09 mai 2018

Tất Thành Cang có mất ‘trung ủy’ tại Hội nghị trung ương 7?


Thiền Lâm



Phó bí thư thành ủy
TP.HCM 
Tất Thành Cang
Vietnam – Cali Today news – Vừa lộ ra một dấu hiệu cho thấy Ủy viên trung ương đảng, Phó bí thư thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang – nhân vật được xem là ‘đệ ruột’ của cựu ủy viên bộ chính trị, bí thư thành ủy TP.HCM kiêm ‘đại gia tư bản đỏ’ Lê Thanh Hải – có thể bị mất ghế ‘trung ủy’ (một cách gọi tắt về uỷ viên trung ương đảng) tại Hội nghị trung ương 7 – được khai mạc vào ngày 7/5/2018.





Vào chiều muộn ngày 6/5, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức ‘họp báo’, mà thực chất là mời nhiều tờ báo đến, để thông tin về ‘Thành ủy TP.HCM yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang liên quan vụ đất ở Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và sẽ thanh tra toàn diện Công ty Tân Thuận’, trong đó có nội dung ‘cá nhân ông Tất Thành Cang có liên đới khi chấp thuận chủ trương cho chuyển nhượng, và chấp thuận chủ trương bán chỉ định cho khu đất rộng hơn 30 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè với giá 1,29 triệu đồng/m2 cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai’.

Thông tin trên được thông báo là ‘thông tin ban đầu’, nghĩa là sẽ còn những thông tin nữa về vụ mua bán 32 ha đất Nhà Bè giữa Công ty Tân Thuận (100% vốn của Thành ủy TP.HCM) và Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, với bút phê ‘ăn mảnh’ của Tất Thành Cang.

Cuộc ‘họp báo’ vào chiều ngày 6/5 lại diễn ra ngay trước Hội nghị trung ương 7 và sớm hơn thời hạn kết thúc kiểm tra vụ Tân Thuận do Ủy ban Kiểm tra thành ủy TP.HCM thực hiện 2 ngày (dự kiến kết thúc ngày 8/5).

Vì sao Thành ủy TP.HCM lại nhiệt tình ‘vạch áo cho người xem lưng’ đến thế, trong khi nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trước đó trong chính quyền thành phố này đã không được công khai?

‘Công khai’ là từ ngữ mà Nguyễn Phú Trọng thường dùng để chỉ đạo công tác tuyên truyền trong thời gian gần đây. Hai vụ bắt các tướng công an Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh (đường dây công an bảo kê đánh bạc công nghệ cao) và tướng Phan Hữu Tuấn (liên quan vụ Vũ ‘Nhôm’) đều được công khai khá nhiều chi tiết và tình tiết.

Tròn một năm trước, bí thư thành ủy TP.HCM khi đó là Đinh La Thăng cũng bất ngờ bị ‘công khai’: một chiều muộn nọ, báo chí tại thành phố này, đặc biệt là tờ Tuổi Trẻ mà trước đó có không ít bài ca ngợi Đinh La Thăng, đã bất ngờ đăng tin bài dày đặc về vụ Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận kiểm tra đối với ông Thăng với những ‘sai phạm rất nghiêm trọng’, vào thời Thăng còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Còn bây giờ, đến lượt cấp phó của Đinh La Thăng là Tất Thành Cang.

Với dấu hiệu ngày càng rõ ràng về ‘cố ý làm trái’, ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn…’ và có thể cả ‘nhận hối lộ’, Tất Thành Cang đang phải đối mặt với khả năng bị khởi tố điều tra hình sự và sẽ phải đối mặt với song sắt nhà tù như Đinh La Thăng đã từng.
Ảnh: Phước Tuần.




Chỉ vài ngày trước buổi thông tin của Thành ủy TP.HCM về vụ việc trên, công luận đã được biết tên của ‘thủ phạm’ chỉ đạo vụ mua bán mà đã có thể gây thất thoát đến 2.400 tỷ đồng này là Tất Thành Cang.
Ngày 1/6/2017, Văn phòng Thành ủy có Thông báo số 512-TB/VPTU, thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận được chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai. Thậm chí, nghiêm trọng nhất là Tờ trình của Công ty Tân Thuận đề xuất là “hợp tác kinh doanh” nhưng Phó Bí thư Tất Thành Cang còn lộng hành “vượt đề xuất”, cho ý kiến chỉ đạo là chuyển nhượng luôn khu đất cho tư nhân.

Căn cứ vào hồ sơ vụ việc mua bán thì rõ ràng đã có sự vi phạm nghiêm trọng trong việc bán chỉ định tài sản Nhà nước này, trong đó việc không thực hiện bán đấu giá theo quy định đã gây ra thất thoát rất lớn đối với tài sản Nhà nước. Việc không cho các đơn vị thẩm định giá trị tài sản trước khi chuyển nhượng tài sản của Nhà nước là dấu hiệu sai phạm hết sức nghiêm trọng, có thể bị xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khả năng “kịch bản Đinh La Thăng” lặp lại là khá cao. Một khi Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang đã ký vượt quyền và ký sai pháp luật đối với vụ “bán bèo” 32 ha đất Nhà Bè, chắc chắn ông Cang sẽ bị “bay chức” ngay trong tháng Năm năm 2018, sau khi Ủy ban Kiểm tra thành ủy có báo cáo chính thức cho Nguyễn Thiện Nhân và Trần Quốc Vượng.

Nhưng ‘bay chức’ vẫn còn là phương án tối ưu, xét trong hoàn cảnh hiện thời. Bởi với dấu hiệu ngày càng rõ ràng về ‘cố ý làm trái’, ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn…’ và có thể cả ‘nhận hối lộ’, Tất Thành Cang đang phải đối mặt với khả năng bị khởi tố điều tra hình sự và sẽ phải đối mặt với song sắt nhà tù như Đinh La Thăng đã từng.

Ngay trước mắt, cơ chế ‘công khai hóa thông tin’ vụ Tất Thành Cang cùa Thành ủy TP.HCM đang như thể tạo tiền đề để Hội nghị trung ương 7 ‘xem xét tư cách ủy viên trung ương’ của ông Cang – một hành động tương tự như vụ loại ‘trung ủy’ của bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017.



Nếu Tất Thành Cang bị loại khỏi ủy viên trung ương và ghế Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM, Lê Thanh Hải sẽ mất đi tấm lá chắn cố thủ nhất, để cùng với vụ ‘khu đô thị mới Thủ Thiêm’ và có thể hàng loạt vụ việc có dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng khác, ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ sẽ hội tụ đầy đủ triển vọng được tống vào ‘lò’ ngay trong năm nay.

-------------------------------