Thời gian trước đây, có những lệnh miệng từ bên trên cấm báo chí đề cập đến
tội ác man rợ của quân Trung Quốc sát hại đồng bào ta và sự chiến đấu hy sinh
anh dũng của chiến sĩ ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ biên giới phía
bắc. Chuyện này gây bức xúc lớn trong dân chúng và những người làm báo. Sự bức
xúc đó là chính đáng. Nhưng không có ai chịu trách nhiệm về những lệnh miệng
đó, bởi vậy cho đến ngày nay dù những lệnh miệng như vậy không còn nữa, nhưng
dư âm vẫn còn rất nặng nề.
Có thể đây xuất phát từ thỏa thuận giữa lãnh đạo hai Đảng cầm quyền Việt
Nam - Trung Quốc nhằm “gác lại quá khứ hướng tới tương lai”, coi đó là một
trong những điều kiện để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Tôi chỉ suy
đoán thôi chứ không biết chính xác, vì không thấy ai giải thích. Khác với nước
Mỹ không “quản lý” truyền thông, khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam không
có điều kiện “cấm nói” (mà dù có cấm cũng không khả thi), còn truyền thông của
Việt Nam và Trung Quốc có lẽ do được “quản lý” nên mới có thỏa thuận đó.
Việt Nam luôn muốn có hòa bình để người dân an cư lạc nghiệp phát triển đất
nước. Bởi vậy trong lịch sử, dù nhiều lần chúng ta thắng ngoại xâm, nhưng từ
các vua Trần đến hoàng đế Quang Trung đều mềm dẻo nhân nhượng tới cùng trước
khi đánh, sau khi đánh thắng vẫn tiếp tục nhân nhượng để giữ hòa bình. Các bậc
minh quân không lấy xương máu của dân để tô vẽ cho hình ảnh của mình. Lịch sử
nếu có lặp lại thì cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cha ông ta có một nguyên tắc :
vua có thể hạ mình chịu nhục để giữ yên bờ cõi mà không tiêu tốn máu dân, nhưng
không để cho tướng sĩ và dân chịu nhục.
Đọc Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo : “Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra
phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan, lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh
ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình, đem tấm thân
dê chó mà khinh rẻ tể phụ…”, chúng ta thấy vua Trần đã nhẫn nhục như thế nào.
Nhưng không phải vì vậy mà triều đình làm cho nước cho dân bị nhục. Trần Hưng
Đạo đã phải nghiêm khắc với các tướng sĩ : “Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà
không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng
hầu quân man mà không biết tức, nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không
biết căm”.
Ngày nay lãnh đạo quốc gia không đến mức phải chịu nhục như vậy. Và tôi
không thể biết cụ thể lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận những chi tiết cụ thể gì
trong việc “gác lại quá khứ” này, nhưng nếu có thì tôi nghĩ lãnh đạo chỉ cần
không phát ngôn trên các cơ quan truyền thông là đủ, sao lại chặn nỗi căm tức
của tướng sĩ và của nhân dân trong khi sự uy hiếp của Trung Quốc đối với biển
đảo nước ta vẫn đang còn đó ? Ai cẩu thả ra những lệnh miệng như thế đúng là
“nhìn chủ nhục mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn”.
Tôi nói cẩu thả là có bằng chứng, vì sau này không còn những lệnh miệng như
thế và hiện nay Ban Tuyên giáo vẫn có kế hoạch tuyên truyền về cuộc chiến đấu
bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979 mà đâu có ảnh hưởng gì đến quan hệ bình
thường với Trung Quốc.
Câu chuyện nay đã thuộc về quá khứ. Những lệnh miệng là vô bằng vô chứng.
Nhắc lại để những người từng ra lệnh miệng như thế nếu còn sống phải biết thẹn
phải biết nhục và những nhà lãnh đạo hiện tại không để lặp lại sự cẩu thả trong
tương lai. Nước vẫn chưa yên, coi nhẹ máu xương thì khi giặc đến ai có thể hăng
hái cầm súng đi đánh giặc ?
HOÀNG HẢI VÂN