01 mars 2021

Đại sứ Myanmar tại LHQ bị sa thải sau phát biểu chống đảo chính


 Đại sứ Myanmar tại LHQ kêu gọi quốc tế sử dụng "bất kỳ biện pháp nào cần thiết" để chấm dứt cuộc đảo chính

Nhà cầm quyền quân sự Myanmar cho biết họ đã sa thải đại sứ của nước này tại Liên Hiệp Quốc, một ngày sau khi ông kêu gọi các nước quốc tế giúp chấm dứt cuộc đảo chính quân sự tại đây.


Trong một bài phát biểu đầy xúc động, Kyaw Moe Tun nói không ai nên hợp tác với quân đội Myanmar cho đến khi họ trao lại quyền lực cho chính phủ được dân bầu ra.

Trong khi đó, lực lượng an ninh mạnh tay hơn trong việc đàn áp người biểu tình chống đảo chính hôm thứ Bảy.

Truyền thông địa phương cho biết hàng chục người đã bị bắt, và một phụ nữ bị bắn ở thành phố Monwya. Chưa rõ tình trạng của cô hiện giờ ra sao.

Đất nước Myanmar đã rung chuyển bởi các cuộc biểu tình kể từ khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của chính phủ, gồm bà Aung San Suu Kyi, bị lật đổ và bắt giam sau khi quân đội lên nắm quyền vào ngày 1/2.

Đại sứ Liên Hiệp Quốc nói gì?

Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ hôm thứ Sáu, Kyaw Moe Tun kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng "bất kỳ biện pháp nào cần thiết" với quân đội Myanmar để giúp "khôi phục nền dân chủ", nói rằng ông đại diện cho chính phủ bị lật đổ của bà Suu Kyi.

"Cộng đồng quốc tế cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn việc đàn áp người dân vô tội, trả lại quyền cho dân và khôi phục nền dân chủ,'' ông nói.

Bài phát biểu đã nhận được tràng pháo tay và bà Linda Thomas-Greenfield, đặc phái viên mới của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, là một trong số những người ca ngợi lời kêu gọi của ông là "can đảm".

Để tỏ sự bất khuất hơn nữa, Kyaw Moe Tun giơ ba ngón tay lên, một cử chỉ chống lại chế độ độc tài được người biểu tình chống đảo chính trong nước áp dụng.

Đài truyền hình nhà nước Myanmar thông báo tin ông bị cách chức hôm thứ Bảy, nói rằng ông đã "phản bội đất nước và lên tiếng cho một tổ chức không chính thức không đại diện cho đất nước và lạm dụng quyền lực và trách nhiệm của một đại sứ".

Tình hình Myanmar hiện giờ ra sao?

Các cuộc biểu tình vẫn được tổ chức ở một số thành phố, trong khi vòi rồng được cho là đã được cảnh sát triển khai và hàng chục nhà báo bị giam giữ.

Tại thành phố chính của Yangon, đám đông người biểu tình đã bị cảnh sát tấn công bằng hơi cay.

Nhân chứng nói chuyện với hãng tin Reuters cho biết nhiều người biểu tình bị cảnh sát bắt và đánh đập, cảnh sát cũng được cho là đã bắn chỉ thiên. Những cuộc đụng độ tương tự cũng được tường trình tại thành phố lớn thứ hai là Mandalay.

Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su xảy ra hôm thứ Bảy 
Nguồn hình ảnh, EPA

Một số người biểu tình dựng các rào chắn tạm thời để tự bảo vệ trước cảnh sát
Nguồn hình ảnh, EPA

Tin một phụ nữ bị bắn trong một cuộc biểu tình ở thành phố trung tâm Monwya, gần Mandalay, được một số hãng truyền thông địa phương đăng tải. Hình ảnh và danh tính của cô được cho là đã lan truyền trên mạng xã hội nhưng chưa được chứng thực.

Một quan chức dịch vụ xe cứu thương sau đó nói với hãng tin Reuters rằng phụ nữ này đang ở bệnh viện, trái ngược với các báo cáo khác rằng cô đã chết.

Một nhân viên y tế trong thị trấn nói với hãng tin AFP rằng ông cũng nhìn thấy một người đàn ông "bị thương nặng" ở chân cùng với ít nhất 10 người khác được điều trị với nhiều vết thương nhẹ hơn. Truyền thông địa phương ở đó cáo buộc là những người này bị cảnh sát mặc thường phục đánh đập.

Người biểu tình ở một số nơi, gồm cả Yangon, được nhìn thấy đã dựng các rào chắn tạm bợ để tìm cách chống đỡ sự đàn áp.

Tướng Min Aung Hlaing bào chữa cho cuộc đảo chính do ông lãnh đạo, nhưng ít nhất ba người biểu tình và một cảnh sát đã chết vì chống lại sự việc này.

Theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, hơn 770 người đã bị bắt và kết án kể từ khi cuộc đảo chính bắt đầu.

Ít nhất ba nhà báo đã bị bắt giữ hôm thứ Bảy, trong đó có một nhiếp ảnh gia của AP, theo tin của hãng thông tấn AFP.

Tại sao lại có biểu tình?

Các nhà lãnh đạo quân sự biện minh cho việc chiếm đoạt quyền lực, bằng cáo buộc rằng có gian lận diện rộng trong cuộc bầu cử tháng 11, mà đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã chiến thắng vẻ vang.

Bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia và bị buộc tội sở hữu bộ đàm bất hợp pháp và vi phạm Luật Thiên tai. Nhưng ngày càng có nhiều nghi vấn về nơi bà bị giam giữ, trước bối cảnh một trang mạng tin độc lập hôm thứ Sáu đưa tin là bà đã được chuyển đến một địa điểm không được tiết lộ.

Một luật sư của nhà lãnh đạo bị lật đổ 75 tuổi nói với Reuters rằng ông cũng nghe tin bà bị chuyển đi, và không được tiếp xúc với bà trước phiên điều trần kế tiếp.

Quân đội đã ra lệnh cắt điện internet và cũng cấm các nền tảng truyền thông xã hội nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn hàng ngày. Bên ngoài Myanmar, cuộc đảo chính đã bị thế giới lên án, dẫn đến các lệnh trừng phạt chống lại nhà cầm quyền quân đội và các động thái trừng phạt khác.

Sơ lược về Myanmar

  • Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, độc lập khỏi Anh quốc vào năm 1948. Trong phần lớn lịch sử hiện đại của Myanmar, nước này nằm dưới sự cai trị của quân đội
  • Các hạn chế bắt đầu được nới lỏng từ năm 2010, dẫn đến bầu cử tự do vào năm 2015 và việc thành lập chính phủ do nhà lãnh đạo đối lập kỳ cựu Aung San Suu Kyi khởi xướng vào năm sau
  • Năm 2017, quân lính thuộc nhóm dân tộc Rohingya đã tấn công các đồn cảnh sát, và quân đội Myanmar cùng các nhóm phật tử địa phương đã đáp trả bằng một cuộc đàn áp chết người, được cho là đã giết chết hàng nghìn người Rohingya. Hơn nửa triệu người Rohingya chạy trốn qua biên giới sang Bangladesh, và Liên Hiệp Quốc sau đó gọi đây là "thí dụ kinh điển về thanh lọc sắc tộc"


https://www.bbc.com/vietnamese/world-56227968