Thiền Lâm
Vietnam – cali Today news – Chỉ trong hai tuần lễ, diễn biến vụ Thủ Thiêm đã xoay cực một cách đáng
kinh ngạc.
Trong tuần đầu
tiên của vụ ‘khủng hoảng Thủ Thiêm’, vụ việc đã được xới tung lên và trở nên ồn
ào một cách đầy chủ ý. Báo chí nhà nước ồ ạt vào cuộc và tung tin bài như thể
vô số bất công của vụ Thủ Thiêm mới được phát hiện lần đầu tiên.
Cũng khá nhanh
chóng, đã có những tờ báo và facebooker chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu
bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ:
Nguyễn Văn Đua – Phó chủ tịch ủy ban nhân dân TP.HCM, Lê Thanh Hải – Chủ tịch
TP.HCM và sau đó là Bí thư thành ủy TP.HCM.
Nguyễn Văn Đua
bị ‘tố’ là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ
nhận cả quyết định trước đó của Thủ tướng chính phủ.
Còn Lê Thanh Hải
– vào thời còn là chủ tịch thành phố, đã ‘dọn đường’ cho việc thay đổi quy
hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 ha đất mà trước đó dùng làm khu vực tái
định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và
cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Bầu không khí cứ
như là sắp khởi tố điều tra vụ Thủ Thiêm đến nơi.
Nhiều quan chức
của TP.HCM và bộ ngành liên quan vội vã lên tiếng thanh minh để tránh trách
niệm của quá khứ và hiện tại. Nếu Tất Thành Cang – Phó bí thư thường trực thành
ủy TP.HCM, đã phải nhập viện Chợ Rẫy ngay sau khi một bài viết về những dấu
hiệu tiêu cực của ông Cang xuất hiện trên báo Người Tiêu Dùng, người ta có thể
hình dung tâm trạng lo âu và bất an đến thế nào của nhiều quan chức khác.
Không còn nghi
ngờ gì nữa, ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng đã di dời vào Sài Gòn và đang tỏa sức
nóng ngày càng thiêu đốt. Mà cuộc đời của rất nhiều quan chức lại không thể
không ít nhất vài ba lần nhúng chàm. Ai cũng cảm thấy mình sắp sửa bị tống vào
‘lò’.
Trong những ngày
này, chắc chắn không ít dư luận người dân và công chức đang ủng hộ Nguyễn Phú
Trọng trong chiến dịch truy quét tham nhũng ở Thủ Thiêm. Tuy nhiên, sau tuần
đầu tiên bùng nổ truyền thông về Thủ Thiêm, sang tuần tiếp theo báo chí đã im
bặt một cách kỳ lạ.
Chỉ có thể hiểu
là nếu vào tuần đầu tiên, báo chí được ‘mở miệng’ là do Ban Tuyên giáo trung
ương bật đèn xanh, thì đến tuần sau đó cũng chính cơ quan tuyên giáo này siết
‘vòng kim cô’; trên đầu hơn 800 tờ báo nhà nước.
Vào cuối tuần
đầu tiên của vụ Thủ Thiêm, có tin Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn
Thưởng đã vào Sài Gòn làm việc và yêu cầu báo chí ngừng đăng bài về vụ này.
Một lần nữa kể
từ sau vụ Formosa, ‘nền báo chí cách mạng’ cùng hơn 800 tờ báo như thể bị một
cái bạt tai ‘rọ mõm’.
Trong vụ
Formosa, báo chí nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương ‘khóa miệng’ sau
khoảng một chục ngày ‘xả xu pap’.
Không khí lắng
bặt quá đột ngột như thế càng khiến người dân vẫn lờ mờ nhìn thấy bóng dáng một
nhóm quyền lực và lợi ích khổng lồ nào đó đứng đằng sau, hoặc sát bên cạnh
chiến dịch này, thậm chí sát cạnh ông Trọng. Nhóm đó là nhóm nào, gồm những ai?
Nhóm quyền lực – lợi ích này có lợi dụng chiến dịch của ông Trọng để ‘tống
tiền’ nhóm quyền lực – lợi ích cũ của Lê Thanh Hải?
Bởi một kịch bản
mà nếu trở thành hiện thực thì người dân sẽ phải dìm chút hy vọng còn lại vào
Nguyễn Phú Trọng xuống tận đáy: sau khi đã có kết quả kiểm tra hoặc thanh tra,
một thế lực chính trị – lợi ích sẽ lấy kết quả đó để tống tiền và ngã giá với
những quan chức sắp bị tống vào ‘lò’. Lối thoát duy nhất của những quan chức
này là phải ‘ói ra’, tức phải nhả ra nhiều lô đất vàng tại khu vực Thủ Thiêm
cho nhóm lợi ích mới với giá cực thấp hoặc ‘cho không’. Nếu chịu ‘ói ra’, sẽ
chẳng có quan chức nào phải trả giá, hoặc cùng lắm chỉ bị ‘cách hết mọi chức vụ
trong quá khứ’ như một động tác ma mị đối với dân chúng. Và cũng chẳng có đồng
tiền bồi thường nào đến tay dân oan, mà tất cả sẽ chui vào túi của những kẻ
tống tiền.
Còn giờ đây,
đang có dấu hiệu chính quyền TP.HCM xin trung ương ‘xử lý nội bộ’, còn Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa tổ chức một cuộc họp về vụ Thủ Thiêm với kết luận
rất nước đôi và rất yếu ớt, như thể ông Phúc đang cố che chắn cho một nhóm lợi
ích nào đó đã ‘ăn đất’ ở cái vùng đất đã chứng kiến không ít oan hồn dân oan
phẫn uất này.
Trong kết luận
chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính
pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và một quyết định ‘thay
thế’ của Phó chủ tịch chính quyền TP.HCM Nguyễn Văn Đua.
Ông Phúc cũng
hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản
đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc cũng chỉ dùng
từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức TP.HCM, trong khi vụ Thủ
Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…
Phải chăng vào
khoảng thời gian báo chí bị ‘khóa miệng’, một nhóm quyền lực – lợi ích mới đang
bí mật đàm phán với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để ‘chuyển giao với giá rẻ’ một
phần lớn hoặc toàn bộ đất vàng ở Thủ Thiêm?
Và những quan
chức cao cấp nào đang có vai trò ‘đạo diễn’ cho cuộc đi đêm như thế?