“Đổi mới hệ thống quản trị quốc gia” là một
trong những vấn đề rất quan trọng góp phần thúc đẩy hay kìm hãm phát triển đất
nước.
Trong loạt bài trước, người viết đã nêu rõ nước ta đang bị tụt hậu về kinh
tế, nhất là so với các nước xung quanh, chứ không còn là “nguy cơ” như Đảng ta
đã cảnh báo hơn 30 năm trước. Muốn khắc phục tụt hậu, vươn lên thịnh vượng cần
đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, bắt đầu từ đổi mới tư duy để có đường lối, chính
sách phù hợp.
Bài sau đây rất đáng đọc và là của hiếm trên báo chí chính thống. Tác giả đưa trường hợp Liên Xô trước đây: "[...] Các cơ quan của Đảng, trên thực tế, đã thay thế tất cả các tổ chức khác, nhưng lại không chịu bất kì trách nhiệm về kinh tế hay pháp lý nào về các chỉ thị và nghị quyết của mình”, coi đó là một nguyên nhân về quản trị quốc gia đưa đến sự sụp đổ chế độ cộng sản Liên Xô.
Tình hình Việt Nam không khác: "chưa có văn bản pháp quy nào thể chế hóa “khuôn khổ” nêu trong Hiến pháp, cũng như chưa có văn bản pháp quy nào quy định trách nhiệm pháp lý và vật chất trước dân về các quyết định do Đảng đưa ra", "Đương nhiên từ đó Đảng không chịu sự giám sát, kiểm soát của dân một cách cụ thể và sác thực". Kết luận rút ra chỉ là một thao tác tam đoạn luận đơn giản. Vấn đề là phải cải cách thể chế: "Tha hóa luôn gắn liền với quyền lực. Đảng ta đang ra sức chống tha hóa đối với từng cán bộ, đảng viên. Nhưng người viết cho rằng loại bỏ cho kỳ được nguyên nhân sinh ra tha hóa là quan trọng, là cơ bản hơn nhiều". Khốn nỗi, những cải cách thể chế như thế rất dễ bị quy là "tự diễn biến, tự chuyển hóa". Chẳng thế mà mới đây Đức Tổng Chủ còn nhấn mạnh "không cho phép ai làm trái Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng"! Lập trường kiên định đến thế của Đức Tổng Chủ, trên thực tế là bịt mắt trước thực tế và bịt tai trước những lời góp ý chân thành của trí thức, hơn thế nữa khuyến khích bọn nịnh hót và đe dọa những ai dám nói trái tai lãnh đạo. Hy vọng cải cách cách của tác giả chắc chắn sẽ nhanh chóng thành ảo vọng. Hoàng Dũng |
Bài viết tiếp theo này đề cập đến vài chuyện cũ cả trong và ngoài nước liên
quan đến “đổi mới hệ thống quản trị quốc gia”, mà người viết nghĩ rằng “quản
trị quốc gia” là một trong những vấn đề rất quan trọng góp phần thúc đẩy hay
kìm hãm phát triển đất nước. Đúng như tác giả Nguyễn Ngọc Chu đã viết trên Tuần
Việt Nam/VietNamNet “Chính phủ giỏi - chìa khoá mở cánh cửa kinh tế hùng cường”;
và “chuyện cũ” nhưng vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với chúng ta hiện nay.
Hai chính quyền song song
Ở Liên xô và nhiều nước XHCN khác ở Đông Âu đã từng tồn tại một hệ thống
quản trị quốc gia mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là hệ thống “Hai chính quyền Nhà
nước song song tồn tại trong một nhà nước thống nhất”. Hệ thống chính quyền thứ
nhất là hệ thống tổ chức Đảng (gọi tắt là “chính quyền Đảng”). Hệ thống chính
quyền thứ hai là hệ thống chính quyền Nhà nước.
Hệ thống chính quyền Nhà nước thứ nhất là hệ thống cơ quan lãnh đạo Đảng có
đầy đủ các cấp, tổ chức chằng chịt theo chiều dọc lẫn chiều ngang và hệ thống
tổ chức này hành xử không khác gì hệ thống chính quyền Nhà nước. Theo chiều dọc
từ Trung ương đến cơ sở, ở đâu có chính quyền Nhà nước ở đó có “chính quyền
Đảng”. Và cũng chằng chịt theo chiều ngang (Ban Đối ngoại – Bộ Ngoại giao; Ban
nông nghiệp Trung ương – Bộ Nông nghiêp; Ban Công nghiệp – Bộ Công nghiệp; Ban
lãnh đạo bộ - Ban cán sự Đảng…).
Bất kỳ cấp nào, ở đâu có cơ quan chính quyền Nhà nước, ở đó có cơ quan lãnh
đạo Đảng. Thậm chí, ở các tổ chức hội, đoàn không phải là cơ quan chính quyền
Nhà nước thì ở đó vẫn có cơ quan lãnh đạo Đảng… Các tổ chức thuộc cả ba nhánh
quyền lực đều có các ban cán sự đảng, đảng đoàn từ trên xuống dưới để thực hiện
các chức năng liên quan trực tiếp đến mọi hoạt động hằng ngày của người dân,
của đất nước.
Nói sơ lược nhất, hệ thống “chính quyền Đảng” ở Liên xô hồi bấy giờ có ít
nhất có 3 đặc trưng cơ bản: không được hình thành theo quy định của pháp
luật nhà nước; trên thực tế có siêu quyền lực; không hề chịu bất kỳ trách nhiệm
pháp lý và vật chất nào trước dân tộc về các quyết định do mình đưa ra.
“Quản trị quốc gia” là một trong những vấn đề rất quan trọng góp phần
thúc đẩy phát triển đất nước. Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Nói rõ đôi điều về ba đặc trưng cơ bản nêu trên:
(i) Hệ thống chính quyền Đảng không được hình thành theo quy định của pháp
luật.
Nhắc lại, với cả hệ thống tổ chức và nhân sự lãnh đạo đảng các cấp, lãnh
đạo các cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) thuộc các nhánh lập pháp, hành
pháp và tư pháp thực thi công vụ hằng ngày không khác tý nào so với hệ thống
chính quyền Nhà nước hoàn chỉnh thuộc các nhánh tương ứng. Tuy nhiên, hệ thống
chính quyền Đảng chỉ được hình thành theo Điều lệ Đảng và theo các quy định,
quyết định nội bộ của ĐCSLX. Đương nhiên hệ thống chính quyền đảng không do
chính quyền Nhà nước quyết định thành lập, giải thể khi cần thiết. Nhân sự của
hệ thống chính quyền đảng không hề được dân bầu, không được bổ nhiệm như hệ
thống chính quyền nhà nước.
(ii) Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy, hệ thống chính quyền đảng ở
Liên xô hồi bấy giờ có siêu quyền lực, đứng trên hiến pháp và pháp luật, đứng
trên chính quyền Nhà nước ở tất cả các cấp, không có ngoại lệ.
Bởi không hề có văn bản pháp quy nào quy định quyền kiểm soát, giám sát của
dân đối với hệ thống chính quyền đảng… ngoài vài câu ghi tại Điều 126 Hiến pháp
Liên xô năm 1936 và Điều 6 Hiến pháp Liên xô năm 1977: “ĐCSLX là lực lượng lãnh
đạo và dẫn dắt xã hội Xô viết, là hạt nhân của hệ thống chính trị của nhà nước
và các tổ chức xã hội”; “ĐCSLX tồn tại vì nhân dân và phục vụ nhân dân”; “Mọi
tổ chức đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp Liên Xô”. Điều đáng nói hơn,
không hề có văn bản pháp quy nào quy định cái gọi là “khuôn khổ” đó cả, nên
trên thực tế ĐCSLX hoạt động trên và ngoài hiến pháp và pháp luật.
(iii) Hệ thống chính quyền đảng không hề chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý và
vật chất nào trước dân về các quyết định do mình đưa ra.
Cho đến ngày tan rã, không hề có bất kỳ văn bản pháp quy nào quy định rõ
trách nhiệm của ĐCSLX trước dân. Trong khi đó, rất khó tìm một lĩnh vực, một
khu vực, một hoạt động cụ thể nào, cả đối nội lẫn đối ngoại trong đời sống của
người dân Liên xô mà ở đó không có sự can thiệp, điều hành của cơ quan đảng và
người lãnh đạo đảng các cấp của ĐCSLX.
Khi lãnh đao ĐCSLX nhận ra những điều tồi tệ trên đây thì đã quá muộn. Ngày
23 tháng 6 năm 1990, trên tờ “Sự thật”, ông A. Iakovlev, ủy viên Bộ chính trị,
nhà lý luận của ĐCSLX đã nêu lên đặc trưng của hệ thống chính quyền nhà nước
Liên Xô lúc bấy giờ là: “Một nền kinh tế trì trệ, phản dân chủ một cách trắng
trợn, quan liêu và tham nhũng. Các cơ quan của Đảng, trên thực tế, đã thay thế
tất cả các tổ chức khác, nhưng lại không chịu bất kì trách nhiệm về kinh tế hay
pháp lý nào về các chỉ thị và nghị quyết của mình”.
Chỉ 14 tháng sau khi tuyên bố này được đưa ra, ngày 19 tháng 8 năm 1991,
ĐCSLX tan rã trong nháy mắt và Liên xô sụp đổ ngay sau đó sau 74 năm tồn tại.
Đương nhiên, ai cũng hiểu việc Liên xô sụp đổ do nhiều nguyên nhân phức tạp,
nhưng không thể không kể đến nguyên nhân về tổ chức quản trị quốc gia như nêu
trên đây.
Những bài học cần rút ra
Ở nước ta trong một thời gian không ngắn cũng áp dụng hệ thống quản trị
quốc gia na ná như ở Liên Xô đã phân tích trên.
Để tránh hiểu lầm, cần nói rõ thêm, ở hầu hết các quốc quốc gia trên thế
giới, đảng chính trị sau khi thắng cử, nắm quyền quản trị quốc gia, không bao
giờ nhân danh một hay một số đảng cầm quyền để ban hành các đường lối, chính
sách phát triển đất nước nói chung cũng như từng lĩnh vực trọng yếu, mà luôn
nhân danh nhà nước để thực thi các chức năng quản trị quốc gia.
Ở nước ta, khi công cuộc đổi mới được bắt đầu, Đảng ta cũng làm rất nhiều
việc, chẳng hạn giải thể một loạt các Ban mà chức năng quản lý trùng lặp với
các cơ quan quản lý Nhà nước (Ban Nông nghiệp TW; Ban Công nghiệp; Ban Tài
mậu...). Đồng thời, Đảng ta đã đề ra mô hình quản trị quốc gia theo hướng: Đảng
lãnh đạo - Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ. Và Đảng lãnh đạo - Nhà nước
quản lý – Nhân dân làm chủ đều phải theo khuôn khổ của pháp luật.
Mô hình ba vế vừa nêu là đúng đắn, rõ ràng. Trong mấy thập niên qua, chúng
ta đã từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật áp dụng đối với hệ
thống quản lý nhà nước. Các văn bản pháp quy đã quy định rõ, mỗi nhánh quyền
lực được làm những gì, không được làm gì. Chưa nói đến nội dung, về hình thức
văn bản pháp quy, chẳng hạn Quốc hội được ban hành Luật, Nghị quyết; Chính phủ
được ban hành Nghị định, Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ được ban hành Quyết
định, Chỉ thị… Tất nhiên vẫn còn vô số việc phải làm để nâng cấp, hoàn thiện hệ
thống pháp luật này.
Đối với hai vế còn lại, nhất là vế "Đảng lãnh đạo, về mặt pháp lý vẫn
còn các khoảng trống lớn. Đây là sự chậm trễ rất đáng tiếc, để lại hậu quả
không tốt. Xin nói rõ thêm vài điều liên quan đến điều đáng tiếc đó.
Hiến pháp của nước ta ghi rõ “Đảng Cộng sản Việt Nam […] là lực lượng lãnh
đạo Nhà nước và xã hội”; “Đảng Cộng sản Việt Nam […] chịu sự giám sát của Nhân
dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”; “Các tổ
chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ
hiến pháp và pháp luật”.
Những điều ghi trên đây là cần thiết, nhưng chưa đủ. Để đưa những nội dung
rất quan trọng đã được ghi vào Hiến pháp như vừa nêu vào thực hiện trong cuộc
sống một cách đúng đắn thì còn cần một hệ thống pháp luật quy định rõ
"Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" là thế nào, Ban lãnh đạo cũng như
người đứng đầu cơ quan lãnh đạo Đảng các cấp được làm gì và không được làm gì;
quy định rõ cơ chế “chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân
dân về những quyết định của mình” là thế nào…
Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII và một số Đại hội Đảng trước đó cũng
thừa nhận một phần nội dung còn khiếm khuyết này: “Sự phân định giữa vai trò
lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn những nội dung
chưa rõ; phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ở các cấp còn
nhiều điểm chưa được chế định rõ và phù hợp với nguyên tắc của Nhà nước pháp
quyền”.
Chúng ta đã hình thành được hệ thống pháp luật để thực hiện vế “Nhà
nước quản lý”, thì không khó khăn gì trong việc hình thành hệ thống pháp luật
để thực hiện hai vế còn lại, nhất là vế “Đảng lãnh đạo”. Hệ quả của khiếm
khuyết nêu trên là chúng ta vẫn chưa hoàn toàn xóa bỏ được tình trạng “hai
chính quyền song song tồn tại trong một nhà nước thống nhất” trong quản trị
quốc gia. Hệ lụy của sự chậm trễ này, có nhiều. Dưới đây, xin nêu vài chuyện:
Thứ nhất, trên thực tế, lâu nay Đảng nắm quyền quyết định tuyệt đối trong
một số lĩnh vực quan trọng. Thí dụ, Đảng nắm quyền quyết định tuyệt đối về công
tác cán bộ, không có ngoại lệ. Bao giờ lãnh đạo Đảng cũng là người đầu tiên đưa
quyết định liên quan đến các chức danh quản lý trong hệ thống chính quyền
Nhà nước, thăng quân hàm trong các lực lượng vũ trang. Sau đó hệ thống chính
quyền Nhà nước chỉ làm các thủ tục có tính chất hành chính tiếp theo.
Ở đây, chưa cần bàn việc Đảng nắm quyền quyết định tuyệt đối về công tác
cán bộ như vừa nêu có hợp lý hay không, mà điều cần bàn là việc Đảng nắm quyền
quyết định tuyệt đối đó được quy định tại văn bản pháp quy nào? Dường như chưa
hề có văn bản pháp lý nào quy định Đảng làm việc cụ thể ấy.
Thứ hai, các văn kiện chính thức đã nói nhiều về sự “chồng chéo”, “lấn
sân”, “làm thay”… trong việc ra các quyết định trong điều hành phát triển đất
nước, nhưng thường nói về khiếm khuyết này trong nội bộ hệ thống.
Đã có một vài dẫn chứng về “chồng chéo”, “lấn sân”, “làm thay” giữa “hai hệ
thống chính quyền”. Chẳng hạn, trong cuộc sống có vô số công việc liên quan đến
quản trị quốc gia, theo hệ thống pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ, là
việc của cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng cơ quan Đảng tự mình vẫn ban hành
quyết định và yêu cầu mọi người dân phải chấp hành.
Hoặc cũng có vô số công việc, theo hệ thống pháp luật hiện hành quy định,
đó đích thực là việc của cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng vì nhiều lý do khác
nhau, cơ quan quản lý Nhà nước luôn “xin ý kiến chỉ đạo” của cơ quan lãnh đạo
Đảng tương ứng, mà thực chất là xin quyết định của lãnh đạo cơ quan Đảng đó.
Cả hai tình huống vừa nêu xảy ra cả ở Trung ương lẫn địa phương, nhưng càng
xuống cấp dưới xảy ra càng phổ biến hơn.
Hậu quả để lại của các tình huống vừa nêu là không tốt, cũng có thể nói là
xấu. Hậu quả xấu thường hay nhắc tới là bộ máy quản lý phình to, kém hiệu quả…
Đó chỉ là phần không lớn, phần nổi của hậu quả xấu. Hậu quả nặng nề nhất của
tình trạng nêu trên là gây ra sự mâu thuẫn, chậm trễ không đáng có trong việc
ra quyết định điều hành, phát triển đất nước.
Bởi chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến quản trị quốc
gia luôn gắn với “lỡ nhịp”, gắn với “mất cơ hội”. Mà mất cơ hội để đi lên là
mất mát tiền của của dân, mất cơ hội phát triển, tụt hậu ngày càng xa so với các
quốc gia khác…
Thứ ba, tuy Hiến pháp quy định rõ: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng
Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”; Đảng “chịu
sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định
của mình”, nhưng trên thực tế, hình như chưa có văn bản pháp quy nào thể chế
hóa “khuôn khổ” nêu trong Hiến pháp, cũng như chưa có văn bản pháp quy nào
quy định trách nhiệm pháp lý và vật chất trước dân về các quyết định do
Đảng đưa ra.
Đương nhiên từ đó Đảng không chịu sự giám sát, kiểm soát của dân một
cách cụ thể và sát thực. Tha hóa luôn gắn liền với quyền lực. Đảng ta đang ra
sức chống tha hóa đối với từng cán bộ, đảng viên. Nhưng người viết cho rằng
loại bỏ cho kỳ được nguyên nhân sinh ra tha hóa là quan trọng, là cơ bản hơn
nhiều.
Bài viết đã quá dài, xin phép dừng ở đây. Lần nữa, rất hoan nghênh
VietNamNet mở Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường”. Tôi cho rằng đây là nơi rất
tốt để mọi người tâm huyết nêu thực trạng, nguyên nhân cốt lõi của tình hình và
kiến nghị của mình để làm sao cho Việt Nam thịnh vượng. Nếu được phép, tôi sẽ
cùng mọi người tìm cách trả lời các khía cạnh khác nhau của các câu hỏi do Diễn
đàn nêu ra và tôi có nhắc lại tại các bài viết trước.
Hải Lộc