Hoàng Quốc Hải
Thứ tư ngày 30 tháng 1 năm 2019 11:27 AM
Hoàng Quốc Hải : "Hãy bình tĩnh nhận diện xã hội
xem còn mặt nào giữ được tính nghiêm minh và các giá trị đạo đức : Pháp luật,
Giáo dục, Y tế là ba ngành tiêu biểu nhất giữ cho xã hội phát triển thuần
từ. Nhưng Pháp luật thì quan tòa gợi ý chạy án cho phạm nhân, mặc cả ngay trong
phòng xử án.
Giáo dục thì thầy bán điểm, đổi
điểm lấy sex, hoặc môi giới bán dâm cho trò. Thầy ấu dâm với trò. Thầy trò
đánh, giết nhau.
Y tế thì bác sĩ chỉ chăm vẽ bệnh
dọa bệnh nhân để kiếm tiền, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì đánh đập, sỉ
nhục, thậm chí giết cả thầy thuốc."
Ba mươi năm chiến tranh – một
cuộc chiến đằng đẵng dài nhất, và khốc liệt nhất trong lịch sử dân tộc hơn bốn
ngàn năm. Chúng ta tập trung mọi nguồn lực để: “Tất cả cho tiền tuyến” – “Tất cả để
chiến thắng”. Bởi vậy, các nhu cầu, dù là nhu cầu tối thiểu nhất của con người đều bị
gác lại.
Cuối cùng, dân tộc ta đã chiến
thắng các kẻ thù khổng lồ. Nhưng đất nước xơ xác, điêu tàn, con người kiệt quệ.
Trong khi ta còn chưa kịp thở,
chưa kịp hồi sức thì kẻ thù truyền kiếp, núi liền núi, sông liền sông lại áp
đặt cho ta hai cuộc chiến tranh xâm lược nữa vô cùng khốc liệt và man rợ ở hai
đầu đất nước. Tiếp đó là Mỹ và thế giới bao vây, cấm vận kinh tế.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy,
con người chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để tồn tại. Vì vậy, khi có đường lối “đổi mới”và Mỹ bỏ bao vây, cấm vận, ta lao vào khôi phục và phát triển kinh tế hết
tốc lực.
Điều đó đúng. Nhưng chưa đủ.
Đúng, là cần phải giải quyết cấp
tốc cái ăn, cái mặc. Nhưng chưa đủ là do ta chưa quan tâm đúng mức, và cũng
chưa hình dung hết những vấn đề của con người sau hậu chiến. Đặc biệt chưa có
một chiến lược văn hóa đúng tầm vóc của một quốc gia.
Bởi văn hóa có tác động chi phối
đến mọi mặt đời sống và đạo đức của con người. Thông thường, chiến lược xây
dựng và phát triển văn hóa phải đi trước phát triển kinh tế một bước. Vì rằng,
xây dựng và phát triển văn hóa thực chất là xây dựng và phát triển con người –
Một khi con người có văn hóa, có đạo đức sẽ không chệch hướng, dù đi trên bất
cứ loại đường nào.
Nền văn hóa của một dân tộc được
cấu thành bởi hai nhân tố: vật thể và phi vật thể.
Nền văn hóa truyền thống được bồi
đắp qua nhiều đời, và nhờ nó dù có bị giặc Tầu đô hộ cả ngàn năm, giặc Tây đô
hộ gần trăm năm,ta vẫn giữ được hồn cốt Việt. Đó là ngôn ngữ, phong tục, tập
quán của riêng ta, không để kẻ thù cướp mất. Nhờ đó dân tộc ta tồn tại.
Suốt 30 năm chiến tranh và cả sau
hòa bình, nền văn hóa mới hình thành chưa trọn vẹn, thì nền văn hóa cũ cứ lặng
lẽ ra đi. Sự tiếp biến văn hóa tỏ ra lệch pha. Chúng ta vận hành, tức là cách
ứng xử văn hóa của chúng ta không tuân theo quy luật. Quy luật của văn hóa là
di phong dịch tục chứ không thể cưỡng chế. Bởi văn hóa có sức sống mãnh liệt và
dai dẳng hơn cả luật pháp. Thể chế chính trị có thể thay đổi, nhưng văn hóa
không nhất thiết phải cùng lúc đổi thay.
Nhà nước, dù là nhà nước phong
kiến độc tài cũng không cưỡng chế nổi phong tục. Ví dụ việc vua Minh Mạng đã
hai lần ban dụ rất nghiêm khắc, vào các năm Đinh hợi (1827) và Đinh dậu (1837)
bắt phụ nữ Bắc Hà phải bỏ quần một ống (váy), vận quần hai ống. Lời dụ lần sau
rất gay gắt: “Ngày truớc từ Linh Giang (sông
Gianh) trở ra Bắc dân vẫn mặc y phục như tục cũ. Đã ban dụ truyền sửa đổi theo
y phục từ Quảng Bình trở vào miền trong để phong tục đồng nhất. Lại cho thời
hạn rộng rãi khiến dân được thong thả may sắm quần áo. Từ năm Minh Mạng thứ 8
đến nay đã mười năm rồi, vẫn nghe nói dân chưa sửa đổi… Hạn trong năm nay phải
nhất tề thay đổi, nếu đầu năm vẫn còn giữ theo y phục cũ sẽ trị tội”.
Lệnh vua ban 10 năm, dân không
theo. Vua lại ban dụ hẹn trong năm, nếu không tuân phục sẽ trị tội. Thế nhưng
dân Bắc Hà không những không theo, lại còn làm ca vè ca ngợi cái váy của ta là
độc đáo:
“Cái thúng mà
thủng hai đầu
Bên ta thì có
bên Tàu thì không”
Hoặc có ý giễu cợt:
Tháng tám có
chiếu vua ra
Cấm quần không
đáy (váy) người ta hãi hùng
Không đi thì
chợ không đông
Đi thì phải lột
quần chồng sao đang
Và nữa:
Có quần ra quán
bán hàng
Không quần ra
đứng đầu làng trông quan
(Nghĩa là canh
gác xem quan có về khám váy không)
Đương nhiên,
cho mãi đến năm 1945, đa số phụ nữ miền Bắc vẫn còn mặc váy. Nhưng từ kháng
chiến chống Pháp (1946) tới sau này, tuyệt nhiên không có cuộc vận động nào,
hoặc sự ngăn cấm nào đối với phụ nữ không được mặc váy; mà váy lại dần ít đi
rồi tuyệt chủng.
Rõ ràng không một người quyền uy
nào, dù là vua, hay một thể chế chính trị nào, ngay lập tức bãi bỏ được phong
tục, mà nó tự vận động theo quy luật thích nghi và tự đào thải. Ấy thế mà chúng
ta đã có những ứng xử không khôn ngoan với văn hóa.Đôi khi sa vào cực đoan.
Ví dụ, trước đây Cục Văn hóa quần
chúng, (nay là Cục Văn hóa cơ sở, thuộc bộ Văn hóa) có hẳn một phòng gọi là “Phòng nếp sống mới”, tới năm 1980 thì đổi là “ Phòng nếp sống xã hội chủ nghĩa” .
Tôi quan sát thấy Phòng này chưa
đề xuất được một chính sách hoặc một tập tục mới nào mang tính văn hóa, mà chỉ
xây dựng những văn bản pháp quy nhằm cấm đoán hoặc bãi bỏ các tập tục cũ. Điển
hình là năm 1982, Phòng này đã tham mưu cho Cục, từ đó Cục đề xuất với Bộ Văn
hóa duyệt,rồi Bộ trình lên Thủ tướng để ra được Nghị định 214 . Nội dung chủ
yếu là cấm hội hè, tế lễ, tín ngưỡng, mê tín dị đoan. Ta hay lạm dụng từ “tín ngưỡng” để kèm cái đuôi “mê tín dị đoan” cho tiện bề
cấm đoán.
Thật ra, đây là hai phạm trù khu
biệt. Tín ngưỡng là lòng tin của con người đối với một tông giáo nào đó,một
thần linh nào đó.Còn mê tín dị đoan là sự mù quáng chạy theo sự lừa mị tâm
linh, bất chấp sự phân tích của lý trí.
Tôi nhớ, để chuẩn bị cho Nghị
định 214ra đời, Cục Văn hóa quần chúng cử người đi điền dã, khảo sát các địa
phương có nhiều lễ hội, và cũng là cái kho văn hóa dân gian truyền thống như:
Hà Bắc , Hà Tây, Hà Nam Ninh vv…Lại thấy, có buổi cán bộ Sở Văn hóa Hà Nam Ninh
lên tận Cục Văn hóa quần chúng báo cáo: “Điện thờ Mẫu
Liễu Hạnh ở Vụ Bản, địa phương đã cho người canh gác các ngả vào,không cho
khách thập phương lui tới. Vậy mà đêm đêm vẫn có người lẻn vào nơi thờ tự cúng
lễ”. Còn Hà Nội thì báo cáo: “ Chùa Hà,
chúng tôi đã cho bốc bùn phủ kín mặt đường và rấp các lối vào chùa. Vậy mà vẫn
có người vào được trong chùa lễ bái”.V.v…Ở đây cho ta thấy một sự
thật hiển nhiên:Tâm linh là nhu cầu tất yếu trong đời sống của một bộ
phận(không nhỏ) người trong xã hội.Tiếc thay, ta đã bỏ qua không chịu nghiên cứu
để có hướng dẫn cho công chúng.
Trong khi đó tại các thành phố và
các tỉnh, lại lập các đội kiểm tra quy tắc văn hóa, để sẵn sàng giải tán hoặc
lập biên bản xử phạt nơi thờ tự nào dám cho người vào lễ bái, hoặc lăm le mở
hội, hầu bóng, lên đồng. Đội kiểm tra quy tắc văn hóa tiêu biểu là Hà Nội còn
cắt tóc và cắt quần ống loe, sau là ống tuýp (các thập niên 80 - 90 của thế kỷ
trước, thanh niên có phong trào để tóc dài trùm gáy và mặc quần ống loe
rộng). Đúng là ngành văn hóa đã làm việc giữ gìn văn hóa một cách ấu trĩ, thiếu
cả văn hóa lẫn nhân văn.
Trước nữa, vào cuối thập niên
50(thế kỷ 20) các thầy bói, thầy cúng, thầy phù thủy, các ông bà đồng và những
người hành nghề mê tín , đều phải phá bỏ điện thờ tư nhân, bản thân phải giao
nộp các sách hành nghề và các vật dụng hành nghề, phải học tập cải tạo, rồi sau
đó chuyển sang các nghề lao động khác. Về phương diện in ấn và truyền bá các
sách vở, tài liệu có liên quan đến thần bí, mê tín, dị đoan đều là phạm pháp.
Tuyệt đối cấm xuất bản các loại sách này. Các loại đồ vàng mã cũng nằm trong
danh mục cấm sản xuất và tiêu thụ.
Như vậy, về mặt quản lý nhà nước,
coi như ngành văn hóa đã quét sạch văn hóa tâm linh, trừng trị nghiêm khắc các
hoạt động mê tín lén lút. Ngay hát nhạc vàng, có người cũng lãnh án tù gần chục
năm. Về mặt quản lý nhà nước, coi đó như là một thành tựu đáng tự hào về triệt
tiêu tàn dư của văn hóa quá khứ.
Sự thay đổi bắt đầu từ giai đoạn
đổi mới. Đổi mới về chủ trương, kèm theo cơ chế, chính sách. Thế là mọi thứ đều
bung ra từ kinh tế, văn hóa và luật pháp. Ta có thể ví tình hình xã hội lúc đó,
tựa như một chiếc lò xo bị nén hết cỡ đã lâu ngày, nay rút then ngáng ra, nó
bật tung lên với sức mạnh không gì kìm nén được. Bộ mặt xã hội hoàn toàn đổi
khác.
Lương thực, phần căn cốt nhất đã
dư thừa. Ngay năm đầu tiên đã xuất khẩu 1 triệu tấn gạo. Hàng hóa tràn ngập thị
trường. Các loại tem phiếu cung cấp từ vải sợi đến lương thực, thực phẩm nhất
loạt bãi bỏ. Nhà nhà đi buôn.Cơ quan,đoàn thể cũng đi buôn. Cả nước đi buôn.
Buôn gì vậy? Đủ thứ, thượng vàng hạ cám.
Lễ hội bùng nổ. Ngay lễ hội cũng
biến tướng thành một thứ hàng hóa kinh doanh. Chùa chiền xây cất tràn lan. Đúc
chuông, tạc tượng thoải mái. Các điện thờ tư nhân không chỉ hồi sinh, mà còn
phát triển tưng bừng. Tình trạng hầu bóng, lên đồng trước cấm ngặt, nay thả cửa.
Nạn trùng tu các di tích lịch
sử, thực chất là phá bỏ những gì tinh hoa cổ kính, khiến luật pháp không bao
quát, khống chế kịp. Vậy là lại sa vào cực đoan. Trước thì quá tả, nay lại quá hữu.
Nhiều ngôi chùa mới, có quy mô
xây cất và bao chiếm diện tích từ vài chục đến vài trăm hec ta như Bái Đính, Ba
Vàng… Tượng Phật mỗi pho đúc tới 50 tấn đồng, chuông đúc tới 60 tấn đồng…mà
không hề có sự nhắc nhở, cảnh báo; trái lại còn được một số chức sắc trong Giáo
hội Phật giáo đồng hành, chính quyền ngầm hậu thuẫn. Trong khi nông dân thiếu
đất làm ruộng, nhiều vùng đồng bào còn thiếu đói, vẫn không thấy có sự chế tài
nào của các cơ quan quản lý nhà nước. Nạn cướp đất và chống cướp đất giữa nông
dân và các chủ dự án, diễn ra ngày càng quyết liệt, là một bài toán nan giải.
Quy mô các đạo tràng nổi tiếng
nhất, to rộng nhất trong các thời đại nhà Lý, nhà Trần lấy đạo Phật làm quốc đạo
như Vĩnh Nghiêm, Quỳnh Lâm, Yên Tử sao có thể sánh nổi với qui mô của một số
chùa ngày nay. Ngay các tứ đại khí thuộc hàng bảo vật quốc gia thời Lý – Trần
như chuông Quy Điền (chùa Diên Hựu); tháp Báo Thiên (ở Thăng Long); tượng Phật
chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều – Hải Dương); vạc Phổ Minh (Thiên Trường) cũng thua
xa các vật thể cùng loại thời nay.
Ấy là so về quy mô hình thức, chứ
nội hàm văn hóa các chùa, tượng mới xây cất to đùng bây giờ, đều là những vật
xa lạ, kệch cỡm của mấy tay trọc phú khoe của hoặc rửa tiền. Bởi nó không có
hàm lượng văn hóa và giá trị nghệ thuật, nên chẳng có gì để mà so sánh. Cũng vì
các ngôi chùa đó vô hồn, do không hề thấy bóng dáng các bậc sư tăng đạo cao đức
trọng vãng lai hoặc trú trì. Bởi nó không có chất thiêng, nhưng lại giàu tính
tham-sân – si cùng sự dung tục.
Và rồi ngay cả những lĩnh vực
trước kia nhà nước độc quyền như ngân hàng, trường học, bệnh viện, bưu chính
viễn thông, nghề in và xuất bản vv…Bây giờ không lĩnh vực nào là tư nhân không
được phép. Thật ra, với một xã hội dân chủ cởi mở, thì người dân được phép làm
bất cứ điều gì pháp luật không cấm,còn người của bộ máy công quyền, chỉ được
làm điều gì luật pháp cho phép.
Riêng lĩnh vực tâm linh tín
ngưỡng, trước đây nghiêm cấm truyền bá và hành nghề. Nay các loại sách thần bí
in thả cửa, các nhà làm sách khai thác triệt để,phổ cập tràn lan. Nên lớp lớp
các thầy địa lý, thầy bói toán, thầy ma thuật,thầy tâm linh, thầy cúng dởm, mọc
lên như nấm nhờ ba loại sách thần bí rẻ tiền mà nguồn gốc nó từ Trung Quốc tràn
sang như một thứ dịch hạch. Xã hội dần đi vào loạn chuẩn. Vậy là khi ta cấm đã
cực đoan, nay ta bỏ cấm cũng lại cực đoan.
Hãy bình tĩnh nhận diện xã hội
xem còn mặt nào giữ được tính nghiêm minh và các giá trị đạo đức : Pháp luật,
Giáo dục, Y tế là ba ngành tiêu biểu nhất giữ cho xã hội phát triển thuần
từ. Nhưng Pháp luật thì quan tòa gợi ý chạy án cho phạm nhân, mặc cả ngay trong
phòng xử án.
Giáo dục thì thầy bán điểm, đổi
điểm lấy sex, hoặc môi giới bán dâm cho trò. Thầy ấu dâm với trò. Thầy trò
đánh, giết nhau.
Y tế thì bác sĩ chỉ chăm vẽ bệnh
dọa bệnh nhân để kiếm tiền, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì đánh đập, sỉ
nhục, thậm chí giết cả thầy thuốc.
Tôn ti, hiếu thảo trong gia đình
xuống cấp đến đau lòng. Anh chị em, cha con, mẹ con, ông bà cháu chắt, vợ chồng
giết nhau vì đủ mọi thứ. Thậm chí súc vật tới mức, cha con loạn luân, ông cháu
loạn luân. Chỉ nhắc lại sự việc đã đủ nhức nhối, và cảm thấy hổ thẹn. Tới lúc
này thì mọi chuẩn mực xã hội dường như đều trên đà lao giốc. Bộ máy an ninh là
rường cột trật tự của một quốc gia, mà viên trung tướng, tổng cục trưởng tổng
cục cảnh sát, đặc trách kỹ thuật chống tội phạm công nghệ cao, lại dựa vào
chính công nghệ cao đó, bảo kê cho đường dây đánh bạc lớn nhất nước, thu hút
tới 40 triệu tài khoản con bạc thì sự tha hóa lương tâm và đạo đức xã hội, đã
ăn vào tới não tủy loại người này rồi. (Thật ra,với sự việc trên, không một
người lương thiện nào dám nghĩ tới hoặc ngờ tới). Vậy còn nơi nào để công chúng
đặt niềm tin?
Đấy là nói về các ngành khác, còn
ngành văn hóa thì sao? Có lẽ, không có ngoại lệ. Chỉ tính riêng mặt lễ hội
thôi, nó đã tha hóa và xuống cấp tới mức nào.
Hãy xem tỉnh Nam Định đã bịa ra
cái gọi là: “Lễ hội khai ấn”để kinh doanh ấn
trên diện rộng. Quan sát quang
cảnh ngày phát ấn thật rùng rợn: hàng rào sắt cơ động giăng mắc, và cả ngàn
lính cảnh sát cơ động tham gia trực tiếp giữ trật tự. Biến lễ hội, là ngày vui
của cộng đồng dân cư một cách thoải mái và tự giác, thành ngày hội có vũ trang.
Nhưng đâu có giữ được trật tự, người ta bước trên vai nhau, trèo qua đầu
nhau,nhảy cả vào chốn thờ tự nơi hậu cung cướp lễ, như một lũ quỷ đói.
Nạn kinh doanh ấn dổm từ Nam
Định, lan tỏa ra nhiều đền phủ của nhiều tỉnh thành khác, như một thứ dịch bệnh
mấy năm qua, tuột khỏi sự quản lý và định hướng của ngành văn hóa vv… và vv…Có
thể nói mọi tiêu cực trong xã hội tới lúc này, tựa như một con ngựa hoang,mà sự
quản lý nhà nước còn đang rất loay hoay tìm giải pháp đóng hàm thiết và đặt yên
cương thuần hóa nó.
Vì sao mọi ứng xử xã hội không
còn một chuẩn mực văn hóa nào cả?
Và vì sao toàn
xã hội ta phải hứng chịu sự xuống cấp về phẩm chất con người một cách thê thảm
như vậy?
Và sau 30 năm
chiến tranh với biết bao đau thương, mất mát, lẽ ranhân dân có quyền được hưởng
một cái gì đó, từa tựa như là cái mùi của hạnh phúc, để xoa dịu vết thương vẫn
còn toang hoác máu mủ, ru rín cho nó kín miệng để cho nó dần lên da non.
Thật là bất
hạnh, bốn mươi lăm năm sau chiến tranh, dường như ta lại phải đương đầu với một
cuộc chiến tranh khác. Đó là cuộc chiến về sự khủng hoảng lòng tin!
Vì sao vậy ???
- Vì ta không
lường trước được nhu cầu của con người xã hội thời hậu chiến.
- Vì ta không
chuẩn bị cho trạng thái tâm lý con người xã hội thời hậu chiến.
- Vì ta không
quan tâm đến nhu cầu tâm linh và khát vọng tâm linh của con người xã hội thời
hậu chiến.
- Vì ta không
bù đắp được phần nào vật chất và tinh thần do con người đã mất mát,hao tổn
trong chiến tranh và thua thiệt trong hòa bình.
- Còn vì sự bất
công xã hội ngày một leo thang,và hố sâu ngăn cách giàu nghèo như một vực thẳm.
Các khái niệm như bình đẳng, tự
do, dân chủ, công bằng xã hội dần biến mất trong đời sống người dân thường, và
ngay cả với người còn sống sót sau cuộc chiến trở về. Xã hội trở thành loạn
chuẩn.
Đúng là ta quá say sưa với chiến
thắng, mà ta quên mất thân phận cả cái xã hội đã làm nên chiến thắng. Ta đã
không tính đến những va đập khủng khiếp từ chiến tranh đã gâydư chấn thần
kinh, chấn thương tâm lý do chiến tranh tác động một cách dai dẳng qua nhiều thế
hệ, cần phải được giải tỏa. Nhưng nó đã không được giải tỏa thỏa đáng. Thậm
chí,một lễ cầu siêu theo truyền thống dân tộc sau chiến tranh cũng không được phép
tổ chức.Dó đó xã hội mắc luôn hội chứng sang chấn tinh thần, trở nên rối loạn
nhân cách văn hóa.Đạo đức không còn là chuẩn mực để đánh giá phẩm chất một con
người. Đạo đức mất phương hướng,mặc sức cho suy đồi thao túng.Và bây giờ,toàn
xã hội lãnh đủ.
Và còn vì cao ngạo nữa, nên ta
không chịu ngoái nhìn quá khứ, không tham khảo các bài học lịch sử mà tổ tiên
ta đã trải nghiệm bằng cả núi máu xương. Ví dụ, sau hai cuộc chiến tranh cực kỳ
tàn bạo và khốc liệt của giặc Mông - Nguyên, vào các năm 1285 - 1288.Khi thấy
nhà Nguyên tạm lắng mộng xâm lăng , và Nguyên Thánh tổ trực tiếp sai sứ sang
Đại Việt tuyên cáo bãi binh vào năm 1293. Ngay sau đó, Trần Nhân tông nhường
ngôi cho con. Ngài đi khắp nước, kiểm tra sự thiệt hại của toàn dân sau hai
cuộc chiến tranh, và quyết định tha tô thuế tùy theo mức độ giặc tàn phá. Nước
còn nghèo, vì vừa thoát khỏi chiến tranh, nên nhà vua chỉ úy lạo và tha tô thuế
nơi thì một phần, nơi thì toàn phần. Sau đó lập đại lễ cầu siêu cấp quốc gia
tại Thăng Long, rồi lần lượt lập đàn cầu siêu tại các lộ. Đó là biện pháp an
dân qua việc an tâm, và cũng là an ủi phần nào tâm trạng buồn đau, góp phần xoa
dịu vết thương chiến tranh trong tâm thái thất vọng và bi phẫn của con người.
Tại sao đang ở trên đỉnh cao vinh
quang chói lọi và quyền lực tót vời, lại chỉ mới 35 tuổi, vua Trần Nhân tông
không tận hưởng vinh quang, phú quý, không thi thố quyền lực mà lại nhường ngôi
cho con? Và năm sau, năm 1294 ngài tuyên cáo xuất gia.
Việc Trần Nhân tông xuất gia,
không phải Ngài thoát ly cuộc sống, chỉ ngồi đó ngắm nhìn mấy pho tượng Phật
sáng chói nước sơn rồi khua chuông, gõ mõ, ê a mấy bổn kinh nhật tụng. Trái
lại, Ngài đi khắp chốn cùng nơi khuyên dân chúng bỏ tục thờ tạp thần, tà thần,
dâm thần mà nhất loạt thờ tổ tiên, thờ Phật và tu đạo. Tu đạo không phải bỏ nhà
đi ở chùa mà là tu tâm, tu tại gia, làm thập thiện (10 điều thiện).
Thế là Ngài đích thân làm việc
định lại cái tâm bất an của dân chúng, do hai cuộc chiến tranh khốc liệt liên
tiếp gieo rắc thảm họa cho toàn dân tộc. Ngài cũng dạy cho dân phép tu và đem
chính bản thân mình làm vật trực quan, tức là THÂN GIÁO!
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”
Cơ tắc xan hề khổn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”
dịch:
“ Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
Thấy đói thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Trước cảnh tâm không chớ hỏi thiền”.
Ngài dạy dân phép tu đơn giản
thế, ai mà chẳng tu được. Rồi năm sau (1295), Ngài lên núi Yên Tử tu khổ hạnh.
Tu khổ hạnh là tu theo hạnh đầu đà. Luật tu này rất khắc nghiệt, phải ở dưới
gốc cây, ở trong hang, ngủ ngồi không chăn chiếu, ăn ngày một bữa vào chính
ngọ, quá giờ đó là tịnh khẩu (không được ăn gì nữa). Trước hàng ngàn tu sĩ
trong đạo tràng,họ đều là đệ tử của ngài, Trần Nhân tông không thể tu giả vờ
được…
Có một sự việc không thể không
nhắc lại, tức là cuộc xâm lăng vô cùng khốc liệt của quân Nguyên-Mông năm 1285
khiến nhiều hoàng thân quốc thích và quan lại ra hàng giặc.Sau khi đã đuổi giặc
ra khỏi bờ cõi,lúc trở về triều,một viên quan nội hầu bê từ đại bản doanh của
Thoát-hoan về một chiếc cháp;trong đó chứa những thư xin hàng hoặc ước hàng của
một số quan lại trong triều,mong nhà vua trị tội.
Trần Nhân tông không đọc, Ngài sai
đốt trước mặt mọi người và nói:Trong lúc thế giặc mạnh,đến ta còn hoang mang
hãi sợ huống chi người khác.
Chính vì lòng khoan dung, độ
lượng; Ngài đã an được cái tâm cho những kẻ hèn nhát, để họ không còn dám manh
tâm nữa.Qủa vậy, ba năm sau(1288) quân Nguyên lại ầm ầm binh mã kéo sang xâm
lược nước ta. Lần này, tuyệt nhiên không có một viên quan nào của triều đình
rahàng giặc,và quân xâm lược cũng mau chóng bị đánh bại.
Vì sau cuộc chiến tranh, nhà vua
có những hành vi cao thượng như vậy, nên các quan dù công lao đến mấy(ngày nay
ta gọi là đám công thần hoặc kiêu binh) cũng không dám tranh giành quyền lực,
chia bè lập phái, đua đòi hưởng lạc, chèn ép bóc lột dân nghèo. Bởi vậy xã hội
dần dần đi vào quĩ đạo của sự ổn định, và không phải mang thêm một hệ lụy nào.
Rõ ràng là Trần Nhân tông đã ổn
định được tâm linh và đạo đức xã hội, bằng cả sự tôn trọng,sự khoan dung và
tình thương con người. Vì thế mà định được cái tâm cho toàn dân tộc theo truyền
thống Diên Hồng.Một khi dân tộc đã định được cái tâm thì xã hội an lạc.
Ngay việc Trần Nhân tông nhường
ngôi cho con,không phải là ngài trút đi gánh nặng,mà ngài trao sứ mệnh cho thế
hệ sau,còn ngài làm chức năng giám sát.Ta chẳng thấy khi đã xuất gia, Ngài bất
chợt về triều vào tiết Đoan ngọ,gặpkhi Trần Anh tông say rượu ngủ li bì,Ngài
bực giận và suýt truất ngôi con.Lại một lần Nhân tông ghé qua triều đình, kiểm
tra sổ sách,thấy việc Anh tông thu dụng nhiều người quá,Ngài quở:”Một nước bé
bằng bàn tay mà ban chầu nhiều thế này,ăn hết của dân à?”
Cách cư xử của Thượng hoàng Trần
Nhân tông là cách cư xử của một bậc thượng trí, ở tầng nấc văn hóa thượng thừa.
Một người chỉ biết lấy nhân quần và quốc gia dân tộc làm mục tiêu tối thượng để
phụng sự.
Vua Trần Nhân tông xuất gia và
lập ra một dòng Thiền,không phải để Ngài giải thoát cho riêng mình, mà chính là
Ngài tìm lối thoát cho cả dân tộc qua con đường tâm linh trí tuệ. Cuộc đời Ngài
là một tấm gương muôn đời tỏa sáng. Sự nghiệp Ngài trường tồn cùng sông núi
nước Nam.
Tiếc thay, những điều Trần Nhân
tông đã làm, những người lãnh đạo đất nước sau chiến tranh không chịu noi theo,
hoặc tham khảođể có kế sách hành động cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội thời hậu
chiến. Có thể các vị không tính tới. Cũng có thể đã tính tới, nhưng không đủ
tầm vóc vươn tới,không đủ bản lĩnh và nội lực để làm theo.
Thật ra, đức phải lớn như Trời –
Đất , mới làm được các việc bình thường như Trần Nhân tông đã làm.
Do hậu quả của chiến tranh kéo
dài,và cả những suy thoái thời hậu chiến không được khắc phục, khiến xã hội đi
vào khủng hoảng tâm lý; sang chấn tâm linh. Và kết quả không ai mong muốn ,là
nhiều người bị rối loạn hành vi nhân cách, rối loạn hành vi đạo đức,chất lượng
cuộc sống ngày mộtmong manh.
Vậy nên, muốn ổn định xã hội,
nhất định phải có giải pháp khắc phục trên bình diện quản lý nhà nước. Trước
hết và trước nhất phải gia cố ba chân kiềng mang tính quyết định cho sự phát
triển của một xã hội lành mạnh, đó là:Giaodục-Y tế-Pháp luật,bởi nó đang bị rung
chấn mạnh;nếu không sớm khắc phục được, thì hậu quả thật khó lường.
Đây là một vấn đề lớn mang tầm
vóc quốc gia;một vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cả một dân tộc, không
một cá nhân nào đảm đương nổi.Tuy nhiên, một khi đã nhìn rõ toàn cảnh bức tranh
xã hội, khắc tìm được giải pháp, nếu ta thực tâm phục thiện, thực lòng chấn
hưng đất nước.
Hà nội, ngày 20 tháng 11 năm 2018
(1). Sẽ có bài coi
như phụ lục kèm theo làm tài liệu tham khảo