03 mai 2018

Trông người Hàn mà nghĩ đến ta


Phạm Đỗ Chí
 

Washington 30/4/2018: Thế rồi 43 năm cũng đã đi mau  như một giấc mơ từ ngày chia ly đó.  Như nhiều người Việt khác ở hải ngoại, tôi không tin mình đã sống qua hơn 2/3 cuộc đời ở xứ người. Đã định chui vào nếp sống bận rộn thường lệ hàng ngày để quên đi tháng Tư này, nhưng cái Ti vi oái ăm và đài CNN cứ ra rả suốt ngày 27/04/2018 về Hội nghị đầu tiên tại khu phi quân sự  Bàn Môn Điếm (Panmunjom) của hai nhà lãnh đạo Bắc và Nam Hàn. 


Cuộc gặp lịch sử này của  lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Jong-un và Tổng thống Nam Hàn, Moon Jae-in từng đặt ra hy vọng đạt được hai mong ước:



·        Một thỏa hiệp hòa bình vĩnh viễn cho bán đảo Triều Tiên thay cho Hiệp định đình chiến năm 1953.

·        Tuyên bố  toàn diện bán đảo Triều Tiên  là lãnh thổ “phi nguyên tử”, sau khi ông Kim Jong-un đã quyết định ngưng thử các hỏa tiễn hạt nhân và liên lục địa trước khi đền Bàn Môn Điếm.


Nhưng chính cái bắt tay đầu tiên ở dải đá mài ngăn cách hai miền Nam-Bắc và nghĩa cử ngoại giao bất ngờ khi cả hai cùng mời nhau bước qua lãnh thổ nước mình, mới gây cho tôi những xúc động mãnh liệt và xúc cảm trào dâng của một người Việt xa xứ, đã có thời từng mong thấy  một giây phút như thế đến với  Việt Nam ở giữa cầu Bến Hải, Vỹ tuyến 17 chia hai miền Nam-Bắc Việt Nam !

Xem tiếp những cảnh khác sau đó trong suốt ngày 27/4, từ cuộc thương nghị chính thức trong phòng họp của hai bên đến những phút hai ông đi dạo tâm sự, ôm chầm nhau sau khi ký thông cáo chung, hay cảnh hai bà vợ nắm tay nhau tung tăng, đến buổi tiệc tối do bên Nam đãi với các món ngon vật lạ từ nhiều miền, nhất là ông Kim cầu kỳ bắt đoàn mình nấu riêng món mỳ lạnh miền Bắc đem đến buổi tiệc.

Thông cáo chung chỉ cho thấy thiện chí hai bên muốn thương thảo tiếp, còn các cuộc hòa đàm lớn hơn hay chi tiết hơn vẫn còn được giữ kín bên trong, và nhất là còn tùy thuộc cuộc gặp gỡ  dự trù vào tháng 5 hay tháng 6 giữa Tổng Thống Mỹ Donald Trump và ông Kim nếu còn được giữ, cũng như các cuộc tiếp xúc chắc chắn sẽ diễn ra  giữa Bắc Hàn và Trung Quốc trong tương lai gần.
Tóm lại là vấn đề bắt tay giữa hai nước Hàn cũng chỉ mới bắt đầu và còn tùy thuộc nhiều biến chuyển có thể ảnh hưởng đến chính trị và hòa bình toàn cầu trong những năm tháng tới. Nhưng những gì xẩy  ra ở Bàn Môn Điếm hôm 27/04 đã khiến tôi nghĩ ngợi mông lung về một hy vọng khi mường tượng ra những cái bắt tay giữa hai bên “thắng cuộc” và “thua cuộc” ở nước Việt Nam mình (theo cách gọi của tác giả Huy Đức--trong quyển sách “Bên Thắng Cuộc”).

“Bên Thắng Cuộc” gồm hơn 4 triệu đảng viên Cộng sản, kể cả guồng máy quân sự và an ninh toàn trị là những người có chung quyền lợi chính trị. Sau lưng họ là đông đảo các nhóm lợi ích đang nắm giữ các đặc quyền và đặc lợi kinh tế.   Cả hai  đã tìm mọi cách để  bảo vệ quyền lợi cho nhau nên không dễ gì họ muốn đối thoại  với “Bên Thua Cuộc”.

CHUYỆN BÊN THUA CUỘC



Tuy vậy, trong một đất nước có trên 90 triệu người do Bên Thắng Cuộc kiểm soát chặt chẽ rất khó mà biết có bao nhiêu người dân đã ủng hộ chủ nghĩa Cộng sản và chế độ cai trị một đảng của giới cầm quyền.  Nhưng qua các sách báo và tiếp xúc hàng ngày, nhất là những lúc tâm sự thật lòng, nhiều quan sát viên có thể nhận ra nhiều tầng lớp dân chúng trong miền Nam vẫn mơ về những ngày cũ với “Bên Thua Cuộc” hay ít nhất là lý tưởng của họ. Ngay ở miền Bắc, nơi bản địa của Bên Thắng Cuộc, không ít thanh niên và  ngay cả bô lão còn khen tụng thăm hỏi về những cái hay cũ của Việt Nam Cộng Hòa, nhất là thời kỳ vàng son của miền Nam 1956-62  của  Đệ nhất Cộng hòa !

Nhưng ẩn số lớn nhất của Việt Nam ngày nay là thành phần 15-40 tuổi bây giờ chiếm 40% trong dân số. Không ai có thể đoán được thành phần  người trẻ này đang thật sự nghĩ gì và sẽ hành động  ra sao vào tuổi họ lãnh đạo đất nước Việt Nam trong 10-20 năm tới.
Ngoài ra, trong xã hội còn có thành phần trung lưu đang lớn mạnh theo cấp số nhân với những quyền lợi và tài năng kinh tế đáng kể. Lớp người này, được giáo dục và có kiến thức toàn cầu rộng rãi qua mạng Internet để tiếp cận với đời sống tân tiến và dân chủ của các xã hội Tây phương.  Liệu thành phần này có để  cho nhà nước tiếp tục kềm kẹp tư tưởng và hành động của họ như hiện nay không ?
Đây là hai thành phần không giáo điều, không ưa Chủ nghĩa Cộng sản sẽ quyết định tương lai của đất nước và xã hội Việt Nam trong 3--4 thập niên tới.  Nếu có cơ hội, họ sẽ dễ dàng  kết hợp với nhóm tinh hoa cùng tuổi ở hải ngoại để tạo thành một lực lượng phát triển  đáng kể cho  Việt Nam trong tương lai.

“Bên Thua Cuộc” cũng còn có hơn 3 triệu người  đang sống ở  trên 120 quốc gia bên ngoài Việt Nam. Họ là một khối có nhiều tài năng và hiểu biết rộng, nhưng tương đối “thầm lặng” vì hoàn cảnh phải ở rải rác và đa số bận rộn với cuộc mưu sinh hàng ngày.
Thời gian để họ theo dõi những biến cố trên thế giới, đặc biệt tình hình  Việt Nam  không nhiều, đừng nói chi đến việc kết nối tổ chức thành một lực lượng để đối thoại với trong nước.  Ngoài ra cũng phải nhận ra một sự thật không khích lệ về tình trạng mất đoàn kết trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Nhiều thành phố lớn đông người Việt có 2-3 hội đại diện, ngay cả các tôn giáo hay cựu Quân nhân dễ đoàn kết nhất cũng chia làm nhiều nhóm lãnh đạo. Ngay cả vài hội cựu học sinh của vài trường lớn cũ ở miền Nam cũng chứng kiến sự hiện diện của vài nhóm “ly khai” muốn tranh quyền là tiếng nói đại diện.
Tình trạng này cho thấy để có một thực thể đại diện thống nhất và duy nhất cho Cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất khó thực hiện, nói chi đến viễn ảnh về một cuộc đối thoại trong ngoài Việt Nam, nếu có cơ hội  xẩy ra !



CHUYỆN TUỔI TÁC

Thời gian và tuổi tác cũng là một vấn đề gặp nhiều trở ngại. Những lãnh đạo  tị nạn có tinh thần quốc gia cao độ của giai đoạn  các năm 1975-80 ở tuổi 30-55 còn tràn đầy tài năng và lý tưởng, từng mong ngày trở về làm lại những ngày cũ, giờ đây sau 43 năm, đã phần đông nằm xuống hay đang sống những ngày cuối đời trong các nhà dưỡng lão. Nhiều thanh niên 18-30 thuở đó tràn đầy nhiệt huyết và hiểu biết về quê hương nay cũng đã nghỉ hưu và muốn sống cuộc đời trầm lặng bên cạnh con cháu để vui hưởng an nhàn.
Thế hệ trẻ 1-15 tuổi hồi  đó thì bây giờ  cũng đã  trưởng thành và nhiều người thành công trong các xã hội mới nhưng lại không hiểu tiếng Việt và với họ, Việt Nam cũng chỉ như tờ giấy trắng vì phần lớn đã không biết gì về quê hương cũ của cha ông?!
Những chuyến về thăm Việt Nam ngắn của gia đình hay với bạn bè cũng chỉ đem lại cho họ những cảm giác về một xã hội Việt Nam tiến bộ hơn thời trước  với nhiều cảnh du lịch đẹp hay các món ăn ngon!

Tuy vậy, “Bên Thua Cuộc”  cũng có thể mong mỏi nơi cảm tình xưa cũ của nhiều tầng lớp dân chúng miền Nam và tầng lớp trẻ miền Bắc bây giờ, như nói ở trên, nhưng làm sao để các giới này có tổ chức và tiếng nói mạnh mẽ hơn trong bối cảnh chính trị bị vây kín như hiện nay ?
Đối với “Bên Thắng Cuộc”, ngoài mong mỏi theo thời gian, giới có tuổi bảo thủ sẽ chui vào sau sân khấu chính trị để nhường chỗ cho các thế hệ trẻ được đảng đào tạo để kế thừa.  Nhưng bên cạnh dòng chảy, tưởng rằng êm xuôi lại đang có sự xung đột khốc liệt giữa các thế hệ  “Thái tử Đảng”, hay “Hạt Giống Đỏ”. Lớp con cháu kế thừa này đang lợi dụng mọi kẽ hở của luật pháp và sự quan hệ để củng cố quyền bính và những đặc quyền đặc lợi chính trị-kinh tế, nhất là các tài sản nhà đất mà họ đã thừa hưởng từ cha ông trong 40-50 năm qua. Ưu tiên trước mắt của họ là quyền lực và đồng tiền phải đặt trước bổn phận đối với đất nước.
Như vậy, trước  viễn ảnh về một dân tộc Việt Nam còn phân hóa trong-ngoài, chưa được sống trong  dân chủ, tự do, phú cường và thịnh vượng sau 43 năm chiến tranh chấm dứt thì những cái bắt tay nồng ấm ngày 27/04/2018 tại Bàn Môn Điếm giữa  hai Nhà lãnh đạo Nam-Bắc Triều Tiên chỉ làm cho người Việt Nam hai bên chiến tuyến  mủi lòng thêm khi phải đối diện với ngày 30 tháng 4 hàng năm.

Vì vậy, để hàn gắn lại dân tộc, sau khi đã bỏ lỡ cơ hội hòa giải khi thống nhất đất nước, Việt Nam rất cần  những cái bắt tay đoàn kết để xây dựng đất nước trong tự do và dân chủ.

Nếu vẫn còn có những người không muốn hỏa giải và hòa hợp dân tộc thật lòng, hay muốn tiếp tục độc quyền cai trị đất nước độc tài  thì hãy đứng sang một bên cho người khác làm.
Chẳng lẽ 43 năm chưa đủ thời gian để  cho người  Việt Nam biết “trông người Hàn mà nghĩ đến ta” ? -/-                         


 TS Phạm Đỗ Chí