Trung Quốc đang trên đường thua Mỹ
trong cuộc "Chiến tranh Lạnh" với Mỹ, vì không thừa nhận và không sửa
sai từ hai bài học từng khiến Liên Xô sụp đổ: quản lý kinh tế kém và ôm mộng
vươn tầm bá chủ.
Đó là nội dung chính trong góc nhìn của ông Bùi Mẫn Hân, Giáo sư
về quản trị chính quyền thuộc Đại học Claremont McKenna (Mỹ) đăng trên
báo Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP)
ngày 8.9.
“Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Trung Quốc muốn tìm hiểu vì sao.
Một tổ chức nghiên cứu thuộc chính phủ được giao nhiệm vụ, đã qui trách nhiệm
cho Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, người chủ trương đổi mới nhưng không
đủ cứng rắn để duy trì Liên Xô.
Nhưng lãnh đạo Trung Quốc cũng nêu rõ các yếu tố quan trọng
khác, mà ngày nay xem ra lãnh đạo Trung Quốc không lưu ý.
Bài học thứ nhất: quản lý kinh tế kém mà chạy đua vũ trang
Thoạt nhìn, có vẻ Trung Quốc không thật sự lao vào chạy đua vũ
trang với Mỹ. Mức chi quốc phòng chính thức năm 2018 của Trung Quốc khoảng 175
tỉ USD, chỉ bằng ¼ so với mức chi quốc phòng Mỹ là 700 tỉ USD đã được Quốc hội
Mỹ thông qua.
Nhưng khoản chi quân sự thực sự của Trung Quốc được ước tính cao
hơn mức chi quốc phòng chính thức. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế
Stockholm (SIPRI), Bắc Kinh chi 228 tỉ USD cho quân sự năm 2017, tức cao hơn
mức chi chính thức khoảng 150% (150 tỉ USD).
Vấn đề chính không phải khoản tiền chi mua súng, mà là việc
Trung Quốc liên tiếp tăng chi quân sự, có nghĩa ngầm nước này đã chuẩn bị nhảy
vào một cuộc chiến tranh tiêu hao với Mỹ.
Nhưng kinh tế Trung Quốc chưa được trang bị đủ để tạo nguồn lực
đủ ủng hộ mức chi cần có để thắng cuộc chiến này. Nếu Trung Quốc có mô hình
tăng trưởng bền vững, đi kèm là một nền kinh tế hiệu quả, thì Trung Quốc có thể
chịu đựng một cuộc chạy đua vũ trang khiêm tốn với Mỹ.
Nhưng Trung Quốc không hề có gì cả. Ở tầm vĩ mô, sức tăng trưởng
của Trung Quốc nhiều khả năng tiếp tục suy giảm, vì dân số lão hóa nhanh, mức
nợ cao và cuộc chiến thương mại leo thang do Mỹ phát động.
Tất cả những điều trên có nghĩa hút cạn nguồn lực bị hạn chế của
Trung Quốc. Ví dụ tỉ lệ người già lệ thuộc tăng lên, chi phí y tế và trợ cấp
tăng theo. Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc chưa thể bì về hiệu quả so với kinh tế
Liên Xô, thì không thể gần đạt hiệu quả như kinh tế Mỹ.
Lý do chính của việc này, chính là tình trạng ăn bám kéo dài của
các công ty, xí nghiệp nhà nước Trung Quốc. Họ “ngốn” một nửa tổng quỹ tín dụng
của cả nước, nhưng chỉ đóng góp 20% vào giá trị kinh tế và việc làm.
Nếu điều này không thay đổi thì sẽ rất nguy hiểm. Vì khi nào
chúng vẫn không hoạt động hiệu quả thì chúng tiếp tục hút cạn nguồn lực của nền
kinh tế, thì càng không thể duy trì cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, và càng
thách thức nền tảng tạo trật tự xã hội thời gian qua.
Bài học thứ hai: Trung Quốc phải tránh mục tiêu vươn tầm bá chủ
Khoảng 10 năm trước, khi tình trạng thâm thủng thương mại khổng
lồ đem đến sự dư thừa ngoại tệ, chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện những
hoạt động tốn kém và trợ giúp các “đồng minh” ăn bám.
Ví dụ điển hình là chương trình Vành đai và con đường (BRI) trị
giá 1 ngàn tỉ USD, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Bất chấp các dấu hiệu rắc rối ban đầu, Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy BRI, khi
lãnh đạo nước này xác lập đó là “cột trụ trong đại chiến lược” mới.
Các sai lầm lớn của kế hoạch vươn tầm bá chủ, chính là việc
Trung Quốc hào phóng giúp đỡ các nước-từ Campuchia, Venezuela đến Nga-mà không
nhận lại được gì nhiều.
Theo dữ liệu của Đại học William & Mary ở bang Virginia
(Mỹ), từ năm 2000 đến 2014, các nước Bờ Biển Ngà, Campuchia, Cuba, Ethiopia và
Zimbabwe đã nhận 24,4 tỉ USD, là tiền vay của Trung Quốc.
Cùng giai đoạn trên, Angola, Lào, Pakistan, Nga, Turkmenistan và
Venezuela nhận 98,2 tỉ USD vay của Trung Quốc.
Mới đây, Bắc Kinh hứa cấp số tiền vay 62 tỉ USD cho “Hành lang
Kinh tế Trung Quốc-Pakistan”. Chương trình này sẽ giúp Pakistan giải quyết cuộc
khủng hoảng tài chính, nhưng cũng hút cạn tiền trong két sắt của Bắc Kinh, vào
lúc chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang đe dọa khả năng bơm đầy tiền trở lại vào
két.
Như Liên Xô trước đây, Trung Quốc vung tiền cho vài nước bạn,
chỉ hưởng chút lợi trong khi càng dính sâu vào một cuộc chạy đua vũ trang không
bền vững. Cuộc “Chiến tranh Lạnh” Mỹ-Trung chỉ mới bắt đầu, nhưng Trung Quốc đã
trên đường thua”.
Vĩnh Thụy (lược dịch theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)
https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/hai-nguy-co-khien-trung-quoc-de-lanh-hau-qua-trong-chien-tranh-lanh-voi-my-96245.html