03 mars 2021

Bật mí về chế độ "hai bà trùng” của Việt Nam

Ai là lãnh đạo đất nước? Bí mật. Nhưng có bật mí cũng không ai bất ngờ.

 Y CHAN

Ảnh: TTXVN. Đồ họa: Luật Khoa.

Đại hội đảng XIII vừa kết thúc, danh sách những lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước cuối cùng cũng được vén lên sau biết bao nỗ lực chụp bức màn "tuyệt mật”.

Nhưng có một thực tế dễ nhận thấy, loại bí mật này khi được bật mí không những chẳng làm ai bất ngờ, tệ hơn, còn không khiến mấy người hứng thú để tâm.

Nếu so với cơn sốt hầm hập về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thái độ của người Việt đối với việc ai là lãnh đạo đất nước quả thật một trời một vực.


Vì sao có chuyện tréo ngoe vậy?

Câu trả lời nằm ở mô hình quản trị nhà nước "hai bà trùng” của Việt Nam ngày nay, vừa kìm hãm quyền làm chủ thực sự của người dân, vừa cố tình triệt tiêu mọi mầm mống muốn tham gia quản lý xã hội của họ.

Phần VI có tên "Bộ máy nhà nước” trong sách "Chính trị bình dân” của tác giả Đoan Trang mô tả đầy đủ về hiện tượng nhị trùng này.

Bà trùng 1: Đảng nằm trong nhà nước, nhà nước trong tay đảng

Phần VI được mở đầu với các chương diễn giải chi tiết về vai trò, công năng và tính chất cần có của các nhánh trọng yếu trong một thể chế nhà nước.

Trong đó, tác giả giới thiệu về các mô hình và hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp của các nước trên thế giới. Cuối mỗi phần đều có dẫn chiếu tình hình của Việt Nam.

Người đọc có thể dễ nhận ra, trong khi các nhánh quyền lực ở những thể chế dân chủ được thiết kế theo nguyên tắc độc lập và có thực quyền giám sát lẫn nhau, mô hình của Việt Nam đảm bảo điều ngược lại.

Ở nhánh lập pháp, ta có Quốc hội. Về nguyên tắc, đây là cơ quan đại diện của dân, với các thành viên đều do dân trực tiếp bầu ra. Cơ quan này có trách nhiệm làm ra những đạo luật phù hợp với nguyện vọng của dân, đồng thời giám sát toàn bộ hoạt động của nhà nước.

Để thực hiện được tốt chức năng đó, Quốc hội cần phải mang tính đại diện thật sự – mỗi một đại biểu là người thay mặt dân để làm việc, và cần có tính độc lập – không bị phụ thuộc vào đảng phái nào để có thể giám sát tất cả.

Cơ cấu đảng phái của Quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016-2021). Đồ họa:  Wikipedia.

Trên thực tế, tại Việt Nam, "trung bình ít nhất 95% đại biểu Quốc hội là đảng viên cộng sản”. Số đại biểu ít ỏi còn lại, cho dù "có thể không phải là đảng viên tại thời điểm được bầu, nhưng sau đó họ có thể sẽ được kết nạp vào Đảng Cộng sản; hoặc họ phải là cảm tình viên của Đảng Cộng sản, hay ít nhất cũng không phải người có ý thức hệ khác với Đảng Cộng sản.”

Với cơ cấu đó, Quốc hội Việt Nam có "tính đại diện… rất thấp, nếu không muốn nói rằng nó không hề đại diện cho người dân.” Điều đó dẫn đến "khả năng giám sát, kiểm soát hành pháp của nó cũng gần như bằng không”.

Ở khía cạnh làm ra luật, "ngay từ đầu, chương trình xây dựng pháp luật đã căn cứ vào… nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không phải vào nhu cầu của người dân, của cuộc sống”. Nói cách khác, "việc làm luật chỉ có ý nghĩa minh họa đường lối, minh họa và hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng Cộng sản.”

Với nhánh hành pháp, bên cạnh nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ như các thể chế khác, tại Việt Nam, có một chức danh khác đóng vai trò "ông trùm”: tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, gọi tắt là tổng bí thư đảng.

"Không phải là nguyên thủ quốc gia, cũng không đứng đầu chính phủ, chỉ là lãnh đạo một đảng, nhưng nhiều đời tổng bí thư có quyền lực bao trùm cả hệ thống chính trị, biến cả chủ tịch nước lẫn thủ tướng thành cái bóng mờ nhạt, ví dụ như thời Lê Duẩn cầm quyền sau chiến tranh (từ năm 1976 đến khi mất, năm 1986).”

Chức danh này, như ta đã thấy trong thực tế đại hội đảng vừa diễn ra, không được bầu công khai, thậm chí còn bị giữ bí mật đến phút chót (dù ai cũng biết kết quả cuối cùng).

Nhánh tư pháp thì "có chức năng diễn giải luật pháp, trên cơ sở đó, xét xử và giải quyết các tranh chấp pháp lý”. Để làm được tốt chức năng trọng tài này, các cơ quan trong nhánh tư pháp buộc phải trung lập và độc lập. Điều đó không tồn tại ở Việt Nam.

"Ở Việt Nam dưới thời cộng sản, thẩm phán phải là đảng viên Đảng Cộng sản. Bạn sẽ không tìm thấy quy định này ở bất kỳ văn bản pháp luật nào; nó là luật bất thành văn.”

Thẩm phán ở Việt Nam phải là đảng viên Đảng Cộng sản. Đây được cho là luật bất thành văn. Ảnh: TTXVN.

Tóm lại, như tác giả Đoan Trang nhận xét, "hệ thống chính trị Việt Nam ‘có vẻ’ như đại nghị, ở chỗ nó có một chủ tịch nước không phải là người đứng đầu chính phủ, thành viên của chính phủ được lấy từ quốc hội và do quốc hội chỉ định, và quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Tuy thế, hệ thống chính trị Việt Nam có một đặc thù khác hẳn các chế độ đại nghị: Nó là hệ thống độc đảng, và Đảng Cộng sản Việt Nam làm nên một trong ba thành phần chính yếu, chủ chốt của nó.”

Hệ thống này trên thực tế giúp cho "quyền lực của Đảng Cộng sản bao trùm lên tất cả”.

Bà trùng 2: Quân đội trong chính quyền, chính quyền trong tay quân đội

"Quân đội” ở đây là cách nói dùng để chỉ các lực lượng vũ trang, bao gồm quân đội và công an.

Tác giả dành Chương VIII của Phần VI để nói về hai lực lượng này.

Theo đó, "quân đội và công an giữ vai trò rất quan trọng, bởi vì họ liên quan đến chủ quyền của quốc gia. […] Một cách vắn tắt, có thể nói công an bảo vệ chủ quyền đối nội, và quân đội bảo vệ chủ quyền đối ngoại. Không có họ thì không thể giữ được chủ quyền đối nội và đối ngoại. Cũng có nghĩa là, đó là hai lực lượng bắt buộc phải có ở mọi quốc gia độc lập.”

Đặc điểm chung quan trọng nhất của các lực lượng này là "độc quyền sử dụng vũ khí và vũ lực”.

"Ở bất kỳ quốc gia nào thì quân đội và công an cũng được mặc định là hai lực lượng duy nhất trong xã hội có quyền sử dụng vũ khí và vũ lực để cưỡng bức khi cần. Cả xã hội mặc định điều đó, hay nói cách khác, họ có tính chính danh để sử dụng vũ khí và vũ lực.”

Chính vì điều đó, luôn luôn tồn tại "nguy cơ lạm quyền rất cao” ở các lực lượng này.

Trong khi quân đội "có thể dựng lên một chế độ, bảo vệ chế độ, và lật đổ chế độ ấy”, có thể lạm quyền "lập nên một chế độ quân phiệt hay là một chính quyền quân sự”, thì công an "có thể khống chế, chi phối chính quyền, can thiệp, kiểm soát tiến trình chính sách và mọi khía cạnh của đời sống dân sự, và tạo ra một nhà nước cảnh sát hay là một chính quyền công an trị”.

Để kiểm soát vấn đề này, ở các nước dân chủ người ta thường có cách tiếp cận vấn đề theo hướng tự do (liberal approach).

Theo đó, "hiến pháp và luật pháp của một quốc gia phải bảo đảm rằng quân đội hoàn toàn giữ tính trung lập, phi chính trị hay là nằm ngoài chính trị, và hệ thống quân đội phải nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền dân sự.”

Ở Mỹ, quy tắc dân quản quân (civilian control of the military) được áp dụng chặt chẽ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải là thường dân. Ảnh: Reuters.

Quân đội trong trường hợp này "phải trung thành với quốc gia” chứ "không có nghĩa là trung thành với bất kỳ một đảng phái, chính quyền, nội các nào.”

Cách tiếp cận này được gọi là "tự do” không phải với hàm ý để quân đội tự do muốn làm gì thì làm, mà do đây là phương thức quản lý được các nước dân chủ tự do áp dụng. Đó là cách để họ đảm bảo người dân trong thể chế của mình được tự do mà không chịu nguy cơ quân phiệt hay công an trị.

Tiêu chuẩn chọn lựa bộ trưởng Quốc phòng tại Mỹ là một ví dụ minh họa cho lối tiếp cận này. Theo đó, người đứng đầu quân đội bắt buộc phải là thường dân (civilian) chứ không phải là người đang phục vụ trong quân đội.

Trong trường hợp người được tiến cử cho vị trí bộ trưởng này đã từng phục vụ trong quân đội, yêu cầu bắt buộc là họ phải rời quân ngũ và đã làm thường dân trong ít nhất là bảy năm. Trong lịch sử của Mỹ, mới chỉ có ba trường hợp được đặc cách, khi những người được cất nhắc cho vị trí trên là tướng quân đội về hưu chưa quá bảy năm.

Trường hợp mới đây nhất là tân Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của chính quyền Joe Biden. Tướng về hưu Austin chỉ mới nghỉ hưu được bốn năm. Trước đó là trường hợp của tướng James Mattis trong chính quyền Donald Trump, cũng về hưu mới bốn năm.

Khi đặc cách cho những trường hợp này, các nhà làm luật ở Mỹ đều thống nhất cảnh báo: không được xem đây là tiền lệ để thay đổi quy định "dân quản quân” (bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về nguyên tắc này qua một bài viết Luật Khoa từng đăng).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam (cùng những quốc gia anh em như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên…) lại áp dụng phương thức quản lý kiểu thâm nhập (penetration approach).

Đây là cách tiếp cận nhằm "chính trị hóa quân đội triệt để, theo hướng để cho ý thức hệ và đảng cầm quyền ‘thâm nhập’ toàn diện vào quân đội.”

Từ đó, "thay vì trung thành với chủ quyền quốc gia, nhân dân và hiến pháp”, quân đội được yêu cầu "trung thành với đảng cầm quyền và ý thức hệ của nó.”

Ở Việt Nam, tổng bí thư Đảng Cộng sản đồng thời là bí thư Quân ủy Trung ương – cơ quan đảm bảo sự lãnh đạo của đảng đối với quân đội. Bộ trưởng Quốc phòng là phó bí thư của cơ quan này. Ảnh: Báo Tiền phong.

Phương thức này được thực hiện bằng cách (1) "dành đặc quyền đặc lợi cho quân đội, đặc biệt là tầng lớp lãnh đạo, (2) "tuyên truyền dữ dội về ý thức hệ của đảng cầm quyền” và (3) "trừng phạt, trừ khử, tiêu diệt các phần tử bất tuân phục, song song với việc tưởng thưởng các quân nhân trung thành, nhiệt thành về ý thức hệ.”

Lưu ý là "quân đội” trong trường hợp này bao gồm cả lực lượng công an, khi Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia phong tướng cho các vị trí lãnh đạo công an.

Cách tiếp cận thâm nhập này biến lực lượng vũ trang trở thành công cụ đắc lực của một đảng phái nhằm cai trị đất nước. Mọi hoạt động của đất nước, từ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đến văn hóa giáo dục, tất cả đều có dấu tay của quân đội hoặc công an.

Hệ quả là người ta không còn phân biệt được đâu là quân đội/ công an, đâu là chính quyền dân sự.

***

Tòa án Tối cao Mỹ từng đưa ra nhận định trong một phán quyết, rằng quân đội là một "xã hội đặc biệt” tách biệt khỏi xã hội dân sự, với các quy định luật lệ, kỷ luật và truyền thống riêng của nó.

Những luật lệ, quy định của quân đội thường không tương thích với xã hội dân sự, nhưng vai trò cần thiết của quân đội cho phép sự tồn tại của một xã hội đặc biệt như vậy.

Tuy nhiên, người ta luôn nhận thức rõ rằng không thể để "xã hội đặc biệt” của lực lượng vũ trang lấn át xã hội dân sự. Và đó là lý do cho nguyên tắc "dân quản quân”.

Với lựa chọn "quân quản dân”, những người nắm quyền trong Đảng Cộng sản đi theo hướng ngược lại. Đó cũng là lựa chọn tất yếu của bất kỳ thể chế độc tài nào, một khi họ đã nhập nhằng giữa nhà nước và lợi ích đảng phái của mình.

Họ phải dựa vào lực lượng vũ trang để cai trị dân mình.

Nếu ngày xưa Việt Nam có "Hai Bà Trưng” giành lại tự do cho người dân, ngày nay ta có chế độ "hai bà trùng” vừa triệt tiêu quyền làm chủ thật sự của người dân, vừa tìm mọi cách không cho họ cơ hội chất vấn quyền lực của phe thống trị.

Đảng nằm trong nhà nước, nhà nước trong tay đảng. Quân đội trong chính quyền, và chính quyền trong tay quân đội. Chỉ có dân là "làm chủ” trong vô vọng.

"Bí mật” lãnh đạo của đảng vì vậy không làm ai bất ngờ kể cả khi có bị bật mí.-/-

 02/02/2021

Nguồn: Luật khoa