Ben Ngô
Ông Tâm Chánh tiết lộ báo Sài Gòn Tiếp Thị được lệnh phải ngưng đăng hai bài sau của ký sự "Biên giới tháng Hai" của tác giả Huy Đức |
Hôm 17/1,
làng báo Việt Nam ngạc nhiên trước việc báo Thanh Niên đăng bài "45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Mưu
đồ độc chiếm Biển Đông".Bài viết của tác giả Khánh An mở đầu
với câu: "Trung Quốc đã có hàng loạt hành động phi pháp để phục vụ mục
tiêu độc chiếm Biển Đông kể từ khi ngang ngược chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt
Nam."
"Cách đây 45 năm, Trung Quốc đưa
quân cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19/1/1974 sau
khi đã chiếm cụm phía Đông hồi thập niên 1950," bài báo viết.
Giọng điệu
mạnh mẽ của bài viết nói trên có thể được xem là chỉ dấu của việc báo chí Việt
Nam từ nay có thể nhắc tên "Trung Quốc" khi viết bài kỷ niệm 40 năm
chiến tranh Biên giới Việt-Trung vào tháng tới, thay vì né tránh như mọi năm
hay không? Ông Tâm Chánh, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, chia sẻ nhận
định của mình với BBC hôm 17/1, qua cuộc phỏng vấn dưới đây:
BBC: Dường như Ban Tuyên giáo năm nay có chỉ
thị khác khi báo Thanh Niên đăng bài "45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng
Sa của Việt Nam..."? Ông ngạc nhiên hay thấy bình thường khi đọc bài này?
Nhà báo Tâm
Chánh: Thực ra theo chỗ tôi được biết, những
nước cờ như vậy đã được nghe nói chuẩn bị từ rất sớm. Trong Đảng từ lâu cũng đã
có ý kiến phạm vi áp dụng "4 tốt 16 chữ vàng" với đồng chí láng
giềng, phân biệt rõ việc Đảng với việc nước.
Nhưng có lẽ
những ý kiến có cả ở lãnh đạo cấp cao ấy chưa đủ sự ảnh hưởng, chưa đủ chiếm
thế đa số nên lép vế trong Đảng. Chính trị Việt Nam luôn là một cuộc vận động
để đạt đến quyền lực áp đặt quan điểm chính thống trong đảng và xã hội.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Người dân Lạng Sơn, gồm phụ nữ, trẻ em chạy khỏi thị xã hôm 23/2/1979 sau khi quân Trung Quốc tấn công vào các tỉnh biên giới của Việt Nam |
BBC:Trong 10 năm qua, ông đã thấy có những
thay đổi gì về cách Ban Tuyên giáo chỉ thị báo chí khi viết về cuộc chiến với
Trung Quốc, về ngày 17/2?
Nhà báo Tâm
Chánh: Sự thay đổi căn bản thì… không có. Vẫn
là một quy trình: Ban Tuyên giáo chủ trì cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, lực
lượng an ninh chuyên trách của Bộ Công an tổ chức một lực lượng cộng tác viên
chuyên đọc báo, nhận xét về những nội dung xuất hiện trên báo chí.
Thường là
cách thức tiếp cận và đánh giá cũ kỹ, không thuyết phục với giới báo chí nhưng
họ phải chấp hành.
Thông tin đối
ngoại là một lĩnh vực hầu như được chỉ đạo sát sao, tới mức phải đăng ở vị trí
nào, độ lớn của bài vở…
Nhưng cũng có
một chuyển biến thực sự đáng kinh ngạc là hầu như Ban Tuyên giáo không thể thực
hiện quy trình như vậy với báo chí.
Mạng xã hội
đã hình thành một môi trường thông tin mới mẻ, nhanh chóng, đa dạng và tự do
hơn hệ thống báo chí hiện thời nhiều lần, mà người dân lại được tiếp cận hầu
như miễn phí.
Nhiều trang
cá nhân trên mạng xã hội có sự tín nhiệm cao của cộng đồng, bởi không bị kiểm
điểm xử lý, lại có những tiếp cận, tác nghiệp độc đáo. Ngày càng có nhiều các
chuyên gia uy tín, những nhân vật có ảnh hưởng "chơi" mạng xã hội
cung cấp những thông tin sâu sắc, nóng bỏng, đa diện tạo thành những điểm tựa
suy nghĩ cho người đọc trong thời buổi đa dạng thông tin hiện nay.
BBC: Được biết ông viết trên trang cá nhân:
"Nhiều năm qua, chúng tôi chưa từng được giải thích về mệnh lệnh không cho
báo chí đăng tin về cuộc chiến biên giới". Vậy theo ông, ai sẽ giải thích
và sẽ giải thích thế nào?
Nhà báo Tâm
Chánh: Tôi rất mong các nhà báo đang là đại
biểu Quốc hội chất vấn bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, các ủy viên Trung
ương Đảng là nhà báo có thể chất vấn lãnh đạo Đảng về nội dung này. Và đại hội
Đảng sắp tới ở các cấp phải chất vấn Ban Tuyên giáo về cũng cách lãnh đạo báo chí
và đặc biệt là về việc thực hiện thỏa thuận cấp cao liên quan đến thông tin,
tuyên truyền về cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1979, cũng như các xung
đột, và chạm với người hàng xóm phía Bắc này.
Tôi nghĩ ở
cấp cao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo và cao nhất là tổng bí thư
phải có trách nhiệm trả lời những chất vấn này.