29 mars 2021

Không được biến Quốc hội thành phòng kín để chia chác quyền lực, chia chác nguồn lực

Vũ Hân

Quốc hội không chỉ là một trung tâm quyền lực mà còn là trung tâm dân chủ và đoàn kết... Không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân; không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích, chia chác quyền lực...

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đã nhiều lần phát biểu trăn trở về việc xây dựng pháp luật, những sức ép mà đại biểu phải đối mặt - Ảnh Ngọc Thắng


Xây dựng pháp luật còn sự "thiếu liêm chính có chủ ý"

Phát biểu thứ hai trong buổi sáng 26.3, khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo nhiệm kỳ, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) bày tỏ trăn trở về liêm chính trong xây dựng pháp luật. Đây là vấn đề ông đã đề cập đến nhiều lần trong nhiệm kỳ này. 

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng Quốc hội khoá 14 đã làm “tròn vai” trước nhân dân, với những quyết sách và kết quả đã được thể hiện trong các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật là vấn đề cần đề cập. 

Theo đại biểu Bộ, liêm chính trong ứng xử xã hội là tự tạo áp lực cho chính mình trong việc thực hiện các hành vi xã hội, và là nguyên tắc cho mỗi người trở thành công dân tốt.

Liêm chính trong xây dựng, thi hành pháp luật, cao hơn, “là một nguyên tắc tối cần thiết”, vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội và thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh, chứ không phải là công cụ để thể hiện lợi ích của một bộ phận nhỏ xã hội, nhất là bộ phận được giao soạn thảo luật.

Liêm chính mới có thể xây dựng được những văn bản khách quan, toàn diện, có ý nghĩa trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn; sẽ không, hoặc rất ít chồng chéo với các văn bản pháp luật đã được các khóa trước kỳ công ban hành, không quy định lợi ích thô thiển của bộ, ngành, đặc biệt bộ, ngành được giao soạn thảo dự án luật.

Nếu thiếu và không có liêm chính trong soạn thảo, thẩm tra, sẽ tạo ra những văn bản rất nhiều “khuyết tật”. Khuyết tật đó là sự mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản cũ. 

Đó là việc biến văn bản pháp luật thành công cụ để cơ quan soạn thảo, hoặc là hiện thực hoá lợi ích của bộ, ngành mình, trong đó có những lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân; hoặc là công cụ để tiếm quyền của bộ, ngành khác.

Đó là việc vòng đời của các văn bản rất ngắn, kéo theo việc tốn kém thời gian, công sức, kinh phí để bàn cãi và ban hành văn bản thay thế.

“Trong khoá này, đa số các văn bản đã được ban hành là có liêm chính. Chính sự liêm chính đó mà Quốc hội đã thông qua rất nhiều văn bản, là một phần của thể chế tốt đẹp đã thúc đẩy xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói, và nhấn mạnh, “mặc dù rất ít”, thì vẫn còn sự thiếu liêm chính, đặc biệt là “sự thiếu liêm chính có chủ ý”.

Có những hồ sơ dự án luật chất lượng rất thấp được trình ra Quốc hội, làm Quốc hội rất mất thời gian để thảo luận.

Trước thực tế này, đại biểu đề nghị cần có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong xây dựng luật; đề nghị đại biểu Quốc hội luôn nghĩ đến sự liêm chính khi cho ý kiến về các dự án luật.

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: "Không được biến Quốc hội thành phòng kín để chia chác quyền lực"

Chính sách tồi sẽ tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho tham nhũng có hệ thống

Phát biểu ngay sau đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng góp ý về lập pháp, vì thành công trong lĩnh vực này khẳng định trách nhiệm của Quốc hội trong xây dựng thể chế.

Nói về một số vấn đề “không thể không đề cập đến”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, ngoài chậm trễ trong chuẩn bị hồ sơ luật thì vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp với đường lối, có dự án luật gây bức xúc trong dư luận, chưa đánh giá hết tác động, không lường hết hậu quả trước mắt và lâu dài.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng mong muốn Quốc hội không chỉ là một trung tâm quyền lực, mà còn là một trung tâm của dân chủ, đoàn kết - Ảnh Gia Hân

Đại biểu Nhưỡng đơn cử việc đề xuất đưa phạm nhân ra làm việc ở doanh nghiệp; đề xuất bổ sung lực lượng an ninh cơ sở hàng triệu người mà không tính đến khó khăn chồng chất, tính khả thi của luật, tương quan lực lượng các lĩnh vực và giải pháp chính sách cho lực lượng công an xã hiện nay.

https://thanhnien.vn/thoi-su/khong-duoc-bien-quoc-hoi-thanh-phong-kin-de-chia-chac-quyen-luc-chia-chac-nguon-luc-1359452.html