17 janvier 2019

NGƯỢC NGUỒN CHỮ VIỆT (Kỳ cuối)



Bút ký của nhà văn Hoàng Minh Tường, một thành viên của đoàn nguời Việt Nam sang Ba Tư đặt bia tri ân cha Alexandre de Rhodes, người đã có đóng góp to lớn cho sự ra đời của chữ Quốc Ngữ
__________________________________________________

... Giã từ Persepolis, chúng tôi đi dọc đường cao tốc qua trùng trùng núi cằn và hoang mạc, lên Isfahan. Bây giờ thì chúng tôi toàn tâm toàn ý cho hai ngày trọng đại sắp tới. Thùng xe biến thành phòng tập hợp xướng. Từ lúc nào “ nhạc trưởng” Nguyễn Trọng Tiến đã in sẵn cho mỗi người một bản lời bài “Tình ca” của nhạc sỹ Phạm Duy.
“ Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi.
Mẹ hiền ru những câu xa vời. À ơi, tiếng ru muôn đời…”

Hai mươi con người, người già nhất 77, người trẻ nhất là con trai nữ bác sĩ Nhữ Phương, chàng sinh viên mới ra trường Trương Hoàng Nhân, 24 tuổi, ai cũng rưng rưng nghĩ về quê mẹ Việt Nam, cùng bật ra từ trái tim những lời thổn thức.
“… Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành…”
“… Tấm áo nâu, những mẹ quê chỉ biết cần lao.
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi.
Tấm áo nâu, rướn mình đi từ cõi rừng cao.
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi…”.

... Ở Isfahan, chúng tôi có một ngày chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại. Đoàn có thêm ông Hojat, bà vợ và hai con trai Emad và Moin.

...Phiến đá bia tưởng niệm từ Quảng Nam, kết tinh hồn sông núi, máu xương xứ Việt đã theo đường không, đường bộ chục ngàn cây số, được các chàng trai, được trưởng đoàn Nguyễn Đăng Hưng và lần lượt từng thành viên trong đoàn, rồi cả gia đình vợ chồng và hai con trai ông Hojat, cả mấy người quản trang, cùng ghé tay chuyển đến phần mộ, để lắp đặt đúng vị trí như đã trù định. Ngôi mộ đá mấy trăm năm bị lãng quên, tưởng như bỗng có linh hồn, như một thỏi nam châm, có sức hút và sự liên kết tâm linh kỳ lạ. Ai cũng muốn được chạm tay, được có một tấm hình, có người lặng lẽ gói một nắm cát… Người nằm dưới ngôi mộ đá kia dường như chính là tổ tiên, dòng tộc của nhóm người Việt đột ngột xuất hiện ở nghĩa trang này. Ông là một người Việt tha hương, một người mang dòng máu, tâm hồn Việt, từng và đang ký gửi lại cho họ một thứ gì đó, như báu vật, như khế ước, như hương hỏa…

... Rồi buổi sáng ngày 5 tháng 11 cũng đến. Trời trong và se lạnh. Nhiệt độ ngoài trời 12 độ C, rất hợp với một nghi lễ trọng đại. Trưởng đoàn Nguyễn Đăng Hưng vận sắc phục truyền thống, khăn đóng, áo gấm màu vàng ngà. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Tâm quốc phục nhiễu tam giang. Những đàn ông khác đều vận comple như các chú rể trước lễ rước dâu. Rồi tám nàng tiên Việt trong bộ áo dài truyền thống đủ màu sắc đột ngột xuất hiện cùng tám chiếc nón lá xứ Huế mộng mơ, khiến mấy cô gái khăn trùm đen ở phòng lễ tân mắt đã to đen càng mở lớn hơn nữa. Và các chàng trai râu rậm bản xứ thì như bị hút hồn...

Nhằm giữa giờ Tỵ (10h), buổi đại lễ đặt bia tưởng niệm tác giả hai bộ sách “Dictionarium Annamiticum - Lusitanum ed Latinum “, “Phép giảng tám ngày” ,nhân ngày giỗ ông đã được khởi sự với sự tham dự của các ngài đại diện chính quyền thành phố Isfahan, đại diện nhà thờ cộng đồng Acrmenia, các vị quản trang.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, viện trưởng Viện vinh danh chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, trưởng đoàn, đọc bài diễn từ nói lên công lao Linh mục Alecxandre de Rhodes với sự hình thành chữ Quốc ngữ và sự tri ân của các thế hệ người Việt. Tiếp đó là phát biểu của các quan chức thành phố, của đại diện nhà thờ Kito giáo của người Armenia, phát biểu của tiến sỹ lịch sử Nguyễn Thị Hậu, phát biểu của người viết bài này, ký giả tự nhận của đoàn hành hương. Vất vả nhất là hai ông phó nháy Nguyễn Đình Toán và Nguyễn Văn Tâm, chạy như con thoi, phủ phục các góc để chọn góc máy và ánh sáng đẹp nhất. Đặc biệt là nhà quay phim trẻ Huỳnh Văn Truyền. Trước khi đi anh đã chuẩn bị một máy flycam xịn để quay từ trên cao, nhưng khi biết bạn không cho phép, đành thay đổi phương án, kỳ công tìm chỗ đặt ba chân máy quay cho ba vị trí, nhờ Emad giữ máy cố định, còn anh sử dụng chiếc máy chuyên dụng liên tục chạy chỗ không để lỡ một cảnh quay đắt giá nào. Những thước phim và những hình ảnh độc nhất vô nhị này sẽ là kho báu cho một bộ phim tư liệu đặc biệt.

Khi tấm lụa trắng có hình trống đồng nước Việt phủ mộ được tám kiều nữ, áo dài Việt, nón lá tinh khôi, mở ra, tấm đá hoa cương có hình Cha Alexandre de Rhodes bừng sáng dưới nắng rực rỡ, nhạc nền bài “Tình ca” từ băng đĩa ngân lên, dàn đồng ca hai mươi người cùng ngân vang những âm thanh Việt: “ Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi…Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buốn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…” Những ngấn lệ nhòe giữa câu hát. Mỗi người vừa hát vừa chầm chậm bước lên, đặt một bông hoa hồng, màu đỏ, màu vàng, màu xanh thành ba dòng màu dọc mộ. Cả vợ chồng và hai con trai ông Hojat, cả những người bạn Iran cũng cất lời hát theo và cầm hoa đặt lên mộ.

...Có cảm giác như có một vầng mây lành sà xuống, cuốn làn khói hương bay lên. Hẳn người nằm dưới mộ đang biết có một nhóm người Việt đến với ông. Họ đã không quên ông dù đã ba trăm năm mươi tám năm trời…Tôi đứng lặng rất lâu và như có một dòng thời gian với những loạt phim mờ chồng đứt nối, từ xa xưa cuộn lướt trong đầu, tạo nên muôn vàn tình huống, muôn vàn giả định...

Từ nay có những dòng chữ Việt, lưu khắc nơi đây: “ Chữ Việt còn, Tiếng Việt còn, Nước Việt còn”...


(Isfahan, Iran 5/11

Vũng Tàu,Hà Nội, 12/2018)