07 mars 2021

Các vi phạm liên quan tới thủ tục tố tụng / xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án Đồng Tâm

LS Lê Văn Hòa: "Tại phần nói lời nói cuối cùng trước khi kết thúc phần tranh luận, chuyển sang phần nghị án, rất nhiều bị cáo có phần nói cuối cùng giống nhau “y đúc”, thậm chí giống nhau đến từng câu chữ theo một mô - típ chung:

“Nhận ra lỗi lầm, ăn năn hối cải - Cảm ơn các thầy trong trại giam số 2 đã giáo dục để nhận thức ra sai lầm - Xin lỗi gia đình bị hại - Xin giảm nhẹ”. Thậm chí, có bị cáo sau khi “nhẩm một đoạn văn mẫu” thì quên nữa chừng nên nói lớn “em quên mất rồi” và nhìn xuống cán bộ với ánh mắt cầu cứu họ nhắc bài…"

(Trích ĐƠN KIẾN NGHỊ ngày 02/3/2021 của 14 luật sư bào chữa cho 6 bị cáo kháng cáo trong vụ án Đồng Tâm tại phiên phúc thẩm TANDCC tại Hà Nội dự kiến xét xử vào ngày 8/3/2021)

Hà Nội, ngày 2/3/2021

ĐƠN KIẾN NGHỊ

(Về một số nội dung liên quan tới quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 09/01/2020)

I. Phần dẫn nhập

Kính gửi:

- Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội;

- Ông Ngô Tự Học, Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội;

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội;

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Mười bốn Luật sư có tên dưới đây là người bào chữa cho các bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến và Bùi Thị Nối trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội ngày 09/01/2020. Vụ án đã được TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm và ngày 08/03/2021, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên toà xét xử phúc thẩm do các bị cáo có tên nêu trên kháng cáo.

1. Luật sư Ngô Anh Tuấn;

2. Luật sư Lê Văn Hoà;

3. Luật sư Đặng Đình Mạnh;

4. Luật sư Nguyễn Hà Luân;

5. Luật sư Lê Văn Luân;

6. Luật sư Hà Huy Sơn;

7. Luật sư Ngô Ngọc Trai;

8. Luật sư Trương Chí Công;

9. Luật sư Nguyễn Tiến Dũng;

10. Luật sư Bùi Hải Quảng;

11. Luật sư Phạm Lệ Quyên;

12. Luật sư Nguyễn Văn Miếng;

13. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc;

14. Luật sư Đào Kim Lân.

Lời đầu tiên, chúng tôi xin gửi tới các Quý vị lời chào trân trọng và lời chúc sức khoẻ!

Bằng văn bản này, chúng tôi xin trình bày nội dung sau đây:

Trong suốt quá trình từ điều tra, truy tố, xét xử vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 09/01/2020, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã có nhiều sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo. Các luật sư bào chữa đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi tới các cơ quan có thẩm quyền nhưng các sai phạm hầu như không được sửa chữa, thậm chí là không thể sửa chữa, khắc phục được. Chúng tôi xin liệt kê một số nội dung cần làm rõ để HĐXX cấp phúc thẩm cùng các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét kịp thời để phiên toà xét xử công khai vào ngày 8/3/2021 tới đây sẽ giải quyết, khắc phục được những sai sót, góp phần tìm ra sự thật khách quan của vụ án, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh gây hàm oan cho người vô tội.

II. Một nhận định tổng quát

“…Vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 09/01/2020 là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng không chỉ thể hiện ở số lượng người chết trong vụ án này mà sức ảnh hưởng ghê gớm của nó tác động lên đại bộ phận dân chúng Việt Nam. Vụ án này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của đất nước, thể chế chính trị Việt Nam tới bạn bè quốc tế và sự bang giao quốc tế với các nước lớn trên thế giới. Phải nhắc lại một lần nữa sự tác động lớn lao từ kết quả của vụ án này là một cách chúng tôi mong muốn Quý vị và Quý Cơ quan đặc biệt lưu tâm tới các tình tiết khách quan, vô cùng quan trọng đã diễn ra, đã có trong hồ sơ vụ án nhưng không hoặc chưa được lưu tâm, xem xét đúng mực khiến cho sự thật khách quan của vụ án vẫn chưa được làm sáng tỏ và nhiều bị cáo vẫn bị ám ảnh bởi một bản án oan sai treo lơ lửng trên đầu. Có bị cáo trong vụ án này thậm chí đã xác định một kịch bản xấu nhất xảy ra với mình nhưng với lương tâm, đạo đức hành nghề luật sư và với thiên chức là người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo, chúng tôi rất mong muốn HĐXX phúc thẩm hết sức lưu tâm tới các nội dung mà chúng tôi đã nêu, phân tích và đề xuất trong đơn đề nghị này để ra quyết định hợp tình, hợp lý, hợp pháp để tạo điều kiện cho các bị cáo, các luật sư có cơ hội chứng minh, bảo vệ chứng cứ gỡ tội của mình. Việc làm của Quý vị có thể là cơ hội để Quý vị sửa sai cho những cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng trước đó đã thực hiện và cũng là cơ hội cho các bị cáo tự giải oan cho chính mình hoặc để họ tâm phục khẩu phục mà chấp nhận phán quyết cuối cùng của toà khi những lý lẽ gỡ tội của mình bị bác bỏ bằng những cơ sở khoa học xác đáng…”

Luật sư Đặng Đình Mạnh và Luật sư Ngô Anh Tuấn bên miệng giếng trời (hố kỹ thuật), hiện trường của vụ án. Ảnh do Luật sư Lê Văn Hòa chụp.

III. Các vi phạm liên quan tới thủ tục tố tụng / xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án Đồng Tâm

1. Ép cung, dùng nhục hình

Bản kết luận điều tra và cáo trạng chỉ ghi nhận các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi của mình mà không đề cập đến vấn đề các bị cáo trong quá trình điều tra có bị ép cung, mớm cung, nhục hình.

Tại phiên tòa sơ thẩm của một số bị cáo khai bị ép cung nhục hình, cụ thể như sau:

Tại phiên tòa ngày 08/09/2020, khi luật sư Nguyễn Tiến Dũng hỏi bị cáo Bùi Thị Nối: Trong quá trình bị bắt tạm giam, bị cáo có bị đánh đập, mớm cung và nhục hình hay không thì bà Nối trả lời: “Lúc bị cáo bị bắt, bị cáo đang bị thương nhưng khi lấy cung vẫn bị đánh vào chân rất đau đớn tại đồn Công an Miếu Môn để ép cung. Bị đánh sưng chân, nhưng không nhớ tên người đánh. Bị cáo bị đau, không chết được thì phải chịu nhưng trong trại giam, khi lấy lời khai, bị đánh liên tục nên bảo bị cáo ký thì cứ ký”.

Cũng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 08/09/2020, Luật sư Đặng Đình Mạnh hỏi bị cáo Lê Đình Công rằng trong quá trình điều tra có bị đánh đập, ép cung hay không thì bị cáo Công trả lời: “Bị đánh mười ngày như một, ông Phạm Việt Anh - ĐTV Công an thành phố Hà Nội dùng dùi cui cao su đánh bị cáo liên tục”.

Tại phần xét hỏi phiên tòa, luật sư Ngô Ngọc Trai hỏi bà Nguyễn Thị Bét về việc sáng ngày 09/01/2020 bà bị bắt đưa về đâu và có bị đánh đập hay không thì bà cho biết bà được đưa về Công an Miếu Môn và có bị đánh đập.

Một số bị cáo khác cũng khai tại tòa là trong giai đoạn điều tra khi chưa có Luật sư cũng bị đánh đập, bức cung, nhục hình. Cũng tại phiên tòa, luật sư Đặng Đình Mạnh hỏi tất cả 29 bị cáo: “Sau khi xảy ra sự kiện, nếu bị cáo nào không bị đánh đập thì giơ tay lên?”. Có 10 bị cáo giơ tay lên, 19 người không giơ tay lên. Điều này đồng nghĩa với việc có thể có ít nhất 19 bị cáo bị đánh đập và tra tấn nhưng nhiều người không đủ can đảm để nói ra. Sau phiên toà xét xử sơ thẩm, nhiều bị cáo đã được trả tự do có kể cho các luật sư tiếp xúc với họ về quá trình họ bị bức cung, nhục hình rất khủng khiếp, chúng tôi đã ghi âm đầy đủ buổi trao đổi với họ nhưng chỉ cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền khi họ thực sự có thiện chí hợp tác, xử lý triệt để người vi phạm, đồng thời bảo đảm sự an toàn pháp lý và an toàn ngoài cuộc sống hàng ngày của những người đã tiết lộ những thông tin này.

Bản án sơ thẩm nhận định không có sự việc các bị cáo bị ép cung, dùng nhục hình, cụ thể: Trong quá trình điều tra, ngoài việc ghi lời khai của các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, Cơ quan điều tra còn thực hiện việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung các bị cáo theo đúng quy định tại Điều 183 Bộ luật tố tụng Hình sự. Bản án ghi rõ, tại phiên tòa xét xử công khai, có sự tham gia chứng kiến của các luật sư bào chữa cho các bị cáo, cũng như các cơ quan báo chí, các bị cáo đều thành khẩn khai báo sự thật khách quan về hành vi của mình, thừa nhận việc chuẩn bị và dùng lựu đạn, bom xăng, gạch đá, bùi nhùi... để tấn công, thừa nhận gây ra cái chết của 03 chiến sỹ công an và gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân, cá biệt một số bị cáo không đồng ý với quan điểm bào chữa của luật sư. Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa hoàn toàn phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra… Như vậy, HĐXX sơ thẩm đã ghi nội dung bản án không khách quan khi không phản ánh đúng nội dung sự thật đã diễn ra tại phiên toà khi mà rất nhiều bị cáo đã khai rằng mình bị ép cung, nhục hình. Chủ toạ phiên toà chẳng những không triệu tập những người liên quan để đối chất với các bị cáo mà còn ghi sai lệch nội dung mà họ đã khai tại phiên toà theo hướng bất lợi cho họ, đây hoàn toàn là động cơ không trong sáng, không đúng pháp luật, đi ngược lại quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo.

Đây là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định tại điểm o, khoản 1, Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BQP: “Điều 6. Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 245 và điểm d khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự: 1. Khi có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung: o) Có căn cứ để xác định có việc bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật”.

2. Mớm cung:

Tại phần nói lời nói cuối cùng trước khi kết thúc phần tranh luận, chuyển sang phần nghị án, rất nhiều bị cáo có phần nói cuối cùng giống nhau “y đúc”, thậm chí giống nhau đến từng câu chữ theo một mô - típ chung:

“Nhận ra lỗi lầm, ăn năn hối cải - Cảm ơn các thầy trong trại giam số 2 đã giáo dục để nhận thức ra sai lầm - Xin lỗi gia đình bị hại - Xin giảm nhẹ”. Thậm chí, có bị cáo sau khi “nhẩm một đoạn văn mẫu” thì quên nữa chừng nên nói lớn “em quên mất rồi” và nhìn xuống cán bộ với ánh mắt cầu cứu họ nhắc bài…

3. Luật sư bị hạn chế quyền hành nghề:

- Khi kết thúc giai đoạn điều tra, mặc dù nhiều luật sư, nhiều lần đề nghị được tiếp cận, sao chụp hồ sơ vụ án nhưng không được cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cho tiếp cần mà tới tận ngày có lịch xét xử vụ án thì họ mới được sao chụp hồ sơ.

- Khi luật sư gặp thân chủ tại trại tạm giam thì luôn có mặt, giám sát kèm cặp của cán bộ trại giam, việc thăm hỏi, trao đổi của luật sư luôn bị theo dõi, nhắc nhở.

- Có dấu hiệu bị cáo bị ép từ chối luật sư do gia đình nhờ để nhờ luật sư chỉ định.

Trong phiên toà, HĐXX hạn chế quyền được tiếp cận thân chủ của luật sư vì cho rằng “điều đó là không cần thiết”.

- Trong phiên toà, đại diện Viện kiểm sát không đối đáp hoặc đối đáp qua loa, cho có lệ chứ không đi vào trọng tâm những vấn đề mà luật sư đã đề cập trong phần tranh luận của mình.

Như vậy, từ quá trình điều tra, truy tố, xét xử tại cấp sơ thẩm vụ án này đều chưa giải quyết được dứt điểm nội dung có hay không hành vi dùng nhục hình, bức cung, mớm cung đối với các bị báo. Do vậy, cần thiết phải triệu tập các điều tra viên tham gia điều tra vụ án, các kiểm sát viên, triệu tập các thành viên của HĐXX sơ thẩm để làm rõ các vấn đề được nêu trong kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm vì nó đã có dấu hiệu rõ ràng là không phản ánh khách quan, trung thực so với thực tế đã diễn ra.

Các Luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm TAND TP

IV. Vài hình ảnh ghi nhận các Luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm TAND TP. Hà Nội xét xử vụ án Đồng Tâm (ảnh trên mạng Internet) (1).






L.V.H.

Nguồn: FB Lê Văn Hòa