Nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch trong phiên sơ thẩm ngày 15/12/2020 |
Phiên tòa sơ thẩm xử nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch diễn ra tại tỉnh Nghệ An ngày 24/3/2021.
Kết quả, ông Thạch bị tuyên y án như trong phiên sơ thẩm, 12 năm tù và ba năm quản chế.
Ông Thạch bị bắt hồi tháng 4/2020. Sau đó, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố ông với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Tháng 12/2020, ông Thạch bị đưa ra xét xử trong phiên tòa sơ thẩm tại Nghệ An và bị tuyên 12 năm tù, ba năm quản chế.
Ông Thạch năm nay 69 tuổi, là một cựu chiến binh quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng là thành viên Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức xã hội dân sự hoạt động với tiêu chí "Vì một nước Việt: Dân chủ - Văn minh - Pháp trị". Nhiều thành viên hội này đã bị bỏ tù và một số người đang sống lưu vong ở nước ngoài, trong đó có người sáng lập hội là luật sư Nguyễn Văn Đài.
Năm 2009, ông Thạch bị tuyên ba năm tù, ba năm quản chế với tội danh "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam".
Ra tù, ông Thạch tiếp tục có các bài viết về tình hình chính trị, xã hội của Việt Nam đăng trên Facebook cá nhân.
Nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch, 69 tuổi, lãnh án 12 năm tù
Cha của Trịnh Bá Phương kể về việc con trai và vợ bị bắt
Cao ủy Nhân quyền LHQ lên tiếng vụ Phạm Chí Dũng và đồng sự
'Tòa vi phạm tố tụng'
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Thạch, nhận định rằng "cấp tòa sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng".
Ông Sơn chỉ rõ trong một bài phân tích trên Facebook cá nhân ngay sau phiên tòa phúc thẩm sáng 24/3, rằng tòa "vi phạm những quy định cơ bản của Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015."
Cụ thể, Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, nhưng Bản án sơ thẩm lại xét xử cả nhũng hành vi của ông Thạch từ trước đó liên quan đến Hội anh em dân chủ đã bị bắt từ tháng 12/2015.
Bên cạnh đó, luật sư Sơn cho rằng bản án sơ thẩm nhận định ông Thạch có hành vi "Tiến hành tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", trong khi đây không phải là hành vi thuộc mặt khách quan tội phạm của "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" quy định tại Điều 109 BLHS 2015, nhưng Bản án sơ thẩm lại kết tội ông Thạch về tội này.
Luật sư Sơn cũng cho rằng tòa đã 'xét xử không công bằng', khi đại diện Viện kiểm sát là người buộc tội bị cáo tại Tòa có đầy đủ hồ sơ vụ án còn người bào chữa không được sao chụp hồ sơ vụ án.
Ông Thạch có một số năm tham gia quân đội chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, đến nay ông không được hưởng chế độ chính sách nào của Nhà nước là một bất công.
Luật sư Sơn cho rằng cơ quan điều tra phải có trách nhiệm ghi nhận thời gian tham gia quân đội của ông chứ không thể 'bằng mọi biện pháp để tìm chứng cứ có tội cho ông Thạch lại bỏ qua chứng cứ có lợi cho ông. Đây có phải là đạo lý của Đảng không?"
Luật sư Sơn cũng khẳng định, "ủng hộ hay xây dựng chế độ "đa nguyên, đa đảng", "tam quyền phân lập", "xây dựng nền kinh tế, lấy kinh tế tư nhân làm nền tảng" không phải là điều cấm trong Hiến pháp 2013 hoặc là một tội được quy định trong Bộ luật hình sự 2015."
'Truy cùng diệt tận?'
Nhắc lại mục đích của trừng phạt là 'trừng trị và giáo dục', luật sư Sơn nhìn nhận rằng Hội Anh em Dân chủ đã bị bắt và dừng hoạt động từ năm 2015, ông Thạch từ đó cũng không còn tham gia nữa.
Ông đã già, lại mang nhiều bệnh tật hiểm nghèo, không thể 'nguy hiểm' cho chế độ nữa. "Do đó, có cần phải truy cùng diệt tận với ông Thạch, một cựu quan nhân đến như vậy không?" luật sư Sơn đặt câu hỏi.
Tại phiên tòa, Luật sư Hà Huy Sơn cũng đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại toàn bộ bản án của ông Trần Đức Thạch.
Chính quyền Việt Nam nói gì?
Trong một bài viết có tiêu đề "Việt Nam có pháp luật của Việt Nam" đăng trên báo Nhân Dân ngày 15/12/2020, vụ án của ông Thạch được cho là "đặc biệt nghiêm trọng".
Hành vi của ông Thạch được nhận định là "nguy hiểm, diễn ra trong thời gian dài, xâm phạm sự thống nhất về nền tảng tư tưởng chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với thể chế chính trị ở Việt Nam, đe dọa tới sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội."
Bài báo cũng viết rằng có nhiều tổ chức, cá nhân "thường xuyên chống phá hoặc thiếu thiện chí với Đảng, Nhà nước Việt Nam " đã " lên tiếng đòi trả tự do" cho ông Thạch và "la lối phản đối kết quả vụ án", trong đó có Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) và Việt Tân.
"Tuy nhiên, dù HRW, tổ chức khủng bố "Việt tân" hay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào phản đối các vụ án như với Trần Đức Thạch đều không có ý nghĩa gì, vì Việt Nam có pháp luật của Việt Nam, người nào có hành vi vi phạm đều bị xử lý, người nào cố tình vi phạm nhiều lần và ngày càng trầm trọng thì mức án càng cao," bài báo viết.
24 tháng 3 2021