Nguyễn Quang Duy
Theo Hồi ký của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, người trực tiếp chỉ
huy hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974:
“… việc tấn công lực lượng Trung Cộng là hoàn toàn do tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu ra lịnh, không có sự đồng ý của Hoa Kỳ và không có sự giúp đỡ
của Hoa Kỳ dù là nhân đạo tối thiểu như vớt người trôi trên biển cả.”
Sau 45 năm chiến lược Á Châu Thái Bình Dương của Mỹ đã hoàn toàn
thay đổi.
Tưởng niệm 45 năm cuộc hải chiến Hoàng Sa là cơ hội tìm hiểu về
chiến lược Biển Đông của Mỹ để từ đó rút ra bài học.
Vì sao Trung cộng không chiếm được Trường Sa?
Theo Phó Đề Đốc Thoại thiệt hại phía Việt Nam Cộng Hòa đã nặng,
nhưng phía Trung cộng vì bị tấn công nên thiệt hại nặng hơn.
Soái hạm Kronstad 274 bị chìm. Đô đốc Phương Quang Kính, tư lịnh
phó Hạm Đội Nam Hải và hầu hết bộ tham mưu đều tử trận.
Hộ tống hạm Kronstad 271 và hai Trục lôi hạm 389 và 396 bị hư hại
nặng.
Cùng lúc đó 17 chiến hạm Trung cộng tiến xuống Biển Đông đã phải
dừng lại bảo vệ Hoàng Sa tránh nguy cơ Việt Nam Cộng Hòa phản công chiếm lại.
Nếu không bị tấn công, không bị thiệt hại các chiến hạm Trung cộng
có thể đã tiếp tục tấn công Trường Sa và chiếm đóng Biển Đông cho đến ngày nay.
Ngày 25/1/1974, Đô đốc Thomas H. Moorer tường trình với Ngoại
Trưởng Henry Kissiger như sau:
”Toàn vùng đó là cả vấn đề. Trường Sa và các đảo khác có cùng
vấn đề - đó là lãnh thổ đang tranh chấp. Chúng tôi đã ra lệnh tránh khỏi vùng
này.”
Mỹ rút khỏi Eo Biển Đài Loan…
Tháng 7/1971, đang thăm Pakistan, Kissinger vờ cáo bệnh, chuyển
hướng bay thẳng đến Bắc Kinh hội đàm mật với Chu Ân Lai.
Khi Kissinger về lại Mỹ, Tổng Thống Richard Nixon công khai tuyên
bố không chống lại đơn Trung cộng xin gia nhập Liên Hiệp Quốc.
Mỹ chính thức xem Đài Loan như một phần của Trung cộng, tháng
10/1971 Mỹ rút Hạm Đội khỏi eo biển Đài Loan.
Tháng 2/1972, Tổng Thống Richard Nixon chính thức thăm Trung cộng
tuyên bố sẽ rút khỏi các căn cứ tại Đài Loan.
Ngày 2/1/1979 Bắc Kinh và Washington chính thức thiết lập quan hệ
ngoại giao.
Ngày 15/5/1972, Mỹ trao quần đảo Senkaku cho Nhật rút khỏi vùng
tranh chấp giữa Nhật, Trung cộng và Đài Loan.
Mỹ nhường Biển Đông cho Trung cộng…
Sau khi Hiệp Định Paris được ký kết Mỹ rút quân, Trung cộng chiếm
Hoàng Sa, miền Nam lọt vào tay cộng sản, chiến tranh giữa ba đảng Cộng sản Việt
Nam, Trung cộng và Campuchia bùng nổ.
Ngày 3/11/1978, Việt Nam ký hiệp ước với Liên Xô, theo Điều 6
nếu “…một trong hai bên bị tấn công hoặc bị đe doạ tấn công, thì hai
bên sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau, nhằm loại trừ mối đe doạ và áp dụng
các biện pháp thích đáng có hiệu lực, để bảo đảm hoà bình và an ninh của hai
nước.”
Ngày 17/2/1979, Trung cộng vượt biên giới phía Bắc tấn công Việt Nam,
Liên Xô án binh bất động.
Năm 1978, Liên Xô chính thức thuê cảng Cam Ranh làm căn cứ hải
quân cho Hạm đội Thái Bình Dương.
Ngày 14/3/1987, Trung cộng cho tàu chiến tấn công và chiếm bãi đá
Gạc Ma.
Hải quân Liên Xô đóng tại Cam Ranh, cách Gạc Ma chừng 3 trăm hải
lý không hề can thiệp hay lên tiếng.
Các bản đồ Liên Xô, sau năm 1950 đều công nhận Hoàng Sa và Trường
Sa là của Trung cộng.
Vào năm 1996 Bắc Kinh tự vẽ những đường cơ sở thẳng kết nối 28
điểm trên quần đảo Hoàng Sa, tự xem là lãnh hải Trung cộng. Đồng thời tuyên bố
yêu sách về phạm vi 12 hải lý trên lãnh hải Hoàng Sa.
Còn Trường Sa gồm cả trăm đảo, bãi đá và cồn san hô nằm rải rác
trên một vùng biển khoảng hơn 160.000 km2, nên rất khó cho Việt Nam quan sát và
kiểm soát.
Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 18/1/2019 loan báo phóng thành công một
vệ tinh vào quỹ đạo trái đất từ một bệ phóng ở Nhật Bản với mục tiêu quan sát
vùng duyên hải của Biển Đông.
Hiện nay, Trung cộng đã chiếm 7 bãi đá và xây một số đảo nhân tạo,
gồm:
1. Biến đá
Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn;
2. Biến đá
Vành Khăn thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất trên Biển Đông với phi
trường có bãi đáp cho các phi cơ chiến đấu;
3. Biến đá
Xu Bi thành đảo nhân tạo lớn thứ hai trên Biển Đông;
4. Cải tạo
bãi Châu Viên;
5. Xây đảo
tại đá Gạc Ma;
6. Xây cất
tại bãi đá Ga Ven và đá Lạc;
7. Bồi đắp
đá Tư Nghĩa; và
8. Cắm cờ
trên 10 cụm đá khác trong quần đảo Trường Sa.
Tháng 5/2009, Trung cộng gửi Công hàm cho Liên Hiệp Quốc, tuyên bố
chủ quyền Biển Đông được định bởi Đường chín đoạn bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa,
Đông Sa, bãi Macclesfield và bãi Scarborough.
Mỹ rút khỏi Philippines
Tài liệu giải mật cho biết vào ngày 31/1/1974 Bộ Ngoại giao Mỹ họp
bàn về Hiệp ước an ninh giữa Mỹ và Philippines nếu có tranh chấp xảy ra tại
Biển Đông, Ngoại trưởng Kissinger nói rõ "Chúng ta không nên nói
chúng ta sẽ bảo vệ họ."
Ngày 24/11/1992, Quân đội Mỹ rút khỏi căn cứ vịnh Subic và căn cứ
không quân Clark.
Tháng 2/1995, Trung cộng điều bảy tàu chiến đến đá Vành Khăn, bắt
giữ và trục xuất các ngư dân Philippines.
Tháng 4/2012, Trung cộng tiếp tục lấn chiếm bãi cạn Scarborough.
Ngày 22/1/2013 Philippines kiện Trung cộng về “chủ quyền Đường
lưỡi bò” tại Tòa Trọng tài thường trực.
Ngày 12/7/2016, Tòa tuyên bố Philippines thắng kiện Trung cộng
không có các quyền lịch sử dựa trên bản đồ đường chín đoạn và việc xây các đảo
nhân tạo là trái phép gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển.
Mỹ quay lại Biển Đông…
Cuối năm 1991, Liên Xô tan vỡ. Nga chuyển Cam Ranh thành nơi thám
thính và theo dõi hoạt động của Trung cộng trên Biển Đông, chiến cụ và quân đội
được rút về Nga.
Năm 2002, Nga hoàn toàn rút khỏi Cam Ranh.
Từ năm 1992, Mỹ đề nghị các nước trong khu vực để Mỹ kiểm soát eo
biển Maclacca.
Mỹ chuyển Bộ Tư lệnh Châu Á - Thái Bình Dương đến Singapore, viện
trợ quân sự và hỗ trợ đào tạo cho sỹ quan quân đội các nước trong vùng.
Mỹ tăng cường lực lượng không quân tại đảo Guam, Hawai và tại
Yokousuka ở Nhật.
Bộ Tư lệnh quân đoàn 1 lục quân Mỹ được chuyển từ Mỹ đến căn cứ
Kanagwa ở Nhật và tăng cường sức mạnh quân sự tại Nhật và Nam Hàn.
Ngày 10/5/1995, lần đầu tiên Mỹ đưa ra lập trường về Biển Đông:
(1) tự do hàng hải là lợi ích cơ bản của Mỹ; (2) tàu chiến và máy bay Mỹ toàn
quyền qua lại Biển Đông; (3) Mỹ có lợi ích vĩnh cửu trong việc duy trì hòa bình
và ổn định tại Biển Đông, và (4) Mỹ kêu gọi các bên liên quan dùng ngoại giao
giải quyết tranh chấp.
Mỹ gia tăng sự hiện diện trên Biển Đông, thường xuyên tổ chức các
cuộc tập trận chung với các quốc gia trong vùng.
Ngày 1/4/2001, máy bay thám thính EP-3 của Mỹ đang trên đường trở
về căn cứ Okinawa thì bị 2 chiếc J-8II của Trung cộng chặn đường gây chiến buộc
phải hạ cánh xuống phi trường quân sự Linh Thuỷ ở Hải Nam.
Mỹ sau đó điều quân đến đóng tại căn cứ gần với Đài Loan hơn để dễ
dàng hành động khi bị tấn công.
Tháng 10/2005, Mỹ đã thỏa thuận với Nhật Bản xây dựng căn cứ không
quân mới trên đảo Okinawa gần với Đài Loan.
Năm 2007-08, Trung cộng làm áp lực buộc hai công ty Mỹ Chevron và
ExxonMobil ngừng dự án với Việt Nam.
Đến tháng 3/2009, Trung cộng ngăn cản tàu khảo sát hải quân và tàu
USNS Impeccable trong phạm vi 75 hải lý tính từ đảo Hải Nam khiến Mỹ lo ngại về
tự do hàng hải.
Tháng 10/2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố chiến lược
xoay trục Châu Á - Thái Bình Dương nhằm duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của
nước Mỹ.
Mỹ gia tăng quân số tại các căn cứ trong vùng, thương lượng với
Thái Lan và Philippines để mở lại các căn cứ U Tapao, Subic và căn cứ không
quân Clark, sẵn sàng đối phó hải quân Trung cộng tại Biển Đông.
Tháng 11/2013, Trung cộng tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng
không (ADIZ) trên vùng biển Hoa Đông.
Ngày 03/12/2014, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết H. Res-714
nhằm kiềm chế Trung cộng thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển
Hoa Đông và trên Biển Đông.
Chiến lược đối đầu Trung cộng…
Tại Tokyo Nhật Bản ngày 04/02/2017 Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson
Tillerson cho biết Mỹ không để Trung cộng kiểm soát Biển Đông, Mỹ sẽ buộc Trung
cộng dừng quân sự hóa Biển Đông, dừng xây dựng trên đảo nhân tạo, đồng thời
chặn đường không cho Trung cộng tiếp cận các đảo nhân tạo.
Ngày 31/12/2018, Tổng Thống Donald Trump ban hành Đạo Luật Sáng
kiến Tái Bảo Đảm Châu Á (ARIA), đã được cả lưỡng đảng và lưỡng viện Quốc Hội Mỹ
thông qua.
Lần đầu tiên một Đạo luật vạch ra một chiến lược toàn diện cho Ấn
Độ - Thái Bình Dương.
Đạo luật ARIA bao gồm chiến lược ngoại giao, kinh tế, quân sự và
chính trị đối với các quốc gia trong vùng.
Đạo luật nhấn mạnh đến Đối Tác An Ninh gồm Ba Quốc Gia Mỹ-Nhật-Hàn
và Đối Thoại An Ninh gồm Bốn Quốc Gia Mỹ-Úc-Nhật-Ấn.
Với Đài Loan, đạo luật đòi hỏi chính phủ phải thực hiện các cam
kết chuyển giao phương tiện quốc phòng và tăng cường quan hệ.
Đạo Luật nêu rõ các thách thức do Trung cộng gây ra tại Biển Đông,
mối đe dọa vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn và các tổ chức khủng bố quốc
tế.
Đạo Luật nhấn mạnh các giá trị về tự do dân chủ, tự do báo chí,
quyền con người, nhà nước thượng tôn pháp luật… và đặc biệt nêu rõ lo ngại về
vi phạm quyền tự do tại Trung cộng, Cam Bốt, Bắc Triều tiên, Miến Điện, Lào và
Việt Nam.
Biển Đông nổi sóng…
Ngày 2/1/2019, kỷ niệm 40 năm ngày phổ biến “Thư gửi đồng bào Đài
Loan”, Tập Cận Bình nhắc nhở việc thống nhất ôn hòa trên cơ sở một quốc gia hai
thể chế, đồng thời cho biết: “Trung cộng có quyền sử dụng vũ lực để
thống nhất”.
Ngày 4/1/2019, tại Hội nghị quân sự ở Bắc Kinh, Tập Cận Bình tuyên
bố Trung cộng phải sẵn sàng đối phó với hành động gây chiến của Mỹ ở Biển Đông.
Ngày 7/1/2019, Phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Rachel
McMarr cho biết tàu khu trục USS McCampbell đã tiến hành tuần tra tự do hàng
hải, đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Phú Lâm, đảo Cù Mộc và đảo Lincoln.
Cô Rachel McMarr cho biết sứ mệnh tuần tra nhằm thách thức yêu
sách chủ quyền sai trái của Trung cộng trên Biển Đông, đồng thời bảo đảm khả
năng tiếp cận với các tuyến đường biển theo luật pháp quốc tế.
Ngày 31/12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson loan
báo kế hoạch xây một căn cứ quân sự ở Đông Nam Á và một ở vùng biển Caribbe.
Ngay 16/1/2019, hải quân Mỹ và Anh thông báo vừa tập trận chung
chống lại việc Trung cộng bồi đắp các đảo và tiến hành xây dựng các căn cứ quân
sự tại Biển Đông.
Tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố
Pháp sẽ gửi hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle đến Biển Đông với lực lượng
mạnh chưa từng có vào tháng 01/2019.
Đài Loan ngày 17/1/2019 tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật, mô
phỏng một cuộc xâm lược của các lực lượng vũ trang Trung cộng.
Kết luận
Vì quyền lợi nước Mỹ, lập trường của Mỹ thay đổi một cách rõ ràng
từ không dính líu, không can thiệp, rút khỏi Hoàng Sa, Trường Sa, rồi Biển Đông
45 năm về trước.
Đến năm 1995, Mỹ xác định quyền tự do hàng hải qua lại Biển Đông
và lợi ích của Mỹ trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
Nay bằng Đạo Luật ARIA 2018 Mỹ bắt đầu triển khai chiến lược đối
đầu với chủ nghĩa bành trướng của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.
Mới đầu năm 2019, các tàu chiến Mỹ, Anh, Pháp, Úc công khai thách
thức quyền kiểm soát Biển Đông và hứa hẹn một năm 2019 đầy bão tố.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 15/1/2019,
cho biết “Việt Nam là nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra xung
đột trên Biển Đông” và “Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước khác
sẽ phải xem xét làm thế nào để điều hướng tình hình”.
Tại hội nghị thượng đỉnh thường niên ASEAN ngày 15/11/2018, Thủ
tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết các nước Đông Nam Á buộc phải lựa chọn
giữa Mỹ và Trung cộng vì khó có thể dung hòa tầm nhìn của hai đối thủ.
Đứng về phía Mỹ thì phải chọn những giá trị chung tự do bầu cử, tự
do báo chí, nhà nước thượng tôn pháp luật, phải thay đổi thể chế, phải tôn
trọng quyền dân.
Còn chọn Trung cộng là tự dâng biển, dâng đất ông cha để lại cho
ngoại bang.
Quá khứ tranh giành quyền lực đã đưa đất nước vào chiến tranh, để
Trung cộng lấn biển, lấn đất là bài học vô cùng đắt giá Việt Nam phải trả.
Chủ động thích ứng với hoàn cảnh mới là cách hành xử sáng suốt đặt
quyền lợi của đất nước của dân tộc lên trên.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
19/1/2019