17 juin 2014

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên khởi kiện Hiệu trưởng Trường ĐHCNTP TP.HCM

Theo VRN
VRNs (16.06.2014) – Bình Thuận – Ngày 15/3/2014 sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã ký Đơn khiếu nại gửi đến Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM về Quyết định buộc thôi học số 1926 đề ngày 29/11/2013, có nội dung trái pháp luật, không được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục qui định. Bất chấp nội dung Đơn khiếu nại nêu ra đầy đủ các căn cứ pháp luật chứng minh Quyết định buộc thôi học là trái pháp luật, ngày 11/6/2014, Phương Uyên nhận được “Thư trả lời của Hiệu trưởng Trường ĐH CNTP TP.HCM” đề ngày 21/4/2014, vừa sai pháp luật về hình thức, vừa không phù hợp pháp luật về nội dung.


Không chấp nhận Thư trả lời của Hiệu trưởng Trường ĐH CNTP TP.HCM, hôm nay sinh viên Phương Uyên, căn cứ vào qui định của pháp luật, đã ký Đơn Khởi kiện Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM ra Tòa án Nhân dân TP.HCM.

Được biết, Hiệu trưởng đã ký Quyết định buộc thôi học sinh viên Nguyễn Phương Uyên tên là Đặng Vũ Ngoạn. Nhưng Hiệu trưởng ký “Thư trả lời” lại có tên là Nguyễn Xuân Hoàn. Phải chăng Trường ĐH CNTP TP.HCM đã thay thế Hiệu trưởng? Dù sao thì việc thay đổi này cũng không ảnh hưởng đến vụ kiện, vì Hiệu trưởng có tính kế thừa về quyền lợi và nghĩa vụ. Ông Nguyễn Xuân Hoàn phải có trách nhiệm về Quyết định do tiền nhiệm của mình để lại. Ông Hoàn có quyền có quyết định thu hồi Quyết định buộc thôi học số 1926 trái pháp luật đối với sinh viên Nguyễn Phương Uyên, phục hồi mọi quyền, nghĩa vụ cho sinh viên này trong thời gian bị xử lý kỷ luật sai trái.

Sau đây là nội dung Đơn khởi kiện.

Bình Thuận, ngày 16 tháng 6 năm 2014

ĐƠN KHỞI KIỆN

Quyết định V/v buộc thôi học số 1926 do Hiệu trưởng Trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm TP.HCM ký ngày 29/11/2013 (“Quyết định buộc thôi học”)


Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN TP.HCM

Người khởi kiện: NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN, sinh năm 1992.

Địa chỉ: thôn Lâm Giang – xã Hàm Trí – huyện Hàm Thuận Bắc – tỉnh Bình Thuận.

Người bị kiện: Hiệu trưởng Trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm TP.HCM (“Hiệu trưởng Trường ĐH CNTP TP.HCM”).

Địa chỉ: 140 Lê Trọng Tấn- phường Tây Thạnh- quận Tân Phú- TP.HCM

Trân trọng trình bày nội dung Đơn khởi kiện như sau:

1) Nguyên tôi (Nguyễn Phương Uyên) là sinh viên Lớp 10CĐTP1, Trường Đại học Công Nghiệp Thực Phẩm TP. HCM, năm học 2010-2013 (MSSV 3005100901). Tôi bị Toà Phúc thẩm TANDTC- tại TP.HCM tuyên án ba năm tù treo.

Tôi không trình bày nội dung sai pháp luật của Bản án Phúc thẩm ở đây, việc này, tôi đã gửi đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm tới cơ quan có thẩm quyền, lý do tôi không phạm tội.

2) Sau khi Toà trả tự do cho tôi ngay tại Phiên Toà ngày 16/8/2013, thì ngày 29/11/2013, Thầy Hiệu trưởng Trường ĐH CNTP TP.HCM Đặng Vũ Ngoạn đã ký Quyết định buộc thôi học đối với tôi (sinh viên Nguyễn Phương Uyên).

Xét thấy Quyết định này có nội dung trái pháp luật, không được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục qui định, gây thiệt hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp công dân, tôi khiếu nại. Cụ thể:

a) Quyết định buộc thôi học không có căn cứ pháp luật, nên không có giá trị pháp lý:

Phần căn cứ pháp lý, Quyết định buộc thôi học đã nêu ra 4 căn cứ:

- Căn cứ Quy chế học sinh sinh viên các trường đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp chính quy Ban hành theo Quyết định số 42/ 2007/QĐ Bộ GDĐT ngày 1.8.2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Dưới đây tôi gọi tắt là “Qui chế HSSV”).

- Căn cứ nội dung bản án số 838/2013/HSPT ngày 16.8.2013 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại tp HCM gửi trường Đại học CNTP TP.HCM“. (Dưới đây tôi gọi tắt là “Bản án phúc thẩm”)

- Căn cứ công văn số 6144/Bộ GDĐT-CTHSSV ngày 9.9.2013 của Vụ trưởng Vụ Công tác HS SV-Bộ Giáo dục và Đào tạo (Dưới đây tôi gọi tắt là “Công văn số 6144”)

- Và Theo đề nghị của Trưởng phòng công tác chính trị & Học sinh sinh viên.

Trong 4 căn cứ trên, hai căn cứ Về “Qui chế HSSV” và “Bản án phúc thẩm” là hoàn toàn trái pháp luật như tôi nêu rõ tại phần b) dưới đây. Còn căn cứ “Công văn số 6144” là trái với Điều 21 Qui chế HSSV. Bởi lẽ, việc kỷ luật sinh viên phải do “Hội đồng thi đua, khen thưởng nhà trường tổ chức họp, xét và kiến nghị, đề nghị Hiệu trưởng…” (điểm d khoản 1 Điều 21 Qui chế HSSV). Như vậy, Công văn của Vụ trưởng… nào đó, không phải là căn cứ để ra Quyết định kỷ luật buộc thôi học. Cũng vậy, điểm d khoản 2 Điều 21 Qui chế HSSV qui định Trưởng phòng công tác SVHS chỉ có quyền “lập hồ sơ xử lý kỷ luật HSSV, sau khi đã trao đổi với Trưởng khoa, đại diện tổ chức Đoàn…, Hội…” chứ không có quyền “đề nghị…”. Vì quyền “đề nghị” như trên đã nêu thuộc quyền “Hội đồng thi đua khen thưởng nhà trường”. Quyết định buộc thôi học căn cứ “theo đề nghị của Trưởng phòng công tác…” là trái Qui chế HSSV.

b) Quyết định của Thầy Hiệu trưởng căn cứ “Qui chế HSSV” và “nội dung Bản án phúc thẩm” buộc tôi thôi học “do vi phạm pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam” là hoàn toàn sai trái, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tôi (Sinh viên Nguyễn Phương Uyên):

+/ Trước hết, theo qui định tại điểm d khoản 1 Điều 20 Qui chế HSSV, buộc thôi học là “hình thức kỷ luật” nặng nhất “áp dụng đối với HSSV đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù (kể cả trường hợp bị xử phạt tù được hưởng án treo).” Như vậy, theo Qui chế, “vi phạm pháp luật bị xử phạt tù…” như trường hợp của tôi (sinh viên Nguyễn Phương Uyên) sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật “buộc thôi học”.

Điều 21 Qui chế HSSV qui định “Trình tự, thủ tục và hồ sơ xét kỷ luật:

1. Thủ tục xét kỷ luật:

a) HSSV có hành vi vi phạm phải làm bản tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật;

b) Giáo viên chủ nhiệm chủ trì họp với tập thể lớp HSSV, phân tích và đề nghị hình thức kỷ luật gửi lên khoa hoặc đơn vị phụ trách công tác HSSV;

c) Khoa hoặc đơn vị phụ trách công tác HSSV xem xét, đề nghị lên Hội đồng thi đua, khen thưởng và kỷ luật của nhà trường;

d) Hội đồng thi đua, khen thưởng và kỷ luật nhà trường tổ chức họp để xét kỷ luật, thành phần bao gồm: các thành viên của Hội đồng, đại diện tập thể lớp HSSV có HSSV vi phạm và HSSV có hành vi vi phạm. HSSV vi phạm kỷ luật đã được mời mà không đến dự (nếu không có lý do chính đáng) thì Hội đồng vẫn tiến hành họp và xét thêm khuyết điểm thiếu ý thức tổ chức kỷ luật.

Hội đồng kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật, đề nghị Hiệu trưởng ra quyết định kỷ luật bằng văn bản.

2. Hồ sơ xử lý kỷ luật của HSSV:

a) Bản tự kiểm điểm (trong trường hợp HSSV có khuyết điểm không chấp hành việc làm bản tự kiểm điểm thì Hội đồng vẫn họp để xử lý trên cơ sở các chứng cứ thu thập được);

b) Biên bản của tập thể lớp họp kiểm điểm HSSV có hành vi vi phạm;

c) Ý kiến của khoa hoặc đơn vị phụ trách công tác HSSV;

d) Các tài liệu có liên quan.

Trong trường hợp có đủ chứng cứ HSSV vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế, đơn vị phụ trách công tác HSSV sau khi trao đổi với Trưởng khoa, đại diện tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội sinh viên Việt Nam (nếu có) lập hồ sơ trình Hiệu trưởng quyết định hình thức xử lý.”.

Áp dụng qui định trên, tôi khẳng định, chưa bao giờ được yêu cầu “làm bản kiểm điểm…hoặc được mời dự họp…” Quyết định cũng không căn cứ vào “đề nghị của Hội đồng thi đua, khen thưởng nhà trường…”. Như vậy, Quyết định buộc thôi học ghi “căn cứ Qui chế HSSV”, nhưng đã không tuân thủ Qui chế HSSV, không tiến hành theo đúng “trình tự thủ tục và hồ sơ xử lý kỷ luật HSSV” là không có căn cứ pháp lý, trái qui định.

+/ Thứ hai, Bản án phúc thẩm trang 12 có ghi rõ: “Pháp luật Xã hội chủ nghĩa luôn khoan hồng đối với người biết nhận ra những sai lầm của bản thân, để tạo điều kiện cho bị cáo tiếp tục đi học để trở thành người có ích cho xã hội sau này. Hội đồng xét xử thống nhất không cần cách ly bị cáo ra khỏi cuộc sống xã hội cũng có tác dụng giáo dục và phòng ngừa. Bị cáo được trả tự do tại phiên tòa nếu không bị giam giữ về hành vi phạm tội nào khác.” Như vậy, việc tôi “được trả tự do tại Toà” là “để…tiếp tục đi học”. Quyết định buộc thôi học căn cứ Bản án phúc thẩm, nhưng lại làm trái nội dung Bản án phúc thẩm là không có căn cứ pháp lý.

Điều cần nhấn mạnh là căn cứ qui định tại Điều 22 Bộ luật Tố tụng Hình sự: “Bảo đảm hiệu lực của bản án và quyết định của Toà án

1. Bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được các cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi trách nhiệm của mình phải chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Toà án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó.

2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan nhà nước, chính quyền xã, phường, thị trấn, tổ chức và công dân phải phối hợp với cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong việc thi hành án.

Các cơ quan nhà nước, chính quyền xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong việc thi hành án.” Rõ ràng là, Bản án phúc thẩm tuyên bố “tạo điều kiện cho tôi tiếp tục đi học’, nhưng Thầy Hiệu trưởng Trường Đai học Công Nghiệp Thực Phẩm TP.HCM lại ra Quyết định buộc thôi học đối với tôi (sinh viên Nguyễn Phương Uyên) là “không tôn trọng”, “không chấp hành nghiêm chỉnh bản án…”. Quyết định buộc tôi thôi học là trái pháp luật, Thầy Hiệu trưởng và những người (Vụ trưởng…, Trưởng phòng…) đề nghị buộc tôi thôi học (nếu có) đã cố ý không chấp hành Bản án phúc thẩm.

+/ Quyết định buộc thôi học không có căn cứ pháp luật, vi phạm pháp luật như kể trên, đối với tôi, sinh viên năm cuối của Trường Đại học Công Nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã xâm phạm quyền được đi học của công dân được Điều 39 Hiến pháp 2013 minh định. Vi phạm Qui chế HSSV, theo đó: “HSSV là nhân vật trung tâm trong nhà trường, được nhà trường bảo đảm điều kiện thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ…” (khoản 1 Điều 3); và “Được nhà trường tôn trọng và đối xử bình đẳng…” (Khoản 2 Điều 4). Tước bỏ tương lai “trở thành người có ích cho xã hội” như Bản án phúc thẩm nêu ra. (Đính kèm bản sao Đơn khiếu nại đề ngày 15/3/2014)

3) Bất chấp nội dung Đơn khiếu nại của tôi nêu ra đầy đủ các căn cứ pháp luật chứng minh Quyết định buộc thôi học đối với tôi – như nêu trên- là trái pháp luật, ngày 11/6/2014, tôi nhận được cái gọi là “Thư trả lời của Hiệu trưởng Trường ĐH CNTP TP.HCM” đề ngày 21/4/2014 (đính kèm bản sao), vừa sai pháp luật về hình thức, vừa không phù hợp pháp luật về nội dung. Cụ thể :

a) Về hình thức :

- Điều 24 Quy chế học sinh sinh viên các trường đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp chính quy (Ban hành theo Quyết định số 42/ 2007/QĐ Bộ GDĐT ngày 1.8.2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) (Dưới đây tôi gọi tắt là “Qui chế HSSV”), qui định rõ: tôi – cá nhân bị kỷ luật- có quyền khiếu nại lên Hiệu trưởng. Và như vậy, Hiệu trưởng phải “xem xét” giải quyết bằng “văn bản giải quyết khiếu nại” chứ không thể là cái “ Thư trả lời …” được .

- Về con dấu “treo” đóng trên đầu trang “Thư trả lời…” là không đúng qui định pháp luật, không khẳng định giá trị pháp lý của văn bản. Cụ thể: Điều 1 Nghị định số 58/2001/NĐ-CP của Chính phủ qui định: “Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước”. “Việc đóng dấu vào các loại văn bản giấy tờ phải theo đúng quy định của pháp luật” (khoản 3 Điều 6). Điểm 2.2 khoản 2 Mục III Thông tư liên tịch số 7/2002/TTLT- BCA-BTCCBCP qui định: “Con dấu chỉ được đóng lên các văn bản, giấy tờ sau khi các văn bản, giấy tờ đó đã có chữ ký của cấp có thẩm quyền”. Điều 26 Nghi định số 110/2004/NĐ-CP của chính phủ qui định về “Đóng dấu: 1. Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu quy định. 2. Khi đóng dấu lên chữ ký thì dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái. 3. Việc đóng dấu lên các phụ lục kèm theo văn bản chính do người ký văn bản quyết định và dấu được đóng lên trang đầu, trùm lên một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tên của phụ lục.” Như vậy, chỉ được đóng dấu “treo” lên trang đầu, trùm lên một phần tên cơ quan, tổ chức… trong trường hợp “đóng dấu lên các phụ lục kèm theo văn bản chính”. Ở đây, “Thư trả lời…” do Hiệu trưởng Trường ĐH CNTP TP.HCM Nguyễn Xuân Hoàn – người có thẩm quyền- ký tên trên văn bản chính, nên không thể đóng dấu “treo”.

b) Về nội dung:

Đơn khiếu nại của tôi- như đã trình bày ở trên- với đầy đủ các căn cứ pháp lý chứng minh Quyết định buộc thôi học đối với tôi của Hiệu trưởng Trường ĐH CNTP TP.HCM là trái pháp luật; thế nhưng, “Thư trả lời…” đã không “trả lời …” được bất cứ căn cứ pháp luật nào mà tôi nêu ra, chỉ áp đặt: “Việc ra Quyết định buộc thôi học đối với Nguyễn Phương Uyên đã được thực hiện đúng thủ tục, trình tự, qui định của Nhà trường và phù hợp với các văn bản, pháp luật hiện hành của nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Thật đáng xấu hổ cho những người Thầy “khoa học” khi không có “khoa học”, không chỉ ra được từng điểm, từng căn cứ mà tôi khiếu nại là “đúng thủ tục, trình tự…phù hợp văn bản pháp luật” nào? Mặc dù, tôi đã trưng dẫn chi tiết, cụ thể!, mà chỉ biết áp đặt một câu chung chung, không trưng dẫn được bất kỳ một căn cứ pháp luật nào để bác bỏ nội dung khiếu nại của tôi.

Tôi trích dẫn ra đây điểm e khoản 2 Điều 31 Luật Khiếu nại để Quí “thầy” tham khảo là: “nội dung’ của văn bản giải quyết khiếu nại bắt buộc phải có “Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại”. “Căn cứ pháp luật nào” chứng minh Quí “thầy” nói “đúng trình tự…”? “phù hợp pháp luật” nào?



Yêu cầu của Người khởi kiện:

Qua toàn bộ nội dung kể trên, để đảm bảo tôn trọng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp sinh viên, đề nghị Quí Tòa án thụ lý, giải quyết buộc Hiệu trưởng Trường ĐH CNTP TP.HCM phải thu hồi, hủy bỏ Quyết định V/v buộc thôi học số 1926 do Hiệu trưởng Trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm TP.HCM ký ngày 29/11/2013 và “Thư trả lời của Hiệu trưởng Trường ĐH CNTP TP.HCM” đề ngày 21/4/2014, vì những văn bản này có nội dung và hình thức trái pháp luật, không có giá trị pháp lý.

Trân trọng,

NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN

Đính kèm:

- Bản sao Chứng minh nhân dân

- Bản sao Đơn khiếu nại đề ngày 19/3/2014

- Bản sao Quyết định buộc thôi học

- Bản sao Thư trả lời…