thì hai vị đã không còn. Tôi cũng không biết là mình đã được rửa tội, đã là con chiên Chúa, với tên thánh Giu-Se. Tôi được rửa tội là theo ý các vị bề trên trong gia đình bên nội, chứ cha mẹ tôi chẳng theo tôn giáo nào. Vô thần là một cái mốt ở những người cách mạng. Trong thời gian ở đây tôi không bước chân vào Nhà Thờ Lớn lần nào dù nó ở sát nách – chẳng ai dẫn tôi vào đấy.

Tôi ghi lại kỷ niệm về ngôi nhà này vì muốn nhìn lại quãng đời đã qua để hiểu thêm sự hình thành cái tôi sau này. Nó giống như sự xem lại một cuốn phim để mốc trong kho ký ức lúc rảnh rỗi.

Con phố nhỏ, nơi có căn nhà của chúng tôi vắng lắm, rất thưa người đi lại, nhất là trong những trưa hè. Tôi hay ngồi ở bậu cửa để nhìn ra đường khi người lớn bận việc của họ, không ngó ngàng gì đến tôi. Không khí nóng rung rinh nhè nhẹ trên mặt đường nhựa. Nó tan biến khi có một cái xe tay chạy ngang, người kéo xe lau mồ hôi trên mặt bằng cái khăn tay rách.

Những ngày mưa thì khác. Hằn vào trí nhớ cảnh mấy người đàn bà mặc váy rộng đội nón quai thao đung đưa đôi thúng đầy ổi xanh ổi vàng bóng nhẫy cúi đầu đi trong màn nước xeo xéo từ trên bầu trời xám xịt ào ạt đổ xuống. Thỉnh thoảng các bà hàng ổi mới dừng chân rẽ vào một hàng hiên nhà nào đó vừa để trú mưa vừa để bán hàng. Người bán nhìn lên bầu trời xám, mặc cho người mua chọn những quả vừa ý. Người mua thẽ thọt mà cả, người bán chẳng kì kèo gật đầu. Cái nón quai thao được dựa vào tường tạo ra một vũng nước nhỏ.

Thứ nón rộng bằng cái vành xe đạp ấy rồi mất tăm mất tích cùng với thời gian. Dấu vết của chúng chỉ còn lại trong những ký hoạ của những hoạ sĩ người Âu chuộng lạ lạc bước tới nước ta và trong tranh lụa của cố hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh. Tôi nhớ những tiếng rao hàng về đêm: xực tắc, tài lốc mì chê, chí mà phù. Nhớ nhất những gánh phở thơm lừng qua phố vào sáng sớm hoặc buổi tối với tiếng rao kéo dài “Phơ..ớ..ớ”. Vào giữa trưa hè nắng chang chang thì trên phố gần như không có bóng người.

Tôi thích những thành phố có tiếng rao hàng. Nó sống động, nó vui.

Thành phố không có tiếng rao hàng là thành phố đứng đắn, hiển nhiên là thế, nhưng chúng thật tẻ nhạt. Ở Moskva hay thủ đô các nước xã hội chủ nghĩa vào cái thời đã xa người ta không rao hàng - những người bán kem, bán nước giải khát đều là cán bộ thương nghiệp, cán bộ mậu dịch, họ là người đứng đắn. Người mua nhìn thấy họ khắc chạy tới.

Tôi đã đi qua nhiều thành phố châu Âu, ngoài khu trung tâm sầm uất, đâu đó ở ngoại thị ta vẫn nghe thấy những lời chào mời rộn ràng từ cửa những tiệm ăn, những quán hàng tạp hoá, đặc biệt trong những ngày có phiên chợ. Ở thành phố du lịch Aswan ồn ào, tấp nập cũng thế. Cứ ra ngoài trung tâm là đã gặp những chợ ngoại ô rộn rã tiếng rao của đủ mọi thứ hàng. Người Ai Cập rao to những con dê được dắt ra chợ, mà cả như quát. Những xe nước mía thì y như ở bên ta, người bán hàng vừa quay cái vô lăng ép mía, vừa cười đùa ầm ĩ mời gọi người qua lại. La cà trên phố đêm Tihuana của Mehico tôi cứ đờ đẫn nghe tiếng rao hoặc hiệu chuông từ những xe con do người kéo bên hè phố. mặc cho dòng xe hơi qua lại nườm nượp. Cái đó làm cho tôi như được sống lại những ngày thơ ấu. Bên những chiếc xe sáng đèn và toả hương ngào ngạt những thực khách đói bụng đứng túm tụm, ăn nhồm nhoàm, húp sì sụp đủ loại món ăn dân dã.

Thì ra những tiếng rao hàng làm cho thành phố đáng yêu hơn. Và đáng nhớ hơn khi ta xa nó.

Trong cái nhà nhỏ xíu của tôi chỉ có cha mẹ tôi và chị người ở trông tôi là “Cái Nhài Hiên”. Tôi không biết tên thật của chị là gì, cả lúc nhỏ, cả sau này. Với mọi người trong nhà chị mãi mãi là “Cái Nhài Hiên”. Chị đến với cái thúng trên đầu và ra đi cũng với cái thúng ấy.

Với tôi, “cái Nhài Hiên”là người mẹ thứ hai.

“Cái Nhài Hiên”là người bồng bế tôi, xốc nách tôi cho tôi tập đi những bước đầu tiên. Chị là người dắt tôi đi vào cái thế giới lần đầu tôi được thấy. Mọi cái trong thế giới tôi gặp đều lạ lẫm - từ bầu trời xanh ngắt với những đám mây bồng bềnh, con chó mực hàng xóm vươn cổ ngáp dài hay con mèo tam thể mắt nhắm nghiền nằm phưỡn bụng với những núm vú hồng xếp thành hai hàng dọc trong ánh nắng chói chang. Những sinh vật đặc biệt cuốn hút tôi, chúng bắt tôi phải dừng lại ngắm nghía chúng, cứ như thể tôi sợ sẽ không được thấy chúng lần nữa. “Cái Nhài Hiên” không giục tôi bước tiếp, chị kiên nhẫn chờ tôi, cho tôi được thoả thuê nhìn.

“Cái Nhài Hiên” của tôi rất hiền, hiền lắm lắm í. Không bao giờ chị trừng phạt tôi, cho dù một cái phát nhẹ vào mông. Chị chiều tôi, bày mọi trò cho tôi chơi - đập ruồi cho kiến đen tha giống hệt cái đám ma có cặp ngựa có mão đen ngù đen đi chậm chậm qua phố. Chị không cho tôi chơi với kiến lửa, chúng biết đốt, hay kiến gió hôi rình. Với con dao bài và mấy que tăm trong tay chị biến cái lá bàng thành con trâu có đủ hai sừng để tôi dắt đi, hoặc một cái thuyền xinh xắn để tôi thả nó trôi theo dòng nước không ngừng chảy bên hè.

Dòng nước chảy trong rãnh suốt ngày đêm làm cho con phố mát mẻ hơn trong những ngày hè nóng nực. Cách giảm nhiệt cho thành phố như thế hoá ra loài người đã làm tự xửa xưa. Ở thành phố Pompei bị núi lửa Vesuva vùi lấp dưới tầng tầng lớp lớp nham thạch và tro vào năm 50 của công nguyên tôi cũng thấy cách giảm nhiệt khôn ngoan này. Đi trên những con đường trải sỏi của cái thành phố được người ta mất không biết bao nhiêu lâu, mất bao nhiêu công sức mới moi lên được, từ cả núi tro bụi cao tới 40 m, tôi cứ ngẩn ngơ nhìn dòng nước chảy trong rãnh như nó từng chảy như thế từ hai chục thế kỷ trước. Nghe tôi kể về Pompei ông bạn vừa từ Hà Nội qua cười ruồi. Ông cho biết ở các rãnh bên hè Hà Nội từ lâu rồi không còn nước chảy như ngày xưa nữa, chúng khô rang.

Giữa tính tự thị và tính ù lì dường như có mối liên kết không lỏng lẻo. Càng lớn lên tôi càng sợ cái tính tự thị. Người tự thị không cần biết đến cái gì khác ngoài định kiến cho rằng mình đúng, rằng chỉ có mình là phải, không ai được nghĩ khác, nói khác, không ai được cãi lại, nhất là khi họ có quyền và có đủ phương tiện dập tắt mọi ý kiến khác. Riết rồi họ ù lì trong sự tự thị ấy, coi nó là chân lý bất biến.

Vào thời thơ ấu của tôi đàn bà đất kinh kỳ nhất nhất đều để răng đen, người để răng trắng bị gọi là cái giống tân thời, bằng giọng dè bỉu. Người ta tự thị rằng để răng đen mới đúng, xưa nay vẫn thế, ngày nay ắt phải thế, và họ ù lì trước trào lưu để răng trắng trong lớp trẻ Tây học. “Cái Nhài Hiên” cũng có hàm răng đen nhưng nhức, như bà ngoại tôi, như mọi người trong phố. Chị có nhiều bạn hàng xóm, những người để răng đen như chị. Mẹ tôi không có bạn cùng phố, có lẽ vì hàm răng của bà. Người cùng phố gặp bà không chào không hỏi, mặt dửng dưng như không trông không thấy. Có thể đấy là do lối sống thành phố, đèn nhà ai nhà ấy rạng, nhưng trong thực tế lại không phải thế – cái nhìn cố ý về phía trước để không nhìn cái không muốn thấy là sự bày tỏ thái độ. Đành rằng tục ăn trầu, để răng đen có nguồn gốc xa xưa như một cách bảo vệ răng rất có lý như sau này tôi được biết, nhưng cái đẹp đã lấn lướt nó, dần thay thế nó. Cái đẹp có sức mạnh của nó, đôi khi thắng thế cái có lý. Nhưng tính ù lì cũng tồn tại mạnh mẽ không kém. Nó chỉ mất dần còn với thời gian, nhiều khi rất dài.

Học giả Nguyễn Văn Ngọc có nói về “tính hay bắt chước của người mình”. Thế mà, như một nghịch lý, tính hay bắt chước lại đi kèm với cái đối lập với nó là tính dị ứng với bất cứ cái gì mới.

Hồi ở Nhà Chung mẹ tôi chẳng mấy khi ở nhà - bà bận bán sách báo ở Nam Đồng Thư Xã[2]. Công việc này, mẹ tôi kể, không có lương, nó là nơi tuyên truyền lòng yêu nước của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Phần đông bạn Quốc Dân Đảng của cha mẹ tôi là từ cái thư xã này. Họ mãi mãi là bạn gia đình tôi kể cả khi Đảng Cộng sản coi mọi đảng viên Quốc Dân Đảng và những người dính dáng tới đảng này là kẻ thù, không phân biệt. Trong những năm 1945-1946 đầy biến động của lòng thù hận có căn cứ lẫn không có căn cứ, khi những đảng viên hoặc người bị nghi là đảng viên Quốc Dân Đảng bị truy lùng, gia đình tôi vẫn là địa chỉ tin cậy mà họ có thể tìm đến.

Cha tôi cũng rất bận. Mỗi khi về nhà, ông bế bổng tôi lên, thơm vội vàng vào má tôi một cái rồi lại chúi vào công việc. Rất nhiều năm về sau này tôi mới biết hồi ấy ông làm báo, ra tờ nào bị đóng cửa tờ ấy. Tờ l’Avenir số 1 ra ngày 1/3/1936 chỉ sống được đến 15/8 cùng năm. Không nản chí, ông cho ra tờ Tân Xã Hội. Nó ra mắt ngày 29/9/1936 để bị đóng cửa chỉ sau hai số. Trong nhà tôi còn lại rất lâu con dấu của ban trị sự tờ Tân Xã Hội để lăn lóc trong ngăn kéo gầm tủ giữa đủ thứ đồ tập tàng. Tôi lấy nó ra nghịch, bôi mực vào, rồi đóng lung tung vào mọi chỗ có thể đóng.

Trong căn nhà bé nhỏ ấy bao giờ cũng đông khách. Bạn của cha tôi, bạn của mẹ tôi, hết người này đến người kia, đến rồi đi. Khi khách đến, tôi ngồi vào một góc quan sát họ. Tôi thích ngắm người, thích nghe những giọng nói – một thói quen chẳng biết xấu hay tốt, nó theo tôi suốt đời. Nó chỉ tỏ ra có ích khi tôi bắt đầu cầm lấy cây bút để hí hoáy vẽ bằng chữ hình hài một người nào đó.

Nghe mẹ tôi kể thì bà đã nhiều lần gặp người anh hùng Nguyễn Thái Học ở Nam Đồng Thư Xã. Khi lần giở những trang tạp chí Illustration cho tôi xem những thủ cấp của các anh hùng cuộc khởi nghĩa Yên Bái mắt bà đẫm lệ. Cha tôi cũng quen Nguyễn Thái Học. Nói đến Nguyễn Thái Học, giọng ông trầm xuống, như nói về một bậc đàn anh đáng kính, một tấm gương cho thế hệ ông. Nguyễn Thái Học thường ngủ đêm ở nhà bác Hồng Tế, bạn thân của cha tôi.

Phố Huế (Route de Hué) có hai cửa hiệu có tên Hồng ở đầu – Hồng Khê và Hồng Tế. Nhà Hồng Khê bán thuốc lậu, thuốc giang mai, là cửa hiệu nổi tiếng, nhà Hồng Tế bán tạp hoá lèo tèo ít người biết, nhưng lại hay bị lẫn lộn – nhà Hồng Tế luôn phải chỉ cho những người mua thuốc lậu, thuốc tim la sang nhà Hồng Khê ở bên kia đường.

Tôi không biết tên thật của bác Hồng Tế là gì, mọi người đều gọi ông theo tên cửa hiệu. Một lần, khi tôi đã lớn, đã biết Nguyễn Thái Học là ai, bác Hồng Tế nhân lúc vui chuyện mới chỉ cho tôi chỗ bác Nguyễn Thái Học hay nằm – một cái chiếu điều trải trên sàn xi măng. Bác Hồng Tế nói bác Nguyễn Thái Học không thích nằm giường, bảo nằm đất mát hơn, lại vững hơn. “Sao lại vững hơn, có động đất đâu mà rộn?”, bác Hồng Tế nói. Bác Học cười khì khì: “Càng gần đất bao nhiêu thì càng chắc bấy nhiêu, các cậu ạ, xa đất thì chúng ta chẳng làm nên trò trống gì hết”. Câu nói ý nhị của bác được cha tôi nhắc lại nhiều lần trong những cuộc trò chuyện với bạn bè. Cũng hôm ấy bác Hồng Tế còn tả cho tôi cách bác Học nằm ngủ như thế nào. Ông gần như nằm sấp, chân phải co lên tận ngực. Bác Hồng Tế bảo đấy là cách nằm của hổ.

Nhà bác Hồng Tế là nơi qua lại của nhiều thế hệ cách mạng – cả Quốc Dân Đảng, Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh, cả các thứ Cộng Sản không phân biệt Thanh niên Cách mạng Đồng chí, Tân Việt, hay Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Những người bạn này ăn dầm nằm dề ở nhà bác, nhờ bác giúp đủ mọi việc: đi chắp liên lạc giữa những người lang bạt, lo tiếp tế cho người ở tù, lo chỗ trốn cho người vượt ngục. Như thế, bác Hồng Tế hiển nhiên là người cách mạng, tuy bác chẳng ở trong tổ chức nào. Nhưng khi cách mạng thành công, những người bạn cũ nay có chức quyền lại không thích bác ngồi cùng một mâm với mình. Thế hệ đi sau về trước ngày nay lại càng không chấp nhận những người từng đóng góp hoặc nhiều hoặc ít cho cách mạng là người cách mạng. Trong đời tôi gặp rất nhiều người tham gia cách mạng không được thừa nhận như bác Hồng Tế. Họ đông vô kể. Không có họ thì không có cách mạng nào thành công.

Họ bị gạt ra lề.

Sau năm 1954, có lẽ chán cảnh buôn bán theo những lề luật quá nhiêu khê, khai nhiều, họp nhiều, bác Hồng Tế bỏ cửa hàng phố Huế, dọn về một ngôi nhà nhỏ trong một phố mới lèo tèo vài ngôi nhà nằm trong khu đất thuộc làng Đồng Nhân, gần chùa Hai Bà. Từ chùa Hai Bà có thể thủng thẳng đi theo lối mòn ra chùa Vua qua một bãi hoang đầy cỏ may, cỏ xước. Chùa Vua hoá ra là ngôi chùa chẳng thờ vua nào mà thờ vua cờ Đế Thích trong thần thoại Ấn Độ.

Đến thăm bác Hồng Tế sau chín năm kháng chiến tôi ngạc nhiên thấy trong nhà bác có Vũ Hoàng Địch, người từng ký tên dưới Tuyên ngôn Dạ Đài về thơ cách tân cùng với những thi sĩ ưa phá cách: Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng … Quen anh đã lâu mà tôi không biết anh là con rể bác Hồng Tế. Hà Nội của tôi tưởng to mà thật nhỏ.

Mỗi khi được chị Nhài Hiên hay mẹ tôi dắt ra phố, ấy là khi tôi đã chập chững biết đi, thì cái hông Nhà Thờ Lớn nọ che hết tầm mắt. Trên cái mảng to lớn màu xám xịt của nó chỉ ở đôi chỗ mới loáng thoáng có màu xanh - vài dây leo với những lá bé tí xíu. Ra khỏi hông nhà thờ, tôi phải ngước lên hết mức mới thấy được phần chỏm hai gác chuông và cây Thánh Giá tụt xuống ở giữa. Trên sân nhà thờ sạch bong, chim sẻ ríu rít từng đàn bay lên bay xuống.

Sát nhà tôi có mấy căn sáng nào cũng có hương thắp ngoài cửa. Mùi hương thoang thoảng bay vào tận mọi ngõ ngách. Căn hàng xóm bên phải nhà tôi là nhà một ông phú-lít[3]. Sáng sáng ông này mặc bộ đồ đen, dắt cái xe đạp đen ra khỏi nhà. Đứa con gái bằng tuổi tôi lũn cũn theo sau, mếu máo bám ống quần bố. Ông ta xoa đầu nó rồi leo lên xe đạp, không vội vã đạp đi. Ông phú-lít này chắc làm xa, suốt ngày không thấy về nhà. Ở khu Nhà Chung cả ngày không thấy một bóng phú-lít nào. Dân ở đây không có ai đái đường để mà phạt. Mà không chỉ ở khu Nhà Chung, ở mọi phố đều không thấy phú-lít. Thỉnh thoảng lắm mới thấy một người cũng vận đồ đen y hệt ông phú-lít hàng xóm, thong dong đạp xe, chẳng sục sạo , không soi mói, mặt đơ như tượng.

Phú-lít thời xưa nhàn nhã lắm, không vất vả như công an thời ta. Có lẽ do có quá nhiều cấm đoán – riêng việc cấm tiệt hàng rong, tịch thu, biên phạt, dọn dẹp vỉa hè bị lấn chiếm… cũng đủ làm cho phú lít xã hội chủ nghĩa phải chạy ngược chạy xuôi hết ngày. Hình như người ta nghĩ càng cấm nhiều càng tốt, có thế dân mới biết sợ. Nhà nước không phải là cái để dân yêu. Nó là cái để cho dân sợ.

Ấy đấy, đã tự nhủ chỉ kể lại chuyện xưa thôi, thế mà chuyện nay cứ nhảy bổ vào. Đành kệ, nó muốn nhảy vào thì mặc nó. Nó có cái quyền đương nhiên ấy. Ý nghĩ nó thế, không cản được.

Các nhà trong ngõ thường đóng im ỉm. Chỉ có hai căn cửa ra vào để mở, trên cửa sổ màu nâu khép kín có một cái biển bằng gỗ mộc to bằng cái bảng đen học trò treo hững hờ – ấy là mấy cửa hiệu. Sự buôn bán đồ tạp hoá ở đây chỉ có thế, không phô trương, ai ngó thấy thì vào. Cửa hiệu nào cũng giống cửa hiệu nào - người ta bán dầu hỏa, nước mắm, bánh kẹo và các loại ô mai cho trẻ con. Tôi thích nhất thứ ô mai me hình vuông bọc trong giấy bóng mờ đủ mọi màu. “Cái Nhài Hiên” thỉnh thoảng lén mua cho tôi ăn. Mẹ tôi cấm không cho tôi ăn ô mai vì ăn ô mai tôi sẽ bị sún răng.

Trong dãy nhà này có một căn tôi đặc biệt nhớ vì nó có một con ngựa gỗ sơn xanh đỏ, cao bằng một con chó to đặt xế cửa. Mẹ đã có lần dẫn tôi vào đấy. Một ông lang tóc bạc trắng, búi tó củ hành, đứng trước cái bàn hẹp và nứt nẻ, bên trên có dao cầu, thuyền tán, sau lưng là cái tủ quang dầu cao tới trần với vô số ngăn kéo nhỏ. Căn nhà sực nức mùi thuốc bắc. Không nhìn khách hàng, ông lang thận trọng nhón các vị thuốc từng chút một, khi bỏ vào, khi bớt ra khỏi cái đĩa cân, rồi trút tất cả vào một tờ giấy bản, gói lại thật vuông vắn và khéo léo buộc nó lại bằng một sợi cói. Dân thường ở thành phố hiếm khi tìm đến các “ông đốc”, tức là các bác sĩ Tây học. Cả thành phố chỉ có mấy bác sĩ, lại là bạn hoặc người quen của cha mẹ tôi như các ông Đặng Vũ Hỷ, Đặng Vũ Lạc, Trần Duy Hưng, Hoàng Thuỵ Ba… Thành phố không có nhiều phòng khám của Tây. Có lần tôi được mẹ đưa tới phòng khám nha khoa của người Pháp. Tôi nhớ ông bác sĩ râu ria xồm xoàm ở đây đã cho tôi một cái bạt tai khá mạnh khi tôi thấy ông ta đưa vào miệng mình cái kìm kim loại sáng loáng và tôi bật khóc oà.

Tôi nhớ trong nhà có một cái gương lớn đặt trên cái bàn chân quỳ. Để soi gương tôi phải kiễng chân mới thấy được mặt mình. Đứng bên tôi chỉ nhìn thấy mặt mẹ trong gương. Tôi ước gì mình được nhớn thật nhanh, được cao bằng mẹ, để có thể nhìn thấy tôi trong gương cùng với mẹ. Ngước mắt lên tôi chăm chú ngắm mẹ tôi. Mẹ chậm chạp chải mái tóc dài đến tận eo rồi mới vấn khăn. Bà không vấn vội, mà ngó nghiêng hồi lâu, cho tới khi hài lòng. Những người bạn mẹ tôi cũng vấn khăn y như mẹ tôi, dù tóc nhiều hay ít. Cái độn tóc để vấn khăn làm bằng vải, thả ra nó nằm đuồn đuỗn như con rắn. Tôi đã nhìn thấy xác rắn bị đánh chết trước cửa nhà. Rắn thời bấy giờ nhiều, chúng bò cả vào nhà. Xác rắn, xác chuột bị xe cán bẹp dí trên mặt nhựa. Nắng làm cho chúng khô cong như bánh đa.

Trong tuổi thơ của tôi, thời gian ở ngôi nhà đầu tiên này là thời gian tôi được biết nhiều phố xá Hà Nội nhất. Tôi thường được mẹ cho đi theo đến nhà họ hàng, bè bạn của bà để khoe đứa con đầu lòng. Tôi nhớ Hà Nội như một thành phố thanh bình, với những con người không tất tả, nhớn nhác như Bùi Ngọc Tấn miêu tả thời sau này: “Mặt con người căng thẳng, cứ như thể họ hăm hở đi tìm tiền: nó ở đâu?”

Ký ức về ngôi nhà đầu tiên gắn liền với “Cái Nhài Hiên”. Tôi không biết chị chỉ là người ở, cha mẹ tôi thuê chị trông tôi, và em Phương kế tôi. Chị rất yêu tôi. Trẻ con tinh lắm. Nó nhận ra ngay lập tức tình cảm ở người lớn đối với mình. Người lớn không thể giả vờ trong sự đối xử với trẻ con. Tôi cũng quấn chị vô cùng. Chị ở nhà tôi suốt thời gian ấy, trong ngôi nhà đầu tiên của gia đình tôi. Chị rời nhà tôi ra đi khi nào tôi không nhớ. Hình như khi gia đình tôi chuyển đi tới ngôi nhà thứ hai ở phố Nhà Rượu.

Rất nhiều năm sau, gia đình tôi trải qua mấy lần chuyển nhà, tôi mới gặp lại chị. Không hiểu bằng cách nào chị tìm được nhà tôi, chắc là khó khăn lắm. Tôi đi làm về thì thấy mẹ tôi đang vồn vã trò chuyện với một người đàn bà nhà quê về già. “Chị Nhài Hiên đấy”, mẹ tôi nói. Tôi nhìn người đàn bà xa lạ, thân hình thấp bé, gương mặt thuần phác hằn những nếp nhăn khắc khổ. Không còn một nét nào của “Cái Nhài Hiên” mà tôi nhớ. Người đàn bà nọ đặt tay lên vai tôi, đôi mắt mờ đục rõi vào mặt tôi hồi lâu như cố hình dung ra đứa bé ngày xưa bà từng ẵm trên tay, rồi nói khẽ, như tự nhắc mình : “Ra cậu Hiên đây”. Tôi không biết nói gì với chị, những kỷ niệm xưa không trở lại với tôi ngay lập tức, dù bàn tay đặt run run trên vai tôi nói với tôi rằng cuộc gặp lại thằng bé chị từng bồng trong tay làm chị xúc động. Tôi bối rối gỡ tay chị ra và đặt vào đấy một số tiền nhỏ thay cho một biểu hiện tình cảm lẽ ra phải có. “Cái Nhài Hiên” nhìn mấy đồng tiền trong bàn tay và từ mắt chị lăn ra một giọt lệ đục.

Chẳng bao giờ tôi còn gặp lại “cái Nhài Hiên” nữa. Tôi ước được gặp lại chị lần nữa, nhưng vô vọng. Chị đến rồi đi, không để lại dấu vết.

Tôi không có nhiều kỷ niệm với căn nhà ở phố Nhà Chung. Nhưng trong trí nhớ của tôi, nó để lại nhiều ấn tượng, cho dù khi ở đấy tôi còn quá bé bỏng.

Rồi tôi có em gái đầu tiên. Tôi lẫm chẫm đến bên cái nôi từng là của tôi. Em tôi không hay khóc. “Cái Nhài Hiên” cho nó bú bình sữa. Cứ ăn xong là nó ngủ. Ngoan lắm. Tôi thích nhìn nó ngủ mắt he hé như vẫn nhìn thấy tôi. Tôi đút ngón trỏ vào miệng nó. Nó lập tức nún ngón tay tôi như bú. Rồi đờ ra, ngủ tiếp.





[1] Tòa sứ là tên thường gọi Phủ Thống sứ, Sở dây thép là cơ quan bưu điện.

[2] Nam Đồng Thư xã là một tiệm sách và cơ sở ấn loát thành lập năm 1925 chủ trương chống lại chế độ bảo hộ. Địa điểm của tiệm sách này là ở gần bờ hồ Trúc Bạch mang số 6, đường 96 đối diện chùa Châu Long Hà Nội. Bốn người đóng góp nòng cốt của Nam Đồng Thư xã là Phó Đức Chính, Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, và Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống), sau thêm Hồ Văn Mịch. Nam Đồng Thư xã đã xuất bản những cuốn như Gương thiếu niên Trưng nữ Vương diễn nghĩa để kích động lòng yêu nước của dân Việt. Ngoài ra Nam Đồng Thư xã còn phổ biến những sách mang nội dung chính trị, nhất là tư tưởng quốc gia và thuyết "Tam Dân" của Tôn Dật Tiên. Các ấn phẩm này thường bị nhà chức trách tịch thu.

[3] Phú lít là cách gọi dân dã chỉ cảnh sát, từ tiếng Pháp police.