Nguyệt Quỳnh
“Tôi biết nó, đồng bào miền bắc này biết nó
Việc
nó làm, tội phạm nó ra sao”
Nguyễn Chí Thiện
Lâu
nay, trong tiếng gào khóc của người dân oan khắp ba miền đất nước, hoà trong nước
mắt bao giờ cũng có những kể lể, trách mắng, đầy phẫn uất với tiếng “nó”: nó đến
kìa; nó rình rập; nó ác lắm;… hay chúng nó tàn nhẫn lắm!
Nó là
lực lượng cưỡng chế lên đến hàng nghìn người với đầy đủ các ban ngành và với đầy
đủ quyết tâm cùng nhẫn tâm, mà anh Hoài Công Trực, một người dân ở vườn rau Lộc
Hưng mô tả: “… với lực lượng đó, dùng để đánh lấy lại Hoàng Sa
cũng thắng thì làm sao người dân chúng tôi chịu nổi”.
Thời
nào cũng vậy, thời nào cũng
có những phường cường hào ác bá chuyên đi bóc lột, cướp đất, bức hiếp những người
dân thấp cổ bé miệng. Nhưng nay, bọn cường hào lại là kẻ cầm chịch, là chính
quyền thì người dân biết đi đâu mà đòi oan sai?
Thế
cho nên tự bao giờ, người dân nghèo quê tôi đã oán ghét, gọi chính quyền bằng một
đại danh từ chứa đầy cảm xúc của sự rẻ rúng và khinh miệt: “Nó”.
***
Tiếng
nức nở ở vườn rau Lộc Hưng lại vang lên như một tiếng chuông gõ vào ký ức của mọi
người dân VN. Tiếng gào khóc ấy đã vọng lên từ đất nước này từ lâu lắm rồi, từ
những vụ cướp đất ở Cần Thơ, Cồn Dầu, Dương Nội, Tiên Lãng, Long An, Dak Nông,
Thủ Thiêm,…
Và
rồi ngày nay, ở Lộc Hưng, ngay những ngày cận tết. Ngày tết là ngày thiêng
liêng, ngày đoàn tụ của gia đình, của ông bà tổ tiên, người khuất mặt. Dân ta bảo
“đói muốn chết ba ngày tết vẫn no” hay “giận gần chết ngày tết cũng thôi”. “Nó”
quả thực đã không còn là người VN truyền thống. Không thể nhân danh gì để có thể
đánh vào đồng bào mình ngay những ngày giáp tết; mà lại nhắm vào những con người
lương thiện, nghèo khó, lam lũ!
Nhìn cảnh người dân vườn
rau Lộc Hưng nhớ nhà, quay lại nằm ngủ ngay trên cái tổ ấm đã bị đập phá tan
nát;
không biết bạn có như tôi, chợt đau xót như nhìn thấy chính mình cũng đang cố
bám víu vào cái mảnh đất chữ S đã tan hoang, xác xơ đến tội nghiệp này!
Hai trăm hộ dân với hàng trăm con người vừa lâm cảnh đói rét, lang thang vào những ngày cuối
năm. Sự yếu đuối, cô thế của họ làm tôi chạnh nhớ đến hình ảnh người mẹ liệt sĩ ở Hà Đông. Khi cùng đường, khi tuyệt vọng, con
người ta đành đem cả sự trần trụi, cô thế của mình ra làm vũ khí. Người mẹ này
đã khỏa thân gào khóc đến lạc giọng ngay trước trụ
sở tiếp dân của trung ương đảng và thanh tra chính phủ:“Con của tôi chết hết rồi. Còn một mình tôi nữa thôi đảng
ơi. Tôi ăn gì, uống gì đây đảng ơi.
Tôi lấy gì mà sống đây đảng ơi.”
Nhưng oán giận hay gào khóc đâu có thay đổi được gì. Nước mắt và sự khổ đau cùng cực dường như đã có mặt trên đất nước này hơn nửa thế kỷ. Ngay từ những ngày đầu, khi CS mới nắm chính quyền rồi cho phát động chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Câu thơ của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện ngày ấy mà đã thành tiên tri “đường nó đi trùng điệp bất nhân”.
Nhưng
nếu bảo cộng sản ác, lãnh đạo cộng sản bất nhân, vậy chúng ta là ai?
Chúng
ta là chứng nhân của nửa triệu nông dân chết oan trong Cải Cách Ruộng Đất;
chúng ta có mặt khi CS nhân danh cách mạng chôn sống hàng nghìn người dân vô tội
trong biến cố Mậu Thân; chúng ta hiện diện khi chúng chia chác, cướp đất, xô đẩy
lớp lớp dân nghèo vào cảnh cùng khổ, không nhà không cửa, màn trời chiếu đất, …
Với
từng đó những tội ác mà chúng ta vẫn im lặng, vẫn làm ngơ thì sự hiện diện của
chúng ta cũng hoàn toàn vô nghĩa. Khi coi sự bất công đối với người khác không
là sự bất công đối với mình thì nạn nhân kế tiếp sẽ là ai?
Chúng
ta là sản phẩm của chính mình.
Một
ngày nào đó khi quay trở về nhà, mái ấm của chúng ta cũng chỉ còn là một đống đổ
nát như vườn rau Lộc Hưng. Một ngày cuối năm nào đó, chúng ta cũng sẽ co ro
trên mảnh đất trống của mình trong khi căn nhà chung VN đã là một bãi rác cho
ngoại bang rồi.
Tai họa này sẽ không chừa một ai, ngay cả những đảng
viên, cán bộ nằm trong guồng máy của chế độ.
Đối với một chính quyền “non yếu” chúng ta còn chung tay góp sức được; nhưng với
một chính quyền “bất nhân với đồng bào”, nếu chúng ta không phải là người chận
đứng cái ác thì còn ai vào đây? Hãy nhớ đến những cán bộ cao cấp như Đinh La
Thăng còn phải cầu xin được đối xử như một con người.
Chính
chúng ta đã tạo nên một xã hội bất ổn,
chính chúng ta đã trao quyền lực tuyệt đối vào tay một đảng phái bất xứng.
Để rồi ngày hôm nay, với luật ANM, nhiều người dân VN còn tin rằng chúng ta đã “hoàn
toàn trắng tay” về những gì gọi là quyền con người !?
Ai đó đã từng nói: “Chúng ta nghĩ mình là gì thì mình sẽ trở thành thế ấy.” Tờ giấy bạc
20 đồng sẽ luôn luôn có cái giá trị của 20 đồng, dù nó được xếp vuốt phẳng phiu
hay bị bàn chân người đời dẵm nát. Hãy dám sống với cái hệ giá trị của chính
mình. Đây không phải là lần đầu đất nước này, dân tộc này
phải sống với thử thách.
Khi luật ANM cấm nói,
chúng ta sẽ tiếp tục và phải tiếp tục nói lên sự thật. Hãy bắt đầu một cuộc sống có trách nhiệm, sống với danh dự và
nhân phẩm. Chỉ có duy nhất điều này mới có thể nâng tâm hồn chúng ta, nâng dân
tộc chúng ta thoát ra khỏi số phận một bầy thú sắp bị diệt vong.