16 juin 2014

Đối phó Trung Quốc, cần hành động ngay

vietnam-ships-2-may-2014-305.jpg
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc (phải) sử dụng súng nước tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hôm 03 tháng 5 năm 2014.
AFP PHOTO


Theo RFA
Đã tới lúc không thể chần chờ mà phải lập tức hành động ngay để đối phó với sự ngang ngược lớn lối của Trung Quốc từ lúc hạ đặt giàn khoan trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam hơn tháng qua.

Hành động hòa bình

Hành động ngay lập tức còn mang lại cho chính phủ nhiều điều lợi hơn, là khẳng định của phó giáo sư tiến sĩ kiêm luật sư Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chính Sách Pháp Luật Và Phát Triển (VUSTA) ở Hà Nội, trong bài trả lời phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện. Trước hết Ông cho biết:
LS Hoàng Ngọc Giao: Trước hiện trạng Trung Quốc càng ngày càng thô bạo và dùng vũ lực trên hiện trường thực địa, càng ngày càng trắng trợn vu khống vu cáo trên trường quốc tế kể cả ra Liên Hiệp Quốc mà phía mình hiện chưa có hành động gì thì đúng là ở địa vị người dân cảm thấy rất bế tắc, không biết rồi lãnh đạo sẽ quyết như thế nào.


Tất nhiên hành động ở đây là hành động hòa bình và bằng những biện pháp chính trị, ngoại giao hoặc pháp lý, những hành động cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở các tuyên bố.
Thanh Trúc: Trong tư cách một chuyên gia về Công Pháp Quốc Tế, thưa luật sư Hoàng Ngọc Giao, những việc cần làm ngay tức khắc trong thời điểm này là gì?
Hành động ở đây là hành động hòa bình và bằng những biện pháp chính trị, ngoại giao hoặc pháp lý, những hành động cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở các tuyên bố.
-LS Hoàng Ngọc Giao
LS Hoàng Ngọc Giao: Thứ nhất, về mặt chính trị ngoại giao, chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể đề nghị Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc xem xét vấn đề này, phải ra nghị quyết về hành vi dùng vũ lực của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là trái với qui định của hiến chương Liên Hiệp Quốc. Với tư cách là thành viên Việt Nam có quyền đệ đơn để Hội Đồng Bảo An xem xét việc Trung Quốc đang có hành vi đe dọa an ninh và hòa bình ở khu vực Đông Nam Á.
Thanh Trúc: Thưa ông, trường hợp này sẽ bị phủ quyết bởi Trung Quốc, một trong năm quốc gia thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc?
LS Hoàng Ngọc Giao: Tất nhiên chúng ta biết Trung Quốc có thể veto, phủ quyết, nhưng việc mà Việt Nam đưa ra yêu cầu như vậy và nó được đưa vào chương trình nghị sự của Hội Đồng Bảo An cũng là một thắng lợi lớn của Việt Nam. Tại Hội Đồng Bảo An còn 14 quốc gia khác, nếu tính rằng Trung Quốc có thể veto, nếu tính rằng Nga không dám lên tiếng vì còn đang có lợi ích với Trung Quốc, thì còn Anh - Mỹ - Pháp là những thành viên thường trực và các nước thành viên không thường trực khác. Người ta sẽ nhìn nhận cái công lý ở đây như thế nào, cái này là hành động mà Việt Nam cần phải làm ngay.
ong-giao-250.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chính Sách Pháp Luật Và Phát Triển ở Hà Nội (VUSTA). Ảnh minh họa chụp năm 2014. Courtesy Kiến thức.
Nếu chưa khởi kiện được ngay thì Việt Nam cũng có thể đề nghị Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc xem xét vấn đề về các yêu sách chủ quyền ở biển Đông của Việt Nam cũng như của các nước liên quan, đề nghị Hội Đồng Bảo An trưng cầu ý kiến, tư vấn cái gọi là legal opinion (quan điểm pháp lý) của Tòa Án Công Lý Quốc Tế. Hội Đồng Bảo An hoàn toàn có thẩm quyền làm việc này mà không cần phải câu chuyện giải quyết tranh chấp. Và nếu Hội Đồng Bảo An làm được việc là yêu cầu Tòa Công Lý Quốc Tế ra một cái legal opinion (quan điểm pháp lý) về vấn đề chủ quyền ở biển Đông thì theo tôi việc này cũng rất thuận lợi cho Việt Nam.
Thanh Trúc: Thưa câu hỏi tiếp là nếu Trung Quốc vẫn phủ quyết chuyện vừa nói thì sao?
LS Hoàng Ngọc Giao: Theo hiến chương Liên Hiệp Quốc thì chúng ta biết chỉ những vấn đề đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế thì mới biểu quyết và có sự đồng thuận của năm ủy viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, có nghĩa là lúc đó Trung Quốc được dùng quyền phủ quyết. Còn trong trường hợp này, đây không phải là vấn đề liên quan đến an ninh hòa bình mà là vấn đề lấy ý kiến tư vấn của Tòa Án Công Lý Quốc Tế. Với nội dung đó thì không nhất thiết phải có sự đồng thuận của cả năm ủy viên thường trực mà chỉ cần đa số là có thể thông qua được quyết định đưa ra Tòa Án Công Lý Quốc Tế để lấy ý kiến về tư vấn pháp lý thì cũng đã là một thắng lợi rất tốt rồi.

Thời điểm rất thuận lợi

Thanh Trúc: Đó là phương cách đấu tranh về chính trị, ngoại giao và pháp lý mà ông cho rằng nếu thực hiện được ngay thì chính phủ Việt Nam sẽ có lợi?
Nếu chính phủ Việt Nam cần tỏ rõ bản lĩnh chính trị thì cần quyết định ngay bởi vì đây là thời điểm rất thuận lợi cho Việt Nam khởi kiện Trung Quốc.
-LS Hoàng Ngọc Giao
LS Hoàng Ngọc Giao: Nếu chính phủ Việt Nam cần tỏ rõ bản lĩnh chính trị thì cần quyết định ngay bởi vì đây là thời điểm rất thuận lợi cho Việt Nam khởi kiện Trung Quốc. Cái thứ nhất là sự ủng hộ của quốc tế về chính nghĩa đối với Việt Nam có thể nói rất rõ ràng. Cái thứ hai, lòng dân trong nước mong muốn khởi kiện ngay. Có hành động pháp lý là có lợi cho chính phủ và nhà nước để khẳng định niềm tin của nhân dân trong việc chính phủ và nhà nước kiên quyết bảo vệ chủ quyền tổ quốc. Tăng thêm niềm tin của dân đối với nhà nước thì cái này có lợi cho chính phủ.
Cái thứ ba nữa, việc khởi kiện ngay còn một ý nghĩa rất quan trọng, đó là khẳng định cho thế giới và quốc tế biết trong các tuyên bố của chính phủ Việt Nam rằng Việt Nam đầy đủ căn cứ về lịch sử và pháp lý thì bây giờ chúng ta thực hiện bằng hành động khởi kiện để khẳng định rằng chúng ta đầy đủ căn cứ cho nên chúng ta thách thức Trung Quốc và các cơ quan tài phán quốc tế. Trung Quốc từ chối thì thế giới người ta sẽ nghi ngờ tất cả các yêu sách của Trung Quốc.
Cái thứ hai là Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển cũng là một địa chỉ mà chúng ta khởi kiện. Cái thứ ba, như Philippines đang làm, là Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Hague. Công cụ pháp lý là chúng ta có, cho nên chính phủ Việt Nam phải quyết định khẩn trương và đúng thời điểm hiện nay.
Thanh Trúc: Còn nếu chần chờ và để chậm đi cơ hội thì điều bất lợi gì sẽ xảy ra thưa ông?
LS Hoàng Ngọc Giao: Nếu để chậm đi thì ở đây câu chuyện nguy hiểm là thế này: Trung Quốc theo ý đồ họ tuyên bố có thể tháng Tám này họ rút. Họ rút theo kế hoạch và họ sẽ tuyên truyền là biển của tôi thì tôi vào, tôi làm. Họ rút được như thế thì lần sau họ lại vào nữa. Nếu chúng ta khởi kiện từ bây giờ thì nó còn thêm một ý nghĩa nữa là hành động pháp lý của chúng ta sẽ làm cho Trung Quốc, ở những bước xâm lấn tiếp theo, phải chùn tay trước công luận quốc tế. Còn nếu chúng ta không làm gì thì rất dễ dàng đối với họ vào rồi ra. Thậm chí vào một lần xong sau đó lại đẩy sâu xuống phía Nam, đồng thời với nó là câu chuyện ở Gạc Ma họ còn phát triển mạnh hơn nữa.
Theo tôi, liên quan đến câu chuyện ở Gạc Ma thì chính phủ Việt Nam phải ra tuyên bố ngay bây giờ. Việt Nam luôn khẳng định Gạc Ma nằm trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam yêu cầu về chủ quyền. Bây giờ ở Gạc Ma, Trung Quốc đã tổ chức san lấp cát để xây dựng các căn cứ. Điều này trái với cả DOC và tuyên bố chung với ASEAN về hành vi ứng xử là không thể nào mở rộng tất cả những cái đó để làm xấu đi tình hình. Trung Quốc đang làm việc đó cho nên ngay bây giờ chính phủ Việt Nam cần phải có một tuyên bố rõ rệt để phản đối hành vi của Trung Quốc ở Gạc Ma. Cái chính là phải làm sao buộc họ chấp nhận theo đúng luật quốc tế rút giàn khoan đi.
Thanh Trúc: Xin luật sư đừng quên là, trong những việc cần làm ngay mà ông đề nghị nãy giờ, Việt Nam lúc nào cũng có thể gặp cảnh há miệng mắc quai bởi công hàm ngoại giao mà ông thủ tướng Phạm văn Đồng đã ký với Trung Quốc hồi năm 1958.
LS Hoàng Ngọc Giao: Về giá trị pháp lý của công hàm hàm do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký hồi năm 1958 thì Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã ra một số tuyên bố giải thích. Theo tôi hành động cần làm ngay bây giờ là Quốc Hội phải ra một nghị quyết để vô giá trị cái công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng đi. Thẩm quyền của quốc hội là hoàn toàn có thể bãi bỏ những văn bản nào không phù hợp. Ngay bây giờ Quốc Hội Việt Nam cần phải có một văn bản một nghị quyết để vô giá trị công hàn năm 1958 và có căn cứ đầy đủ trong đó. Việc đó cũng cần phải làm ngay.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn thời giờ của chuyên gia luật quốc tế, phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao.