24 mars 2021

Khi Người Tử Tế “Chạy”

Cô Tư Sài Gòn 

 

Tiếng Việt có chữ “Thầy chạy…” là để chỉ cho hoàn cảnh ai cũng phải lắc đầu, hết nước nói, hay là không còn chữ gì để nói nữa. Thời này, có quá nhiều điều để tha hồ mà than “Thầy chạy…” như thế.

 

Ảnh minh họa

Trong những người lắc đầu than trời thời này, có nhà báo tự do Thiện Tùng, vừa viết một thiên tùy bút trên mạng Việt Studies, chỉ một chữ duy nhất trên tựa đề là “Chạy”. Đây là một thiên tùy bút rất đáng đọc để ngẫm nghĩ tư lương.

 

Nhà báo lão thành Thiện Tùng tự kể rằng, tên thật là Đào Văn Tùng, bút danh Thiện Tùng, sinh năm 1939 ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

 

Năm 12 tuổi, bác đã thoát ly gia đình, rày đây mai đó, theo làm tạp vụ cho cán bộ Việt Minh làm cuộc “Cách mạng Dân tộc Dân chủ”.

 

Cuối năm 1959, tác giả Thiện Tùng xin và được chấp nhận cho vào Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐVN) để đủ tư cách bổ khuyết vào một trong những chỗ đảng viên bị giết hoặc bị bắt. Nghĩa là, từ lâu xa lắm rồi.

 

Năm 1991, tác giả trả thẻ Đảng, viết kèm theo mấy dòng: “Năm 1959 tôi xin vào Đảng Lao Động VN làm cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ. Tôi không hề xin vào Đảng Cộng Sản Việt Nam – đó là lý do tôi trả thẻ Đảng”….

 

Nơi đây, chúng ta chỉ ghi một phương diện duy nhất trong này về ca dao tục ngữ, do nhà báo Thiện Tùng dẫn ra về chuyện đời này. Tại sao là “Chạy”? Có phải vì “nhân viên chán nản, nhân dân di tản”? Bản tùy bút kể:

 

“Chế độ cộng sản,

Kinh tế tư bản,

Hàng hóa nhập cảng,

Cán bộ tư sản,

Nhân viên chán nản,

Nhân dân di tản.”

 

Giới trí thức đã để lại một kho tàng văn học, trong đó có một trí thức từ Đà Lạt. Thiên tùy bút “Chạy” kể:

 

“Có lẽ nhìn vào sự vận hành của cơ chế và thể chế chính trị của Đảng CS VN, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu khắc họa:

Đảng chỉ tay

Quốc hội giơ tay

Mặt trận vỗ tay

Chính phủ khoanh tay

Quốc doanh ngửa tay

Tội phạm ngoặc tay

Công an còng tay

Trí thức phẩy tay

Quan chức đầy tay

Dân trắng tay.”

 

Hay là khi ca dao thời mới về các quan, dưới mắt tác giả Thiện Tùng:“Làm cán bộ ở VN thời nay sướng chưa từng thấy. Tôi mô tả cái sướng của họ bằng bài thơ Sống, chết như Ông”:

Làm việc như Ông (bà) sướng bậc tiên:

Việc gì cũng có trợ lý riêng

Xe đưa, xe rước trưa, chiều, sớm

Trần thế khác gì chốn non tiên?

 

Tiếp khách kiểu Ông sướng quá tay:

Bao nhiêu phí tổn cứ chi xài

Kê chung phiếu đỏ đưa Ông ký

Công quỹ phải nào của riêng ai?

 

Nằm viện như Ông sướng bậc cha:

Nhân viên nuôi bịnh chia thành ca

Ông sai Ông khiển như đày tớ

Lựng bựng coi chừng Ông thải ra.

 

Đám táng của Ông lớn quá trời:

Ngày đêm phúng điếu chẳng giờ ngơi

Tiễn đưa Ông đến nơi an nghỉ

Xe nối đuôi dài đếm hụt hơi.”(ngưng trích)

 

 Hay là khi tác giả Thiện Tùng ghi một bài ca dao nổi tiếng:

“Tiền  là Tiên là Phật,

là sức bật tuổi trẻ,

là sức khỏe ông già,

là cái đà danh vọng,

là cái lọng che thân,

là cán cân công lý,

là tình đồng chí,

hết ý cuộc đời…”(ngưng trích)

 

Hay là kể chuyện về sắp xếp cán bộ, tác giả Thiện Tùng kể lại:

“Có người hỏi tôi:

 

“Vì sao con em cán bộ học dở, không có cấp bằng học vị, kém tài đức mà được trọng dụng, còn không ít con em dân thường có cấp bằng học vị, có đức độ mà nhà nước không trọng dụng?”.

Tôi trả lời: “Vô duyên, sao không tìm Đảng và Nhà nước hỏi mà hỏi tôi?! Còn về đức độ thế nào thì tôi không rõ, nhìn vào danh sách ứng cử, người nào cũng có cấp bằng học vị, một số không ít, nếu không bằng thật học giả, thì cũng bằng chính trị. Nhưng mà anh ơi, thời bấy giờ, kẻ có thân thế thì:

Bằng có người lo

Chức to có người bầu

Đi đâu có xe chở

Nói dở có người nghe

Đe có người sợ

Làm dở có người khen

Hèn có người giấu

Nhậu có người bao

Đau có người bóp

Họp có người ghi

Chi có người bù

Tù có người chạy… “…”(ngưng trích)

 

Và rồi, dân chúng thắc mắc: “Tại sao cán bộ giàu quá mà còn tham lam quá?”. Thiên tùy bút “Chạy” ghi rằng:“Họ giàu như thế không quá đâu, thử ước tính các khoản cần chi của họ:

Chi cho xây dựng cơ ngơi hiện đại

Chi cho đi lại cao sang

Chi cho ăn uống như ông Hoàng

Chi boa cho những cô nàng bồ nhí

Chi cho cô cậu Tí đi học nước ngoài

Chi cho Ngài trị bịnh ngoại quốc

Chi cho xây cất từ đường

Chi cho sắm sẵn hàng rương, nhà mộ

Chi cho hối lộ lúc lâm nguy….

.Tính lại suy đi biết bao là đủ?

Đôi lời nhắn nhủ:

Hãy tận thu cho đủ để có mà chi. (ngưng trích)

 

Văn phong của tác giả Thiện Tùng trực tính như văn phong của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu một thời: ưa thiện, ghét ác, văn chương nói thẳng chớ không loanh quanh.

 

Và thời này cần những người nói thẳng như thế.

-------

Toàn văn thiên tùy bút “Chạy” đang lưu ở trang:   http://www.vietstudies.info/kinhte/ThienTung_Chay.htm

(nguồn: http://vietbao.com/)  hay gõ: ”CHẠY” của Thiện Tùng.