Vương Hà
Minh họa: Ngọc Diệp |
Thực tế, dư luận không lạ gì “sân sau” - một trong những mánh khóe của những cá
nhân có chức, có quyền lập ra để moi ruột ngân khố. Nhưng, từ trước đến nay,
chưa vị lãnh đạo nào bị xử lý về việc kiếm tiền bất hợp pháp từ “sân sau” này.
Có thể, có những vị đã bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm, tội cố ý làm trái,
kể cả tội tham nhũng, nhưng chưa có bản cáo trạng nào vạch rõ, một trong những
“quỷ kế” của các đối tượng này từ “sân sau” mà ra, dù rằng bóng dáng nó khá rõ.
Chính vì vậy, người dân không chỉ thì thầm bên ly cà phê, mà nhiều khi công
khai tố ông A, ông B có “sân sau” do họ hàng các vị này đứng tên, nhưng chỉ bên
ly rượu cay. Hầu hết họ chỉ dừng ở mức “xả ra” cho đỡ bức xúc.
Nhưng, tất cả vẫn chỉ là cảm nhận, là tin đồn.
Nó chỉ thành tin chính thống khi Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc nói thẳng: “Có ông không chỉ một sân sau mà còn hai, ba thậm chí là
13-14 sân sau . Có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau buôn bán nguyên vật liệu.
Đừng nói Thủ tướng không biết vấn đề này” tại Hội nghị đổi mới doanh nghiệp nhà
nước vừa qua. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Thủ tướng biết rõ hết. Chỉ riêng việc
công bố chuyện này, dư luận tin rằng, ít nhất, một số vị lãnh đạo bộ, ngành,
địa phương, doanh nghiệp sẽ tạm thời “co vòi” hoặc bớt trắng trợn hơn.
Vậy, Thủ tướng còn nắm rõ những “sân sau”, chẳng lý
gì các cơ quan chức năng không biết. Vấn đề nằm ở chỗ, họ có đủ dũng khí, đủ
“lực” vạch mặt chỉ tên cụ thể những “sân sau” của vị A, vị B, C nào đó. Dù
rằng, làm được điều này không đơn giản, nhưng không phải là quá khó. Nói khó là
bởi, các hợp đồng kinh tế với “sân sau” thường đúng “quy trình”, kể cả chỉ định
thầu. Nhưng cũng không khó bởi, cách thức đấu thầu, chỉ định thầu, các đơn giá
… kiểu gì cũng có những lỗ hổng không hề bé. Không ít cán bộ, viên chức trong
đơn vị cũng có thể nói vanh vách những dấu hiệu bất thường trong những hợp đồng
kinh tế mà thủ trưởng của mình ký kết. Vấn đề là họ biết cũng chỉ thầm thì
những bức xúc, ấm ức với nhau bên chén trà. Trong khi đó, một vài người dũng
cảm “bung” ra với cơ quan chức năng, đa phần trong số đó khó tránh khỏi tai họa
ập đến. Thực tế, không ít vụ đã được công luận đề cập những oan khuất, bị trù
dập của những người dám tố cáo.
Giờ đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói thẳng về
hiện tượng này, thì chắc chắn ông cũng sẽ chỉ đạo rốt ráo xử lý việc nghiêm
khắc những vị lãnh đạo đang có những cái “sân sau” làm bình phong để đục khoét
ngân khố quốc gia.
Nguy hiểm là, những DN “sân sau” ăn không chỉ phần
trăm của dự án, mà nó khiến dự án dễ chết yểu bởi chất lượng trang thiết bị kém
chất lượng được mua sắm. 12 đại dự án “đắp chiếu”, trong đó nợ 58 ngàn tỷ, ôm
lỗ 18 ngàn tỷ của Bộ Công thương từng nằm, hoặc vẫn nằm “đắp chiếu” là ví dụ
sinh động nhất.
Về sự nguy hiểm của những “sân sau”, trong một hội
nghị của TP Hà Nội đầu năm 2017, nói về “cuộc chiến” giành lại vỉa hè cho người
đi bộ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cảnh báo: “ hơn 180 quán bia vỉa vè thì
có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau…”, “Các bí thư, chủ tịch quận
ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà,
có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không? Có đấy.” Còn gì thẳng và rõ ràng hơn.
Với phong cách vị tướng, ông Chung đặt ra câu hỏi:
Những ai “bảo kê” và vì đâu thành phố ra quân bao lần đều thất bại? Điều đó cho
thấy, ông Chung rất tâm huyết, quyết tâm trong “cuộc chiến” chống những “cái
ô”, những “sân sau”, đồng thời cũng cho thấy “cuộc chiến” này khó đến mức nào.
Thực tế gần 2 năm qua, “cuộc chiến” giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội
và nơi khởi xướng là TP Hồ Chí Minh lúc đầu đều kiên quyết, quyết liệt, được
công luận ủng hộ nhiệt thành, nhưng đáng tiếc, kết quả đạt được chẳng đáng là
bao, rất nhiều nơi, đâu vẫn hoàn đấy. Còn gì chua chát hơn. Điều đó cho thấy,
“cuộc chiến” với những vị quan chức “ăn” không từ thứ gì, đặc biệt khi họ cấu
kết với nhau thành những nhóm lợi ích “hùng mạnh” là không đơn giản chút nào.
Vương Hà
Nguồn: Dantri
Nguồn: Dantri