Phạm Thanh Giao
Tôi nhập trại Songkla ở miền Nam Thái Lan được hơn một
tháng thì một ngày kia, cảnh sát Thái và một nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp
Quốc từ Bangkok chở đến trại một cô gái có dáng người nhỏ nhắn trên một chiếc
xe Jeep, một mình. Đoàn người trong trại kéo nhau ra đứng đông nghẹt, nhìn cô
với những cặp mắt hết sức ái ngại và thương cảm, mặc dù đây không phải là lần
đầu họ được mục kích cái cảnh thương tâm, chứa ẩn phía sau là cả một Bi Tình Sử
của Người Tỵ Nạn.
Tôi lên đảo nhờ có chút ít vốn tiếng Anh, được vào
giúp việc cho những phái đoàn của các quốc gia thường đến phỏng vấn người tỵ
nạn ở đây. Cô gái mang cái tên khá lạ … Đông Sương, kèm theo trong hồ sơ là “đi
trên chiếc ghe không số” vì cô ta không biết gì khác, chỉ biết chiếc ghe đón
trên dưới độ 100 người và khởi hành từ Rạch Giá. Cô là người duy nhất sống sót,
vì chuyến tàu đó đã rời bến cảng ở Rạch Giá cách đây hơn nửa năm. Chẳng còn ai.
Không còn ai đi chung chuyến tàu của cô, có tên trong danh sách ở các trại tỵ
nạn.
Trong hồ sơ, cô ấy đi vượt biên với một cô chị và 2
đứa em trai trong chuyến tàu định mệnh kinh hoàng đó. Sau 6 lần bị cướp, mhiều
lần bị hãm hiếp, nhiều người bị giết, số còn sống sót không ai biết ra sao trên
cái xác tàu đã bị húc tơi tả sau 5-7 bận.
Riêng cô, bị bắt và giữ lại ở một tàu hải tặc. Cô bị
giam giữ trên tàu gần một tháng để chúng chia nhau hành hạ, để rồi sau đó lại
bị bán vào một động đĩ ở Bangkok.
Hơn 4 tháng sau, theo lời cô kể lại, thì có một ông
khách nói được 3 thứ tiếng, Thái, Hoa và Việt Nam thường xuyên đến đó, cứu
thoát. Ông ta chở cô tới một trạm cảnh sát Thái với một tờ giấy viết tay rồi
biến mất.
Sương không bao giờ mở miệng nếu không bắt buộc. Từ
sáng đến chập choạng tối, cô chỉ lặng lẽ ngồi ngoài bờ biển, ánh mắt nhìn xa
xôi về một cõi bất tận hư vô nào đó. Chẳng ai lân la làm bạn với một tảng đá
lạnh lùng được lâu, nhất là họ chỉ đến với cô bằng những tấm lòng thương hại.
Miết rồi, cái bóng nhỏ bé ấy cũng vẫn chỉ một mình lặng lẽ dưới gốc cây dừa
ngày này sang ngày khác.
Cứ đến bữa, tôi bưng ra cho cô một dĩa cơm nhỏ mà ít
khi cô ăn hết, từ một gia đình ở cùng dãy nhà trong trại. Khi có thời giờ, tôi
luôn ghé lại ngồi bên cạnh cô cho bớt đơn độc. Chúng tôi thường cũng chỉ ngồi
với nhau trong lặng lẽ.
Cái im lặng giữa những tiếng sóng biển rì rào, đôi khi
tạo cho tôi cái cảm giác có thể đưa tay ra chạm vào nó được. Cái khuôn mặt của
người con gái không xấu, không đẹp với cặp mắt buồn muôn thuở ấy, nhiều khi
mang đến cho tôi cái cảm giác ướt và ấm như những giọt nước mắt long lanh chùi
vội. Dường như Sương chỉ còn lại như một cái bóng của một sự hiện hữu bất hạnh
và vô cảm xúc nhất trên trái đất vô tình. Tôi không biết gì mấy về cô ngoài
những lời khai trên Cao Ủy. Cô chẳng biết gì về tôi vì chẳng bao giờ cô hỏi.
Còn một tuần nữa thì tôi được chuyển lên trại
Panatnikhom trên Bangkok, để qua Galang hoàn tất thủ tục trước khi qua Mỹ.
Trong hồ sơ, Sương được một ông chú họ xa ở Mỹ bảo lãnh.
Buổi trưa hôm ấy, cũng như mọi khi, tôi mang ra cho
nàng một dĩa cơm Cao Ủy.
Tôi hỏi: “Cô có muốn anh chuyển gì cho chú Hoài
không?”
Sương chẳng trả lời, chỉ quay qua nắm lấy tay tôi, rồi
vội vàng giựt ra, miệng mở ra như muốn nói điều gì nhưng lại thôi.
Tôi cũng nín lặng theo. Cái nắng giữa trưa của mùa hè
đã bắt đầu chói chang, buồn ngủ tôi chào nàng rồi đi về barrack. Sương cũng
chẳng trả lời. Cũng vẫn một tư thế ngồi như suốt hơn một tháng qua.
Chẳng hiểu sao, tôi cứ ngoảnh lại nhìn cái bóng dáng
ấy mấy lần trước khi đến con đường dẫn về barrack mình ở. Buổi chiều hôm ấy lu
bu với cả đống hồ sơ của một chiếc ghe mới đến với hơn trăm người mới nhập
trại, tôi không có dịp gặp lại Sương. Tối đến, lại cà phê cà pháo tán dóc với
bạn bè tôi quên bẵng.
Chưa tới 5 giờ sáng mà những tiếng la thất thanh,
tiếng người ồn ào nhốn nháo vọng lại từ khu vực nhà tắm, nhà vệ sinh ở giữa
trại vang đi khắp nơi. Mọi người từ tứ phía đổ dồn cả về khu vực ấy. Tôi lổm nhổm
nghe dường như có người treo cổ tự tử trong đêm qua.
Tôi nằm lăn ra đất, cổ như bị ai bóp nghẹt không thở
nổi. Sương đã thắt cổ tự tử trong khu nhà tắm đêm qua.
Năm bữa sau, trước khi lên đường chuyển trại, tôi mới
dám mò ra gốc cây dừa mà Sương vẫn thường ngồi nhìn ra biển. Dường như đâu đây
vẫn còn lại mùi hương của người con gái bạc số. Tôi nhớ lại mái tóc đen tuyền
ấy, mà ước ao phải chi tôi đã có can đảm vuốt nó một lần. Tôi nhớ lại cái bàn
tay gầy guộc nhỏ nhắn, lúc nào cũng lạnh như đá ấy, mà mong muốn hết sức, là có
được cơ hội nắm lấy nó một lần nữa để chuyền sang đấy cái hơi ấm từ bàn tay
mình.
Sương muốn nói gì với tôi sao lại không mở miệng?
Sao tôi lại quá ngu ngơ không nhìn ra được dấu hiệu
muốn từ biệt của Sương?
Tôi vẫn cứ muôn đời thắc mắc, tại sao em đã qua được
bằng đó nỗi khổ ải, đọa đày, thì còn thứ đọa đày nào trên quả đất này lại khiến
em phải khiếp sợ đến phải trốn chạy như thế?
Từ đó, tôi vẫn tiếp tục trên cuộc hành trình của đời
mình mà không mấy khi quên được cái tên Đông Sương ấy.
Chẳng biết ở cõi hư vô đó, em đã hết buồn? Hay cái nỗi
buồn ấy vẫn kéo dài đến thiên thu?
Tiếng sóng biển Songkhla. Cái ánh mắt buồn hun hút.
Cái mái tóc dài đen mượt ấy, là những gánh nặng oằn vai mà tôi phải đeo theo
suốt cuộc đời còn lại ...
Trong trái tim tôi, muôn đời vẫn còn sót lại một vết
thẹo ...
***
Cô Assistant Manager mang đến giới thiệu với tôi một
người để xin việc làm, con bé có cái tên khá dễ thương, Marcella, nó nhìn còn
trẻ lắm, không thể quá 16 tuổi, nước da trắng trẻo nhìn Rất Mỹ nhưng vẫn có cái
nét của người Hispanic. Ngạc nhiên một điều là, nó nói tiếng Anh khá trôi chảy,
không như những người Hispanics nhập cư lậu đến xin việc ở đây, mặc dù vẫn có
khá nặng cái accent của người đến từ các quốc gia Trung Mỹ. Nó đến từ El
Salvador.
Sau vài phút nói chuyện, tôi nói với 2 người là hãy để
nó về và cho tôi suy nghĩ lại trước khi trả lời.
***
Cuộc vượt biên giới bằng đường bộ từ El Salvador của
Marcella đến Mỹ, nó không đơn giản như chỉ phải đối mặt với cái sống chết khi
vượt qua dòng sông Rio Grande chảy xiết và vượt qua 40 dặm trên sa mạc để vào
Mỹ, nhưng bản thân con gái của nó lại còn là miếng mồi ngon cho đủ loại thú dữ
rình rập, sẵn sàng nhảy vào cắn xé, từ bọn dẫn đường đến bọn buôn người, từ bọn
thổ phỉ đến những Nhân Viên Kiểm Tra Biên Giới của cả hai quốc gia Mễ và Mỹ.
Cuộc hành trình dài hơn 4 ngàn cây số đường bộ (hơn 2500 dặm) của một đứa con
gái 17 tuổi đơn độc, KHÔNG KHÁC GÌ CUỘC HÀNH TRÌNH ĐI VÀO CÕI CHẾT.
Nó chẳng có sự chọn lựa.
Nó là đứa con thứ hai sinh ra trong một gia đình khá
giả ở El Salvador mà bố nó là bác sĩ và mẹ nó là giáo sư ở một trường Trung
Học. Cuộc sống đó, có mấy ai có được. Thế nhưng cuộc đời nó không êm ả như của
chúng ta, những người sống trong chăn ấm nệm êm và sự yên bình của một thành
phố trong một đất nước như ở Hoa Kỳ. El Salvador loạn lạc với đủ thứ bất an kéo
dài từ thâp niên 1970s mãi cho tới đầu thập niên 2000s khi có sự nhúng tay của
Hội Đồng Bảo An LHQ, tưởng là sẽ được yên.
Thời gian gần 30 năm đó, là thời kỳ kéo dài của cuộc
nội chiến xảy ra giữa 2 phe: Phe chính phủ độc tài, bóc lột và tham nhũng được
Hoa Kỳ bảo trợ, và phe cánh Tả chống đối. Tưởng rằng cái quốc gia nhỏ nhất khu
vực này với chỉ trên 6 triệu dân, sẽ được yên ổn sau nghị quyết bãi bỏ quân đội
của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được mang tới đây để giải quyết vấn nạn vào
năm 1992, nhưng nó lại càng làm cho xã hội ở đây loạn lạc hơn lên.
Họa vô đơn chí, bên cạnh những phe nhóm chính trị,
băng đảng, tội ác hoành hành thì trận Bão Mitch vào năm 1998 tàn phá gần như
toàn bộ đất nước này. Chưa kịp phục hồi, thì năm 2001 El Salvador lại phải
đương đầu với một trận động đất khủng khiếp. Kinh tế tàn lụi, tội ác gia tăng,
cướp bóc, băng đảng giết người nhảy vọt. Sự đối lập của nhiều nhóm người khác
chính kiến, khác màu da, và khác chủng tộc (có 2 giống người ở El Salvador, đa
số là thổ dân thuần chủng thuộc giống dân Aztec và thiểu số là giống dân lai
giữa người bản xứ và người nhập cư đến từ Âu Châu sau thời Kha Luân Bố) đã dẫn
đến cuộc sống vô cùng bất ổn mà người dân El Salvador bằng mọi giá muốn thoát
ra.
Bố của Marcella bị giết trong một cuộc chiến khi ông
ta đang làm nhiệm vụ ở một nhà thương. Chỉ 2 năm sau, anh trai của nó bị băng
đảng bắn chết vất xác lại trên đường. Mẹ nó đứt ruột làm một cái quyết định
sống chết cho đứa con gái duy nhất còn sót lại của mình. Bà gởi nó cho người
Mối Lái Dẫn Đường Vượt Biên với cái giá 6 ngàn đô, trả trước 2 ngàn, với lời
cam kết là nó qua Mỹ sẽ làm để trả nốt số nợ còn lại, cộng với tiền lời trong
vòng 1 năm, mạng sống của mẹ nó, là con tin cho đến khi trả hết nợ.
Tôi chẳng có sự chọn lựa.
Câu chuyện vượt biên giới của Marcella tuy nó không có
cái kết thê thảm như câu chuyện của cô gái Việt Nam tôi gặp trong trại tỵ nạn
Songkhla nhưng những hãi hùng, những khốn nạn, những đớn đau không thể thiếu.
Sau này nó tâm sự với tôi rằng, cái tính mạng của mẹ nó chính là sự thúc đẩy để
nó tìm con đường sống bằng mọi giá. Tôi không bao giờ hỏi chi tiết về chuyến đi
của nó, và nó chẳng bao giờ kể cho chúng tôi nghe. Nó làm cho chúng tôi được
hơn 10 năm trời, nhìn nó lớn lên và thương nó như một đứa con của chính mình
tuy không nuôi dưỡng và sanh ra, thì chúng tôi bán tiệm và không còn công việc
gì để giữ nó. Nó quyết định từ giã North Carolina lên đường sang tiểu bang
khác.
***
Tôi có cái cơ may ông Trời gởi đến để được gặp những
người cùng khổ và gần như tuyệt vọng trong cuộc sống ở nhiều giai đoạn khác
nhau. Có lẽ những mối tương duyên đau buồn đó, nó đã khiến trái tim tôi yếu mềm
hơn của người khác. Nó khiến tôi dễ dàng thông cảm và chia sẻ được những đau
khổ của người khác ở đời, mà không bao giờ tôi Nhanh Nhẩu Lên Án Họ. Có lẽ
những thứ tương quan đó giữa tôi và những con người cùng khổ này đã khiến tôi
dễ mềm lòng hơn để bằng mọi giá tôi phải bênh vực họ.
Tôi nghiệm thấy một điều, tình yêu thương cho đi không
đắn đo, người cho sẽ nhận lại gấp trăm lần những gì họ phân phát.
Trái tim nó cũng giống như cái thùng chứa, cần phải
cho bớt đi những yêu thương để còn có chỗ nhận lại.