Nhân ra TP Hạ Long chơi, hỏi chuyện bà con, ai cũng bảo “quan ở đây giàu
lắm”. Ra nghĩa trang Bãi Cháy càng thấy sự phân hóa giàu nghèo một trời một vực
giữa những lăng mộ của nhà quan chức, đại gia với tầng lớp bình dân. Tôi đã
viết trong bài “TẢN MẠN BÃI CHÁY” (trên FB ngày 05/11/2019). Rồi đặt câu hỏi:
“Người ta thường nói: DÂN GIÀU thì NƯỚC MANH. Vậy QUAN GIÀU thì NƯỚC có MẠNH
không? Xin Bạn cho một ý kiến.” Sau 2 ngày thì nhận được 638 lượt bày tỏ cảm
xúc và 364 ý kiến, đều cho rằng, tình trạng ở nước ta “Quan giàu thì Dân mạt,
Nước yếu”...
Một số bạn phân tích, nhiều nước như Singapore, thể chế văn minh,
quan chức lương rất cao, thì quan giàu, dân cũng giàu và nước mạnh. Nhưng nước
ta thì quan chức nhiều nhung nhúc, với tiền lương thấp như vậy mà giàu bất
thường thì thể chế hỏng rồi, xã hội vô pháp, sao mà nước mạnh được...
Về mặt Tâm lý – Xã hội xin nói rõ thêm nó “HỎNG” ra sao?
1. PHẢN LẠI CÁC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC MÀ CỘNG SẢN RA SỨC TUYÊN TRUYỀN.
Các việc làm của quan chức đã phản lại các giá trị đạo đức mà cộng sản
trước đó đã dầy công tuyên tuyền để dân chúng tin theo ủng hộ. Cụ Hồ là biểu
tượng của “đạo đức cộng sản”, mà Đảng CSVN liên tục phát động “học tập, làm
theo”… Nhưng người dân nhìn vào đám quan chức cầm quyền, từ thôn xã đến trung
ương, có thấy ai “CẦN, KIÊM, LIÊM, CHÍNH, CHÍ CÔNG, VÔ TƯ” không? Hình như có
một vài người tạm được, còn toàn LÀM NGƯỢC LẠI! Thế là dân thấy ông Thiệu nói
đúng: “Đừng nghe cộng sản nói, hãy xem cộng sản làm”. Thế là cộng sản tự phản
bội lý tưởng đạo đức mà họ dầy công tuyên truyền, tự họ bôi nhọ họ, chứ có ai
nói xấu, bội nhọ, xuyên tạc được. Chỉ cần nói đúng SỰ THẬT đã ghê rợn lắm rồi.
Thế thì dân làm sao TIN, YÊU, TÔN TRỌNG các quan chức được.
Cho nên trùm báo chí, ông Thuận Hữu mới lỡ lời nói thật: “Chủ tịch Hội nhà
báo Việt Nam nêu thực tế mở máy ra thì thấy “mạng xã hội chửi từ trên xuống
dưới, không chừa một ai; chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay”. Mạng xã
hội chỉ là phần nổi chừng 1 phần nghìn của tảng băng chìm mà thôi.
Cho nên những cuộc “tiếp xúc cử tri”, thăm hỏi dân chỉ là trò diễn, tiếp
xúc đối thoại thật để “ăn dép” à?
2. Khi “TIỀN NÓ LÃNH ĐẠO TẤT” thì tất yếu là VÔ PHÁP, VÔ ĐẠO.
Tôi vẫn bị ám ảnh bởi câu nói của một cựu chiến binh ở quê, cách đây 3 năm:
“Xã này bây giờ chả có ai lãnh đạo đâu, tiền nó lãnh đạo tất”! Rồi ông chứng
minh, từ việc nhỏ đến việc lớn, cứ có tiền là xong. Khi quan chức là những
người lãnh đạo, quản lý xã hội mà bị đồng tiền sai khiến thì làm gì còn thượng
tôn pháp luật, kỷ cương phép nước; làm gì còn tình thương và lẽ phải trong quan
hệ giữa kẻ có quyền và dân đen; làm gì còn công lý. Họ chỉ cốt sao trong nhiệm
kỳ này phải “thu hồi vốn” cho thật nhanh và tích lũy được càng nhiều càng tốt.
Nhưng để che đậy những việc làm mờ ám thì họ phải “làm láo, báo cáo hay”,
“đội trên, đạp dưới”; phải vừa tuyên truyền dối trá, lòe bịp, vừa đe dọa khủng
bố những người dám nói lên sự thật, vạch trần sự thối nát của họ. Từ đó họ phải
trọng dụng những kẻ gian manh để tạo phe nhóm ăn cánh với nhau, bảo vệ nhau;
những người có tâm, có tài phải bị loại bỏ…
Và như thế, đội ngũ quan chức ngày càng tha hóa, xa rời bản chất, chức năng
xã hội của họ.
Lúc đầu họ cũng biết ngượng, biết nhục, nhưng sau họ phải tạo ra “triết lý”
để tự tin mà hành động, như kiểu: “Toét mắt là tại hướng Đình/ cả làng cùng
toét chứ mình gì tao”! Anh bị kỷ luật chỉ là “tai nạn”, nên “thưa các đồng chí
chưa bị lộ”… Và “kỷ luật hết thì lấy ai làm việc”! Họ tin phe nhóm sẽ bảo vệ an
toàn, nên khi bị ra trước Tòa án, tất cả họ đều “bất ngờ”! Nguyễn Bắc Son,
Trương Minh Tuấn đến cấp dưới đều phát biểu “tôi không ngờ có ngày hôm nay”… Có
nghĩa là “hỏng có tính hệ thống”, không thể sửa vài chi tiết được!
3. THƯỢNG BẤT CHÍNH, HẠ TẮC LOẠN.
Hệ thống quan chức như đã nói ở điểm 1 và 2 thì làm gì có thể hoạt động
trơn tru, bình thường theo chức năng vốn có. Nó đòi được “bôi trơn”, “kích
hoạt” và dẫn đến hoạt động méo mó, nên mới có tình trạng “cả họ làm quan, cả
nhà lãnh đạo”; “Trên bảo, dưới không nghe”, “Trên nóng, dưới lạnh”, khắp nơi
lạm quyền làm bậy bạ, gây bao oán hận trong dân chúng và tan hoang “rừng vàng,
biển bạc”, hầm mỏ, đất đai ngàn đời tổ tiên để lại…
Như vậy thì ở nước ta hiện nay, đúng là “Quan giàu, Dân mạt, Nước yếu” như
nhiều bạn đã phân tích. Nếu “Dân giàu” thì sao dân phải bỏ làng, bỏ nước tha
phương cầu thực khốn khổ, khốn nạn nhiều đến thế? Nếu “Nước mạnh” thì sao chính
quyền phải “hèn với giặc, ác với dân” đến thế?
4. CƠ CHẾ SINH RA “CỦI” THÌ “LÒ” ĐỐT BAO GIỜ CHO HẾT?
Nhiều người dân, nhất là các “Lão thành cách mạng” và lực lượng “Còn Đảng
còn mình” thấy “LÒ BÁC TRỌNG” “đốt được nhiều củi, cả củi gộc” thì vui mừng
“lấy lại niềm tin” … vào Bác Trọng; nhiều người thấy Bác Trọng đánh được khá
nhiều “CHUỘT”, cả “chuột nhắt”, “chuột đồng”, “chuột cống”, “chuột trù” mà
chưa… vỡ “BÌNH”, và mình vẫn thoát, thì phấn khởi tạm yên tâm. Đám “chuột bạch”
thì nhảy múa, ca vang ríu rít!
Nhưng ai tinh ý một chút, đều biết: “Củi” và “Chuột” là do thể chế này sinh
ra đàn đàn, lũ lũ, thế thì “Lò” nào đốt cho hết được? Rồi Bác Trọng cũng sẽ ra
đi, thì “Lò” ai “đốt”, hay lại quay lại “đốt” chính mình?
TÓM LẠI, “Quan giàu” chỉ là hiện tượng biểu hiện bề ngoài của một thể chế
xã hội hỏng hóc từ bên trong, chính nó phá hủy cái mục tiêu “DÂN GIÀU, NƯỚC
MẠNH, XÃ HỘI CÔNG BẰNG, DÂN CHỦ, VĂN MINH” mà toàn dân ta kỳ vọng.
29/1/2020
MVT
MVT