31 mai 2018

THỜI KỲ GÌ ĐÂY?


ĐỖ DUY NGỌC

Chúng ta đang sống thời đại gì đây? Có lẽ trong lịch sử của dân tộc, đây là một thời kỳ khó đặt tên.
Ngành giáo dục thì có Bộ trưởng ngọng và câm. Có cô giáo quỳ, cô giáo giẻ lau, cô giáo đéo, cô giáo câm, cô giáo đi hầu rượu như gái bia ôm. Có thầy giáo ấu dâm, hiệu trưởng bán chỗ dạy, hiệu trưởng ăn chận tiền giáo viên, lãnh đạo ngủ với cô giáo để cho biên chế. Có sinh viên ngủ với thầy để xin điểm, có học sinh bóp cổ cô giáo, học trò đâm thầy lủng ruột.


Bộ y tế thì có thứ trưởng ký nhập đủ loại thuốc gây tai hoạ khôn lường. Có lãnh đạo tiếp tay nhập thuốc giả bán giá cao. Có bệnh nhân bốn người một giường, có người cấp cứu sắp chết phải đóng tiền mới khám. Có bác sĩ, y tá bị dí chạy quanh, bị đấm đá túi bụi. Có viện phí thì tăng mà chất lượng lại giảm. Có bệnh viện vào nằm không xem TV cũng đóng tiền, không dùng nước nóng cũng trả tiền, đêm không được bật đèn. Bệnh nhân bị xem như những con thú trong chuồng, bị đối xử nhẫn tâm, là đối tượng để tận dụng làm giàu.
Bộ giao thông vận tải làm đường chưa xài đã lún, chưa chạy đã nát, giá thực hiện cao nhất thế giới mà chất lượng thấp nhất trái đất. Cầu làm cốt tre, đường lót bằng mút. Cầu chưa đi đã sập, đường chưa chạy đã lắm ổ voi. BOT nơi nào cũng có, thu giá trên trời, đặt không đúng chỗ, làm một đoạn thu cả đường.Thu tiền quá niên hạn quy định. Bộ trưởng phớt lờ dư luận, xem thường ý kiến nhân dân.
Bộ Tài nguyên môi trường đào hết tài nguyên đem bán. Biển ô nhiễm vì Formosa, lãnh đạo tìm mọi cách bênh vực, làm đủ trò chối tội. Cấu kết với doanh nghiệp bán đất, bán rừng. Ao hồ, sông ngòi khô hạn, ô nhiễm, lãnh đạo bình chân như vại, quẩn quanh không lối thoát. Các thành phố lớn khí độc nằm trong khí thở, nhân dân sống chung với ô nhiễm môi trường, cái mầm bệnh về hô hắp lúc nào cũng chục chờ xâm nhập lá phổi của người dân.
Bộ tài chính suốt ngày tìm đủ cách để rút ruột người dân vô tội vạ. Thuế môi trường, thuế tài sản, hàng trăm thứ thuế dội lên đầu dân, xứ nghèo mà mua gì cũng đắt vì thuế quá cao. Chính sưu thuế làm dân nghèo đi. Thuế cao mà an sinh xã hội thì quá tệ lậu, người già, trẻ em chẳng được quyền lợi ưu tiên nào trong đời sống. Thuế cản trở doanh nghiệp, thuế khiến dân không lối thoát
Lãnh đạo từ trung ương đến địa phương chạy theo thu lợi bằng mọi cách. Họ làm giàu một cách nhẹ nhàng, dễ dàng và nhanh chóng khiến các đại gia của các nước tư bản phải thèm thuồng.
Thứ gì họ cũng ăn, đặc biệt là ở lãnh vực đất đai. Vì lợi nhuận quá lớn đưa đến mỗi địa phương là một lãnh chúa, bỏ ngoài tai những quyết định của trung ương, trên bảo dưới chẳng cần nghe. Tìm đủ mọi cách để lừa dối kiếm lời. Sửa luôn quy hoạch của trung ương để cướp đất dân, bỏ túi hàng ngàn tỷ. Bắt tay những doanh nghiệp bán đất, bán rừng, bán biển, bán đảo, đuổi dân đi, khiến dân trở thành kẻ tha phương cầu thực. Di tích, đền đài, kiến trúc lâu năm đều được quy thành tiền, có giá là đập là xoá để xây dựng mới, vừa bán đất có tiền vừa được chia chác từ dự án mới. Lãnh đạo cấu kết với nhau, bắt tay với những doanh nghiệp ma đầu tạo ra những nhóm lợi ích chia nhau lợi tức bất kể đạo lý, thần linh, lịch sử, ký ức những thứ theo họ nghĩ là không sinh lợi. Họ bán rẻ đất nước này, họ không cần quan tâm dân sẽ sống như thế nào mà chỉ nghĩ họ thu lợi được bao nhiêu. Càng lúc họ càng phi nhân tính, quay cuồng với đồng tiền mà quên hết và vứt bỏ hết mọi giá trị để làm một con người. Họ tha hoá, truỵ lạc trong cách sống, tìm đủ mọi cách để hưởng lạc. Họ mua sắm, xây dựng nhà cửa nguy nga, sân vườn như vua chúa. Họ gởi tiền ra nước ngoài, mua những khu đất lớn, những lâu đài, những chuỗi nhà hàng, siêu thị. Con cái sinh hoạt, vui chơi như những trẻ dòng dõi hoàng gia. Và lúc cần, họ rời đất nước trở thành những đại gia định cư ở xứ người. Họ trang bị cho mình nhiều bằng cấp, nhiều học hàm, học vị nhưng mở miệng toàn nói ngu, nói ngược với ý kiến nhân dân nên chẳng bao giờ được lòng dân.
Thời mà miếng ăn bỏ vào mồm cứ sợ là thuốc độc, bệnh uống viên thuốc cứ nghi là thuốc giả. Thời mà ở đâu cũng có thể bị đe doạ, ở trong nhà sợ kẻ cướp, ra đường sợ lũ giật dọc, sợ cây rơi, điện giật, sập hố, sẵn sàng bị giết chỉ bởi một lời nói, một ánh nhìn. Thời mà trong sinh hoạt chẳng biết tin ai, chẳng biết tin vào cái gì.?
Thời mà những lời rao giảng đạo đức, những lời dạy dỗ, những tuyên ngôn trở thành như những câu thoại của một vở kịch hài.
Thời mà người ta ngang nhiên chiếm đất công. Một bên là hàng ngàn người lũ lượt chen nhau để làm thủ tục lên máy bay, máy bay không còn chỗ đậu, đường băng kẹt như xa lộ kẹt xe. Một bên là bãi cỏ xanh biếc mênh mông hàng trăm héc ta, dành cho một vài kẻ thừa tiền nhởn nhơ giải trí. Thế mà dư luận, ý kiến của cả xã hội chẳng làm gì được, cả chính phủ cũng chỉ đưa mắt nhìn.
Thời mà kẻ cướp vào nhà ta không dám hé môi, nếu phản ứng có thể bị cướp giết, nếu đánh trả ta trở thành tội phạm, phải đi tù. Nếu chống trả gây hậu quả cho kẻ cướp, ta có thể bị kết án tử hình. Thế luật pháp đứng về phía nào? Luật pháp bảo vệ ai?
Xã hội chứa toàn mầm ác, con người đối xử với nhau tệ hơn thú vật. Trọng vật chất hơn con người. Suốt ngày các phương tiện truyền thông quảng cáo một lối sống chú trọng bề ngoài, đề cao lối sống vật chất, thiếu tình người. Các chương trình giải trí nhảm nhí, thiếu văn hoá, chỉ toàn là kiểu làm trò của các anh hề.
Văn hoá vỡ nát, phong tục bị bôi bẩn, lịch sử bị bóp méo, truyền thống bị đánh mất. Mọi giá trị tinh thần bị đảo lộn, ông thằng bị đánh tráo. Con người dựa sức mạnh vào đồng tiền, dùng đồng tiền chi phối và lèo lái luật pháp, đứng trên luật pháp. Nén bạc đâm toạc tờ giấy.
Nền nếp gia phong bị đảo lộn, những khuôn phép bị bẻ gãy, người lương thiện hoang mang và gánh chịu thiệt thòi. Trẻ con bị nhồi nhét vào đầu một lối sống thực dụng hoang dã, ích kỷ, chỉ biết thu vén cho bản thân và vô cảm với mọi thứ chung quanh. Chúng bị nhồi vào đầu những kiến thức vô bổ trong khi thiếu trang bị kỹ năng sống và sáng tạo. Một thế hệ nói và làm như một con vẹt. Một thế hệ chỉ biết cúi đầu thiếu ý thức phản kháng. Chúng như một cơ thể thiếu sức đề kháng nên cái xấu dễ xâm nhập và tung hoành.
Con người mất lòng tin nên chạy theo thần linh, ma quỷ. Họ mê tín đến độ cuồng si, họ tin vào thế giới ảo vọng một cách cực đoan. Họ không còn lòng tin vào cuộc sống nên dễ bị dẫn vào con đường tà đạo, tin vào quỷ ma. Ngay những người chăn dắt linh hồn cũng trở thành kẻ buôn thần bán thánh, đội lốt thầy tu, mượn áo nhà dòng để làm điều bất chính. Chùa đình xây lên to lớn, bề thế để kiếm lời. Nó không còn là chỗ tu hành linh thiêng mà trở thành nơi kinh doanh Thẩn Phật. Cả xã hội nhốn nháo vì đồng tiền, cả đất nước sôi sục vì lợi lộc. Không còn chỗ để nói chuyện nhân từ, không còn thời gian để bàn chuyện lễ giáo. Người ta kinh doanh cả chuyện làm từ thiện, người ta cướp cả chén cơm của người già và bình sữa của em bé, viên thuốc của người bệnh. Ngang nhiên ăn cướp và ngang nhiên hưởng thụ, luật pháp ngoảnh mặt làm ngơ. Họ xô đẩy, chen lấn nhau để sống nên bỏ mặc văn minh, đánh rơi văn hoá.
Tôi không bôi đen xã hội, tôi không bêu xấu thời tôi đang sống, nhưng đau đớn thay nó là sự thật, một sự thật tàn nhẫn không kể hết được, tôi chỉ là người ghi chép lại. Những điều này báo chí, dư luận nói nhiều rồi. Nhưng tôi vẫn tin rẳng xã hội vẫn còn có những ánh sáng le lói để ta còn chút tin. Vẫn còn một ít người tốt để ta còn trông cậy. Thế nhưng ánh sáng không diệt hết đêm đen, người tốt thành cô đơn trong thế giới hỗn loạn này. Nhưng rồi phải có lòng tin để sống. Tin rồi cái thiện sẽ thắng cái ác. Người tốt sẽ diệt kẻ xấu. Kẻ bán nước phải bị nêu tên, người yẻu nước phải được ca ngợi.
Nhưng giờ đây, ta gọi thời ta đang sống đây là thời kỳ gì nhỉ? Lưu Quang Vũ đã có lần gọi là thời kỳ đồ đểu. Nhưng bây giờ, cái đểu đó, cái đốn mạt đó đã tiến xa lắm rồi, gọi là thời kỳ đồ đểu e là còn nhẹ quá chăng?

7.5.2018
ĐỖ DUY NGỌC