Đó là câu nói mừng rỡ của nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn
học nghệ thuật Việt Nam trong buổi lễ tổng kết của tổ chức này vào sáng ngày 9
tháng 1 tại Hà Nội.
Báo chí đăng lại không sót một câu phát biểu nào của ông Hữu Thỉnh, người
được tiếng là giữ ghế bất cứ giá nào, những câu nói “trải lòng” của Hữu Thỉnh
cho thấy sự thật về văn nghệ sĩ trong luồng của Việt Nam hiện nay.
Họ là 40 ngàn người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật có tham gia
vào Liên hiệp. Năm nay nhà nước cấp 81 tỷ cho Liên hiệp các hội VHNTVN hoạt
động sau khi cân nhắc có nên tiếp tục cấp dưỡng cho những đứa con này hay để
cho dự án xã hội hóa quyết định số phận của nó. Ông Hữu Thỉnh phấn khởi cho báo
chí biết cuối cùng thì nhà nước vẫn chọn giải pháp tiếp tục hỗ trợ, và ông nhảy
cẩng lên “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”.
Không phải ai trong số 40 ngàn người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ
thuật cũng đều nhận được “lương tháng” trích trong 81 tỷ tiền hỗ trợ mà phần
lớn do chính ông Hữu Thỉnh và ban bệ dưới quyền của ông ta tự ý chi tiêu cho
cái cơ ngơi mà ông quyết tâm gìn giữ từ hơn hai mươi năm qua từ khi ngồi vào
chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đến nay.
Theo ông Hữu Thỉnh nếu nhà nước chấm dứt không cấp kinh phí thì không khác
gì "Đẩy 4 vạn văn nghệ sĩ cả nước đi chạy quảng cáo, xin tài trợ kiếm sống
thì thời giờ đâu để trở thành chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của
đất nước".
Còn theo ông Trần Khánh Chương, chủ tịch hội Mỹ Thuật VN nói với VNExpress
ngày 12-1-2019 rằng
“Nếu nhà nước không cấp kinh phí nữa thì không còn ai sáng tác đề tài phục
vụ chính trị”.
Quả thật đó là những câu nói vạch trần sự thật mà chính nhà nước cũng không
buồn che giấu.
Đây cũng chính là bí quyết xin tiền của ông Hữu Thỉnh khi biết “bắt nọn”
nhà nước một cách tinh vi. Hơn ai hết ông Thỉnh biết sức mạnh của đội quân 40
ngàn người dưới tay ông ta, sáng tác tuy chỉ quẩn quanh những đề tài từ
thời…Pháp thuộc hay đánh Mỹ cứu nước nhưng lại luôn nhận được sự quan tâm của
chính quyền vì những tác giả ấy biết giữ im lặng trước các bất công, hà khắc
của chế độ mà lẽ ra văn nghệ sĩ là người cảm nhận sâu xa nhất. Những tác giả
hiếm hoi viết lên sự thật từ lâu không hề nhận ân huệ nào của nhà nước và họ
không hề cần sắm vai “chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước”
như ông Hữu Thỉnh đề cao.
Nhà nước cần sự im lặng của 40 ngàn con người và 81 tỷ bỏ ra mua chuộc sự
im lặng ấy không phải là cái giá quá cao. Đối với nhà nước, giữ sự im lặng quan
trọng hơn tất cả và họ không bao giờ muốn thấy 40 ngàn con người ấy nổi loạn,
khi chiếc vòng kim cô “kinh phí” không còn tác dụng.
Văn nghệ sĩ sẽ trở mặt, sẽ phỉ báng và lên án nhà nước này vì có quá nhiều
xấu xa nằm phơi trần giữa lòng xã hội. Khi không còn kinh phí để họ dựa vào cho
một cuốn sách, một cuộc triển lãm hay một tập thơ “phải đạo” họ sẽ tìm đường
khác để hoạt động trong lĩnh vực mà họ đang sống. Không lẽ họ tiếp tục “giữ vững
trận địa văn hóa tư tưởng” như từ trước tới nay khi mục tiêu sáng tác của họ
chỉ vì kinh phí được rót từ nhà nước?
Họ sẽ ăn cơm nhà và viết về những gì đang xảy ra chung quanh, lúc ấy chắc
chắn nhà nước sẽ không thể nào kiểm soát nỗi bầy ngựa chứng sút chuồng chỉ muốn
cất tung vó bù lại những ngày sống giả tạo vì bị kểm kẹp.
Và sẽ không ai ngạc nhiên khi ông Hữu Thỉnh lại nhảy cẩng lên vui mừng đến
thế. Thứ nhất ông tiếp tục được ngồi trên ngai vàng, thứ hai sẽ không có ai trở
thành ngựa chứng và thứ ba ông tiếp tục giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng mà
mấy chục năm qua chính ông đã dẫn dắt bày ngựa 40 ngàn con không con nào lạc
đường trên hoang mạc.