Tác giả: Nguyễn
Hải Hoành
Năm 2010 tổng sản phẩm quốc dân của Trung Quốc vượt
Nhật, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu chỉ sau Mỹ, và tăng trưởng
tiếp với tốc độ nhanh hơn Mỹ. Dư luận bắt đầu bàn về thời điểm kinh tế Trung
Quốc sẽ soán ngôi số một. Theo một dự báo của phương Tây, đó là khoảng năm
2030. Nhật báo Kinh tế Trung Quốc ngày 13/12/2017 đưa ra dự đoán lạc quan hơn:
trước năm 2028.
Khoảng hơn chục năm nay dư luận Trung Quốc ngày càng
bàn thảo sôi nổi về vấn đề vượt Mỹ. Dường như từ sau ngày Tập Cận Bình lên cầm
quyền, một số học giả và viện nghiên cứu chính sách nhà nước Trung Quốc càng
hăng hái đưa ra các kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh sức mạnh của Trung
Quốc trên một số mặt đã vượt Mỹ từ rất
sớm. Những công bố đó làm nức lòng dân chúng trong nước,
hình thành “Thuyết Trung Quốc
vượt Mỹ”. Nhân vật tiêu biểu của thuyết này là Giáo sư Hồ An
Cương, một trong các học giả khoa học xã hội uy tín nhất ở Trung Quốc hiện nay.
Hồ An Cương hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu tình hình
Trung Quốc [“Quốc tình Nghiên
cứu Viện”, National Conditions Institute, NCI] thuộc Đại học
Thanh Hoa Bắc Kinh – một cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu Trung Quốc. Năm
2012 ông được bầu là đại biểu Đảng thành phố Bắc Kinh đi dự Đại hội 18 Đảng
CSTQ. Tháng 1/2018 ông được ĐH Thanh Hoa trao danh hiệu “Giáo sư cấp cao khoa Văn”,
còn gọi là GS-Viện sĩ, trong đợt bình chọn đầu tiên 18 GS cấp này.[1]
Trong
bài “Những thành tựu mới của lý luận trị quốc Tập Cận Bình
kể từ Đại hội 18 tới nay”
công bố tháng 12/2016, Hồ An Cương viết: Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nước lớn nhất thế
giới trong ngành chế tạo, năm 2013 là nước xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất,
năm 2014 là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu…Trung Quốc đã tiến vào trung tâm vũ
đài thế giới, phát huy tác dụng lãnh đạo toàn cầu.
Tháng
1/2018, GS Hồ công bố Báo cáo khoa học tổng kết đánh giá tình hình mọi mặt của
Trung Quốc và so sánh với Mỹ, đưa ra nhận định:
Thực
lực kinh tế, thực lực KHKT và quốc lực tổng hợp của Trung Quốc đã lần lượt vượt
Mỹ vào các năm 2013, 2015 và 2012. Đến 2016, ba sức mạnh này của Trung Quốc so
với Mỹ bằng 1,15 lần, 1,31 lần và 1,36 lần, đứng thứ nhất thế giới. Ngoài ra về
sức mạnh quốc phòng, ảnh hưởng quốc tế và sức mạnh mềm về văn hóa, Trung Quốc
cũng đang tăng tốc đuổi và vượt Mỹ.
Nhận
định trên ăn nhập với trào lưu sùng bái Tập Cận Bình đang dâng cao và được dư
luận quảng bá rùm beng đã nâng cao tinh thần dân tộc và tâm lý tự hào của dân
chúng.
Truyền
thông Mỹ cũng quan tâm tới vấn đề Trung Quốc vượt Mỹ, chủ yếu để giới thiệu sự
tiến bộ của Trung Quốc mà không tranh cãi đúng sai.
Mặt
khác, “kết quả nghiên cứu khoa học” của GS Hồ đã gây ra sự phản cảm ở một số
học giả và quan chức, những người hiểu rõ hiện tình lạc hậu của Trung Quốc ,
nhất là về văn hóa và KHKT. Tiếng nói phản biện của họ tuy nhỏ bé nhưng được
các mạng xã hội truyền đi rộng rãi đã thức tỉnh dân chúng. Cuối cùng lãnh đạo
cấp cao cũng nhận thấy cách tuyên truyền thổi phồng thành tựu của Trung Quốc
thực ra là phản tác dụng.
Tháng
11/2015, khi giải thích kế hoạch “Made in China 2025” tại hội nghị Ủy ban
thường vụ Chính Hiệp, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thông tin Miêu Vu [Miao Wei]
nói:
Trung
Quốc cần 30 năm để trở thành cường quốc chế tạo. Hiện nay ngành chế tạo toàn
cầu gồm 4 thê đội. Thê đội thứ nhất là Mỹ, trung tâm sáng tạo đổi mới KHKT toàn
cầu; thê đội thứ hai gồm EU và Nhật, thuộc lĩnh vực chế tạo cấp cao; thê đội
thứ ba thuộc lĩnh vực chế tạo cấp trung và thấp, chủ yếu là các nước mới nổi,
trong đó có Trung Quốc; thê đội thứ tư là các nước xuất khẩu tài nguyên, gồm
OPEC, châu Phi, Mỹ Latin. Về sức mạnh KHKT, số một là Mỹ, sau đó đến Anh, Nhật,
Pháp, Đức, Phần Lan, Israel, Thụy Điển, Ý, Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ,
Australia, Na Uy, Bỉ, Nga, Singapore, Hàn Quốc. Trong Top 20 này không có Trung
Quốc. Trong 5 cấp bậc về sức mạnh KHKT toàn cầu, Trung Quốc ở vào cấp 4.
Theo
Báo cáo Sức cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới
công bố, Trung Quốc xếp thứ 27 trong số 137 nước được xét; riêng về KHKT, Mỹ
đứng thứ nhất, tiếp sau là Anh, Nhật; Trung Quốc thậm chí chưa lọt vào Top 20.
Một
công bố cuối 2017 của công ty Chứng khoán Đông Hưng cho biết:
§ Xét
theo GDP bình quân đầu người (là chỉ tiêu phổ biến nhất đánh giá trình độ phát
triển kinh tế) thì sau 32 năm Trung Quốc vẫn chưa đuổi kịp Mỹ;
§ Năng
suất lao động của Trung Quốc năm 2017 chỉ bằng chưa đến 10% của Mỹ….
Ngày
21/6/2018, Lưu Á Đông Tổng biên tập “Nhật báo Khoa học và Kỹ thuật” (của Bộ
KHKTTQ) nói trong một cuộc họp:
Ai
cũng biết Trung Quốc còn cách Mỹ và các nước phát triển khác một khoảng cách
rất lớn về KHKT. Những thành tựu KHKT khiến chúng ta vui mừng khôn xiết, như
làm được máy bay cỡ lớn…, thì người ta đã có từ nửa thế kỷ trước. Một số dự án
lớn ta đang gian khổ tiến hành, như đưa người lên Mặt Trăng thì nước Mỹ từ năm
1969 đã thành công lớn… Thế mà ở ta vẫn có một số người lúc thì nói “4 Tân đại
phát minh”, lúc thì nói “Đuổi và vượt [Mỹ] toàn diện”, trở thành “Nhất thế
giới”… Nếu Trung Quốc cho rằng mình có thể sớm thay thế Mỹ, trở thành quốc gia
dẫn đầu KHKT thế giới thì đó chỉ là sự tự lừa dối.
Phát
biểu này được dư luận khen là “dám nói thật”:
Phái
bênh vực Thuyết Trung Quốc vượt Mỹ cũng viện dẫn nhiều tư liệu để chứng minh họ
đúng. Ví dụ họ cho rằng cách tính GDP hiện nay là chưa hợp lý, nếu tính GDP
theo sức mua ngang giá thì một báo cáo của IMF năm 2014 cho biết ngay năm đó,
GDP Trung Quốc đã vượt Mỹ… Trung Quốc còn nhất thế giới về nhiều mặt, ví dụ
cuối 2016 có 22.340 km đường sắt cao tốc (ĐSCT) chiếm 60% tổng chiều dài ĐSCT
toàn cầu; trong khi Mỹ chưa hề có ĐSCT. Trung Quốc có vệ tinh lượng tử, vệ tinh
thăm dò vật chất tối, tàu ngầm Giảo Long lặn sâu nhất thế giới, dẫn đầu về
nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch kiểm soát được….
Cuộc
tranh cãi nói trên lắng dần sau khi Tổng thống Trump “nâng cấp” các tranh chấp
buôn bán Trung-Mỹ thành chiến tranh thương mại, bắt đầu với vụ trừng phạt Tập
đoàn ZTE (Trung Hưng), gã khổng lồ công nghệ thông tin của Trung Quốc, có doanh
thu 17 tỷ USD (2017).
Do
ZTE vi phạm lệnh cấm bán cho Iran các sản phẩm dùng công nghệ Mỹ, ngày 7/3/2016
Mỹ ra lệnh hạn chế bán sản phẩm cho ZTE. Lệnh này có thể sẽ làm ZTE bị phá sản,
vì mọi sản phẩm của họ đều dùng sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, như chip của
Qualcomm và Intel, hệ điều hành của Apple và Google. Vì thế tháng 3/2017 ZTE ký
thỏa thuận hòa giải, nhận tội, chịu nộp phạt 892 triệu USD và ký quỹ 300 triệu
USD, thay các cán bộ có lỗi. Phía Mỹ gửi cho ZTE bản tổng kết “5 bài học xương
máu”, trong đó hai bài học đầu là không được dối trá và không được hủy chứng cứ
phạm pháp.
Ngày
16/4/2018, với lý do ZTE vẫn lừa dối, bịa đặt và tái phạm thỏa thuận hòa giải,
Mỹ tuyên bố cấm các công ty Mỹ giao dịch với ZTE trong 7 năm (tới 13/3/2025).
Lệnh cấm này làm tê liệt hoạt động của 75.000 nhân viên ZTE và ZTE phải ngừng
giao dịch cổ phiếu trên các sàn chứng khoán. 8 tuần sau, để đổi lấy sự dỡ bỏ
lệnh cấm, ZTE chịu nộp phạt 1 tỷ USD, ký quỹ 400 triệu USD và chịu thuê cán bộ
quản lý người Mỹ. Khi giao dịch trở lại, cổ phiếu ZTE rớt giá 39%. Ngày 7/6 Mỹ
dỡ bỏ lệnh trừng phạt. ZTE ước tính vụ này bị lỗ hơn 3 tỷ USD.
Một
nhà báo Trung Quốc viết “Nếu không vì lão điên Trump gây ra cuộc chiến tranh
thương mại này thì có lẽ chúng ta vẫn còn say sưa với ‘Kỳ tích kinh tế 40 năm
qua’ và vòng hào quang ‘Nước lớn trỗi dậy’, tới mức chưa tỉnh”.
Vì
sao một đại gia công nghệ lớn nhất nhì Trung Quốc như ZTE mà chỉ một đòn đã gục
ngã? Đó là vì họ phụ thuộc vào nguồn chip cấp cao của Mỹ. Chip Mỹ chiếm 60% vật
liệu làm bộ xử lý trong điện thoại di động (ĐTDĐ) của ZTE. Mạch tích hợp là
“lương thực” của công nghiệp điện tử, không có lương ăn thì sao sống được.
Trung Quốc tiêu thụ sản phẩm bán dẫn nhiều nhất thế giới, hàng năm nhập 230 tỷ
USD chip (hơn cả tiền nhập dầu mỏ). Công nghệ chip của Trung Quốc quá lạc hậu,
chủ yếu chế tạo chip theo kiểu gia công và chỉ dùng cho sản phẩm cấp thấp. Mỹ,
Nhật, châu Âu sản xuất nhiều chip nhất. Trung Quốc chế tạo 77% lượng ĐTDĐ toàn
cầu nhưng chỉ 3% dùng chip Trung Quốc… Giờ đây người ta mới thấy cái hại của
“chủ nghĩa lấy về” rất phổ biến ở Trung Quốc — chỉ sao chép công nghệ nước
ngoài mà không sáng tạo đổi mới. Tập Cận Bình lập tức chỉ thị phải dồn sức đầu
tư cho công nghệ chip đuổi kịp trình độ quốc tế. Một nguồn tin nói việc này cần
10 năm.
Trước
khả năng thiệt hại cực lớn từ vụ ZTE, Trung Quốc lập tức đàm phán với Mỹ. Ngày
20/5, hai bên đồng ý ngừng chiến tranh thương mại và tiếp tục thương lượng.
Website Hội các doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc viết: Tin này làm mọi người từ nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải
cho tới người thợ trên dây chuyền sản xuất thở phào; giờ đây chúng ta có một
phát hiện bất ngờ nhất: Thực lực của Trung Quốc còn kém Mỹ một khoảng cách lớn
khó tưởng tượng!
Dư
luận Trung Quốc dấy lên phong trào chống tuyên truyền khoa trương [anti-hype
movement]. Đầu tháng 8, một nhóm cựu sinh viên tốt nghiệp ĐH Thanh Hoa gửi thư
ngỏ đòi Hiệu trưởng trường này sa thải Hồ An Cương. Ngay cả Hồ Tích Tiến, Tổng
biên tập “Thời báo Hoàn cầu” sặc mùi chủ nghĩa dân tộc cũng viết: “Một học giả nổi tiếng tuyên truyền rằng quốc lực tổng
hợp của Trung Quốc đã vượt Mỹ. Tôi cảm thấy lo lắng sâu sắc về phán đoán ấy.”
Xã luận ngày 1/8 của báo này nêu ra 8 điều Trung Quốc cần làm, trong đó điều
thứ nhất là Về chiến lược phải giữ thái độ khiêm tốn và thế thủ,
trong bất kỳ tình thế nào cũng không được chủ động khiêu khích Mỹ và thể hiện
cho Mỹ thấy mặt mạnh của Trung Quốc.
Dân
mạng Trung Quốc “moi” ra nhiều tin về sự lạc hậu của nước mình. Như Mỹ có 10
tàu sân bay hạt nhân, Trung Quốc có 2 tàu loại nhỏ chạy diesel, hỏa lực của
chiếc “Liêu Ninh” chưa bằng 1/4 chiếc Kitty Hawk đóng năm 1960, nghỉ hưu 2009.
Tướng Trung Quốc Trương Triệu Trung nói: Giả thử về quân sự Mỹ cứ đứng yên thì chúng ta cũng
cần 24 năm mới đuổi kịp.
Trung
Quốc đi sau Mỹ rất xa trong lĩnh vực tập trung nhiều KHKT đỉnh cao là thám hiểm
vũ trụ. Các năm 1969-1972 Mỹ đã đưa 12 người đáp xuống Mặt Trăng rồi trở về.
Tàu không người lái Chang E 5 của Trung Quốc dự kiến phóng cuối 2017 để lượm
đất Mặt Trăng đem về, nhưng đến nay vẫn trục trặc chưa phóng. Tên lửa Trường
Chinh 5 mạnh nhất Trung Quốc có sức chở 25 tấn, còn tên lửa Falcon Heavy của
một công ty tư nhân Mỹ chở được 63,8 tấn…
Báo
cáo (6/2018) của Viện Khoa học Trung Quốc nói Mỹ dẫn đầu thế giới 87 trong 143
điểm nóng nghiên cứu tuyến đầu (Trung Quốc dẫn đầu 24 điểm) và 8 trong 10 lĩnh
vực khoa học lớn.
So
bì về sức mạnh mềm thì Trung Quốc càng lép vế. Văn hóa lễ giáo đạo Khổng hạn
chế sức sáng tạo, tính độc lập. Văn hóa doanh nghiệp Trung Quốc vẫn còn chỗ cho
sự dối trá. Trung Quốc đầu tư lớn lập cả nghìn Viện và lớp học Khổng Tử khắp
toàn cầu nhưng kết quả quảng bá văn hóa Trung Quốc rất hạn chế. Văn học Trung
Quốc đương đại không có tác phẩm nào gây tiếng vang trên thế giới. Hán ngữ
không thể nào được hoan nghênh và phổ cập toàn cầu như tiếng Anh…
Một
nhà báo Trung Quốc viết: Cái đáng sợ nhất của nước Mỹ là họ có sức sáng tạo rất
mạnh mẽ.
Chiến
tranh thương mại Trung-Mỹ đang tiếp diễn ngày càng găng, mỗi bên đều sẽ trổ hết
tài, vận dụng mọi ưu thế của mình. Chưa biết cuối cùng ai sẽ thắng, nhưng có
thể nói Trung Quốc đã “thắng” ở chỗ nhận ra cách tuyên truyền phô trương quá
đáng thành tựu và thế mạnh của mình chỉ có hại, chẳng có lợi. Có lẽ Tập Cận
Bình nên trở lại chiến lược khôn ngoan “Giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình,
chớ nên khích lệ tâm lý tự hào dân tộc biến ra thành tự kiêu, chủ quan; nên chú
trọng sáng tạo đổi mới chứ không nên mải mê theo “chủ nghĩa lấy về” — một thứ
chủ nghĩa cơ hội rất tai hại.
Tóm
lại, cú gục ngã của ZTE trở thành liều thuốc thử chứng tỏ “Thuyết Trung Quốc đã
vượt Mỹ” thiếu căn cứ đứng vững, qua đó Trung Quốc bắt đầu thấy họ cần tỉnh táo
nhận rõ các mặt mạnh yếu của mình.
————
[1] Senior professors of
Liberal Arts. Nhà nước Trung Quốc chỉ lập chế độ Viện sĩ Khoa học và Kỹ thuật
(KHKT), không có Viện sĩ về khoa học xã hội; GS cấp cao khoa Văn được hưởng chế
độ đãi ngộ như Viện sĩ KHKT.