TS. Phạm
Quý Thọ
Ai sẽ kế nhiệm ông Vương Đình Huệ, đương kim Bí thư Thành uỷ Hà Nội, khi ông Huệ đã được giới thiệu ứng cử khối Quốc hội? Câu trả lời: ‘Bí mật’. Đảng đã có phương án!
Công tác cán bộ là của riêng Đảng, nhưng người dân có quyền quan tâm vì lãnh đạo xấu hay tốt đều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhưng họ đang ngoài cuộc. “Chỉnh đốn đảng” tạo ra xu hướng ‘độc đoán’ khiến ‘trò chơi quyền lực’ trở nên quyết liệt. Đột phá cải cách từ nhà nước cần tạo ra các quy tắc ‘trò chơi có sự tham gia chính trị thực chất của nhân dân.
Kế nhiệm
Lãnh đạo quyền lực nhất ở địa phương cấp tỉnh là Bí thư tỉnh, thành uỷ, đặc biệt ở ba thành phố lớn trung tâm của ba miền Bắc, Trung, Nam như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Trong nhiệm kỳ 12 (2016-2021), ở cả ba thành phố trên, Bí thư thành uỷ đều buộc phải thay giữa chừng do “vi phạm kỷ luật đảng” với các mức độ khác nhau. Ông Đinh La Thăng - Bí thư thành phố Hồ Chí Minh bị thay vào tháng 5 năm 2017, sau đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự; ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Đà Nẵng bị miễn nhiệm vào tháng 10 năm 2017, trước đó bị cảnh cáo và; ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Hà Nội bị điều chuyển vào tháng 02 năm 2020, trước đó cũng bị cảnh cáo. Ba vị Bí thư “bất đắc dĩ” đến nay chỉ còn ông Vương Đình Huệ, hiện là Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê quán tỉnh Nghệ An, từng là giảng viên đại học với học hàm giáo sư. Ông có quá trình thăng tiến như lãnh đạo ‘kỹ trị’, từng giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó thủ tướng nhiệm kỳ 12. Ông Huệ là ‘nhân tố quy hoạch’ được ủng hộ bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từng được luân chuyển làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương (2012-2016). Tuy nhiên, khi được giới thiệu bổ sung vào Bộ Chính trị khoá 11, ông đã không nhận được sự đồng thuận tại Hội nghị Trung ương 6 khoá 11 tháng 10/2012. Ông chỉ giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị sau Đại hội 12.
Từng tồn tại ‘thuyết âm mưu’ rằng ông Huệ sẽ là người kế vị ‘tứ trụ’, thậm chí, chức Tổng Bí thư nhưng ‘thiếu’ tiêu chuẩn trải nghiệm lãnh đạo tại một địa phương cấp tỉnh. Bởi vậy, có lẽ việc điều động làm Bí thư Hà Nội cũng là giải pháp ‘đối phó’ có chủ đích. Tuy nhiên, những lời ‘đồn đoán’ trước kia nay đang dần trở thành hiện thực. Ông đã được quy hoạch vào chức danh Chủ tịch Quốc hội khoá 15 sắp tới.
Kế nhiệm chức Bí thư Thành uỷ của ông Huệ, theo tin rò rỉ, có thể là ông Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13, đương kim Bộ trưởng Bộ tài chính.
‘Độc đoán’
Trường hợp ‘Kế nhiệm’ được nêu trên có thể khá điển hình để phản ánh tính ‘độc đoán’ cần thiết cho công tác cán bộ trong bối cảnh bất ổn thể chế. Chiến dịch chống tham nhũng ‘không vùng cấm’ là ‘trợ thủ đắc lực’ cho mục tiêu thanh trừng phe phái “tự diễn biến, tự chuyển hoá”.
Kiên trì nguyên tắc đồng thuận và kinh nghiệm công tác đảng với các quy định phức tạp giúp ông Nguyễn Phú Trọng ở lại cương vị Tổng Bí thư ở khoá 12, khi vượt qua tiêu chuẩn về tuổi, và khoá 13 khi vượt qua ‘chướng ngại’ khó hơn - quy định trong Điều lệ Đảng, là Tổng Bí thư không làm “quá hai nhiệm kỳ”. Theo ông ‘bộc bạch’ thì đây là những ‘tình huống’ “phải làm khi Đại hội bầu”. Có thể như vậy. Điều quan trọng là ông đã trở thành người có quyền lực nhất trong Đảng và Nhà nước khi ông kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời năm 2018. Ngoài ra, ông còn là người đứng đầu nhiều tổ chức quan trọng của Đảng, như Bí thư Quân uỷ Trung ương, Hội đồng Quốc phòng An ninh, Trưởng Ban phòng chống tham nhũng Trung ương… Ông đã có đủ điều kiện về quyền lực để theo đuổi dự định xây dựng “Đảng mạnh, Nhà nước mạnh”, được nhấn mạnh như ‘điểm mới’ trong Văn kiện Đại hội 13.
Hình minh
hoạ. Từ trái qua: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - người ứng cử khối Chủ tịch nước,
Phạm Minh Chính - người ứng cử khối Thủ tướng, Vương Đình Huệ - ứng cử khối Quốc
hội
Song song với chiến dịch chống tham nhũng, việc luân chuyển cán bộ trước Đại hội 13 là động thái mạnh để củng cố Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Đồng thời với việc trực tiếp tham dự và “chỉ đạo” các đại hội đảng cấp tỉnh, “Trung ương” đã luân chuyển nhiều lãnh đạo từ địa phương về Trung ương và ngược lại. Mười bốn Bí thư Tỉnh ủy được điều động, phân công, bổ nhiệm về các ban, ngành Trung ương và mười một nhân sự quy hoạch được điều động theo hướng ngược lại và họ ‘đều’ đắc cử chức Bí thư tỉnh, thành của nhiệm kỳ 2020 -2025. Ngoài ra, trong số 63 bí thư tỉnh uỷ có 27 vị không phải là người địa phương, 21 người ‘chưa tham gia’ Ban Chấp hành Trung ương và 6 nữ Bí thư….
Cơ cấu hiện nay của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương được nhận định là “theo đúng phương án” đã ‘nhất trí’. Tỷ lệ lãnh đạo là chuyên trách đảng, như Ban Nội chính, Uỷ ban kiểm tra, Ban tư tưởng…, quân đội và công an đã tăng lên trong khi lãnh đạo ‘kỹ trị’ được ‘sàng lọc’ kỹ càng và giảm đi đáng kể. Hơn thế, những quyết định “phân công” trong nội bộ các cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng cho thấy rõ hơn xu hướng “đảng mạnh” như ông Trưởng ban Tư tưởng nhận quyết định làm Thường trực Ban Bí thư để tránh “khoảng trống quyền lực”, Bộ trưởng Bộ công thương được luân chuyển làm Trưởng Ban Kinh tế, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội, thành viên Ban Bí thư, được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Tư tưởng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương…. Ngoài ra, một loạt lãnh đạo đảng, lực lượng vũ trang được giới thiệu ứng cử Quốc hội khoá 15 cho các chức danh nhà nước, ngoài trường hợp ông Huệ, thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đảo vị trí, sẽ ứng cử chức danh Chủ tịch nước, Trưởng Ban tổ chức, từng là Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Phạm Minh Chính – dự kiến là Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 13….
Sự độc đoán trong công tác cán bộ làm xáo trộn tổ chức đang là tác nhân phá vỡ cơ cấu ‘tứ trụ’ theo ‘truyền thống” Bắc – Trung – Nam, tạo áp lực lên dân chủ nội bộ đảng, tạo rào cản đối với sự phân cấp, phân quyền cho địa phương…. Hơn thế, những thay đổi nhân sự cao cấp được quan sát dường như đang tập trung cho việc chống “tự diễn biến, tự chuyển hoá” để duy trì chế độ, hơn là tăng cường năng lực điều hành kinh tế và ngăn chặn tham nhũng. Tuy nhiên, lý lịch và xuất phát điểm không thể đảm bảo tránh được tha hoá trong môi trường có nhiều cám dỗ. Lấy trường hợp ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Hà Nội nhiệm kỳ 12 này để minh hoạ. Ông này từng là tướng công an, anh hùng lực lượng vũ trang, đã ‘hư hỏng’ khi “có quyền và gần tiền”. Năm 2020 ông này đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự với ba tội danh, bị phạt tù 5 năm vì “làm lộ bí mật nhà nước”. Mới đây, ông lại tiếp tục bị ‘hầu toà’ vì “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”... Có vô số con đường dẫn tới phạm tội tham nhũng của quan chức, bởi vậy, nên chăng cần ưu tiên tạo ra “lồng thể chế” để nhốt quyền lực với cơ chế giải trình trách nhiệm công khai minh bạch để người dân giám sát.
Với câu hỏi ai sẽ kế nhiệm Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói riêng và bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cao cấp nói chung thì câu trả lời thuộc thẩm quyền của Bộ Chính Trị, Ban Chấp hành Trung ương. Công tác cán bộ là của riêng Đảng. Người dân quan tâm, bởi vì cán bộ xấu hay tốt, có năng lực hay không đều ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhưng họ ở ngoài cuộc đối với ‘trò chơi quyền lực’. Cho nên, cách tiếp cận ‘cải cách từ nhà nước’ cần được ưu tiên tạo ra thể chế để người dân tham gia chính trị thực chất hơn, từ bầu chọn, giám sát đến việc loại bỏ các quan tham. Và chỉ khi đó người dân có quyền chơi ‘trò quyền lực và họ tự chịu trách nhiệm với chính cuộc sống của mình.
2021-03-22
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Ai sẽ kế nhiệm Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ? — Tiếng Việt (rfa.org)