25 mai 2018

BÀI HỌC THỦ THIÊM


Nguyễn Quang Dy

Nếu tra Google từ khóa “Thủ Thiêm” chắc bạn sẽ thấy hàng trăm bài viết và hàng ngàn thông tin về những dấu hiệu của một vụ “đại án” với nhiều “củi to” sắp bị cho vào lò. Những khuất tất của nhóm lợi ích đã thao túng quy hoạch Thủ Thiêm để chiếm đoạt đất đai và đối xử bất nhân với người dân, thậm chí còn cố ý làm “mất bản đồ quy hoạch”, đang được báo chí trong nước lẫn ngoài nước, báo chí “chính thống” lẫn báo chí “lề dân” cùng vào cuộc ồ ạt như dòng nước lũ (chắc được lãnh đạo “bật đèn xanh”). Báo chí chính thống như chợt bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài (chắc bị “đèn đỏ” chặn họng) vì đụng vào “vùng cấm” của lãnh đạo (hay nhóm lợi ích). Để rút bài học, cần lý giải các biến số đang lật ngược bàn cờ Thủ Thiêm. 


Truyền thông báo chí

Đối với báo chí “chính thống” (hơn 800 báo/đài) được các cơ quan chức năng (như bộ TT&TT) kiểm soát chặt chẽ (nhất là thời Trương Minh Tuấn), nên các đợt tuyên truyền lớn thường được chỉ đạo từ các cấp cao nhất. Khi truyền thông mạng xuất hiện và lấn sân, việc chỉ đạo (như bật “đèn xanh” hay “đèn đỏ”) chắc khó khăn hơn. Tuy các cơ quan chức năng không chỉ đạo được mạng xã hội, nhưng họ vẫn có thể thao túng được (nếu biết cách). Mỗi khi cả báo chí “chính thống” lẫn truyền thông mạng cùng vào cuộc (như hiện nay), nó thường phản ánh mức độ đấu tranh nội bộ quyết liệt hơn (giữa các nhóm lợi ích) và thường được lòng dân hơn (nếu chống tham nhũng quyết liệt). Truyền thông mạng là một vũ khí lợi hại, nhưng cũng dễ “đứt tay” như một con dao hai lưỡi. Bên cạnh vai trò báo chí chính thống (như một hằng số), sức mạnh của truyền thông mạng (như một biến số) có thể giúp chính quyền lấy lại chính danh, bằng cách lấy lòng dân, khi lòng tin của họ đã bị cạn kiệt (như tài nguyên quốc gia).

Cách đây 10 năm, vụ án PMU-18 là một ví dụ điển hình, đã từng làm dư luận cả nước bức xúc. Lúc đó, báo chí chính thống và truyền thông mạng cũng vào cuộc (tuy mạng xã hội lúc đó chưa đủ mạnh). Một số báo lớn (như Thanh Niên và Tuổi Trẻ) đã đi đầu trong việc điều tra và đưa tin (chắc được bật “đèn xanh”). Nhưng khi chống tham nhũng đụng đến “vùng cấm” quá nhạy cảm thì lãnh đạo lại sợ “vỡ bình” nên họ lại bật “đèn đỏ” để dừng vụ án. Lúc đó, không chỉ có hai nhà báo đi đầu trong vụ này đã bị bắt (Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải) mà thiếu tướng công an Phạm Xuân Quắc (cục trưởng C14 và trưởng ban điều tra chuyên án PMU-18) và một trưởng phòng trong C14 (thượng tá Đinh Văn Huynh) cũng bị khởi tố.

Vì vậy, người ta có lý do để nghi ngại liệu vụ Thủ Thiêm có lặp lại bài học về vụ PMU-18, trong đó Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, và Phạm Xuân Quắc (cùng nhiều người khác) đã trở thành nạn nhân của nghịch lý chống tham nhũng. Trong vụ khủng hoảng con tin Đồng Tâm, ông chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến Đồng Tâm, ký (và điểm chỉ) vào bản cam kết trong đó hứa sẽ không khởi tố người dân Đồng Tâm, và sẽ điều tra tranh chấp đất đai. Qua sự kiện đó, ông Nguyễn Đức Chung (cũng như ông Lê Đình Kinh và bà Nguyễn Thi Lan) đã trở thành ngôi sao trong mắt người dân (và báo chí). Nhưng khi ông Chung nuốt lời hứa, lòng tin của người dân cũng mất hết. Một khi lòng tin đã mất thì khó lấy lại.

Dân vận hay dân túy

Trong một thể chế chồng chéo và bất cập, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay Ủy ban Dân vận Trung Ương đều do một ủy viên Bộ Chính trị phụ trách, để lo công tác dân vận (hay “dân túy”). Trong khi chính quyền luôn hô khẩu hiệu về nhà nước “của dân, do dân, vì dân” thì lòng tin của người dân ngày càng cạn kiệt. Trong khi chính phủ luôn quảng bá hình ảnh về “chính phủ kiến tạo và liêm chính”, thì các bộ ngành vẫn đang ỳ ạch trong tình trạng “trên bảo dưới không nghe” và “trên nóng dưới lạnh” hay “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”. Nghịch lý chống tham nhũng có thể biến Thủ Thiêm trở thành một quả “bom nổ chậm” (như Đồng Tâm và Formosa). Một đất nước có quá nhiều “bom nổ chậm” thì việc tụt hậu và rạn nứt là dễ hiểu.

Theo khảo sát của viện Gallup, Việt Nam và Singapore là hai quốc gia trong nhóm nước được xếp hạng “vô cảm nhất thế giới”. Nhưng trong khi Singapore (một nước tư bản “high-tech”) biết lo cho dân, thì Việt Nam (một nước XHCN “low-tech”) chỉ biết “ăn của dân không từ một cái gì”. Có lẽ sự vô cảm được biểu hiện rõ nhất là qua thái độ ứng xử của các quan tham (là “đầy tớ của dân”) đối với nhân dân (là “ông chủ”) trong các vụ cưỡng chế để chiếm đoạt ruộng đất làm dự án. Trong khi các vụ tranh chấp đất đai tại Văn Giang, Dương Nội, và Đồng Tâm… vẫn chưa được khắc phục, thì “bàn cờ Thủ Thiêm” đang trở thành một biến số mới trong chiến dịch chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, không chỉ nhắm vào nhóm lợi ích tại thành phố HCM, mà còn đụng chạm đến các bộ ngành Trung Ương (cùng chung lợi ích nhóm).

Để bắt chước mô hình “Phố Đông” (Thượng Hải), dự án xây dựng đô thị Thủ Thiêm đầy tham vọng (nhưng quan liêu và vô cảm). Các nhà quy hoạch “tháp ngà” thường “cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ quan tâm đến lợi ích và duyệt quy hoạch trên hồ sơ, mà không quan tâm đến con người (nên sớm muộn sẽ thất bại). Thật đáng xấu hổ khi một người nước ngoài như tiến sỹ Erik Harms (Đại học Yale) tác giả của cuốn sách “Xa hoa và Đổ nát” (Luxury và Rubble) viết về các đô thị mới (trong đó có Thủ Thiêm) còn biết nghĩ đến người dân khi nhận xét một cách xác đáng: “người dân Thủ Thiêm đã bị đối xử như không hề tồn tại” (Zing, 11/5/2018).

Kiểm soát quyền lực

Trong khi các quan tham ngày càng xa dân và đối xử với họ như “không hề tồn tại”, thì chính quyền càng tự cô lập mình và đánh mất chính danh. Trong một thể chế dựa trên độc quyền chứ không phải “pháp quyền” (rule of law), thì không thể kiểm soát được quyền lực, nhất là khi nó bị tha hóa trở thành “tư bản đỏ” (hay “xã hội đen”). Nếu không cải tổ thể chế toàn diện, thì dù có chống tham nhũng quyết liệt, cũng không thể diệt trừ được nguồn gốc sinh ra tham nhũng. Vì vậy, “người đốt lò vĩ đại” không thể cho hết “củi khô hay tươi” vào lò vì khu rừng tham nhũng quá lớn. Việt Nam có một thể chế chồng chéo, tự vô hiệu hóa, chỉ tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích dễ thao túng, làm cho kiểm soát quyền lực trở nên bất khả thi. Nhưng mô hình Trung Quốc không phải là sự lựa chọn khôn ngoan, vì sớm muộn nó cũng “đổ vỡ” (crack up). Những gì đang diễn ra tại bán đảo Triều Tiên là một lời cảnh báo mới, vì xu hướng “thoát Trung” đang diễn ra tại Đài Loan, Miến Điện, Triều Tiên (cũng như Việt Nam).

Theo Franscis Fukuyama (China’s bad emperor returns, Francis Fukuyama, Washington Post, March 6, 2018), Tập Cận Bình đã dập tắt hy vọng của người Trung Quốc về một xã hội cởi mở, minh bạch và tự do hơn, đàn áp mọi biểu hiện chống đối, và thiết chế một hệ thống kiểm soát xã hội bằng cách sử dụng “dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo” (big data and artificial intelligence) để theo dõi hành vi hàng ngày của công dân. Rốt cuộc, Trung Quốc dưới thời Tập sẽ cho thế giới thấy một nhà nước độc tài toàn trị trong thế kỷ 21 là như thế nào. Viêt Nam đang bắt chước Trung Quốc chống tham nhũng (như phương tiện) nhưng liệu có muốn bắt chước mô hình của Trung Quốc (như mục đích) hay không? Hy vọng lãnh đạo Việt Nam sẽ không dại dột trở thành “Hoàng đế An Nam”, theo mô hình “bad emperor” của Trung Quốc.

Muốn kiểm soát quyền lực, và chống tham nhũng có hiệu quả, phải hiểu sự chuyển dịch của quyền lực (power shifts), để cải tổ thể chế đúng hướng, dựa trên pháp quyền và sự đồng thuận của người dân (chứ không chỉ “dân vận” hay “mỵ dân”). Trong cuốn sách “sự cáo chung của quyền lực” (the end of power, Moises Naim, Basic Books, 2013), tác giả lập luận “trong thế kỷ 21, có thể dễ giành quyền lực, nhưng khó sử dụng, và dễ đánh mất”. Naim cảnh báo sự suy tàn của “siêu cường” (superpower) sẽ làm cho thế giới càng bất ổn định, dẫn đến tình trạng ách tắc (gridlock) và hỗn loạn (anarchy). Các “tiểu quyền lực” (micropowers) sẽ ngày càng nổi lên thách thức các “đại quyền lực” (megaplayers). Nếu dân chủ tự do trong thế kỷ 21 gặp rắc rối thì ít khả năng do các mối đe dọa “thông thường” (conventional threat) từ bên ngoài (như Trung Quốc hay Hồi giáo) mà là do mâu thuẫn nội tại từ bên trong xã hội.

Sửa đổi luật hay quy hoạch

Nguyên tắc “sở hữu toàn dân” về ruộng đất là một di sản từ thời bao cấp (với tư duy “công hữu hóa” công cụ sản xuất), nay trở thành một rào cản lớn cho cải cách và phát triển kinh tế thị trường tại Việt Nam, tạo ra bất cập lớn cho nền kinh tế chuyển đổi. Nếu không thay đổi tư duy lỗi thời đó và sửa đổi hiến pháp để tháo gỡ cái nút thắt này, thì Việt Nam vẫn bị mắc kẹt trong mối quan hệ xã hội thân hữu bị lợi ích nhóm thao túng, dẫn đến tham nhũng đất đai và phát triển bất động sản vô tội vạ, tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Cũng như tranh chấp đất đai tại khắp nơi trên toàn quốc, những khuất tất về quy hoạch Thủ Thiêm phản ánh thực trạng chung khi các nhóm lợi ích lợi dụng kẽ hở của luật đất đai để thâu tóm tài sản, xô đẩy người dân vào bước đường cùng, tạo ra một quả bom nổ chậm (hay cái nồi áp xuất khổng lồ).

Chính quyền thành phố HCM (dưới thời Bí thư Lê Thanh Hải và Phó Bí thư thường trực là Nguyễn Văn Đua) đã ban hành quyết định QĐ 6565 (ngày 27/12/2005) phê duyệt đồ án tỷ lệ 1/2.000 điều chỉnh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Những “điều chỉnh” này đã làm thay đổi hẳn bản quy hoạch gốc về Thủ Thiêm đã được thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt (quyết định QĐ 367 ngày 4/6/1996). Theo ông Võ Viết Thanh (cựu chủ tịch UBND thành phố) quyết định 6565 (của UBND thành phố) đã thay thế quyết định 367 (của thủ tướng chính phủ). Ông Võ Viết Thanh còn lưu giữ đầy đủ những bản đồ quy hoạch gốc được chính phủ duyệt, chứ không phải “bị biến mất” như nhóm lợi ích nói (hòng xóa dấu vết để chạy tội).

Dựa vào quy hoach đã được sửa đổi này, nhóm lợi ích (được bí thư Lê Thanh Hải chống lưng) đã thẳng tay đuổi dân, “xẻ thịt” đất Thủ Thiêm, chia cho nhóm lợi ích dưới danh nghĩa “nhà đầu tư”. Theo đó, UBND thành phố HCM đã giao cho công ty (sân sau) Đại Quang Minh thực hiện 4 cung đường với chiều dài có 11,9 km nhưng tổng chi phí đầu tư lên đến 12.182 tỷ đồng. Đổi lại, UBND thành phố đã giao cho Đại Quang Minh khu đất sạch có diện tích gần 79 hecta. Đại Quang Minh tiếp tục được UBND thành phố giao cho xây dựng cầu dây văng Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 với quận 2) với tổng chi phí lên đến 4.260 tỷ đồng. Đổi lại, UBND thành phố đã cấp cho Đại Quang Minh 13,5 hecta đất cũng tại Thủ Thiêm. Có lẽ vì vậy mà ông Võ Viết Thanh đã bất lực thốt lên rằng “Đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm”.

Lời kết

Với vụ đại án Thủ Thiêm sắp tới, khi nhiều “củi to” sắp bị cho vào lò đang “nóng rực lên rồi”, chiến dịch chống tham nhũng ngày càng quyết liệt có dấu hiệu đang “biến lượng thành chất”. Muốn hay không, phải thừa nhận rằng “người đốt lò vĩ đại” là một biến số lớn, như một câu hỏi khó giải mã đối với các nhà “Việt Nam học” đang nghiên cứu quá trình chuyển đổi kinh tế và chính trị tại quốc gia theo mô hình “không chịu phát triển” này. Điều đó có thể đúng với nhận định của Moises Naim trong cuốn sách “sự cáo chung của quyền lực”.

Cũng như bài học Đồng Tâm và các bài học khác (như Formosa), “Hội chứng Thủ Thiêm” còn phản ánh quy luật “cùng tắc biến”, (tuy chưa biết nó có dẫn đến “biến tắc thông” hay không). Nếu chiến dịch chống tham nhũng “từ trên xuống” (top-down) dẫn đến tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hay “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”, thì đã đến lúc “người đốt lò vĩ đại” cần nghĩ phải làm gì tiếp để công sức chống tham nhũng không bị uổng phí. Để hóa giải “nghịch lý chống tham nhũng”, Đảng không phải chỉ lấy lòng dân để lấy lại chính danh và nhất thể hóa để củng cố quyền lực và giảm chi phí quá lớn cho một hệ thống chồng chéo, mà còn phải cải tổ thể chế toàn diện để đảm bảo hệ quả của chống tham nhũng không bị đảo ngược.

NQD. 15/5/2018