26 mars 2021

Myanmar bất ngờ thả hơn 600 người biểu tình, hoãn xét xử bà Suu Kyi

Minh Phương

Theo Channel News Asia 

Sự im lặng đáng sợ

Hôm nay, toàn bộ các thành phố lớn như Yagon, Mawlamyine, Flan hay Pyay hưởng ứng chiến dịch đánh sập nền kinh tế độc tài cai trị của quân đội cầm quyền độc tài Myanmar. Từ các đô thị sầm uất như Yagon cho đến tận các vùng quê hẻo lánh, người dân đồng loạt đóng cửa toàn bộ các hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí, trao đổi mua bán nhu yếu phẩm trong sinh hoạt hàng ngày.



Đây là một bước đi ngoạn mục không kém phần liều lĩnh của người dân Myanmar, họ bất chấp hy sinh tất cả, ngay cả kinh tế của từng gia đình, từng người để đổi lấy một nền dân chủ thực sự trên đất nước xứ chùa vàng. Chắc chắn người dân Myanmar sẽ thắng trong ván cờ định mệnh này, vì trên các trang mạng xã hội cá nhân ở Myanmar hiện tại, họ đã tuyên bố sẵn sàng chia sẻ thức ăn, nước uống và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cho nhau, giúp đỡ nhau đến khi kinh tế do quân đội cầm quyền độc tài Myanmar điều hành sụp đổ.


Một câu nói đang hot trên mạng xã hội sáng nay ở Myanmar là: "Thà cho 10.000 con chó ăn no chứ không cho một tên lính hèn hạ nào trong quân đội ăn một hạt cơm". Và đó là một câu chuyện thần kỳ về sự đoàn kết của người dân xứ sở chùa vàng.

Huân Trân

Các nhà sư Myanmar hưởng ứng chiến dịch bất tuân dân sự, chống bịt miệng, đòi dân chủ.

Huan Tran

 

 

 

 

 

Ngày đình công im lặng của Myanmar


Ngày đình công im lặng 24 tháng 3 (March 24 Silence Strike) được người dân Myanmar cùng nhau thực hiện hôm nay, cho thế giới thấy rằng Phong trào Bất tuân dân sự (CDM) có thể đóng cửa toàn bộ các thành phố và thị trấn tại Myanmar để chống lại quân đảo chính.

Hai thành phố lớn Yangon và Mandalay, không có người ra đường, không có xe chạy, không cửa hàng nào mở cửa. Người dân Myanmar đang chứng minh quân đội đảo chính đã sai lầm khi cho rằng mọi thứ trở lại bình thường.

Trong vùng Tanintharyi, thành phố Dawei phía Bắc sông Dawei đã tự đóng cửa, và thành phố Myeik tại bờ biển Andaman cũng đóng cửa, chợ đóng cửa, các cửa hàng đóng cửa. Các thị trấn gồm có Falam nằm về hướng Tây Bắc cạnh biên giới Ấn Độ; Kalay trong vùng Sagaing thượng nguồn sông Myittha; và Kyaukme thuộc tiểu bang Shan ở miền Bắc Myanmar, tất cả đều đóng cửa.

Đất nước Myanmar chìm trong im lặng.

Nữ diễn viên May Toe Khine, một nhà hoạt động dân chủ của phong trào CDM, cho biết, "Hôm nay chúng tôi tôn vinh các anh hùng đã ngã xuống, chúng tôi cho quân đội thấy rằng chúng tôi quyết định xuống đường hay ở nhà là tùy thuộc vào chúng tôi. Điều đó cho thấy chúng tôi sẽ không bao giờ hoạt động bình thường như họ muốn. Đất nước thuộc về nhân dân. Không phải cho những kẻ giết người!".

Sinh viên của viện Đại học Y khoa Yangon tham gia chiến dịch đình công im lặng hôm nay, đăng lên Twitter cho rằng, "Im lặng sẽ là tiếng hét lớn nhất cho việc chúng tôi đòi công lý chống lại cuộc đảo chính quân sự."

Đúng vậy, người dân Myanmar đã cho thế giới nghe được hôm nay một tiếng hét lớn nhất của sự im lặng.

Người Đà Lạt Xưa

Chính quyền quân sự Myanmar bất ngờ trả tự do cho hơn 600 người biểu tình trong bối cảnh các nước phương Tây dồn dập áp lệnh trừng phạt quân đội nước này.

Một người biểu tình được trả tự do khỏi nhà tù Insein ở Myanmar sáng 24/3 (Ảnh: AP).

Hãng tin Channel News Asia dẫn lời các nhân chứng cho biết, sáng 24/3/2021, các xe buýt chở đầy tù nhân đã lần lượt ra khỏi nhà tù Insein ở thành phố Yangon của Myanmar. Một đại diện quản lý nhà tù cho biết: "Chúng tôi thả 360 nam giới và 268 nữ giới ở nhà tù Insein hôm nay".

Một luật sư có mặt bên ngoài nhà tù cho biết, có khoảng 15 ô tô chở tù nhân đã rời Insein, "tất cả họ đều bị bắt trước đó vì liên quan đến biểu tình". Trong khi đó, luật sư Khin Maung Myint, người cũng bị bắt giam ở Insein, nói có 16 ô tô chở tù nhân đã rời Insein lúc 10h sáng nay. "Họ được đưa đến các đồn cảnh sát ở địa phương để chính thức được trả tự do", luật sư Khin cho AFP hay.

Truyền thông địa phương đăng tải các hình ảnh cho thấy những người biểu tình được trả tự do ngồi trên ô tô và giơ 3 ngón tay - biểu tượng thể hiện sự phản đối chính quyền quân sự. Theo Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP), ít nhất 2.000 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình ở Myanmar kể từ sau cuộc binh biến ngày 1/2/2021.

Trong một diễn biến liên quan khác, phiên tòa xét xử nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi được thông báo hoãn đến ngày 1/4. Đây là lần thứ hai phiên tòa này bị hoãn. Bà Suu Kyi hiện phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc mà chính quyền quân sự đưa ra, trong đó có vi phạm lệnh xuất nhập khẩu, nhận hối lộ.

Đường phố vắng vẻ ở thành phố Dawei, cách Yangon của Myanmar khoảng hơn 600km ( AFP)

Tại các thành phố lớn của Myanmar, phong trào biểu tình yêu cầu chính quyền quân sự trả tự do cho bà Suu Kyi và các quan chức của chính quyền dân chủ vẫn chưa ngừng lại. Hiện giờ, họ đang hưởng ứng lời kêu gọi "biểu tình im lặng". "Không ra ngoài, không mua bán, không đi làm. Tất cả đóng cửa. Chỉ một ngày", nhà hoạt động Nobel Aung nói.

Nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp ở Yangon đã đóng cửa, đường xá thưa thớt người và xe cộ. Một người dân ở quận Mayangone cho biết: "Những người bán hàng rong cũng không còn thấy trên các đường phố. Không tiếng xe cộ, chỉ có tiếng chim". Một giáo viên quận Kyauktada cho biết, các đường phố vắng hoe. "Đường phố rất ít người, chỉ có các nhân viên giao nước", giáo viên này cho hay.

Chính quyền quân sự Myanmar hiện chưa bình luận về những diễn biến mới này. Trước đó, phát ngôn viên chính quyền quân sự, Chuẩn tướng Zaw Min Tun nói "lấy làm tiếc" vì 164 người dân và 9 thành viên lực lượng an ninh thiệt mạng trong các cuộc đụng độ biểu tình, con số này theo thống kê của AAPP là khoảng 275 người. Chính quyền quân sự Myanmar cũng đổ lỗi cho người biểu tình về sự mất mát này. Ông Zaw Min Tun nói, các cuộc đình công cũng như việc các bệnh viện không hoạt động khiến số người chết tăng, trong đó có cả các bệnh nhân Covid-19.

Trong khi đó, nhiều nước đã lên tiếng kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho các quan chức dân chủ, ngừng các hành động bạo lực nhằm vào người biểu tình và khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này. Để gây sức ép, các nước trong đó có Mỹ, Canada và EU đã áp lệnh trừng phạt các tướng lĩnh Myanmar và các doanh nghiệp mang lại lợi ích cho quân đội nước này.

M.P.

Nguồn: Dantri