Nguồn: Raghuram G. Rajan, “Why Capitalism
Needs Populism”, Project
Syndicate, 06/05/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên
Các tập đoàn lớn đang bị công kích mạnh mẽ ở Hoa
Kỳ. Amazon đã hủy bỏ kế hoạch mua trụ sở mới tại quận Queen của thành phố New
York do sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương. Lindsey Graham, một
thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện cho Nam Carolina, đã nêu quan ngại về vị
thế thị trường áp đảo của Facebook, trong khi đồng nghiệp phía đảng Dân chủ của
ông, bà Elizabeth Warren đại diện cho bang Massachusetts, đã kêu gọi chia nhỏ
công ty. Warren cũng đã đưa ra các dự luật quy định dành 40% số ghế trong hội
đồng quản trị các công ty cho người lao động.
Những đề xuất như vậy nghe có vẻ lạc lõng giữa
thiên đường của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, nhưng cuộc tranh luận hiện
tại chính là những gì nước Mỹ cần. Trong suốt lịch sử của đất nước này, chính
những người chỉ trích chủ nghĩa tư bản đã giúp đảm bảo chủ nghĩa tư bản hoạt
động đúng đắn bằng cách chống lại sự tập trung sức mạnh kinh tế cũng như ảnh
hưởng chính trị mà điều đó mang lại. Khi một vài tập đoàn thống trị nền kinh
tế, họ chắc chắn sẽ hợp tác với các công cụ kiểm soát nhà nước, tạo ra một liên
minh không lành mạnh giữa giới tinh hoa tư nhân và khu vực công.
Đây là những gì đã xảy ra ở Nga, đất nước chỉ dân
chủ và tư bản trên hình thức. Bằng cách duy trì sự kiểm soát hoàn toàn đối với
hoạt động khai thác tài nguyên và ngành ngân hàng, một đầu sỏ chính trị thân
thiết với Điện Kremlin có thể loại trừ khả năng chấp nhận sự cạnh tranh kinh tế
và chính trị có ý nghĩa. Trên thực tế, Nga là hiện thân đỉnh cao của vấn đề mà
Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower đã mô tả trong diễn văn kết thúc nhiệm
kỳ năm 1961 của mình, khi ông khuyên người Mỹ cảnh giác “chống lại việc thâu
tóm ảnh hưởng không chính đáng” của “liên minh công nghiệp – quân sự” và “khả
năng trỗi dậy tai hại của quyền lực được đặt nhầm chỗ”.
Với việc nhiều ngành công nghiệp Hoa Kỳ đã bị chi
phối bởi một vài “công ty siêu sao”, chúng ta nên vui mừng khi các “nhà hoạt
động xã hội dân chủ” và người biểu tình dân túy đang lưu tâm tới cảnh báo của
Eisenhower. Nhưng, không giống như ở Nga, nơi những kẻ đầu sỏ có được sự giàu
có nhờ chiếm đoạt tài sản nhà nước vào những năm 1990, các công ty siêu sao của
Mỹ đã đạt được thành quả của mình nhờ hoạt động hiệu quả hơn. Điều này có nghĩa
là những nỗ lực điều tiết phải tinh tế hơn – dùng “dao mổ” hơn là “búa
tạ”.
Cụ thể, trong kỷ nguyên của chuỗi cung ứng toàn
cầu, các tập đoàn Mỹ đã được hưởng lợi từ hiệu quả kinh tế của quy mô, hiệu ứng
mạng và việc sử dụng dữ liệu thời gian thực để cải thiện hiệu suất và hiệu quả
hoạt động tại tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất. Một công ty như
Amazon học hỏi từ chính dữ liệu của mình liên tục để giảm thiểu thời gian giao
hàng và cải thiện chất lượng dịch vụ. Tự tin về sự vượt trội của mình so với
các đối thủ, các công ty này cần rất ít sự ưu ái từ chính phủ – một lý do khiến
người sáng lập Amazon Jeff Bezos có thể ủng hộ tờ Washington Post,
vốn thường chỉ trích chính quyền Mỹ.
Nhưng việc các “công ty siêu sao” ngày nay siêu
hiệu quả không có nghĩa là họ sẽ giữ nguyên như vậy, đặc biệt là khi không có
sự cạnh tranh thực thụ. Những người đang giữ vị thế áp đảo sẽ luôn bị cám dỗ
muốn duy trì vị trí của họ thông qua các biện pháp phản cạnh tranh. Bằng cách
ủng hộ các đạo luật như Đạo luật Lừa đảo và Lạm dụng Máy tính năm 1984 và Đạo
luật Bản quyền Thiên niên kỷ Kỹ thuật số năm 1998, các công ty Internet hàng
đầu đã đảm bảo rằng các đối thủ cạnh tranh không thể thâm nhập vào nền tảng của
họ để hưởng lợi từ các hiệu ứng mạng do người dùng tạo ra. Tương tự, sau cuộc
khủng hoảng tài chính năm 2009, các ngân hàng lớn chấp nhận việc gia tăng các
quy định là điều không thể tránh khỏi, và vì thế đã vận động hành lang cho các
quy tắc dẫn đến gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật, gây bất lợi cho các đối
thủ nhỏ hơn. Và giờ đây, khi chính quyền Trump muốn thúc đẩy thuế nhập khẩu,
các công ty có quan hệ tốt có thể ảnh hưởng đến việc ai được bảo vệ và ai phải
gánh chi phí từ việc tăng thuế.
Nói chung, nếu các quyền sử hữu trí tuệ, các quy
định và thuế quan do chính phủ nêu ra – chứ không phải năng suất – càng định
hình lợi nhuận cho một tập đoàn bao nhiêu, thì họ càng phụ thuộc vào lòng nhân
từ của chính phủ bấy nhiêu. Sự đảm bảo duy nhất cho hiệu quả và sự độc lập
trong tương lai của các công ty chính là sự cạnh tranh vào ngày hôm nay.
Áp lực lên chính phủ trong việc giữ cho chủ nghĩa
tư bản luôn mang tính cạnh tranh, cũng như trong việc ngăn nó dạt theo hướng bị
thống trị bởi một số công ty, thường đến từ những người bình thường, những
người tự tổ chức một cách dân chủ trong cộng đồng của họ. Không sở hữu ảnh
hưởng của giới thượng lưu, họ thường muốn có sự cạnh tranh nhiều hơn và sự tiếp
cận mở. Ở Mỹ, phong trào Dân túy cuối thế kỷ 19 và phong trào Tiến bộ đầu thế
kỷ 20 là những phản ứng đối với sự độc quyền trong các ngành công nghiệp trọng
yếu như đường sắt và ngân hàng. Các cuộc vận động ở cấp cơ sở này đã dẫn đến
các quy định như Đạo luật Chống độc quyền năm 1890, Đạo luật Glass-Steagall năm
1933 (mặc dù ít trực tiếp hơn) và các biện pháp để cải thiện khả năng tiếp cận
giáo dục, y tế, tín dụng và cơ hội kinh doanh. Bằng cách ủng hộ sự cạnh tranh,
các phong trào này không chỉ giữ cho chủ nghĩa tư bản sôi động, mà còn ngăn
chặn nguy cơ chủ nghĩa độc đoán của các tập đoàn lớn.
Ngày nay, khi các việc làm tốt nhất tập trung ở các
“công ty siêu sao” vốn tuyển dụng chủ yếu người tốt nghiệp một vài trường đại
học danh tiếng, và khi các công ty vừa và nhỏ nhận thấy con đường tăng trưởng
của mình đầy rẫy các cản trở do các công ty thống trị đặt ra, và khi hoạt động
kinh tế từ bỏ các thị trấn nhỏ và các cộng đồng bán-nông thôn để chuyển tới các
siêu đô thị, chủ nghĩa dân túy lại đang nổi lên một lần nữa. Các chính trị gia
đang tranh giành nhau để tận dụng xu thế này, nhưng không có gì đảm bảo rằng
các đề xuất của họ sẽ đưa chúng ta đi đúng hướng. Như trường hợp những năm 1930
đã cho thấy, điều này có thể dẫn tới những viễn cảnh thay thế u ám hơn so với
hiện trạng. Nếu các cử tri tại các ngôi làng Pháp hay thị trấn nhỏ đang rệu rã
của Mỹ bị tuyệt vọng và mất niềm tin vào nền kinh tế thị trường, họ sẽ dễ dàng
chạy theo lời hiệu triệu của chủ nghĩa dân tộc sắc tộc hoặc chủ nghĩa xã hội
cực đoan. Điều đó sẽ chấm dứt cả sự thịnh vượng và dân chủ.
Phản ứng đúng đắn không phải là một cuộc cách mạng,
mà là sự tái cân bằng. Chủ nghĩa tư bản cần cải cách từ trên xuống, chẳng hạn
như cập nhật các đạo luật chống độc quyền, để đảm bảo rằng các ngành công
nghiệp vẫn hiệu quả và mở, không bị độc quyền. Nhưng nó cũng cần các chính sách
từ dưới lên để giúp các cộng đồng bị tàn phá về kinh tế tạo ra các cơ hội mới
và duy trì sự tin tưởng của các thành viên vào nền kinh tế thị trường. Những
lời chỉ trích dân túy phải được chú ý, ngay cả khi những đề xuất cực đoan của
các nhà lãnh đạo dân túy không được tuân theo một cách mù quáng. Đây là điều
cần thiết để bảo tồn cả các thị trường sôi động lẫn nền dân chủ.
Raghuram G. Rajan, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ
từ năm 2013 đến 2016, là Giáo sư Tài chính tại Trường Kinh doanh Booth tại Đại
học Chicago và là tác giả, gần đây nhất, của cuốn The Third Pillar:
How Markets and the State Leave the Community Behind.
Copyright: Project Syndicate 2019