07 juin 2014

Đụng tới Bộ Công an, báo Pháp Luật & Xã Hội dám “mò dái ngựa”, nên bị khởi tố

 

Theo Basam
Cái “gương” của nhà báo Nguyễn Hùngbên BBC còn sờ sờ ra đó mà nhà báo Minh Thắng, báo Pháp Luật & Xã Hội không “ngán”, dám “mò dái ngựa”, đụng tới Bộ Công an? Blogger Đồng Phụng Việt đã có bài viết Bác Hồ không bằng bác Quang, để thấy rằng các nhà báo muốn nói lên sự thật ở cơ quan nào cũng được, ngoại trừ Bộ Công an.
Vì bài báo này, mà nhà báo Minh Thắng đã bị Bộ Công an khởi tố tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 BLHS. Bài báo đã bị gỡ bỏ. Mời bà con đọc tại đây:

Luật sư “tố” DN của Bộ Công an kinh doanh kiểu “bầu Kiên”

Thứ Hai, 02/06/2014 23:11
(PL&XH) – Vụ án Nguyễn Đức Kiên được tòa “hẹn” tuyên án vào sáng 9-6. Trước giờ “G”, luật sư lại tìm được bằng chứng ngay cả DN của Bộ Công an cũng không đăng ký kinh doanh đầu tư tài chính mà vẫn góp vốn, mua cổ phần, chẳng khác nào “bầu Kiên”.
Xin nhắc lại, diễn biến tranh tụng tại phiên tòa, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Hoàng Đôn Hùng đều khẳng định quy buộc của VKS về tội danh “Kinh doanh trái phép” cho ông Kiên là không có căn cứ pháp luật. Theo VKS thì 5 công ty của ông Kiên trong giấy phép đăng ký kinh doanh, không có đăng ký kinh doanh đầu tư góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu, do vậy quy buộc ông Kiên tội “Kinh Doanh trái phép”, trong khi đó, các luật sư chứng minh trên cơ sở pháp lý, thì đầu tư góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu không cần phải đăng ký giấy phép kinh doanh.
Chính bản thân luật sư Hoàng Đôn Hùng vào đầu năm 2014 đã làm 2 hồ sơ thành lập doanh nghiệp với ngành nghề được đăng ký là “đầu tư góp vốn, đầu tư tài chính: góp vốn, mua cổ phần”, thì ngày 21-3-2014, Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KHĐT TP.HCM trả lời bằng công văn số 01777/ĐKKD-TNXL cho rằng “Hiện Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật chưa quy định về đăng ký hoạt động này”. Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KHĐT TP.Hà Nội cũng trả lời bằng công văn số 24/ĐKKD01 ngày 18-3-2014, “Luật doanh nghiệp quy định tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty TNHH, công ty hợp danh theo quy định của luật này”.
Tại tòa, luật sư Hùng đã chứng minh bằng các bằng chứng này và khẳng định: “Góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu không phải là ngành nghề kinh doanh, mà là quyền của doanh nghiệp, không cần và cũng không thể đăng ký kinh doanh”.
H1
H2
H3
Hàng loạt bằng chứng cơ quan quản lý Nhà nước “đầu tư góp vốn, mua cổ phần không cần đăng ký kinh doanh”. Ảnh: Minh Thắng
Trao đổi với phóng viên chiều 2-6, các luật sư đã cho biết, hàng loạt bằng chứng mới vừa được các luật sư thu thập được, để chứng minh hàng loạt công ty đã đầu tư góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu mà trong giấy phép đã được cấp hoàn toàn không có đăng ký “đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu”. Đặc biệt là các công ty của chính Bộ Công an cũng không hề đăng ký kinh doanh đầu tư góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu, mà họ vẫn thực hiện hành vi này từ lâu nay.
Theo “điểm danh” của các luật sư này, đó là Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTEL), Bộ Công an là chủ sở hữu công ty này. GTEL không đăng ký ngành nghề kinh doanh tài chính, góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu. Vậy mà ngay trên Website của công ty này (http://gtel.com.vn/vi-VN/caccongtythanhvien/6/23/Default.aspx) cũng công bố công ty này góp vốn thành lập rất nhiều công ty khác, trong đó có việc góp vốn vào công ty CP Thương mại và Dich vụ Kỹ thuật GTEL và công ty TNHH Công nghệ Thông tin và Truyền thông GTEL.
Như vậy, công ty TNHH Công nghệ Thông tin và Truyền thông GTEL, công ty này có chủ sở hữu là Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTEL). Mà chính Bộ Công an là chủ sở hữu của Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTEL). Công ty này không đăng ký ngành nghề kinh doanh tài chính, góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu, nhưng công ty này đã góp vốn vào công ty CP Thương mại và Dich vụ Kỹ thuật GTEL… Theo các luật sư, cơ cấu góp vốn ở nhiều công ty khác, cũng minh chứng đều này.
Các luật sư băn khoăn đặt câu hỏi, với bằng chứng này, thì ngay cả Bộ Công an cũng có công ty hoạt động đầu tư tài chính góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu kiểu …”bầu Kiên”. Liệu các DN này có bị xem xét quy buộc là “Kinh doanh trái phép” như theo kết luận điều tra của Cơ quan điều tra-Bộ Công an và VKSND tối cao trong vụ án Nguyễn Đức Kiên !?
Sự việc cần câu trả lời từ các cơ quan tiến hành tố tụng đang xử lý vụ án Nguyễn Đức Kiên, đặc biệt cần hồi âm rõ ràng từ phía Bộ Công an.
Minh Thắng
—–
Bài viết này đăng trên báo Thanh Niên cách đây 3 tiếng, hiện không còn.
Bổ sung: 18h 6-6-2014. Bài báo này đã đổi cái tựa thành “Khởi tố vụ án ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’ xảy ra ở một tờ báo, thay vì cái tựa ban đầu là “Viết về doanh nghiệp của Bộ Công an, một tờ báo bị khởi tố“.
Thanh Niên

Viết về doanh nghiệp của Bộ Công an, một tờ báo bị khởi tố

(TNO) Chiều ngày 5.6, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 BLHS, xảy ra tại Báo điện tử Pháp luật và Xã hội (Cơ quan của Sở Tư pháp TP.Hà Nội).
Trong thông báo trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra cho biết ngày 2.6.2014, trên Báo điện tử Pháp luật và Xã hội (http://phapluatxahoi.vn) có đăng bài báo của tác giả Minh Thắng với tiêu đề: Luật sư “tố” doanh nghiệp của Bộ Công an kinh doanh kiểu “bầu Kiên”; nội dung phản ánh sai sự thật về hoạt động của Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (GTEL) thuộc Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật – Bộ Công an, làm người khác hiểu sai, giảm uy tín, mất lòng tin về hoạt động của tổng công ty này.
Đến ngày 4.6.2014, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an nhận được Công văn số 253/GTEL-VP của Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu do Chủ tịch Nguyễn Văn Dư ký, khẳng định: nội dung bài báo là sai sự thật, đã xâm phạm nghiêm trọng uy tín và các lợi ích hợp pháp khác của Tổng công ty…; đồng thời đề nghị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an xem xét, xử lý việc đăng tải bài báo trên theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào Công văn trên của Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu và kết quả bước đầu xác minh của cơ quan chức năng có dấu hiệu tội phạm nên Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu, bài báo có tựa đề “Luật sư “tố” doanh nghiệp của Bộ Công an kinh doanh kiểu “bầu Kiên” đã đưa ra nhiều thông tin xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, trong đó có dẫn lời luật sư cho rằng doanh nghiệp của Bộ Công an hoạt động tương tự như công ty của Nguyễn Đức Kiên nhưng không bị quy buộc về tội kinh doanh trái phép. Hiện Báo điện tử Pháp luật và xã hội đã gỡ bài viết nói trên.
Thái Uyên
Nguồn: News.yahoo.com