Anh Quân
(GDVN) - Thử nhìn rộng ra, cái tính trịch thượng, cậy uy quyền này ngấm vào
máu thì những đứa trẻ như thế lớn lên sẽ thế nào? Đáng lo ngại lắm thay!
sao đỏ |
Có khá nhiều ý kiến cho rằng, cần chấm dứt ngay đội sao đỏ trong trường học. Bởi, hình thức tổ chức này đem
lại điều lợi thì ít mà những hệ lụy lại quá nhiều.
Điều đáng buồn nhất là biến những cô cậu học trò vô tư, hồn nhiên, trong
sáng kia trở thành những “thám tử”, những “mật vụ”, những “cảnh sát” nhí chuyên
điều tra, bắt bớ và tố tội các bạn đồng trang lứa.
Nguy hại hơn nữa, cái “quyền uy” ấy ngấm sâu vào người để chính các em
trong đội sao đỏ cũng không ý thức được đây chỉ là nhiệm vụ được giao ở trường.
Vì thế, đã có không ít chuyện buồn, chuyện xích mích xảy ra do một số sao
đỏ nhập vai quá đạt.
Xin được kể một số câu chuyện về Sao đỏ
sau cánh cổng trường:
Câu chuyện thứ nhất
Mấy tuần nay, lớp 4A liên tục bị đứng chót bảng xếp hạng. Cô giáo Mai đã bị
hiệu trưởng nhắc nhở về nề nếp đi xuống. Cô mượn sổ trực để xem lớp vướng lỗi
gì mà bị trừ nhiều điểm như vậy.
Vào đầu giờ hôm ấy, cô Mai không tiếp tục bài giảng như bình thường, cô lên
lớp hét “vọng cổ” (cách mà học sinh thường nói khi lớp bị thầy cô la mắng) gần
hết tiết.
Người hứng trận lôi đình hôm ấy là Dũng vì em vi phạm khá nhiều lỗi như
không đội mũ bảo hiểm, nói tục... những lỗi này điểm trừ khá nặng.
Khi Dũng bị cô gọi đứng lên la rầy, em mếu máo khóc và nói: “Hôm chủ nhật,
mẹ chở con đi chơi, con nói đội mũ bảo hiểm mà mẹ vội nên không cho vào lấy”.
Nghe đến chủ nhật, cô Mai hỏi lại: “Chủ nhật là sao? Không phải em vi phạm
khi đi học tới trường à?”.
Dũng cho biết cả chuyện nói tục cũng bị anh Hùng (nhà hàng xóm thành viên
trong đội sao đỏ của trường) ghi vào.
Rồi em kể, ảnh gần nhà nên hay chơi chung, nếu không nhường anh, không cho
anh đồ ăn, anh hay hăm dọa Dũng chuyện sẽ ghi tên vào sổ cờ đỏ.
Tưởng chỉ lớp mình mới có hiện tượng ấy, trao đổi với một số giáo viên
khác, cô Mai được biết lớp họ cũng hay có chuyện như thế xảy ra.
Có học sinh còn tố, ở nhà con cũng thấy mấy anh chị cờ đỏ chạy xe không đội
mũ bảo hiểm mà có sao đâu?
Câu chuyện thứ hai
Đâu chỉ mình sao đỏ mới ra oai “bắt bớ”, không ít em là bạn thân của sao đỏ
cũng biết cách dựa hơi.
Cậu bạn tên Tuấn kể rằng, ở trong xóm em vẫn thường xuyên bị mấy anh chị
học lớp 4, 5 dọa mách sao đỏ.
Mẹ của Tuấn có lần bức xúc nói với giáo viên: “Tôi thật sự mệt mỏi, không
ít lần thằng con về nhà khóc lóc vì bị mấy anh chị mách cờ đỏ ghi tên vào sổ
rồi.
Chuyện trẻ nhỏ chơi với nhau sao tránh khỏi cãi vã, xích mích. Nhưng vì
thế, chúng ghi tên con vào sổ sẽ phiền phức ra”.
Cô Thanh nói cũng nhờ sự phản ứng đó của phụ huynh mà mình biết được những
chuyện cờ đỏ làm sau cổng trường để báo với Tổng phụ trách chấn chỉnh.
Câu chuyện thứ ba
Cuốn sổ của sao đỏ được nhiều học sinh gọi là “sổ đen” vì ai có tên trong
ấy gần như sẽ hứng trọn trận lôi đình từ phía thầy cô. Nhiều học sinh luôn cố
gắng, gồng mình để không bị liệt vào sổ.
Nhưng, số khác lại truyền nhau “bí kíp” phạm lỗi mà cũng như không. Đó là
cách lấy lòng, mua chuộc sao đỏ.
Bạn Duy một học sinh lớp 3 kể rằng: “Có bánh ngon để dành sao đỏ. Có truyện
hay cũng dành sao đỏ đọc trước…”.
Một lần cô Hưng nghe một số học sinh lớp mình tố: “Bạn Thường tuần trước đi
học trễ, không mang khăn quàng nhưng vẫn không bị ghi tên vì bạn ấy thân với
sao đỏ”.
Mách thì mách thế đương nhiên giáo viên chỉ nhắc nhở lần sau ráng đi học
sớm chứ làm gì xử lý. Bởi không có tên trong sổ là không bị trừ điểm. Nhiều
thầy cô chỉ quan tâm tới việc lớp có bị trừ thi đua hay không là đủ.
Và còn nhiều, rất nhiều những chuyện buồn về sao đỏ. Một số thành viên
trong đội sao đỏ tự cho phép mình cái quyền được kiểm soát bạn bè ở tất cả mọi
nơi trong khi bản thân mình lại không gương mẫu.
Thử nhìn rộng ra, cái tính trịnh thượng, cậy uy quyền này ngấm vào máu thì
những đứa trẻ như thế lớn lên sẽ thế nào? Đáng lo ngại lắm thay!
Đã đến lúc chúng ta cần xem xét có nên tồn tại hình thức đội sao đỏ trong
trường học như hiện nay hay không?