Theo Tuổi Trẻ
Theo Tuổi Trẻ
TT - 30 năm sau trận chiến tàn khốc,
những người lính của sư đoàn 356 trở về chiến trường Vị Xuyên.
Những “đồi thịt băm”, chỏm yên ngựa, thung lũng chết... vẫn
luôn hằn trong hồi ức của họ.
Hồi ức trên “đồi thịt băm”
Những người lính già từng xông pha chiến trận,
quân ph sờn vai đứng nhìn núi mà khóc. 30 năm, .
Đối với cựu quân nhân Trần Quốc Sơn, đây là lần
đầu tiên quay lại chiến trường. 30 năm trước, chàng trai Hà Nội
này rời ghế nhà trường, trải qua khóa huấn luyện ngắn để lên
chiến trường Vị Xuyên. Ít ai nghĩ chiến tranh khốc liệt đến thế,
người người cứ ngã xuống trước đạn pháo của quân thù. “Tất
cả hỏa lực mạnh của địch bắn tới tấp. Chỉ sau một giờ nổ
súng, tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó của chúng tôi hi sinh.
Người sống dìu người bị thương, người khỏe bê người hi sinh.
Chúng tôi rút về phía sau khi chỉ còn rất ít người. Phần lớn
anh em nằm lại và chẳng bao giờ có thể về nhà được nữa” -
cựu quân nhân Trần Quốc Sơn khóc nấc.
Không phải lính sư đoàn 356, ông Phạm Văn Gia là
cựu chiến binh ở Tây Trường Sơn. Nhưng nỗi ám ảnh của quá khứ
khiến người lính già cầm máy ảnh đi chụp các nghĩa trang dọc
đất nước. “Mình có con rồi mới thấy tiếc xương máu. Những
người nằm lại ở đây mới mười tám, đôi mươi thôi” - ông Gia không
giấu nổi giọt nước mắt. Những người lính sư đoàn 356 bên cạnh
bổ sung: “Có cậu hi sinh lúc mới 17 tuổi thôi”. Rồi tất cả níu
vai nhau khóc. Không một người lính nào biết sư đoàn 356 cho
đến ngày giải thể còn bao nhiêu người còn sống. “Lính hi sinh
trên mặt trận thì ở dưới lại bổ sung lên. Chúng tôi đếm được
người chết chứ cũng không thể đếm được người sống” - cựu quân
nhân Nguyễn Văn Kim nói.
“Không chỉ ở các cao điểm, những đồng đội hi
sinh nằm bên đất Trung Quốc còn rất nhiều. Sau trận chiến ngày
12-7, Trung Quốc không cho mình sang mang thi thể đồng đội về. Sau
3-4 ngày, họ dùng xe ben chất đầy thi thể rồi đổ xuống hố đốt
cháy và lấp lại. Phần hố chôn lính Việt Nam họ đổ bêtông lên
và san phẳng. Bao nhiêu năm nay, chúng tôi chỉ mong bằng cách này
hay cách khác, có thể mang cả xương cốt hay đất đá nơi lính Việt
Nam nằm để chôn bên cạnh đồng đội” - cựu quân nhân Đỗ Quang Huy
rưng rưng. “Người lính chiến đấu dẫu có trận thất bại, cũng
có trận lập chiến công. Chỉ mong Tổ quốc một lần nhắc tên họ
công khai” - ông Huy bày tỏ.
Về đây đồng đội ơi!
30 năm mong mỏi đưa đồng đội về nhưng ước vọng
vẫn chỉ là ước vọng. Hàng trăm liệt sĩ vẫn nằm lại rải rác
trên các chóp núi, sườn đồi. Để an ủi linh hồn những đồng đội
không thể trở về, những người lính sư đoàn 356 tự đóng góp
để xây một đài hương tưởng niệm trên cao điểm 468. Họ mang những
gói thuốc lào Hàng Gà, những bộ quân phục giấy xanh màu
lá... lên cho đồng đội. Họ gửi gắm những người dân địa phương
mỗi lần đi ngang qua đốt cho đồng đội vài điếu thuốc. Trước
ngày kỷ niệm 12-7, họ đến đó, ôm đàn guitar hát cho đồng đội
nghe: “Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu/ Về đây
có nhau như nguyện ước chiến hào, được hòa cùng bầy trẻ thơ
bên sông Lo hát yên bình, quân dân nồng ấm nghĩa tình/ Hãy về
đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi/ Về đây điếu thuốc
lào, ấm chè chốt, hồn nhiên nụ cười/ Bạn bè, đồng đội, người
thân ôm nhau nước mắt chan hòa/ Biên cương hình bóng quê nhà”.
Những người lính già khóc theo từng lời hát. Cô
văn công sư đoàn Kim Thanh, giờ là bà ngoại, cũng khóc, kể cả
vào buổi tập bài hát. “Ngày đó các anh trẻ lắm, ngây thơ,
trong sáng. Có ai ngờ buổi sáng vừa hát cho họ nghe, buổi
chiều họ đã nằm xuống” - bà Kim Thanh chia sẻ.
Buổi trưa trước ngày giỗ, trên cao điểm 468,
những lời hát với tro tàn cứ vấn vít trên những cành cây và
bay về phía núi. Phía bên kia là “đồi thịt băm” 772, là cao
điểm 685 và xa hơn là 1509. “Đồng đội đã nghe thấy và đã về
đấy” - nhạc sĩ Trương Quý Hải, một người lính của sư đoàn 356,
nói. Và sau câu hát, sau đám tro tàn bay là cơn mưa ngút trời
Vị Xuyên. 30 năm nay, cứ tháng 7 trời Vị Xuyên luôn tầm tã như
thế...
HÀ HƯƠNG
Thanh Thủy là nơi diễn ra những trận đánh ác
liệt nhất chống quân Trung Quốc, có hàng nghìn cán bộ, chiến
sĩ sư đoàn 356 ngã xuống tại các điểm cao dọc đường biên xã
Thanh Thủy.
Lấy đất biên giới đặt lên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đi cùng với đoàn cựu chiến binh sư đoàn 356 khu
vực Hà Nội còn có tấm ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và
chiếc bình do con trai của Đại tướng - ông Võ Điện Biên - trao
tận tay. “Ba ngày trước khi lên Hà Giang, tôi đến nhà thắp hương
cho Đại tướng. Anh Võ Điện Biên có tặng cho sư đoàn một tấm
ảnh, một chiếc bình và bày tỏ mong muốn chúng tôi lấy đất ở
đầu nguồn biên giới, nơi nhiều anh em chiến sĩ nằm lại để mang
về đặt trên bàn thờ Đại tướng” - cựu quân nhân Đỗ Quang Huy chia
sẻ.
|
Tại buổi lễ, thay mặt các cựu chiến binh của sư
đoàn, đại tá Nguyễn Đức Cam - nguyên sư đoàn phó, tham mưu
trưởng sư đoàn 356 - bày tỏ: “Sư đoàn chúng tôi hiện nay không
còn nữa, nhưng là cựu chiến binh, cựu quân nhân của sư đoàn, xin
hứa trước vong linh các đồng chí: luôn giữ vững, phát huy bản
chất của bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của sư đoàn, chiến đấu
kiên cường, dũng cảm, vượt lên chính mình để hoàn thành tốt
phần riêng, phần công mà các đồng chí giao phó”. Trước vong linh
của những người đồng đội ngã xuống, đại tá Nguyễn Đức Cam
trăn trở: “Không biết bao cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung,
sư đoàn nói riêng lần lượt ngã xuống mảnh đất này. Đến nay,
vẫn chưa tìm được hài cốt để thắp nén hương”.
Cựu quân nhân Nguyễn Văn Kim cũng chia sẻ: “Rất
nhiều anh em đồng đội nằm ở trên các điểm cao mà không thể đưa
về được. Bởi vậy, chúng tôi nảy ra ý tưởng sẽ làm một công
trình tưởng niệm ngay trên những điểm cao. Ý tưởng thì có từ
năm 2012 nhưng vì nhiều lý do không thể làm được. Đến cuối năm
2013, khi các cựu chiến binh, cựu quân nhân của sư đoàn 356 họp
mặt ở Yên Bái thì chúng tôi mới quyết định thực hiện”.
Công trình tưởng niệm ấy là một đài hương nằm
trên điểm cao 468, nơi từng đặt sở chỉ huy của sư đoàn 356. Hơn
100 triệu đồng để mở đường, san lối và xây một khuôn viên nho
nhỏ. “Người khó khăn cũng góp 100.000, 200.000 đồng, người có
điều kiện góp nhiều hơn. Cứ góp tiền, góp sức, đến đầu năm
2014 thì công trình hoàn thành. Chúng tôi mong muốn có thể làm
một mái nhà tưởng niệm ở ngay tại điểm 468 để anh em sư đoàn
có chỗ về thắp hương, sẽ bêtông hóa đoạn đường lên, trồng cây,
trang trí khuôn viên thật đẹp. Sau đó, sẽ bàn giao cho xã Thanh
Thủy để họ bảo quản, chăm sóc, cũng là cách để thế hệ sau
này biết ông cha mình đã sống và chiến đấu ở đây” - anh Kim
nói.
Đài hương tưởng niệm nhìn sang các cao điểm 685,
772 và xa hơn là 1509, nơi có nhiều người lính ngã xuống trong trận
chiến khốc liệt ngày 12-7-1984. Chiến dịch ngày 12-7-1984 được
đặt tên là chiến dịch MB-84, là trận phản công đầu tiên của
quân ta ở mặt trận Vị Xuyên. Sư đoàn 356 được chọn đánh chủ
lực, phối hợp với các sư đoàn khác đánh chiếm các điểm cao ở
biên giới Thanh Thủy (Hà Giang).
Rạng sáng 12-7, quân ta tiến công trên khắp mặt
trận. Quân Trung Quốc vốn có lợi thế trên điểm cao, tập trung
chống cự bằng hỏa lực mạnh. Trong ngày 12-7, riêng sư đoàn 356 hi
sinh gần 600 người. Theo cựu chiến binh Đặng Việt Châu - nguyên
thiếu tá, chủ nhiệm chính trị sư đoàn 356, từ năm 1984 đến
cuối năm 1987, có gần 1.200 cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 356 hi sinh
tại mặt trận Vị Xuyên. Mất mát trong ngày 12-7 cũng chính là
động lực để cuối năm 1984 đầu năm 1985, các lực lượng ở Vị
Xuyên, trong đó có sư đoàn 356, tổ chức các cuộc phản công, tiêu
diệt nhiều quân xâm lược Trung Quốc tại biên giới Vị Xuyên.
H.HƯƠNG