Hải Ngọc
Trung
Quốc muốn xây dựng “bức tường hàng hải” xung quanh quần đảo Trường Sa
để kiểm soát hoạt động hàng không và hàng hải của các nước trong khu vực
Trung
Quốc đang có kế hoạch xây đảo nhân tạo tại bãi đá Chữ Thập thuộc quần
đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp sẽ gây bất bình và phản đối từ các
nước láng giềng.
Mưu đồ nguy hiểm
Tờ South China Morning Post (Hồng
Kông) dẫn lời ông Jin Canrong, giáo sư tại Trường ĐH Renmin ở Bắc Kinh,
nói kế hoạch đã được trình lên chính quyền trung ương. Theo ông Jin,
hòn đảo nhân tạo này ít nhất sẽ gấp đôi diện tích 44 km2 của căn cứ quân
sự Diego Garcia (Mỹ) trên Ấn Độ Dương.
Li
Jie, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, cho biết trên
đảo nhân tạo sẽ có sân bay và cảng để đáp ứng việc tiếp tế quân sự. Một
đại tá quân đội Trung Quốc về hưu thừa nhận xây đường băng trên bãi Chữ
Thập sẽ cho phép nước này dễ dàng lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)
trên biển Đông.
Theo bà Zhang Jie, chuyên gia về
an ninh của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nước này đã nghiên cứu
cải tạo đảo từ lâu và phác thảo nhiều kiểu thiết kế trong một thập kỷ
qua. “Những động thái như vậy chắc chắn sẽ làm các nước láng giềng mất lòng tin vào Trung Quốc và gây ra bất ổn trong khu vực” - bà Zhang cảnh báo.
Cơ sở Trung Quốc xây dựng trên bãi đá ngầm Gạc Ma. Ảnh: AP
Ngoài
nghi án đảo nhân tạo, Philippines mới đây tiếp tục tố cáo Trung Quốc có
hoạt động đáng ngờ tại các bãi Ga Ven (Gavin), Châu Viên (Cuarteron) và
Gạc Ma (Johnson South) thuộc Trường Sa của Việt Nam.
Theo đài ABS-CBN ngày
7-6, Bộ Quốc phòng Philippines khẳng định việc cải tạo các bãi trên đi
ngược Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và đe dọa hòa
bình, ổn định trong khu vực.
Hết sức dè chừng
Đáng
lo ngại hơn, một quan chức an ninh Philippines khẳng định Trung Quốc
đang xây dựng một “bức tường hàng hải” quanh quần đảo Trường Sa để kiểm
soát hoạt động hàng không và hàng hải của các nước trong khu vực về lâu
dài. Cụ thể, theo ABS-CBN, với căn cứ quân sự trên bãi Ga Ven, Trung Quốc sẽ dòm ngó được đảo Ba Bình của Việt Nam mà Đài Loan đang chiếm đóng trái phép.
Việc
Trung Quốc lấn xuống phía Nam biển Đông khiến Malaysia và Indonesia
không thể ngồi im. Trước đây, Indonesia từng tuyên bố không bao giờ cho
phép Trung Quốc lập ADIZ trên biển Đông.
Ngoài
ra, những hoạt động mờ ám của Trung Quốc trên biển Đông đều lọt vào “tầm
ngắm” của Mỹ, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Marie Harf. Trong cuộc
họp báo ngày 5-6, bà Harf hối thúc Trung Quốc tham gia vụ kiện mà
Philippines khởi xướng. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã ngày 7-6 đưa tin
Bắc Kinh tiếp tục gạt bỏ với lý do Tòa án Trọng tài quốc tế “không có
quyền xét xử tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải trong khu vực”.
Không chỉ các nước Đông Nam Á, Ấn Độ cũng đang hết sức dè chừng người láng giềng khó lường. Tờ Times of India cho hay Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ đến New Delhi vào ngày 8-6.
Tờ
báo cảnh giác Ấn Độ phải rút ra bài học từ trường hợp của Đông Nam Á.
“Sự thâm nhập về kinh tế của Trung Quốc khiến các nước này mất đi khả
năng chống cự” - tờ báo viết sau khi đưa ra câu hỏi Ấn Độ có nên tạm gác
tranh chấp biên giới để tập trung làm ăn với Trung Quốc.
Tuy
nhiên, với việc Bộ trưởng Nội vụ Rajnath Singh sắp thăm bang Ladakh và
Arunachal Pradesh sát vách Trung Quốc cũng như việc ông Modi thăm Mỹ vào
tháng 9, Ấn Độ đã gửi đi thông điệp: An ninh biên giới vẫn là mối bận
tâm lớn và quan hệ với Mỹ vẫn mạnh mẽ.
Việt Nam tiếp tục gửi công hàm phản đối
Ngày
6-6, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường
trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, tiếp tục gửi thư lên Tổng Thư ký
Ban Ki-moon kèm theo Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ
Ngoại giao Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc duy trì giàn
khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và các tàu hộ tống, tàu
quân sự, máy bay chiến đấu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa của Việt Nam. Thậm chí, Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá và
đâm thủng tàu cảnh sát biển Việt Nam, làm leo thang căng thẳng ở
biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định cũng như an ninh hàng hải
trong khu vực.
Công hàm trên nhắc lại Việt
Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế,
rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi
vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành vi tương tự.
H. N.
Theo: nld.com.vn