Vương Thuyên
I-Lời đầu
Chưa bao giờ một Học viện với mục tiêu quảng
bá văn hoá được phát triển một cách nhanh chóng trên thế giới và
đồng thời cũng bị lên án là một cơ quan tuyên truyền cho chế độ thậm
chí là một công cụ của tình báo. Đó là Học viện Khổng Tử (HVKT)
của Trung Quốc (TQ) ra đời vào năm 2004.
Chỉ không đầy 14 năm, HVKT có mặt trên khắp 5
châu với hơn 500 học viện, vượt xa các viện tương tự như British
Council của Anh, Viện Goethe của Đức và Trung tâm Cervantès của Tây Ban
Nha. Riêng Alliance française của Pháp tuy có nhiều Học viện nhưng không
nhiều học viên.[1]
II-Đôi dòng về Khổng Tử
Khổng Tử hay Khổng Khâu tự Trọng Ni sinh trưởng
551-479 TCN vào cuối thời Xuân Thu tại Ấp Trâu nước Lỗ, nay là Khúc
Phụ tỉnh Sơn Đông. Ông được suy tôn là nhà khai sáng Nho giáo và một
triết gia lỗi lạc ở Á Đông. Hậu duệ của ông lên đến 86 thế hệ con
cháu với hơn 3 triệu người khắp nơi trên thế giới từ 2500 năm qua. Cha
ông là Khổng Hột và mẹ là Nhan Chính Tại. Ông mồ côi cha lúc lên 3
tuối và mồ côi mẹ lúc lên 16. Khi lên 19 tuổi, ông lập gia đình và ra
làm quan với một chức khiêm tốn là coi sổ sách kho lúa gạo rồi giữ
chức nuôi bò, dê và súc vật. Năm ông 30 tuổi, ông đi Lạc Dương, kinh đô
nhà Châu, để khảo cứu luật lệ và thư tịch đời cổ rồi sau đó trở
về nước Lỗ. Khi nước Lỗ có loạn, ông sang nước Tề lánh nạn một
thời gian rồi trở về nước Lỗ làm nghề dạy học và nghiên cứu đạo
học thánh hiền ở tuổi 36.
Sang năm sau, ông dẫn học trò đi ngao du các nước
trong vùng trong 14 năm để truyền bá Đạo trị quốc của ông nhưng không
được các nước hưởng ứng. Ông trở về nước Lỗ ở tuổi 51. Ông được vua
Lỗ Ai Công mời ra làm quan và lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ cao
như Trung Đô Tể (Đô trưởng), Tư Không, Đại Tư Khấu (Thượng thư Bộ Hình),
Nhiếp Tướng Sự (Tướng Quốc). Dưới sự cai trị của ông, nước Lỗ ngày
thêm hùng mạnh. Vua Tề thấy Lỗ hùng mạnh nên đem dâng Bộ Nữ Nhạc với
dụng ý dùng chuyện hưởng lạc để làm suy bại nước Lỗ. Biết ý đồ
xấu của vua Tề, Khổng Tử nhiều lần can gián vua Lỗ không nên nhận
nhưng không được vua nghe. Ông bỏ áo từ quan rồi tiếp tục đi chu du
thiên hạ. Ông trở về Lỗ lúc 68 tuổi tiếp tục dạy học và soạn sách.
Môn đồ của ông lên đến 3000 trong đó có 72 người được liệt vào hạng
tài giỏi. Khổng Tử, ngoài quyển Luận Ngữ, còn có soạn ra 6 cuốn
sách: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu.
Mỗi cuốn nói về vấn đề khác nhau từ thi ca, nghi lễ, bói toán cho
đến sử học. Ông qua đời ở tuổi 72.
III-Tại sao Học viện Khổng Tử ra đời đầu thế
kỷ 21?
Không ít ai còn nhớ Khổng Tử bị đánh tơi bời
trong thời kỳ ''Đại cách mạng văn hoá vô sản'' từ 1966 đến 1976. Họ
Khổng bị gán cho là biểu tượng của văn hoá cổ hủ, lỗi thời, ''phản
cách mạng'' cần phải đập phá. Các đền thờ Khổng Tử, các miếu hay
đền chùa có hình Khổng Tử đều bị hồng vệ binh của Mao đập phá.
Chiên dịch ''phê Khổng, phê Lâm'', ám chỉ Châu Ân Lai và Lâm Bưu của Giang
Thanh, vợ Mao cũng không ngoài mục đích đánh phá biểu tượng bảo thủ.
Thế nhưng, chỉ ba thập niên sau, Đảng cộng sản
TQ lại phục hồi ông và xem như một thần tượng rồi lấy tên ông để
truyền bá ra ngoài nước.
HVKT ra đời vào tháng 11 năm 2004 dưới thời kỳ
của Hồ Cẩm Đào.
Ở Đại hội đảng lần thứ XVI (2002), TQ đề xuất
thiết lập ''sức mạnh mềm'' (soft power) làm nền tảng cho chính sách
đối ngoại noi gương Joseph Nye, người Mỹ quảng bá khái niệm này năm
1990. Khái niệm này là sự khôn khéo dùng tài năng để quyến rũ ̀và
hấp dẫn đối thủ. Khái niệm này khi áp dụng vào TQ có đặc tính
tiếp cận Khổng giáo nhầm xây dựng ''một xã hội hài hoà'', phát
triển ''văn hoá đa dạng'' và thiết lập một ''môi trường quốc tế hoà
bình'' theo đó phát triển kinh tế của TQ là chính. Mục tiêu của
''sức mạnh mềm'' còn là cải thiện hình ảnh của TQ, tạo ra một nhận
thức tích cực về chính sách toàn cầu và đấu tranh chống lại ý
tưởng của sự hâm doạ của TQ.
Các HVKT là công cụ của sức mạnh mềm để đáp
ứng cho sứ mạng làm toả rạng TQ bằng cách làm cho văn hoá trở thành
một trong những trụ cột của sự phát triển kinh tế của TQ. Chủ
thuyết ''một vành đai, một con đường'' của Tập Cận Bình, ra đời năm
2013, bổ sung chính sách ''sức mạnh mềm'' nói trên nhưng còn trăm lần
nguy hiểm hơn với chính sách ''ngoại giao bẫy nợ'' như phó tổng thống
Mỹ Mike Pence gần đây lên án.
Về cách tổ chức, các HVKT do Hội đồng Hán
Biện (Hanban) chủ trì, trực thuộc Bộ Giáo Dục TQ dưới sự điều hành
của một thứ trưởng. Theo ông Yang Jin, tuỳ viên Văn hoá của Đại Sứ
quán TQ ở Paris, ngân quỹ của Hán Biện lên đến 314 triệu USD [2].
Ở các xứ, HVKT thường sáp nhập vào một đại học có đối tác là một
đại học của TQ. Chẳng hạn, HVKT Hà Nội thành lập vào cuối năm 2014
có đối tác là đại học tỉnh Quảng Tây. Mỗi Học viện được Hội đồng
Hán Biện quản lý và tài trợ khi thành lập từ 150.000 đến 250.000 USD
thậm chí hơn. Chính sự tài trợ này là nguồn tranh cãi về sự tự do
tuyển chọn chương trình giáo khoa mà nhiều đại học nước ngoài không
chấp nhận. (sẽ đề cập ở phần sau)
IV-Có bao nhiêu Học viện Khổng Tử trên thế
giới?
Theo thống kế của tạp chí trường Cao đẳng Sư
phạm Lyon (Pháp), số Học viện Khổng Tử trên thế giới, năm 2016, được
phân phối như sau [3]
Các Châu
|
Số nước
|
Số Học viện
|
Số lớp học
|
Âu Châu
|
43
|
171
|
294
|
Mỹ Châu
|
22
|
161
|
555
|
Á Châu
|
33
|
115
|
101
|
Phi Châu
|
38
|
50
|
27
|
Úc Châu
|
6
|
19
|
99
|
Tổng cộng
|
142
|
516
|
1076
|
Số học viên lên đến gần 2 triệu người.
Qua bảng thống kê trên, người ta có thể hiểu
rằng các nước Trung Á được sáp nhập vào Á Châu, các nước Trung Cận
Đông vào Phi Châu và cá́c nước nhỏ ở Thái Bình Dương vào Úc Châu.
Theo thống kê gần đây nhất, cuối năm 2018, HVKT
có 548 trên 154 nước với 46.700 giảng viên TQ và ngoại quốc [4].
Bốn nước Âu Châu có nhiều học viện là Anh (29),
Đức (19), Nga (17) và Pháp (17). Ở Mỹ Châu, Hoa Kỳ có 103, Gia Nã Đại
13 và Brazil 8.
Á Châu, ngoài TQ, có hơn 100 học viện trong đó
ba nước chiếm nhiều nhất là Hàn Quốc (19), Nhật (14) và Thái Lan
(12). Ấn Độ với ngoài một tỷ dân chỉ có 2 học viện so với 6 của Nam
Dương và 1 của Việt Nam. Phi Châu, theo thống kê gần đây có 54 học viện
trên 33 nước (khác với nguồn của trường Cao đẳng Sư phạm Lyon nói
trên) trong đó Nam Phi và Ethiopia mỗi xứ chiếm 5 học viện [5].
Úc Châu có 19 học viện trong đó Úc chiếm 11 và Tân Tây Lan 3. Tham vọng
của Hội đồng Hán Biện là đạt đến 1000 Học viện trong đó có 100 ở
Phi Châu vào năm 2020. Tham vọng này xem ra khó thực hiện vì thời gian
sắp gần kề trong khi xu hướng đòi đóng cửa đang xảy ra ở nhiều nước.
Cũng cần nói thêm TQ là đối tác thương mại hàng đầu của Phi Châu và
cung cấp 40000 học bổng cho sinh viên Phi Châu sang du học.
Nếu quan sát kỹ hơn, HVKT tăng trung bình mỗi năm
khoảng 25 trên thế giới: 2011: 358 học viện trên 105 nước, 2013: 440 học
viện trên 120 nước, 2014: 476 học viện trên 127 nước, 2016: 510 học viện
trên 140 nước, 2017: 525 học viện trên 146 nước, 2018: 548 học viện trên
154 nước.
V-HVKT có phải là một cơ quan tuyên truyền của
Bắc Kinh?
Khác với các Học viện British Council, Goethe
vv.. hoạt động độc lập với tôn chỉ công khai tại các nước đối tác,
HVKT của TQ hoạt động mờ ám như một cơ quan tuyên truyền cho chế độ
thậm chí còn bị kết án là một công cụ của tình báo. Không phải là
các phần tử ''phản động'' nói xấu chế độ TQ mà là chính các quan
chức cao cấp của TQ không giấu diếm thừa nhận. Theo báo The Economist
của Anh, ngày 22-10-2009, ông Lý Trường Xuân (Li Changchun), một cựu uỷ
viên thường vụ Bộ Chính trị khoá XVII, cựu Trưởng ban Tuyên truyền khi
đến thăm Hội đồng Hán Biện trong tháng 4-2007, đã thẳng thừng tuyên
bố:'' HVKT là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tuyên truyền ở
nước ngoài của TQ''. Vào cuối năm 2014, bà Hứa Lâm (Xu Lin), chủ nhiệm
Hội đồng Hán Biện cũng tuyên bố tương tự. Bà nói: ''HVKT là nơi
truyền bá học thuật, nơi truyền bá quan niệm giá trị của TQ ra nước
ngoài, bất kể đó là các trường đại học lớn như Columbia, Stanford hay
các trường tiểu học ở khu phố nhỏ'' [6]. Cũng không phải là
điều ngẫu nhiên mà bà Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan), đương là uỷ viên Bộ
Chính trị kiêm phó thủ tướng là ''hội trưởng'' của Hội đồng Hán
Biện. Như vậy có nghĩa là Bộ Chính trị TQ trực tiếp chỉ đạo các
HVKT trên thế giới!.
Ở Pháp, người có thẩm quyền nói về Khổng Tử
là bà Anne Cheng, một học giả nổi tiếng đã viết nhiều sách về
Khổng Tử đặc biệt là bà dịch quyển Luận Ngữ năm 1981 và viết cuốn
Histoire de la pensée chinoise (Lịch sử tư tưởng TQ), Ed Seuil 1997. Bà
tên thật là Trình Ngải Lan (Cheng Ailan), con gái của học giả nổi
tiếng François Cheng cùng đồng thời là thành viên của Hàn Lâm viện
Pháp. Bà là nguyên giáo sư của Học viện quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh
Đông phương (INALCO) và từ năm 2008 là giáo sư đảm trách bộ môn Lịch
sử trí tuệ TQ ở Collège de France. Về HVKT, bà nói:'' Đàng sau các HVKT
có một cơ quan tên Hội đồng Hán Biện, trực thuộc chính phủ đảm
trách quảng bá ngôn ngữ và văn hoá TQ ra ngoài nước. Điều này không
khó mà thấy rằng đó là một trong những công cụ tuyên truyền của
TQ''. [7]
Còn ông Lâm Lập Hoà (Willy Lam), một giáo sư ở
đại học Hongkong, chuyên gia về chính trị TQ viết: '' HVKT là nơi nương
tựa để các chuyên viên tuyên truyền Bắc Kinh xâm nhập vào các đại học
nhầm đào luyện ý kiến các nhà nghiên cứu và sinh viên. [8]
Tóm lại, đối với chính quyền Bắc Kinh, HVKT rõ
ràng là những phương tiện, những cái cầu để TQ bước ra thế giới.
VI-Dư luận của nước ngoài ra sao?
Kể từ năm 2013, nhiều nhà giáo trên thế giới
lên tiếng báo động về sự can thiệp trong lãnh vực ý thức hệ của
các HVKT. Như trên đã nói, các HVKT do Hội đồng Hán Biện TQ quản lý
và tài trợ hàng năm cùng thiết lập giáo trình giảng dạy. Do đó,
những đề tài ''nhạy cảm'' do ''thế lực thù địch'' phương Tây
truyền đạt như sự kiện Thiên An Môn năm 1989, vấn đề độc lập Đài Loan,
việc đàn áp môn phái Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs), Tây
Tạng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà tranh đấu nhân quyền Lưu Hiểu Ba hay
tài sản khổng lồ của các lãnh đạo TQ vv... tuyệt đối không được đề
cập đến trái với truyền thống tự do ngôn luận của các nước Âu Mỹ.
Do áp lực của Bắc Kinh trong giáo trình giảng dạy, Hiệp hội các
giáo sư đại học Gia Nã Đại đã ra tuyên bố, năm 2014, rằng các HVKT
không thể cải tổ được vì ''thuộc sở hữu chính quyền toàn trị, phải
thần phục chính sách của Bắc Kinh'' và thông qua một nghị quyết ngưng
tất cả mối quan hệ với các HVKT. Năm 2013, đại học Lyon của Pháp và
hai đại học Mc Master và Sherbrooke của Gia Nã Đại đóng cửa các HVKT
vì lý do nói trên. Tiếp theo là hai đại học Chicago và Pensylvania của
Mỹ năm 2014 và đại học Stockholm của Thuỵ Điển năm 2015. Các đại biếu
Quốc hội Thuỵ Điển còn bày tỏ sự lo lắng là học viện này đã bị
lợi dụng làm nơi tuyên truyền của Bắc Kinh. Gần đây nhất, đại học
North Florida của Mỹ dự trù sẽ đóng cửa HVKT của trường vào đầu năm
2019 với lý do là học viện không đáp ứng sứ mạng của trường. TNS
đảng Cộng Hoà Mỹ Marco Rubio, một trong những người quan tâm đến sự
tuyên truyền của các HVKT lên tiếng hoan nghinh việc đóng cửa này. [9]
Tháng 6-2015, đến phiên Hiệp hội các giáo sư
đại học Mỹ lên tiếng yêu cầu đóng cửa các HVKT trong các trường đại
học nếu các trường này không chứng minh được rằng hợp đồng ký với
Bắc Kinh để cho nhà trường có toàn quyền quyết định về nội dung chương
trình, tuyển mộ giảng viên hay những lãnh vực khác.
Nói chung, các nhà giáo Âu Mỹ trách móc chương
trình của HVKT là tuyên truyền của TQ nguỵ trang dưới hình thức giáo
dục và văn hoá.
Ngay cả một hậu duệ thứ 85 của Khổng Tử, ông
Khổng Kiện cũng chỉ trích bằng những lời châm biếm nói rằng các
HVKT do TQ thành lập đều là ''treo đầu dê, bán thịt chó, chẳng liên
quan gì đến Nho học cả''.
VI-HVKT làm công cụ con ngựa thành Troy (Troie)?
Không hài lòng là cơ quan tuyên truyền, HVKT còn
là công cụ của tình báo của Bắc Kinh. Ông Hà Nghiệp Lương, nguyên
giáo sư kinh tế đại học Bắc Kinh bị sa thải năm 2013 vì bất đồng
chính kiến cảnh báo rằng: ''Nhiều trao đổi học thuật của TQ chứa
đựng các ruỉ ro bị che giấu, chẳng hạn các học giả thỉnh giảng có
thể là tình báo được cử đi'' [10]. Còn ông Norman Baker, cựu bộ
trưởng Anh cho rằng: '' HVKT như một con ngựa trong ''Ngựa gỗ thành
Troy'', nó cố tình tạo ra một hình tượng có lợi đối với đảng cộng
sản TQ'' [11]. Ông Michel Juneau-Katsuya, cựu giám đốc khu vực Á
Châu-Thái Bình Dương của cơ quan tình báo Gia Nã Đại, đi xa hơn khi ông
tuyên bố, trong buổi họp tranh luận ở Ottawa về cuốn phim nói về
Khổng Tử của bà Doris Liu (Lưu), ngày 30-9-2017, rằng: ''Có nhiều nước
và cơ quan tình báo của họ chia sẻ với kết luận của chúng tôi là
HVKT chẳng may là con ngựa của thành Troy''. [12]
VII-Lời kết
Quảng bá văn hoá để cho nhiều người biết thêm
về nền văn minh và ngôn ngữ các nước khác như các viện Alliance
française, British Council, Goethe, Cervantès là điều tốt đáng hoan
nghinh. Có ai không muốn biết thêm được nhiều thứ tiếng? Nhưng dùng để
làm công cụ tuyên truyền tình báo như TQ đã sử dụng xuyên qua các HVKT
để bành trướng ảnh hưởng chính trị ra nước ngoài là điều phải
nghiêm khắc lên án. Đây là chưa nói đến gián điệp kinh tế, công nghệ
hay quyền sớ hữu trí tuệ vv..mà điệp viên TQ tung hoành thao túng trên
thế giới (thêm một điệp viên của Huawei vừa bị bắt cách đây vài hôm
ở Ba Lan). TQ ngày nay là một nước đang trỗi dậy muốn thống trị toàn
cầu, không ngần ngại dùng mọi phương tiện, kể cả dùng ngôn ngữ và
văn hoá, để đạt mục tiêu. Biết đâu, chính việc làm mờ ám này trở
thành phản tác dụng cho sự phổ biến tiếng Hoa mà Bắc Kinh mong
muốn?.
TQ đúng là vấn đề của thế giới của thế kỷ
21.
VT, Đầu năm 2019
Chú thích và nguồn trích dẫn
[1] Alliance française, thành lập năm 1883, có 850
viện trên 135 nước với 0,56 triệu học viên, British Council thành lập
1934 có mặt trên 110 nước với 75 triệu học viên, Học viện Goethe sáng
lập năm 1925 có 158 viện trên 93 nước. Trung tâm Cervantès sáng lập năm
1991 có 52 viện trên 52 nước.
[2] Tạp chí Le Point, 7-3-2018.
[3] Sur les routes de l'influence : Forces et
faiblesses du Soft power chinois (Trên đường tìm ảnh hưởng: Điểm mạnh và
yếu của sức mạnh mềm của TQ), Geoconfluences-ens-lyon.fr, ngày
14-9-2018.
[4] Xinhua ngày 6-12-2018.
[5] Quotidien du Peuple, ngày 22-8-2018.
[6] Vì sao Viện Khổng Tử bị cấm cửa ở nhiều
nơi trên thế giới, Viettimes ngày 13-6-2018.
[7] Tạp chí Nouvel observateur, ngày 11-3-2012.
[8] Tạp chí Express, ngày 28-12-2017.
[9] VOA, ngày 16-8-2018.
[10] Vì sao cần cảnh giác với Viện Khổng Tử,
BBC, ngày 5-12-2014.
[11] HVKT chính là bộ máy tuyên truyền của TQ,
Trí thức ngày 13-7-2017.
[12] Epoch Time, ngày 8-10-2017.