02 janvier 2019

10 biến cố chính của Việt Nam trong năm 2018


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ để nắm thêm cả chức Chủ tịch nước, 23/10/2018

1. Nhất thể hóa tổng bí thư - chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời
Sau khoảng 4 thập niên, Việt Nam lại có một lãnh tụ nắm cả hai vị trí cao nhất của đảng và nhà nước cùng một lúc.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước hôm 23/10, ngay sau cuộc bỏ phiếu mang tính chất thủ tục của Quốc hội để hợp thức hóa đề cử do Ban Chấp hành Trung ương đưa ra trước đó 20 ngày.


Việc Tổng Bí thư Trọng nắm thêm cả chức chủ tịch nước sau khi người tiền nhiệm Trần Đại Quang qua đời vì trọng bệnh được giới phân tích cho rằng sẽ giúp ông Trọng củng cố kiểm soát quyền lực, chuẩn bị cho đại hội đảng năm 2021.

Thông tin từ các nguồn khác nhau trong và ngoài nước nói ông Trần Đại Quang dính líu đến một số tiêu cực nghiêm trọng, bao gồm cả việc bổ nhiệm hàng loạt các tướng tá. Ngoài ra, ông Quang cũng bị xem là một “đối thủ” của ông Trọng.

Trong hệ thống chính trị Việt Nam, người đứng đầu Đảng Cộng sản có thực quyền lãnh đạo lớn nhất. Do vậy, theo giới phân tích, khi Tổng Bí thư Trọng giờ đây cũng giữ chức chủ tịch nước, điều đó cũng đồng nghĩa rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng do ông Trọng đứng đầu càng được đẩy mạnh.

Trên báo chí chính thống, nhiều người bày tỏ họ “rất kỳ vọng” là sau khi ông Trọng đã tập trung được quyền lực, nhà lãnh đạo này sẽ có thể làm cho tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Việt Nam “ngày càng tốt, ổn định hơn”.

2. ‘Chiến dịch đốt lò’ tăng nhiệt, hàng loạt quan chức ‘ngã ngựa’

Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thành ủy Tp. HCM. Photo: VietnamNet


Một năm sau khi ông Đinh La Thăng, nhân vật từng được mệnh danh là “ngôi sao đang lên” và người được coi là “đàn em”, ông Trịnh Xuân Thanh, “ngã ngựa” vì sai phạm thời còn làm trong ngành dầu khí Việt Nam, một loạt quan chức, cả hồi hưu lẫn đương chức, cũng đi theo vết xe đổ.

2018 đánh dấu việc nhiều tướng công an, quân đội bị kỷ luật, và thậm chí vướng vào vòng lao lý như án tù 9 năm của cựu Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh vì dính líu tới “vụ đánh bạc triệu đô”.

Mới nhất, ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng và Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM, hôm 26/12 đã bị cách chức vì các “khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng” quanh việc xây dựng 4 con đường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong một diễn biến cho thấy việc xử lý các sai phạm, mà nhiều người gọi là “chiến dịch đốt lò”, do Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, vốn giống với chính sách “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ còn nóng lên trong năm 2019, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam được dẫn lời cho rằng vụ ông Cang là "bài học sâu sắc" và rằng việc xử lý sẽ không có “vùng cấm”.

Hồi giữa năm, hàng chục người, trong đó có các đảng viên và học giả, đã công bố thư ngỏ, yêu cầu ông Trọng “công khai tài sản” để “làm gương”. Nhưng tới nay, vẫn chưa thấy động tĩnh nào từ nhà lãnh đạo 74 tuổi.

3. Phản đối dự luật đặc khu dẫn đến bạo động lớn, hàng chục người bị bỏ tù
Cảnh sát và người biểu tình đối mặt nhau trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận, 11/6/2018




Quốc hội Việt Nam gác lại dường như vô thời hạn dự luật đặc khu sau khi nổ ra sự phản đối quyết liệt và kéo dài từ công chúng cả trên mạng lẫn ngoài đời thực đối với dự luật.

Có tên đầy đủ là Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế Đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dự luật đã trở thành tâm điểm của cơn bão chỉ trích, lên án hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6, vì nó chứa đựng các điều khoản cho người nước ngoài thuê đất gần một thế kỷ.

Nhiều người phẫn nộ cho rằng làm như vậy không khác gì hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến. Họ cũng cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.

Đỉnh điểm của làn sóng phản đối là các cuộc biểu tình ở nhiều địa phương, kể cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/6. Riêng tại tỉnh Bình Thuận, biểu tình đã trở thành bạo loạn trong hai ngày, làm tê liệt một tuyến quốc lộ và một số trụ sở chính quyền bị đốt phá.

Ngoài phản đối dự luật đặc khu, nhiều người cũng phản đối dự luật an ninh mạng sắp thông qua ở thời điểm đó.

Hơn 100 người đã bị bắt trong sự kiện này. Đến tháng 11, hơn 60 người bị tòa án tỉnh kết án tù từ 2 đến 3,5 năm tù mỗi người cho hành vi “gây rối trật tự công cộng”.

4. Bất chấp vô số phản đối, Luật An ninh mạng vẫn được thông qua
 
Các trí thức Việt Nam phản đối Luật An ninh mạng. Photo Goc nhin Thoi dai




Bất chấp phản đối của người dân trong nước và ở hải ngoại, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng ngày 12/6 với sự ủng hộ của hầu hết các đại biểu tham gia biểu quyết.

Bộ luật, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, được cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang ban hành hôm 28/6 và bắt đầu có hiệu lực ngày 1/1/2019.

Bộ luật mới, được coi là một bản sao không có sự thay đổi nào từ Luật An ninh mạng của Trung Quốc, đã và đang bị phê phán rộng rãi ở cả trong và ngoài nước Việt Nam.

Gần 70.000 người đã ký vào thỉnh nguyện thư trên mạng đề nghị chính phủ Việt Nam hoãn thi hành và sửa đổi. Nhiều chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế lên tiếng chỉ trích bộ luật này khi cho rằng nó là công cụ giúp nhà cầm quyền hạn chế quyền tự do biểu đạt trên mạng.

Hồi tháng 6, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố để phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo luật đặc khu. Đến tháng 11, có ít nhất là 127 người bị xử có tội vì tham gia biểu tình. Các mức án dao động từ vài tháng tù treo cho đến năm năm tù giam.

5. Giới hoạt động chịu các mức án nặng hơn; một số tù nhân lương tâm bị trục xuất


Nhà hoạt động Lê Đình Lượng tại phiên tòa ở Nghệ An ngày 16/8/2018. Photo: Báo Nghệ An


Năm 2018 chứng kiến nhiều vụ xử án tù nặng hơn trước đối với các nhà hoạt động ở Việt Nam, cùng lúc, trong số họ, một số được quốc tế vinh danh.

The 88 Project, tổ chức ở Mỹ, cho biết 103 nhà hoạt động bị bắt, 120 nhà hoạt động bị xử án tù trong năm. Trong đó, 11 người bị án tù từ 10 đến 14 năm, có hai người bị kết án 15 đến 19 năm tù, riêng ông Lê Đình Lượng ở Nghệ An bị 20 năm tù.

Theo tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, Việt Nam kết án 39 nhà hoạt động, với tổng mức án lên đến 294,5 năm tù.

Tuy nhiên, trong năm, 3 nhà hoạt động được trả tự do với điều kiện phải sống lưu vong ở nước ngoài, là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm; luật sư Nguyễn Văn Đài, và cộng sự Lê Thu Hà.

Mẹ Nấm đến định cư tại bang Texas, Mỹ, và được Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) trao giải Tự do Báo chí Quốc tế. Nữ blogger nói rằng “sẽ không lặng thinh” mà sẽ tiếp tục lên tiếng để thế giới biết đến nhiều hơn tình trạng vi phạm nhân quyền, tự do báo chí tại Việt Nam.

6. Khiếu kiện ở Thủ Thiêm: Ánh sáng cuối đường hầm
Vụ Thủ Thiêm: Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân



Vụ khiếu kiện kéo dài hơn 10 năm của người dân bị cưỡng chế thu hồi đất ở bán đảo Thủ Thiêm cuối cùng cũng được hồi đáp phần nào, với bản kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai sót trong việc thực thi dự án Khu đô thị Mới, cùng với việc ông Tất Thành Cang, một trong những nhân vật chủ chốt chỉ đạo dự án, bị khai trừ ra khỏi Trung ương Đảng và bị cách chức phó bí thư thường trực Thành ủy.

Sau khi có kết luận của Thanh tra, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, từ cấp cao nhất là Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, đã có các cuộc tiếp xúc với người dân bị ảnh hưởng và đưa ra lời xin lỗi công khai.

Kết luận của Thanh tra cho rằng phần 4,3 ha đất thuộc Phường Bình An, Quận 2, không nằm trong phạm vi quy hoạch đã được thủ tướng phê duyệt, do đó việc cưỡng chế thu hồi đất ở đây là ‘chưa đủ cơ sở pháp lý’. Đây là một trong những vấn đề bức xúc nhất của người dân khiếu kiện ở Thủ Thiêm.

Kết quả này quy trách nhiệm cho chính quyền thành phố (quy hoạch Thủ Thiêm được thông qua dưới thời Bí thư Lê Thanh Hải) và yêu cầu ‘xử lý nghiêm’ những cá nhân có liên quan.

Kể từ khi được thông qua, dự án Thủ Thiêm đã đẩy hàng ngàn hộ mất nhà cửa, hàng ngàn gia đình tan nát, ly tán, con cái dở dang chuyện học hành, thậm chí dẫn đến một số vụ tự tử và hàng loạt vụ khiếu kiện kéo dài từ địa phương ra tới trung ương.

7. Đối mặt kỷ luật, GS. Chu Hảo tuyên bố tự bỏ đảng, được nhiều người hưởng ứng


Từ trái sang, Nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, giáo sư Chu Hảo. Photo Facebook Nguyen Xuan Dien

Từ trước đến nay, Việt Nam chưa bao giờ xuất hiện làn sóng thoái đảng như vụ Giáo sư Chu Hảo tự tuyên bố bỏ đảng và sau đó ông bị Trung ương Đảng khai trừ.

Từ trước đến nay, Việt Nam chưa bao giờ xuất hiện làn sóng thoái đảng như vụ Giáo sư Chu Hảo tự tuyên bố bỏ đảng và sau đó ông bị Trung ương Đảng khai trừ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói việc khai trừ ông Hảo là biện pháp cần thiết để chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” gây nguy hại cho an ninh chính trị đất nước, và hình thức kỉ luật này là để “cứu muôn người”.

Hồi tháng 10, sau khi vị giáo sư từng là Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ bị đề nghị kỷ luật, hàng chục các trí thức, cựu quan chức chính quyền khác đã tuyên bố thoái đảng để phản đối.

Ông Hảo tố rằng chính đảng mà ông từng là thành viên “không có tính chính danh, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại”.

Trong một thư ngỏ gửi cho ông Trọng, một nhóm 81 học giả và các nhà nghiên cứu từ 10 quốc gia đã lên tiếng ủng hộ ông Chu Hảo, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức, và bày tỏ lo ngại về việc nhà chức trách Việt Nam ngăn cấm xuất bản những tác phẩm học thuật mà họ nói là “nền tảng của nghiên cứu và tư duy hiện đại trong ngành khoa học xã hội và nhân văn”.

8. Hiệp định TPP hồi sinh, CPTPP sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019
 
Đại diện 11 thành viên CPTPP tại một buổi lễ hồi tháng 3/2018



Việt Nam là một trong số 11 thành viên ký kết CPTPP, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, vào tháng 3/2018, và là nước thứ 7 phê chuẩn hiệp định này vào tháng 11 cùng năm. Hiệp định còn được gọi là TPP-11 sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019.

Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi TPP ban đầu gồm 12 thành viên vào tháng 11/2017.

Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson dự báo CPTPP sẽ giúp các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP trước năm 2030. GDP của Nhật, New Zealand, Úc, Canada, Mexico và Chile sẽ tăng khoảng 1%.

Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP với thế mạnh về xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, hải sản và các sản phẩm nông nghiệp.

Trên bình diện thế giới, CPTPP mang ý nghĩa quan trọng vì hiệp định này hối thúc đầu tư và cổ vũ cho tự do thương mại trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có chiều hướng gia tăng.

CPTPP còn quan trọng về mặt địa-chiến lược trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách tăng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực.

Một khi có hiệu lực và chứng minh được tiềm năng của nó, CPTPP có thể được mở rộng để đón nhận thành viên mới. Các nước thành viên cũng nuôi ý định thuyết phục Hoa Kỳ trở lại gia nhập CPTPP.

9. Hàng nghìn người gốc Việt ở Mỹ đối mặt nguy cơ trục xuất
Nhiều người gốc Việt đang "chờ" bị trục xuất trong các trung tâm tạm giam của Mỹ




Ít lâu sau khi nói “vui” và “tự hào” vì chính quyền của Tổng thống Donald Trump “âm thầm ngưng trục xuất người tị nạn gốc Việt tới Hoa Kỳ trước năm 1995”, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius, tuyên bố đồng tình với ý kiến của cựu Ngoại trưởng John Kerry, coi kế hoạch đưa hàng nghìn người Việt sống ở Mỹ về nước là hành động “đáng khinh”.

Một hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008 “không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995”, ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trao đổi với VOA tiếng Việt, cựu quan chức ngoại giao có nhiều duyên nợ với Việt Nam “vẫn tin rằng người dân Mỹ không ủng hộ việc trục xuất những người tị nạn từng chiến đấu cạnh các binh sĩ Hoa Kỳ trong những năm 60 và 70 ở Việt Nam, cũng như con cái của các lính Mỹ”.

Trong khi đó, Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác nhận rằng “5.000 người gốc Việt phạm pháp hình sự ở Mỹ, không phải là công dân Hoa Kỳ, đã nhận được quyết định bị trục xuất cuối cùng”.

Ông Osius cho rằng bước đi của chính quyền của ông Trump “sẽ gây tổn hại lòng tin đã dày công gây dựng với Việt Nam”.

Hiện chưa rõ Washington sắp tới sẽ xúc tiến kế hoạch ra sao, sau khi vấp phải phản đối của nhiều nhà lập pháp Mỹ cũng như các cuộc biểu tình của cộng đồng người gốc Việt.

10. Việt Nam đạt ngôi Á quân AFC, giành chức vô địch AFF cup
Các cầu thủ mừng việc giành chức vô địch với HLV Park Hang Seo





Năm 2018 được coi là một năm thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam khi đội tuyển trẻ quốc gia lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết Cúp bóng đá châu Á và sau đó đội tuyển quốc gia giành cúp vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên sau 10 năm.

Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Hàn Quốc, Park Hang-seo, đội tuyển bóng đá Việt Nam được coi là “mạnh hơn bao giờ hết” so với những đội tuyển từng được các huấn luyện viên ngoại dẫn dắt trước đây.

Với thành tích vô địch AFF Cup 2018 sau khi đánh bại Malaysia 3-2 ở hai trận chung kết lượt đi và về, đội Việt Nam đã lập kỷ lục chuỗi bất bại dài nhất thế giới. Với 16 trận không thua trong gần 2 năm qua, Việt Nam vượt qua đương kim vô địch World Cup Pháp để sở hữu danh hiệu này.
Cũng với thành tích vô địch giải Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục đứng vững trong Top 100 của bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA, trên tất cả các quốc gia Đông Nam Á khác.

  VOA Tiếng Việt