13 juin 2019

Việt Nam có đang xích lại gần Hoa Kỳ, xa Trung Quốc?



Tổng thống Trump (giữa) nêu ra một số nét chính về đường lối châu Á của chính phủ Mỹ trong chuyến thăm Đông Nam Á vừa qua.
Bản quyền hình ảnh JIM WATSON Image caption



Bài viết của TS Vũ Hồng Lâm từ Hoa Kỳ "Việt Nam 2018: Một nhà nước trục lợi đang tìm cách chuyển đổi" cho rằng trong tình hình hiện nay, Việt Nam đang nồng ấm hơn với Hoa Kỳ, trong khi đó mối quan hệ với Trung Quốc có vẻ tốt đẹp bên ngoài nhưng lạnh nhạt bên trong.
Sau đây là phần hai cuộc phỏng vấn với TS Vũ Hồng Lâm do Joaquin Nguyễn Hòa từ Hoa Kỳ thực hiện cho BBC.

BBC: Về mặt đối ngoại ông phân tích rằng việc hợp tác của Việt Nam với các quốc gia ở xa, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga để "giữ nước từ xa" như lời ông Trọng. Trong các quốc gia đó có nước Nga là một đối tác rất quan trọng của Bắc Kinh, ông nghĩ rằng Việt Nam có thể chống lại sức ép của Bắc Kinh bằng lá bài Nga?

Vũ Hồng Lâm: Yếu tố Nga có thể giúp Việt Nam chống lại sức ép của Trung Quốc phần nào nhưng không nhiều. Ví dụ Nga vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Việt Nam, nhưng vũ khí mà Nga bán cho Trung Quốc còn hiện đại hơn và nhiều hơn. Nga có thể chống lưng liên doanh dầu khí với Việt Nam ngoài Biển Đông ở một vài nơi mà Trung Quốc tranh chấp, nhưng khả năng Nga chống lưng cũng mong manh vì một mặt Nga muốn thể hiện vai trò một cường quốc độc lập, mặt khác Nga lại đang chủ trương hợp tác chiến lược với Trung Quốc trong trò chơi nước lớn. Ở một vài khu vực nhất định, một sự thoả thuận ngầm giữa ba bên có thể giúp Việt Nam khai thác được dầu khí, nhưng chắc cũng chỉ là những khu vực không quá "tiền phương" thôi.
Tuy nhiên, Nga chỉ là một trong nhiều đối tác mà Việt Nam nuôi dưỡng quan hệ để tạo thế "giữ nước từ xa", tạo dư địa chiến lược và không gian hành động trong ván cờ với hai nước lớn Mỹ và Trung Quốc.

Hai phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo tại Căn cứ Không quân Columbus của Hoa Kỳ.
Bản quyền hình ảnh U.S. Embassy in Hanoi Image caption



Để chống lại sức ép từ Trung Quốc, Việt Nam phải tăng cường quan hệ với một loạt cường quốc có lợi ích chiến lược trong khu vực, từ Mỹ, Nhật Bản, đến Ấn Độ, Nga, cả các nước như Úc, Hàn Quốc, Anh, Pháp, lẫn các nước có ảnh hưởng trực tiếp đến không gian khu vực của Việt Nam như Lào, Campuchia, các nước khác ở Đông Nam Á, Đài Loan.

BBC: Ông có vẻ lạc quan trong phần cuối của bài viết khi nói trong bối cảnh hiện nay Việt Nam có thể gần hơn với Mỹ, xa hơn với Bắc Kinh?

Vũ Hồng Lâm: Từ sau sự kiện giàn khoan HD-981 năm 2014, Việt Nam đã gỡ bỏ "vòng kim cô" không được lại gần Mỹ hơn Trung Quốc mà Việt Nam tự đeo vào từ hồi 1989-1990. Sau đó, với chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, niềm tin chiến lược của Việt Nam với Mỹ được nâng lên một nấc cao hơn.
Từ đó đến nay, xu thế lớn là Việt Nam dịch chuyển gần Mỹ và xa Trung Quốc hơn xưa, nhưng với tốc độ nhỏ giọt để không gây ra chấn động. Tuy nhiên, lãnh đạo Việt Nam cũng không muốn quá gần hoặc quá xa một cường quốc nào trong hai nước này.
Các nước "rồng hổ châu Á" kết hợp độc đảng với thị trường mà tạo ra được nhà nước kiến tạo phát triển là vì họ không bị ý thức hệ chống chủ nghĩa tư bản gò bó, họ dựa vào sự năng động và sáng tạo của tư nhân, họ có văn hoá trọng học, theo chế độ trọng hiền tài, họ mở cửa với phương Tây, du nhập tư tưởng, kiến thức, công nghệ tiên tiến từ phương Tây, họ được hưởng quy chế tối huệ quốc trong thương mại với Mỹ, và đặc biệt là họ có quyết tâm vượt khó rất cao.
Nhật Bản và Hàn Quốc thì quyết tâm vươn lên từ hoang tàn đổ nát. Đài Loan và Singapore thì quyết tâm hùng mạnh để giữ độc lập chủ quyền trước sức nặng của láng giềng lớn bên cạnh.
Trung Quốc kể từ khi bình thường hoá quan hệ với Mỹ năm 1979 cũng đi theo hướng này. Đặng Tiểu Bình chủ trương nới lỏng ý thức hệ về kinh tế ("mèo trắng mèo đen thế nào cũng được, miễn là bắt được chuột").
Vì mục tiêu tối hậu của Trung Quốc không đơn thuần chỉ là giữ chế độ mà hơn thế, còn là "chấn hưng dân tộc Trung Hoa", đưa Trung Quốc lên ngang hàng với Mỹ, nên một mặt họ lợi dụng triệt để ưu thế của một thị trường hơn 1 tỷ người để buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, công tác tình báo của họ coi trọng việc đánh cắp công nghệ phục vụ các công ty trong nước, mặt khác họ đầu tư cho khoa học và công nghệ, trọng dụng người tài, và để cho kinh tế tư nhân phát triển sớm và mạnh hơn ở Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam có nền văn hoá trọng học, có truyền thống trọng hiền tài, có dân số trẻ, năng động, có vị trí địa kinh tế thuận lợi, nhưng Việt Nam thiếu may mắn hơn các con rồng con hổ châu Á và Trung Quốc khác là vì vừa đổi mới được 2-3 năm, gặp biến động ở Đông Âu năm 1989, Việt Nam đã không giữ được bản lĩnh để đổi mới mà quay sang ưu tiên giữ ý thức hệ, kìm hãm kinh tế tư nhân, về đối ngoại thì lấy Trung Quốc làm chỗ dựa, quá trình du nhập tư tưởng, kiến thức, công nghệ tiên tiến từ bên ngoài, chủ yếu là phương Tây, bị kiềm chế, ngay cả việc ký Hiệp định Thương mại Song phương với Mỹ và việc gia nhập WTO cũng bị trì hoãn vì lý do ý thức hệ.




Tinh thần "chấn hưng", "hùng mạnh" chưa bao giờ vượt qua được cửa ải "giữ ổn định". Những yếu tố này đã khiến "nhà nước thu tô" trở nên mạnh hơn hẳn "nhà nước kiến tạo phát triển" trong quá trình đổi mới ở Việt Nam. Sau này, khi ý thức hệ được nới lỏng phần nào, kinh tế tư nhân được ủng hộ phần nào, thì đó lại là sự phát triển bên trong mô hình "nhà nước thu tô", ở đó tư nhân mạnh nhất lại là "tư bản thân hữu".
Tuy nhiên bây giờ khi lãnh đạo Việt Nam lo ngại Trung Quốc nhiều hơn (trước đây lo ngại Mỹ nhiều hơn), xu thế gần Mỹ hơi nhỉnh hơn so với gần Trung Quốc, thì các yếu tố như ý thức hệ và sự níu kéo của Trung Quốc, vốn là các yếu tố nuôi dưỡng tham nhũng và cản trở đổi mới, sẽ bớt tác dụng hơn. Điều này khiến cho có thể lạc quan phần nào về triển vọng cất cánh của Việt Nam trong tương lai.
Tình hình mới, với cuộc tranh chấp trên Biển Đông và cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, cũng tạo môi trường tốt hơn để Việt Nam điều chỉnh tâm thế. Tâm thế của Việt Nam trong suốt thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh là giữ ổn định.


Nói là "giữ ổn định để phát triển" nhưng thực tế là giữ ổn định bằng mọi giá, kể cả không phát triển. Cho nên mới có câu "nước không chịu phát triển". Tâm thế này phản ảnh vào chính sách đối nội và đối ngoại lấy giảm thiểu rủi ro làm đầu. Khi anh co vào tròn vo để tránh rủi ro thì anh không thể làm nên kỳ tích gì hết. Việt Nam cứ nói mình là "quả mít", chỗ nào cũng mũi nhọn, nhưng thực ra là "tròn vo", chẳng có mũi nhọn nào hết.
Việt Nam muốn vươn lên thì phải điều chỉnh tâm thế, phải chuyển sang tâm thế bứt phá, tâm thế bung ra. Nhà nước phải chuyển tâm thế lấy quản lý xã hội làm đầu sang giải phóng sức dân làm đầu.
Phải nuôi dưỡng bản lĩnh dám đương đầu với khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong cuộc chạy đua công nghệ và khó khăn trong cuộc chơi với nước lớn. Bây giờ thời kỳ mới có cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, thách thức rất lớn nhưng cơ hội cũng không hề nhỏ. Nếu không quyết tâm nhảy vào những cuộc chơi này, không bồi dưỡng bản lĩnh để chơi những cuộc chơi này, thì không bao giờ cất cánh được.

BBC: Trong sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Việt Nam thì các tập đoàn nhà nước mà ông gọi là Rent-Seekers sẽ bị hại gì, hay có lợi gì?

Vũ Hồng Lâm: Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào các thoả thuận cụ thể giữa hai nước. Ví dụ như khi thoả thuận lại Hiệp định khung về đầu tư và thương mại, hay Hiệp định thương mại song phương, hay vấn đề công nhận Việt Nam là nền kinh tế thi trường, vấn đề thao túng tỷ giá, vấn đề cán cân thương mại...phía Mỹ có thể đòi hỏi Việt Nam phải dỡ bỏ đặc quyền đặc lợi đang dành cho cho các doanh nghiệp nhà nước, dỡ bỏ các rào cản đối với doanh nghiệp tư nhân từ Mỹ.
Tuy nhiên khi nào những câu chuyện này xảy ra và xảy ra như thế nào thì còn là những câu hỏi lớn.
Hiện nay thì sức ép đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước đến chủ yếu từ hai nguồn. Thứ nhất là sự yếu kém về quản trị và hang ổ của tham nhũng đã lộ diện nhiều khiến ngay cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn ủng hộ mạnh mẽ kinh tế nhà nước, cũng phải đặt lại vấn đề như tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua. Thứ hai là các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA (cả hai đều không có Mỹ) cũng sẽ thay đổi phần nào sân chơi, khiến các doanh nghiệp nhà nước bị cắt giảm nhiều ưu đãi.
Về lâu về dài, Việt Nam dịch xa khỏi quỹ đạo Trung Quốc sẽ làm giảm môi trường nuôi dưỡng các doanh nghiệp "thu tô" và "trục lợi".
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thăm sân bay Biên Hòa - Bản quyền hình ảnh US Embassy Image caption
BBC: Các nhóm vận động xã hội dân sự, dân chủ sẽ có vai trò gì trong chính trị Việt Nam tới đây? Trong chiến lược mới của Mỹ đối với Trung Quốc?

Vũ Hồng Lâm: Trong chiến lược mới của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Viêt Nam nổi lên là một đối tác quan trọng chỉ kém các cường quốc khu vực như Ấn Độ và Nhật Bản và các nước tầm trung đồng minh của Mỹ như Úc và Hàn Quốc. Tuy nhiên chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam là gì thì chưa rõ. Bản thân chiến lược của Mỹ với khu vực và với Trung Quốc cũng còn đang trong quá trình hình thành.
Vai trò các nhóm vận động xã hội dân sự, dân chủ ở Việt Nam trong chính trị Việt Nam trước mắt phụ thuộc chủ yếu vào tương tác giữa họ với chính quyền và người dân trong nước, chứ không phải vào chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên về dài hạn, nếu Việt Nam dịch xa quỹ đạo Trung Quốc thì sẽ phải xích lại gần các nước Mỹ, Nhật, Ấn để tạo đối trọng.
Vì các nước này có xã hội dân sự mạnh và quan trọng, bản thân Việt Nam sẽ có xu hướng "hội nhập" và sẽ coi trọng vai trò của xã hội dân sự hơn. Ngoài ra sự phát triển tự thân của xã hội Việt Nam trong tương lai cũng sẽ tạo ra không gian lớn hơn và nhu cầu lớn hơn đối với xã hội dân sự.
Các nhóm hiện nay có thể còn có thể mất, nhưng xã hội dân sự sẽ có môi trường phát triển thuận lợi hơn trong tương lai.

 https://www.bbc.com/vietnamese/forum-48560839