08 février 2020

CÚM VŨ HÁN VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM



Một trong những nạn nhân của chính sách bưng bít thông tin trong vụ khủng hoảng cúm Vũ Hán - bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) - đã chết. Cái chết bác sĩ Lý có đánh thức được lương tri giới lãnh đạo Bắc Kinh? Với người dân Trung Quốc, bây giờ, khi giáp mặt tử thần với sự đe dọa an nguy cá nhân lẫn người thân, liệu họ có thể bắt đầu thấy được khiếm khuyết sự vận hành của đường lối “trật tự kỷ cương” và “ổn định chính trị” dưới sự lãnh đạo từ “Đảng sáng suốt quang vinh”?


Tất cả hệ quả của chế độ toàn trị mà hệ thống cầm quyền Trung Quốc từ hàng chục năm qua luôn cố chấp không thừa nhận, hoặc chưa bao giờ giải quyết đến tận cùng vì chạm đến gốc rễ thay đổi thể chế, bây giờ lộ ra mồn một: từ quán tính đùn đẩy; đổ lỗi lên nhau; thói quen bào chữa “rút kinh nghiệm”; tình trạng xây dựng bộ máy cầm quyền “con ông cháu cha” và hệ thống “cán bộ” vừa “hồng” vừa “chuyên” (dù yếu tố trung thành tuyệt đối với Đảng luôn quan trọng hơn khả năng chuyên môn); nguyên tắc điều hành và chỉ thị “theo quy trình”; đến chủ thuyết “giữ vững ổn định chính trị” bằng mọi giá…

Gần như bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào, từ chính trị đến xã hội, hệ thống cầm quyền cũng đều “giải thích” bằng những “nguyên nhân khách quan” hoặc gây ra bởi “đối tượng phản động” hay “thế lực thù địch nước ngoài”. Nhà cầm quyền luôn bác bỏ mọi lời khuyên và luôn thù ghét mọi chỉ trích. Những hệ quả tất yếu của bộ máy lãnh đạo toàn trị, từ mua bằng cấp học vị (kể cả trong ngành y) để tiến thân, đến “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, đều được cho là “sai lầm cá nhân” chứ không phải “lỗi hệ thống”. Người dân luôn được “dạy” rằng, cứ yên tâm làm giàu và sống “theo Hiến pháp và pháp luật”, mọi việc khác đã có “Đảng” lo và tuyệt đối không nghe theo tuyên truyền chống phá Nhà nước. Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một trong những người đầu tiên cảnh báo coronavirus, từng bị quy kết là một trong những “kẻ xấu” như vậy.

Với thế hệ trẻ trưởng thành trong một đất nước có nền kinh tế thứ hai thế giới, nơi giới lãnh đạo không ngừng nhồi nhét vào đầu họ hình ảnh sức mạnh vũ bão của “giấc mơ Trung Quốc”, về năng lực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo nhất nhì thế giới, về uy lực một quân đội đang làm khiếp vía khu vực…, họ mặc nhiên tin tuyệt đối vào nhà cầm quyền. Có thể thấy sự hân hoan đến mức ngây thơ của họ trong chương trình kỷ niệm 70 năm Quốc khánh vào tháng 10-2019. Họ dường như chẳng thấy có gì sai khi được yêu cầu phải hiểu là “yêu chế độ” đồng nghĩa với “yêu nước”.

Hệ thống tuyên truyền trên không gian mạng, với đội ngũ dư luận viên “ngũ mao đảng”, ra rả điều đó hàng ngày và luôn ào ạt xuất quân đè bẹp bất kỳ thông tin “tiêu cực” nào trong những sự kiện gây chấn động dư luận. Trong vụ coronavirus, lực lượng này đã “ra trận” dữ dội trong suốt những tuần đầu tiên khi có tin về trận dịch cúm nguy hiểm và bất trị bắt đầu bùng nổ ở Vũ Hán. Thậm chí Vương Quảng Phát (Wang Guangfa), một trong những cố vấn y tế quốc gia hàng đầu Trung Quốc, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Đệ nhất thuộc Đại học Bắc Kinh (Bắc Kinh Đại học Đệ nhất Y viện chủ nhâm), còn trấn an dân chúng rằng cơn dịch hoàn toàn trong vòng kiểm soát, cho đến khi chính ông ta sau đó cũng bị lây nhiễm (New York Times 4-2-2020).

Cho đến nay, khi thế giới, chứ không chỉ Trung Quốc, đang bị ảnh hưởng một phần của sự bưng bít liên quan dịch cúm Vũ Hán, Bắc Kinh tiếp tục siết chặt kiểm soát thông tin. Cách đây một tuần, ChinaDigitalTimes (29-1-2020) cho biết, bài báo mang tựa “Kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào nếu WHO được báo cáo đầy đủ về dịch cúm coronavirus?”, trên tờ Tam Liên Sinh Hoạt chu san (Sanlian Life Week-三联生活周刊), đã bị rút xuống khỏi tất cả website đăng nó. Ngày 31-1-2020, tổ chức Những người bảo vệ nhân quyền Trung Quốc (Trung Quốc nhân quyền hản vệ giả) thuật thêm, ngày 14-1-2020, cảnh sát Vũ Hán đã tạm giữ các phóng viên Hong Kong thuộc RTHK, Commercial Radio, TVB và NOW TV, khi họ đến bệnh viện Phương Thương (theo link dẫn từ công cụ tìm kiếm Google, tôi thử vào website bệnh viện này, http://whjy.com.cn/ nhưng website đã đóng, với hàng thông báo “Hệ thống thăng cấp duy hộ trung, thỉnh sảo hậu tái thí”– MK).

Việc siết chặt thông tin ở thời điểm hiện tại thậm chí gay gắt hơn. Trên New York Times (5-2-2020), phóng viên Raymond Zhong thuật rằng, báo chí Trung Quốc đã được lệnh tập trung vào các đề tài “tích cực”, chẳng hạn nỗ lực của đội ngũ bác sĩ lẫn chính quyền. Vài ngày được “xả giận” của cộng đồng sau khi trận cúm bùng phát giờ lại bị chặn đứng, đặc biệt sau khi Tập Cận Bình và giới lãnh đạo chóp bu tuyên bố trong cuộc họp ngày 3-2-2020 rằng Bắc Kinh sẽ “thắt chặt kiểm soát thông tin trên mạng” như một trong những biện pháp duy trì ổn định xã hội. Tân Hoa Xã bắt đầu nói đến “sự cần thiết thể hiện đoàn kết và nương tựa nhau giữa thời khắc khó khăn”. Một tài khoản Weibo kêu gào: “Năng lượng tích cực cuối cùng cũng xuất hiện”. Thông điệp ngắn này nhận được hơn 27.000 lượt thích nhưng tất cả bình luận bên dưới đều bị xóa và sau đó không ai được vào bày tỏ ý kiến.

Theo một chỉ thị nội bộ mà New York Times tiếp cận được, phóng viên Tân Hoa Xã đã bị yêu cầu không nhắc đến việc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu liên quan cúm Vũ Hán và không được viết về các khu vực lây nhiễm ở nước ngoài. “Chỉ viết những gì cần viết” - chỉ thị nêu. Hàng loạt bài báo “tiêu cực” bắt đầu bị chặn hoặc bị xóa gần đây, trong đó có bài viết trên tờ Tài Kinh (Caijing) ngày 2-2-2020 liên quan con số thống kê tử vong tại Vũ Hán; hoặc thậm chí bài phỏng vấn một chủ dây chuyền nhà hàng nổi tiếng nói rằng ông có thể phá sản trong vài tháng tới nếu dịch bệnh không được khống chế… Câu chuyện Vũ Hán từ giờ trở đi, tại Trung Quốc, sẽ là bức tranh xám xịt được trét màu hồng.

Với chủ trương cai trị gần như y hệt Trung Quốc, không thể không liên tưởng sự kiện khủng hoảng cúm Vũ Hán với Việt Nam, nơi mà Bộ Công an đang “phối hợp” với Bộ Y tế kiểm soát tình hình lây nhiễm coronavirus, nơi một phó Ban tuyên giáo trung ương vừa được điều về giữ chức thứ trưởng Bộ Y tế. Nếu một tỉnh thành nào đó ở Việt Nam xảy ra trận dịch kinh khủng tương tự Vũ Hán, chính quyền địa phương đó sẽ làm gì khác với chính quyền thành phố Vũ Hán? Họ có dám công bố nguy cơ dịch bệnh với truyền thông trước khi nhận được chỉ thị từ trung ương?

Một bác sĩ có lương tri, như Lý Văn Lượng ở Trung Quốc, có bị bắt vì tội “tuyên truyền gây hoang mang bất ổn xã hội”? Nếu một trận dịch tương tự Vũ Hán xảy ra ở Việt Nam, người dân có thể tin vào những gì báo chí chính quyền nói, và tin vào hành động trấn an theo cách như giới chức Đà Nẵng từng đi tắm biển và rủ nhau ăn mực hồi vụ khủng hoảng Formosa? Lực lượng dư luận viên vẫn ra sức “chiến đấu” bảo vệ chế độ, kể cả khi sự an toàn sức khỏe và thậm chí sinh mạng mình lẫn người thân đặt may rủi vào “niềm tin” “mọi việc đã có Đảng lo”?

Một trận đại dịch nếu xảy ra ở Việt Nam, chắc chắn không có phép lạ nào giúp Việt Nam dựng được những trạm xá dã chiến trong vài ngày. Bộ máy y tế Việt Nam không đủ mạnh để giải quyết nổi cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng tương tự, nếu không có sự giúp đỡ nước ngoài. Để được nước ngoài giúp và để cứu đất nước thoát khỏi một trận dịch tương tự nếu có, nhà cầm quyền cần “cứu” chính họ, bằng cách duy nhất là minh bạch, và bằng cách không đặt vấn đề “xử lý khủng hoảng thông tin” cũng như “giữ gìn ổn định xã hội” quan trọng hơn sinh mạng người dân. Thay vì yêu cầu báo chí “gỡ bài”, như hồi sự kiện Formosa, báo chí cần được cung cấp và tường thuật chính xác những gì thật sự xảy ra.

Chính quyền toàn trị Việt Nam dĩ nhiên thừa kinh nghiệm đối phó các vụ khủng hoảng chính trị-xã hội nhưng nhà cầm quyền, dù bắt chước mô hình cai trị hệt Trung Quốc, vẫn còn kém Trung Quốc xa về “nội lực chuyên môn” lẫn kỹ thuật và tài chính để có thể thoát ra được một cuộc khủng hoảng y tế đe dọa sinh mạng hàng triệu người. Chẳng có sự ổn định nào còn tồn tại, một khi con người, kể cả những người trong hệ thống đảng trị, đối mặt rất gần với cái chết và đứng rất sát trước một sự thật hiện ra sờ sờ: họ là nạn nhân của một chính sách bưng bít và dối trá.

…..

- Có lẽ chưa bao giờ bằng lúc này người dân Trung Quốc tự vấn rằng liệu Đảng có đủ “tài” để lãnh đạo đất nước vượt qua tất cả thử thách không (ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

- Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) đang gây chấn động dư luận Trung Quốc