24 mars 2021

ASEAN lập ra để làm gì?

Canhco

Trên thế giới có rất nhiều tổ chức quy tụ nhiều nước với nhau nhằm thực hiện những ước định, mục tiêu hay quyền lợi nào đó. Liên Hiệp Quốc là tổ chức lớn nhất và uy tín nhất được thành lập nhằm tạo ra thế cân bằng giữa các quốc gia có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện sự hợp tác quốc tế, làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế và các mục tiêu chung. Liên Hiệp Quốc được thành lập vào giai đoạn cuối Thế chiến II, với mục đích ngăn chặn các cuộc xung đột quy mô toàn cầu trong tương lai.


Khác với Liên Hiệp Quốc, NATO được thành lập không phải vì mục đích kinh tế hay gìn giữ hòa binh mà mục tiêu là tự vệ đối với sự lớn mạnh của Nga và các nước trong khối cộng sản. NATO, tên gọi tắt của Liên Minh Bắc Đại Tây dương, trên danh nghĩa, là một liên minh phòng thủ trong đó các nước thành viên thực hiện phòng thủ chung khi bị tấn công bởi bên ngoài. Tổ chức này được lập ra nhằm chống lại sự tấn công của khối cộng sản mà Nga là nước dẫn đầu.

 

Trong mục đích hợp nhau lại gây nên sức mạnh, nhiều tổ chức quốc tế dần dần được thành lập trong đó tại vùng Đông Nam Á, ASEAN được 10 nước trong vùng tập trung lại từ nhiều năm qua nhằm nhắm tới các mục tiêu chung quan trọng nhất là kinh tế, thúc đẩy giao thương và trong chửng mực nào đó nhắm tới việc bảo vệ lẫn nhau trong lĩnh vực kinh tế, chính trị cũng như thúc đẩy việc bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục.

 

Trong nhiều năm sau khi thành lập, điều đáng ngạc nhiên là tổ chức này chưa có một hành động nào nổi bật trong nổ lực gắn kết với nhau qua sự đồng thuận trên nhiều hồ sơ có tính liên đới trách nhiệm cũng như chính sách chung kết hợp với xu hướng không thể tránh được của một nền dân chủ mà Liên Hiệp Quốc đề ra.

 

Chính sách của ASEAN đồng thuận nổi bật nhất từ ngày thành lập đến nay là “không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên”

 

Ngày 15 tháng 12 năm 2008 các thành viên ASEAN gặp gỡ tại thủ đô Jakarta của Indonesia để đưa ra một hiến chương, được ký kết tháng 11 năm 2007, trong đó nổi bật và gây tranh cãi nhiều nhất là các điều khoản:

 

1-          Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên ASEAN;

 

2-          Tôn trọng quyền của mọi Quốc gia bảo đảm sự tồn tại của mình và không bị sự can thiệp, lật đổ hay ép buộc từ bên ngoài.

 

3-          Tán thành Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, gồm cả luật nhân đạo quốc tế, đã được tán thành bởi các quốc gia thành viên ASEAN.

 

Trong hai điều 1 và 2 mới nhìn vào người ngoài sẽ tường lầm rằng đây là điều được lập ra nhằm bảo vệ lẫn nhau nhưng thực ra điều 1 và 2 lập ra nhằm bảo vệ chế độ chuyên quyền, độc tài hay quân phiệt mới đúng bản chất của nó. Nếu điều 1 đã và đang gây rất nhiều hậu quả thì điều 2 lại bảo đảm thêm cho điều 1 được vững vàng vì hai chữ “lật đổ” không nằm trong phạm trù buộc các nước ASEAN không được tham gia vào việc bảo vệ người dân của một nước trong khối. Điều này ngăn cản mọi nổ lực toàn khối lên tiếng, hay ít ra đề nghị mạnh mẽ một nước thành viên khi nước này ngang nhiên xâm phạm vào ý chí của người dân nước đó bởi một cuộc đào chánh, lật đổ một chính phủ được dân bầu lên.

 

Trường hợp Miến Điện rất điển hình cho vấn đề này đang gây nhức nhối cho nhiều nước trong khối lẫn trên toàn thế giới.

 

Trước đây nhiều năm khi chính quyền quân phiệt của Myanmar còn tại vị, các quốc gia phương Tây đã chỉ trích ASEAN về cách tiếp cận quá mềm dẻo của họ trong việc khuyến khích dân chủ và nhân quyền ở Myanmar do một hội đồng quân sự điều hành. Dù có những lời lên án của quốc tế về vụ chính phủ sử dụng vũ lực đàn áp những người biểu tình hoà bình tại Yangon, ASEAN đã từ chối ngừng quy chế thành viên của Myanmar và cũng bác bỏ các đề xuất áp dụng trừng phạt kinh tế. Các nhà quan sát quốc tế coi tổ chức ASEAN như một “nơi hội họp” thay vì hành động vì tổ chức này chỉ “mạnh miệng lên án mà ít hành động”.

 

Điều tồi tệ đang được lập lại sau khi quân phiệt Miến lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vào đầu tháng 2 năm 2021, bắt giam toàn bộ nội các chính phủ và bắt đầu cuộc bắn giết vào dân chúng biểu tình trong gần hai tháng vừa qua. Tính cho tới hôm nay gần 300 người dân đã bị bắn chết trên đường phố, hàng ngàn người đang bỏ chạy sang Ấn Độ và cuộc chiến đấu sống còn của người dân vẫn đang tiếp diễn bất kể súng đạn kề trên đầu họ.

 

Trong điều số 3 vừa dẫn ở trên người ta thấy ASEAN khẳng định là tán thành Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, gồm cả luật nhân đạo quốc tế. Thế nhưng ba trăm người dân Myanmar bị bắn chết không thấy bất cứ thành viên nào của ASEAN lên tiếng. Luật pháp của ASEAN đã vượt qua luật pháp quốc tế và mọi thành viên của tổ chức này dường như lo sợ cho tương lai của chính mình khi tâm lý độc tài, quân phiệt, phi dân chủ vẫn đang ngự trị trên mỗi chính phủ.

 

Rồi đây khi một giải pháp được hình thành cho Myanmar chắc chắn rằng sự hy sinh bằng máu của người dân nước này sẽ được tính sổ. Dù sao thì ASEAN cũng là chiếc khiên chống đỡ rất hiệu quả lý thuyết không can thiệp vào nội bộ của nhau, không khác mấy với lý luận của Bắc Kinh khi bị nước ngoài phê phán những hành vi tồi tệ đối với dân chúng của họ thì câu nói nằm lòng sẽ là “Không được phê phán nội bộ của Trung Quốc”

 

ASEAN không phải là Trung Quốc nhưng tình cờ lịch sử nào đã khiến cả 10 nước “đồng thanh tương ứng” như vậy?

 

Phải chăng câu nói người xưa luôn đúng trong mọi lúc: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã…trâu ngựa nào thì ăn cỏ chung với nhau ở bãi cỏ ấy?

 

Chỉ khổ sở cho quyền lợi chính trị của dân chúng, bất kể họ sống ở đâu trong khuôn viên của 10 nước ấy.

 

21/03/2021

 

canhco’s blog