29 mars 2021

Nhân dịp Phaolô Nguyễn Thái Hợp nghỉ hưu, nhớ lại 10 năm trước : Những ấn tượng về Đức tân Giám mục giáo phận Vinh


TS. Phạm Huy Thông


Phaolô Nguyễn Thái Hợp
TS. Phạm Huy Thông

Thấy Đức cha Cao Đình Thuyên tuổi đã cao nên mỗi khi có dịp gặp ngài tôi thường hỏi : Đức cha đã tìm được người kế vị chưa? Ngài trả lời: xin hãy cầu nguyện cho giáo phận . Tháng 10-2007, dịp Đại hội X các Giám mục Việt Nam, ngài ghé tai tôi thì thầm: Đã tìm được ứng viên rồi nhưng xin hãy tiếp tục cầu nguyện thêm cho Vinh nhé. Rồi tin tức cũng đồn thổi ra ngoài. Ứng viên chính là linh mục GS.TS Nguyễn Thái Hợp. Nhưng chờ mãi mà vẫn chưa thấy Toà thánh loan báo. GS Đỗ Quang Hưng- Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo - cũng là chỗ đồng nghiệp với tôi và  bạn bè  nghiên cứu với cha Hợp vẫn hay hỏi tôi: sao lâu thế? Tôi đành im lặng vì không biết trả lời thế nào. Việc tấn phong Giám mục ở Việt Nam vốn nhiều đoạn trường mà.


Khen thay cho Đức cha già Phaolô Cao Đình Thuyên biết chọn mặt gửi vàng, nhưng tôi tin cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp còn lọt vào mắt xanh nhiều Đấng khác nữa.  Vào cuối năm 2008, tôi và cha Hợp về thăm Thái Bình, tôi đã nghe chính Đức cha Nguyễn Văn Sang đề nghị xin tiến cử cha Hợp về làm người kế vị mình. Ngài cảm ơn Đức cha Thái Bình nhưng từ chối khéo rằng, mình có chất giọng xứ Nghệ nên không phù hợp với làn điệu hát chèo quê lúa.

Tôi có cái may mắn và vinh hạnh quen biết nhiều học giả Công giáo có tên tuổi như GS.TS Trần Văn Đoàn, linh mục GS.TS Nguyễn Thái Hợp, linh mục GS Viện sĩ Trần Tam Tỉnh, linh mục TS Đỗ Quang Chính, linh mục TS. Nguyễn Hưng, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên, nhà văn Phạm Đình Khiêm, sử gia Nguyễn Đình Đầu…qua những cuộc hội thảo khoa học hay thuyết trình tại các trường Đại học  hay các Viện nghiên cứu. Nếu có cơ hội, chúng tôi thường cố gắng để tạo ra sự gặp gỡ giữa các học giả Công giáo và ngoài Công giáo nhằm trao đổi thông tin, tài liệu, phương pháp nghiên cứu nhất là nhằm hiểu nhau hơn, hiểu đạo Công giáo khách quan hơn. Tôi vẫn nói với đồng nghiệp và sinh viên rằng, muốn tìm hiểu, nghiên cứu đạo Công giáo trước hết hãy đọc những tác phẩm của các học giả Công giáo.

GM Paul Nguyễn Thái Hợp O.P, Việt Nam dấu yêu; Quê hương và Giáo hội, CLB P. Nguyễn Văn Bình 2010, tr.50; tr.83- 84;

Trong số các học giả nói trên, linh mục GS.TS Nguyễn Thái Hợp nay là tân Giám mục giáo phận Vinh, chính là người đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng.

Ấn tượng đầu tiên về ngài đó chính là vị mục tử dấn thân cho Giáo hội và quê hương. Không có lòng yêu quê hương và Giáo hội, tôi chắc ngài không về nước. Bởi rất dễ hiểu, đang ở nước ngoài, thành đạt cả về học vấn và con đường tu trì với điều kiện vật chất và môi trường làm việc tốt hơn ở Việt Nam rất nhiều, vậy mà ngài vẫn xin về nước trong con mắt nghi ngờ, e ngại của một số người. Mà họ nghi ngờ cũng có lý do. Trong khi có người trong nước tìm mọi cách vượt biên ra nước ngoài bất chấp cái chết, hiểm nguy rình rập thì ngài xin về. Hơn nữa, ngài còn có nỗi đau riêng ít người biết là ông cố thân sinh từng bị quy là địa chủ và bị kết án treo cổ trong cải cách ruộng đất vì có 18 mẫu ruộng. Hay là có âm mưu hậu chiến gì đây? Rời Sài Gòn từ năm 1972, ngài vẫn giữ nguyên quốc tịch Việt Nam kể cả sau biến cố 30-4-1975. Cũng vì điều này mà khiến ngài gặp không ít phiền toái: “Suốt những năm dài tha hương, rất nhiều lần tôi cảm thấy thấm thía bị coi thường phận làm người Việt Nam, rồi còn bị rầy la xua đuổi. Cho dù có giấy mời, giấy giới thiệu, cùng thêm tư cách giáo sư và cái mác “linh mục” nhưng với quốc tịch và hộ chiếu Việt Nam, suốt hai thập niên 1980-1990, tôi vẫn phải nhịn nhục van xin và chờ đợi dài cổ mới xin được visa. Nhiều lần cũng bị các sứ quán ngoại quốc từ chối khéo hay rầy la thực sự” (1).  

Về Việt Nam, ngài xuất hiện ở nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu của nhà nước. Ở đâu, ngài cũng giới thiệu học thuyết xã hội của Giáo hội, lập trường của đạo Công giáo. Tôi có cảm tưởng ngài đã chọn cho mình một môi trường truyền giáo. Đó là môi trường trí thức, học thuật.

Nửa thế kỷ người Công giáo VN đồng hành cùng dân tộc, Nxb Tôn giáo,  Hà Nội 2003, tr.137

Ngài là một trí thức chân chính, đó chính là ấn tượng thứ hai của tôi về ngài. Ngài là trí thức không chỉ vì có học hàm GS, 2 bằng TS được nhà nước công nhận (trong khi Việt Nam chưa công nhận bằng cấp các trường Công giáo cả trong và ngoài nước). Ngài là trí thức và biết thao thức, trăn trở cùng cộng đồng và có gan nói lên những trăn trở đó. Để có môi trường cho các trí thức trong đạo ngoài đời gặp nhau, ngài đã sáng kiến thành lập câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình quy tụ nhiều trí thức tên tuổi trong cả nước và cũng mạnh dạn bàn đến những vấn đề nhạy cảm như giáo dục, biển đảo Việt Nam... Bất cứ cơ quan, tổ chức nào tổ chức hội thảo khoa học về các vấn đề tôn giáo, xã hội, ngài đều tham gia và có những phát biểu cũng rất thẳng thắn. Nhận xét về xã hội hiện nay, ngài nói:  “Phải chăng chúng ta đang trải qua giai đọan tranh tối tranh sáng, đạo lý cương thường đảo lộn, quay cuồng, sống vội, chộp giật, buông thả? Ngay cả về mặt kinh tế, chất lượng cuộc sống của đại đa số người dân không những không tăng mà lại giảm sút. Dịch vụ công cộng như giao thông, giáo dục, y tế, hành chính…ngày càng quá tải và xuống cấp. Trái ngược với quả đắng do tăng trưởng kinh tế cao đem lại không được chia ra đồng đều cho các thành phần khác nhau trong xã hội. Hố phân cách giàu nghèo ngày càng sâu thẳm” (2).

Tranh thủ mäi diễn đàn, ngài cũng nêu những kiến nghị cho các tôn giáo: “ Mọi người đều biết là đất nước chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng về giáo dục và y tế. Trên lý thuyết, mặc dù nhà nước chủ trương xã hội hoá giáo dục và y tế nhưng cho đến nay các tổ chức tôn giáo vẫn chưa được trực tiếp tham gia vào lĩnh vực này” (3).

Nếu như người trí thức chân chính là người biết nêu phản biện về các vấn đề xã hội thì ngài là một trí thức như vậy.

   Ấn tượng nữa của tôi về ngài: Đó là một người ứng xử tốt với bạn bè. Chỉ cần quan sát quan khách trong lễ tấn phong Giám mục của ngài tại Vinh trong ngày 23-7 vừa qua là biết. Các trí thức trong Nam ngòai Bắc tề tựu về chia vui với ngài như các GS Chu Hảo, Chương Thâu, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Quang Hưng, nhà văn Nguyên Ngọc, … Mấy bữa đó email của tôi bị trục trặc nên không nhận được thư của ngài. Ngài nhờ nhà báo Vương Đình Chữ gọi cho tôi, sắp xếp xe đi nhưng xem chừng vẫn chưa yên tâm nên lại gọi điện thoại trực tiếp nhắc lại. Trong bữa cơm, ngài đến từng bàn nâng cốc, chụp ảnh với mỗi người. Tôi có nói riêng với ngài rằng: xin chúc mừng Hội đồng GMVN có thêm một Giám mục có học hàm GS nhưng giới nghiên cứu có nguy cơ mất đi một học giả Công giáo. Không biết có phải ngầm muốn bác bỏ ý kiến của tôi hay không mà ngài cho người mang tặng mỗi chúng tôi một túi có hai cuốn sách còn thơm mùi mực mang tên tác giả với chức vụ Giám mục. Đó là cuốn “ Việt Nam dấu yêu: Quê hương và Giáo hội” do Câu lạc bộ Phaolo Nguyễn Văn Bình ấn hành và cuốn “ Một cái nhìn về giáo huấn xã hội Công giáo” do nhà xuất bản Phương Đông với Imprimatur của Đức Tổng Giám mục Bùi Văn Đọc. GS Chu Hảo hỏi ngài rằng: trước đây bọn tôi vẫn gọi ngài là “anh Hợp” , bây giờ xưng hô thế nào? Ngài trả lời: trước gọi thế nào, bây giờ cứ gọi thế. GS Chu Hảo cho tôi biết, ngài vẫn cộng tác và giúp đỡ nhà xuất bản Tri thức của ông rất nhiều vì sách của nhà xuất bản rất kén bạn đọc bởi chỉ nhằm phổ biến tri thức của nhân loại. Tôi cũng biết, ngài cộng tác với Viện Triết học, Viện nghiên cứu tôn giáo và nhiều trường Đại học để tổ chức những cuộc hội thảo quốc tế lớn mà trước đây chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Chính Ngài cùng GS Trần Văn Đoàn (Chủ tịch Hội Triết học Á châu đang ở Đài Loan), GS Linh mục Phan Đình Cho (Hoa Kỳ) sáng lập ra Hội Triết Việt và đã cộng tác với một số tổ chức Công giáo quốc tế sáng lập ra hai Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo đương đại ở hai Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi khi có dịp ra Hà Nội, ngài lại gọi điện thoại cho chóng tôi đến gặp và cũng mời chúng tôi những “bữa cơm bình dân” để có thời gian trao đổi với nhau nhiều hơn (Giám mục Nguyễn Thái Hợp và tác giả- ảnh trên).

Ngài từng đề nghị với Đức cha Nguyễn Văn Sang (Thái Bình) và tôi mong muốn lập một tổ chức quy tụ các trí thức ở Hà Nội như kiểu câu lạc bộ Phaolô Nguyễn văn Bình. Khi tôi trình bày ý tưởng này, Đức Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt cũng ủng hộ lắm. Nhưng Hà Nội khó tìm nhân sự quá. Bây giờ ngài ra Bắc, chúng tôi hy vọng không khí trao đổi học thuật của Câu lạc bộ Phaolô  sẽ lan ra Bắc và giáo phận Vinh sẽ là nơi quy tụ các học giả cả nước về đây quanh vị tân Giám mục này.

Vinh- Hà Nội, tháng 7 năm 2010

.