01 mars 2021

Chánh án Bình “trúng” Bộ Chính trị. Điều đó có nghĩa là gì?

TRỊNH HỮU LONG

Được vào Bộ Chính trị là phần thưởng mà Đảng Cộng sản dành cho Nguyễn Hòa Bình.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình (thứ 3 từ trái qua) tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra từ 25/1 - 1/2/2021. Ảnh: Báo Công Lý.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã chính thức lên chức. Ông được bầu vào Bộ Chính trị lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình ngày 31/1/2021, tại hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.


Như vậy, ông Bình là chánh án thứ hai trong lịch sử Tòa án Nhân dân Tối cao được bầu vào Bộ Chính trị – cơ quan tập hợp những đảng viên quyền lực nhất của Đảng Cộng sản. Người còn lại cũng tên là Hòa Bình, nhưng mang họ Trương, “trúng” vào Bộ Chính trị tháng 1/2016 tại Đại hội XII. Nhưng ông Trương Hòa Bình sang bên hành pháp làm chức phó thủ tướng gần như ngay sau đó, trong một kỳ họp Quốc hội hết sức đặc biệt vào tháng Tư cùng năm, để rồi ông Nguyễn Hòa Bình thay thế ông ở vị trí chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Nếu ông Nguyễn Hòa Bình tiếp tục giữ vị trí chánh án trong 5 năm tới thì đây là lần đầu tiên Tòa án Nhân dân Tối cao có một “chân” thực chất trong Bộ Chính trị.

Chức chánh án này xưa nay không phải là vị trí quyền lực gì cho lắm bên phía cấp ủy. Các chánh án xưa đến nay thường chỉ lên được đến ủy viên trung ương (ngoài hai vị kể trên thì còn Phạm HưngNguyễn Văn Hiện), số còn lại thậm chí còn không vào được Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Phạm Văn Bạch, Trần Công TườngTrịnh Hồng Dương). Điều đó dường như nói lên tất cả mọi thứ chúng ta cần biết về địa vị của ngành tòa án Việt Nam trong toàn bộ hệ thống chính trị, rằng nó gần như không có quyền lực gì đáng kể.

Theo lẽ thường, thẩm phán không nên là đảng viên để giữ được tính độc lập, phi đảng phái của mình, có như vậy mới có thể xét xử công bằng. Nhưng dĩ nhiên, Việt Nam không có một nền tư pháp độc lập để có thể lấy cái tiêu chuẩn đó ra mà đo. Chức vụ bên đảng (hay còn gọi là cấp ủy) quyết định quyền lực thực tế của một đảng viên, chứ không phải chức vụ bên phía chính quyền. Bộ Chính trị, cơ quan mà ông Võ Văn Kiệt từng cho là “cấp trên” của Ban Chấp hành Trung ương, mới là điểm đến của những đảng viên tham vọng nhất và thành đạt nhất.

Chánh án Bình (đứng) trong phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải ngày 6/5/2020. Ảnh: TTXVN.

Được vào Bộ Chính trị là phần thưởng mà Đảng Cộng sản dành cho Nguyễn Hòa Bình. Phần thưởng đó dành cho cái gì thì chúng ta không biết đủ để nói. Nhưng 5 năm qua, Nguyễn Hòa Bình đã làm những gì?

Phần thưởng ông nhận được, rất có thể là dành cho vai trò của ông trong việc chỉ đạo ngành tòa án xét xử hàng loạt vụ án đình đám liên quan đến công cuộc đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiều đảng viên cấp cao đến thế phải hầu tòa và chịu những mức án cực kỳ nặng nề: Đinh La ThăngNguyễn Bắc SonTrương Minh TuấnTrịnh Xuân Thanh, v.v.

Các vụ án nổi cộm khác có thể kể đến phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (2020) và phiên sơ thẩm vụ án Đồng Tâm (2020).

Cũng không thể không kể đến các vụ án chính trị, liên quan mật thiết đến an nguy của chế độ: vụ án Hội Nhà báo Độc lập (2020), vụ án Hội Anh em Dân chủ (2016), vụ án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (2017), v.v… Cần nhớ rằng, trong 5 năm qua, số lượng nhà bất đồng chính kiến bị xét xử tăng cao hơn nhiều so với thời gian trước đây, đến mức gần như xóa sổ phong trào chính trị đối lập ở Việt Nam.

Việc Đảng Cộng sản tưởng thưởng Chánh án Bình vì những công trạng này cho thấy những oan khiên mà ông Bình và ngành tòa án gây ra trong suốt nhiệm kỳ vừa rồi chính xác là những gì mà đảng mong đợi. Điều đó có nghĩa là các tử tù như Hồ Duy Hải, những người nông dân nổi dậy như Lê Đình Chức, hay các nhà bất đồng chính kiến như Phạm Chí Dũng, Trần Huỳnh Duy Thức gần như không có “cửa” để hy vọng.

Chánh án Bình đã trực tiếp xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải và là trung tâm của làn sóng chỉ trích trong dư luận. Việc ông Bình được lên chức chứng tỏ đảng có thể đạp lên dư luận, và tới đây, những ai dẫn đầu phong trào phản đối đó có thể phải gánh chịu hậu quả. Với địa vị mới quyền lực hơn hẳn so với trước đây, ông Bình có thể bắt đầu trừng phạt những kẻ từng làm ông mất mặt.


Việc Chánh án Nguyễn Hòa Bình được vào Bộ Chính trị có thể nâng cao đôi chút vị thế của hệ thống tòa án trong toàn bộ thể chế. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là tòa án sẽ xét xử công bằng hơn, độc lập hơn. Nếu có nghĩa gì đó, nó sẽ có nghĩa là tòa án sẽ đóng vai trò công cụ đắc lực hơn nữa cho trò chơi vương quyền và chính sách cai trị của đảng.

 02/02/2021

Nguồn: Luật khoa