RFA
2019-01-18
2019-01-18
Hình minh họa. Những người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm
14/3/2016 nhân kỷ niệm trận chiến 1988 ở Trường Sa
|
Báo chí nhà nước trong 2 ngày 17 và 18/1/2019 rầm rộ đưa tin kỷ niệm 45 năm
ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa nhưng tránh nhắc đến
chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Các tờ báo lớn hiện nay của Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài gòn Giải
phóng, Giáo dục… đều có bài liên quan đến chủ đề này nhưng không dòng nào nhắc
về Việt Nam Cộng Hòa, chế độ trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa.
Chỉ duy nhất tờ báo Infonet, chuyên trang của tờ Vietnamnet là gọi đúng và
đủ cuộc giao tranh vào ngày 19-1-1974 giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Trung
Quốc khiến ít nhất 74 lính Việt Nam Cộng Hòa tử trận.
Trên báo Thanh Niên có bài viết “45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của
Việt Nam: Mưu đồ độc chiếm Biển Đông”.
Tờ báo là Diễn đàn của Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam nêu rõ, từ sau khi
Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974, nước này liên tục
ngang ngược tiến hành hàng loạt các biện pháp nhằm củng cố hiện diện dân sự lẫn
quân sự phi pháp tại Hoàng Sa, nhất là trong những năm gần đây, bất chấp sự
phản đối quyết liệt của Việt Nam và làn sóng lên án từ cộng đồng quốc tế.
Mạng báo Tuổi trẻ Online thì có bài viết với tiêu đề “Người Việt Nam vẫn
luôn khắc cốt ghi tâm về ngày 19-1” mô tả lại cuộc viếng thăm của Chủ tịch UBND
huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng đến với gia đình các nhân chứng từng sinh sống, làm
việc tại quần đảo Hoàng Sa.
Bài báo nêu tên các nhân chứng như: Trần Văn Sơn, Nguyễn Văn Cúc và Nguyễn
Văn Dữ và Lê Điều (đã mất) từng sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa, nhưng không
nói rõ thời gian nào và làm công việc gì.
Báo Sài Gòn Giải Phóng thì nêu rõ sự việc hơn, như nói ông Trần Văn Sơn
từng công tác ở Hoàng Sa vào năm 1973 với nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ biển đảo;
hay ông Nguyễn Văn Dữ là người từng tham gia lính địa phương quân thuộc Tiểu
khu Quảng Nam và ngày 27/1/1973, ông xuống chiến hạm Trần Khánh Dư rời Đà Nẵng
ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ biển đảo.
Tờ báo trực thuộc Đảng bộ đảng Cộng sản Việt Nam TPHCM này còn cho biết
thêm là ông Nguyễn Văn Cúc (sinh năm 1952, hiện nay ở An Hải Bắc, quận Sơn
Trà), một trong những người bị Trung Quốc bắt giữ sau khi dùng vũ lực cưỡng
chiếm Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974.
Ngày 9/1/2019 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vụ khu trục hạm
của Mỹ - USS McCampbell thực hiện hoạt động tuần tra “tự do hàng hải” áp sát
các đảo ở Hoàng Sa đầu năm mới 2019 thách thức yêu sách chủ quyền của Trung
Quốc.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao lặp lại tuyên bố:
"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ
quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật
pháp quốc tế.”
Trước đó, ngày 3/1, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng
khẳng định, việc tàu công vụ của nước này đâm các tàu cá của Việt Nam là “hành
động chấp pháp bình thường” nhưng Việt Nam đến nay chưa có phản ứng gì.
Quần đảo Hoàng sa vốn do chế độ Việt Nam Cộng Hòa quản lý bị Trung Quốc
cưỡng chiếm và chiếm đóng phi pháp từ ngày 19/1/1974.
Năm 2012, Trung Quốc ngang nhiên thành lập thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam
để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi Tây Sa) và Trường Sa (Trung
Quốc gọi Nam Sa) cùng với bãi cạn Scarborough (Trung Sa - Trung Quốc gọi).