Xuân Dương
Hơn ba năm trước trong bài “Đâu là tế bào gốc của xã hội “nhóm lợi ích”?” người viết đã đề cập
đến “Tế bào Quan – Doanh”, đây là tế bào gốc tạo nên “Xã hội nhóm lợi ích”.[1]
Trong khi chúng ta đã quen với khái niệm “Xã hội xã hội chủ nghĩa” hoặc “Xã
hội tư bản chủ nghĩa” thì khái niệm “Xã hội nhóm lợi ích” có vẻ hơi lạc lõng và
không hoàn chỉnh nếu xét theo khía cạnh triết học.
Người Việt dễ dàng chấp nhận khái niệm “Xã hội đen” bởi ai cũng nhận thấy
tác động trực tiếp của “xã hội” này đến cuộc sống thường nhật của mỗi gia đình.
Khái niệm “Xã hội nhóm lợi ích” có thể chưa được đồng cảm, tuy nhiên nếu
xét về tầm tác động thì “Xã hội nhóm lợi ích” cao hơn hẳn “Xã hội đen” bởi nó
liên quan đến thượng tầng, đến đường lối, chính sách chứ không chỉ trực tiếp
đến dân chúng.
Ảnh biếm hoạ trên laodong.com.vn |
Các nhà lý luận cho rằng “Nhóm lợi ích” không hẳn là xấu bởi thế giới coi “Nhóm lợi ích” là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một
mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách sử dụng các
hình thức tuyên truyền vận động để tác động đến dư luận hoặc chính sách của
chính phủ”. [2]
Tuy nhiên ở Việt Nam khái niệm “Nhóm lợi ích” đôi khi được đánh đồng với
khái niệm “Lợi ích nhóm”, theo đó “Lợi ích nhóm” tại Việt Nam cũng liên quan
đến những người hoặc nhóm người có chức, có quyền, có khả năng
gây ảnh hưởng đến các quyết sách về đất đai, tài chính, ngân hàng, khoáng
sản…
Những hoạt động này len lỏi cả vào các
hoạt động rất trí thức và cao sang như nghiên cứu khoa học, cấp bằng, mua điểm,
chấm luận án”. [3]
Lợi ích nhóm hay nhóm lợi ích chẳng qua là cách nói giảm nhẹ, thực sự đây
là dạng tội phạm có tổ chức phá hoại đất nước từ bên trong với hậu quả khủng
khiếp nhất trong thời bình.
Nói là “khủng khiếp nhất trong thời bình” bởi đã có ý kiến cho rằng đang
tồn tại “Nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và
chính trị thâu tóm, lũng đoạn khiến con đường phát triển đất nước chệch
hướng”.
Có thể thấy một tín hiệu đáng mừng, một sự chuyển hướng rõ nét trong công
cuộc phòng chống tham nhũng mà ban lãnh đạo hiện nay đang thực hiện, đó là
chiến dịch công phá vào “Nhóm lợi ích Quan – Doanh”.
Khác với các nước theo thể chế tư bản, mô hình phát triển kinh tế của Việt
Nam tuy là “kinh tế thị trường” nhưng có “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Với mô hình này khi không dựa vào quan chức, doanh nhân không thể phất lên
nhanh chóng, ngược lại không dựa vào doanh nhân quan chức cũng không thể giàu
có bất thường nếu chỉ trông vào lương.
Sự cấu kết giữa hai nhóm đối tượng “Quan chức – Doanh nhân” làm nảy sinh
một tầng lớp mới, không phải là “Tư sản mại bản” ngày xưa, cũng không giống “Tư
bản độc quyền” ngày nay, vì thế xin tạm đặt tên cho tầng lớp này là “Tư bản
quan doanh”.
Có tác giả đề cập đến khái niệm “Tư bản thân hữu”, “Thân hữu” là khái niệm
hơi “mơ màng”, chưa rõ nét, còn “Quan doanh” là chỉ thẳng vào đối tượng, cả con
người lẫn sự việc.
Gọi là “Tầng lớp” bởi số lượng thành viên đông đảo phân bổ từ trung ương
xuống địa phương, xuất hiện trong tất cả các cơ quan và tổ chức chính trị xã
hội không trừ “địa hạt” nào.
Cuộc tấn công vào tầng lớp “Tư bản quan doanh” này khó khăn, phức tạp bởi
các đối tượng này vừa có quyền, vừa nhiều tiền.
Công phá “Nhóm lợi ích Quan – Doanh” có thể coi là đòn chí mạng, bởi nếu
tiêu diệt được chúng, các nhóm lợi ích khác sớm muộn sẽ tự tan rã.
Lợi ích của đòn chiến lược này là làm trong sạch hàng ngũ cán bộ, cảnh tỉnh
những ai còn mơ tưởng dựa vào quan chức để lũng đoạn nền kinh tế, làm biến dạng
nền tư pháp, làm băng hoại đạo đức xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân
vào thể chế.
Tâm lý năm hết Tết đến, cũng nên nghỉ ngơi đôi chút để ra Giêng có sức gom
“củi’, không ngờ lượng củi gom về ùn ứ khiến chiếc lò mà Tổng Bí thư - Chủ tịch
nước Nguyễn Phú Trọng nhen lửa lại vẫn cháy rừng rực.
Những sự kiện mới xảy ra cho thấy câu “Chống tham nhũng không có vùng cấm”
đã thực sự song hành cùng câu “Chống tham nhũng không có điểm dừng”.
Thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an viết như sau:
“Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an
(C03) ngày 18/1 đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy
định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Lừa
đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại UBND TP HCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP
HCM, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, Agribank Chi nhánh TP HCM và
các cơ quan có liên quan”. [4]
Về “pháp nhân” trong vụ án, quyết định khởi tố ghi rõ “Xảy ra tại Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh” (và một số pháp nhân
khác).
Nếu quyết định khởi tố vụ án đã chỉ đích danh là xảy ra tại “Ủy ban Nhân
dân thành phố” thì câu hỏi đặt ra là chỉ những người phạm tội trực tiếp bị truy
tố hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ cũng nên làm rõ thêm vai
trò của những đối tượng liên quan khác như cấp ủy và người đứng đầu Ủy ban Nhân dân?
Người xưa bảo “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người lúc mới sinh ra vốn
lương thiện”, có lẽ vì mong muốn con cái thành đạt nên cha mẹ mới đặt cho con
cái những cái tên rất hay như “Thành Tài” hay “Hữu Tín”.
Lớn lên trong một đất nước hòa bình, trong một nền giáo dục đề cao triết lý
“Yêu tổ quốc, yêu đồng bào…” sao những người mang cái tên hay như thế lại trở
nên bất nghĩa, bất tín đến mức phản bội Tổ quốc, Đồng bào, phải bước chân vào
tù?
Nguyễn Hữu Tín, Nguyền Thành Tài, Tất Thành Cang đều là cán bộ lãnh đạo diện Trung
ương quản lý.
Những vụ việc họ (và có thể còn không ít “ người chưa bị lộ” khác) dính vào
đều thấp thoáng bóng dáng các doanh nhân cỡ bự.
Những đại gia một thời như Trần Bắc Hà, Trầm Bê, Hứa Thị Phấn,… có thể “tay không bắt giặc” để trở
nên giàu có?
Nếu không có sự chống lưng, thậm chí là cấu kết của quan chức liệu cả núi
tiền mà họ kiếm được chỉ có một “chủ tài khoản” hay họ phải ngấm ngầm chia sẻ
cùng các vị có thể không phải là “đồng chí” nhưng lại “cùng lý tưởng” là “ăn
của dân không từ cái gì”?
Thiết nghĩ, tìm các thành viên “Nhóm lợi ích Quan – Doanh” không khó, trước
hết là hãy nhằm vào các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa như Cảng Quy Nhơn,
Hãng Phim truyện Việt Nam, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang,...
Trong vòng 20 năm, khoảng 12.000 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa và
nay còn khoảng 500 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
“Hàng nghìn tỷ đồng đã và đang bị thất
thoát và thất thu ngân sách nhà nước từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản
công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất,
quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác; tình trạng
“trốn thầu” hoặc lỏng lẻo, hình thức trong triển khai đấu thầu và chuyển đổi
mục đích sử dụng quỹ đất mà DNNN nắm giữ khi cổ phần hóa”. [5]
Khi ngân sách nhà nước thất thu “Hàng nghìn tỷ đồng”thì lẽ ra phải nêu
ngay câu hỏi số tiền ấy chảy vào túi ai, đại gia hay quan chức?
Có những quan chức đương nhiệm lại cũng đồng thời là doanh nhân, cựu thứ
trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa hay Phan Văn Anh Vũ, cựu thượng tá công an chỉ là hai trong
nhiều ví dụ.
Là quan chức nhưng lại là chủ hoặc nắm cổ phần chi phối doanh nghiệp, những
người này dần dà biến doanh nghiệp hoặc thành tài sản riêng hoặc thành bình
phong kiếm lời cho bản thân và dòng tộc.
Cuộc tấn công vào “Nhóm lợi ích Quan - Doanh” tuy không phải là mới bắt đầu
song vụ án mà Bộ Công an khởi tố tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể là chỉ dấu
cho thấy sự chuyển giai đoạn mang tính quyết định của công cuộc phòng chống
tham nhũng.
Với chủ trương sáng suốt và rất kịp thời này, người dân có cơ sở để tin
rằng ban lãnh đạo đang đi đúng hướng.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Dau-la-te-bao-goc-cua-xa-hoi-nhom-loi-ich-post171210.gd
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%B3m_l%E1%BB%A3i_%C3%ADch
[3]http://vneconomy.vn/thoi-su/loi-ich-nhom-va-cai-cach-the-che-20120831112155300.htm
[4]http://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/khoi-to-vu-an-vi-pham-quy-dinh-ve-quan-ly-tai-san-nha-nuoc-gay-that-thoat-lang-phi-va-lua-dao-chiem-doat-tai-san-xay-ra-tai-ubnd-tp-ho-chi-minh-va-cac-co-quan-co-lien-quan-t24780.html
[5] https://vov.vn/kinh-te/co-phan-hoa-dnnn-hang-nghin-ty-dong-da-va-dang-bi-that-thoat-835050.vov
Xuân Dương
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Tran-danh-quyet-dinh-cong-pha-Nhom-loi-ich-QuanDoanh-post195180.gd