04 février 2020

XUÂN CANH TÝ NHỚ XUÂN GIÁP TÝ



Hoàng Tuấn Phổ

Chủ nhật ngày 2 tháng 2 năm 2020 11:48 AM 


90 năm Đảng Cộng sản

Qua 90 năm tồn tại, ĐCS đã gieo bao nhiêu tai họa, oan trái trên những con người vốn đồng cam cộng khổ với thân phận đất nước. Từ vụ sát hại oan trái trong Cải cách ruộng đất, trong cái gọi là vụ án chính trị Nhân văn giai phẩm trước kia...đến các vụ cướp đất đẩy hàng loạt dân oan ra đường, vụ Đoàn văn Vươn và gần đây nhất là vụ giết hại kinh hoàng cụ đảng viên lão thành 58 tuổi đảng, 94 tuổi đời Lê Đình Kình ở Đồng Tâm.
ĐCS, để giữ đặc quyền đặc lợi của từng lớp lãnh đạo, sẵn sàng man rợ với đồng bào, bất luận là dân thường hay đảng viên.
Bài này là một dẫn chứng cụ thể, ít người biết đến, về thân phận một văn nghệ sĩ trong 90 năm đó của đảng CS. Bạn đọc sẽ cảm nhận được rõ ràng sự đau khổ bằng da bằng thịt khi tai họa giáng xuống từ các đảng viên cấp cao chỉ vì một bài thơ xướng họa nhân dịp Tết Giáp Tý.

Dân Quyền



TCTP: Bạn đọc theo dõi Tuấn Công Thư phòng hẳn đã đọc bài "Nhớ một Tết độc lập buồn và ba mươi năm bài thơ chống Đảng" đăng trên TCTP năm 2014. Nay, nhân năm Canh Tý, TCTP xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết "Xuân Canh Tý nhớ Xuân Giáp Tý" của Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, nhớ lại vụ án văn chương cách đây 36 năm ở xứ Thanh. Bài "Nhớ một Tết độc lập buồn và ba mươi năm bài thơ chống Đảng" cũng được đăng lại dưới đây.


Dân gian Việt Nam có câu “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”! Để làm gì? Để làm bài học cho suốt cuộc đời mình, sao để tránh được đòn, khỏi bị bị đòn, không bao giờ còn phải ăn đòn nào. Buồn thay! Ở đời, không thứ đòn nào giống đòn nào.

Ngày Tết Dương lịch năm 1984, tôi đang xem lại bản thảo “Mai vàng chùa Tháp” nội dung về cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nhà sư Pô-Kum-Pao, người Căm-pu-chia tụ nghĩa tại Tây Ninh (Nam Kỳ), theo hợp đồng ký với Nhà xuất bản Thanh Niên, thể loại truyện lịch sử. Tôi làm việc trong tình trạng thiếu thốn, tạm trú ở gian nhà tập thể Hội văn học nghệ thuật-Cửa Tả, thành phố Thanh Hoá. Cơm rau hai bữa, bút sắt chấm mực lọ viết trên giấy rơm, ngòi chóng bị cùn, mỗi tuần lễ phải mài vài ba lần!

Tôi mài bút xong, vừa ngồi vào bàn viết, anh Lê Viết Khảm đến, tay cầm tờ báo Thanh Hoá số Tết Giáp Tý ném xuống bàn: “Anh xem lũ Mai Bình, Hà Khang…có ngu như lợn không?”. Tôi gạt tờ báo sang một bên: “Không có thì giờ đọc. Tôi đang bận lắm!” Anh Khảm mở tờ báo, buộc tôi phải đọc mục thơ hoạ “Năm Tý nói chuyện chuột”. Đây là bài “xướng” mời bạn đọc tham gia “hoạ” cho vui ngày xuân mới. Anh Khảm nói: “Dư luận bàn tán mà anh vẫn bình chân. Tôi buồn cho anh lắm!” và đọc to:

Năm Tý về đây nhắc chuyện đời

Không coi chừng chuột chuột sinh sôi

Chùm nem sơ hở con chù vọc

Đĩa chả thờ ơ lũ cống lôi

Lạ nhỉ? Chơi không toan gọn lốm

Ơ kìa! Ngồi rỗi chực ngon xơi!

Bảo nhau sắm bả phòng năm chuột,

Hễ chúng bò ra giết tiệt nòi!

Anh Khảm nói: “Anh thấy chúng có ngu dốt không? Chuột chù bò ở kẽ tường vách, chuột cống sống trong đường cống, làm sao “vọc” với “lôi” được cả nem với chả! Mà chuột chù có ích, con cống vô tội, đánh bả chúng chỉ thêm thối hoắc!

Phòng tôi nhỏ hẹp, ăn ở nấu nướng, làm việc, tiếp khách…đều “kiêm nhiệm” cả! Còn đèo thêm cả thằng nhỏ đang học lớp chuyên trường Lam Sơn. Tôi kê chiếc bàn sát cạnh giường ngủ, lấy giường làm ghế. Đó cũng là nơi tôi tiếp khách. Tôi mượn được chiếc ghế ba đai dài kê ngoài hiên để những đêm hè nằm ngủ cho thoáng mát, mặc kệ lũ muỗi u u ong ong như sáo thổi. Bởi thế không có chỗ mời anh Khảm ngồi. Vả chăng anh là bộ đội phục viên với vết thương ở chân, tính hơi gàn bướng, hay chửi người ta là ngu dốt, mấy lần xông vào cơ quan tỉnh đòi giảng triết học Mác Lê! Anh cũng muốn bàn chuyện triết học với tôi, tôi cứ chối phăng mình không biết là xong! Về chuyện xướng hoạ, tôi đang lúc bận, nên từ chối khéo: “Tôi đọc sắp xong bản thảo “Mai vàng chùa Tháp” để gửi cho Nhà xuất bản kẻo lỡ kế hoạch. Rồi sẽ làm bài thơ hoạ…

Khảm vui lòng ra về. Đến cửa còn ngoảnh cổ nói như ra lệnh: “Sớm mai phải xong đó!” Tôi tiễn Khảm bằng một tiếng cười vui!

Đúng hẹn, Khảm đến nhận bản thảo bài thơ hoạ vừa ráo mực, đọc đi đọc lại rồi gật gù: “Hay! Hay lắm! Để tôi đến toà báo ngay, bắt thằng Giá tổng biên tập phải đăng ngay lập tức!

Khảm nói là làm. Nhưng ông Tổng chỉ lướt mắt qua rồi đút vào ngăn kéo bàn làm việc. Vài hôm sau, Mai Bình, Trưởng ty văn hoá kiêm Chủ tịch Hội văn Nghệ tới Toà báo. Ông là Trưởng nhóm thơ “xướng”. Ông Giá lôi ra cả một đống bài thơ “hoạ”. Mai Bình chuyên viết kịch, tự cho mình thơ văn cổ kim đều thông thạo, chữ Hán Nho, Quốc ngữ, Tây-Tàu chi đó đều thông thạo. Cả đống thơ, Mai Bình chọn ngay bài “Năm Tý nói chuyện chuột” thơ hoạ của Cao Đăng. Thơ rằng:

Giống chuột làm sao vẫn sống đời

Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi

Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu

Của để tớ thầy hợp sức lôi!

Tiếc lọ, chê ai đành chuột phá,

Hoài cơm, trách bạn để mèo xơi!

Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc,

Cống , lỗ…chi chi cũng hết nòi!

CAO ĐĂNG

Tổng biên tập Nguyễn Văn Giá cũng nhất trí với Trưởng nhóm Mai Bình, đây là bài thơ hay và cho đăng ngay trên báo Thanh Hoá.
Khoảng một tuần sau, Mai Bình, Hà Khang (Phó Chủ tịch thường trực Hội) gọi tôi lên văn phòng Hội bảo theo lệnh của cấp trên phải làm kiểm điểm ngay về bài thơ hoạ có nội dung chống Đảng. Tôi ngạc nhiên phản đối: “Các anh làm thơ xướng, tôi làm thơ hoạ, các anh cho đăng báo, sao lại kết tội tôi chống Đảng, thật vô lý hết sức!

“Các anh” là ai? Ban Tổ chức cuộc thơ đều là những cơ quan tuyên truyền cao nhất cấp tỉnh. Đó là Báo Thanh Hoá của tỉnh Đảng bộ, Đài phát thanh và truyền hình, Ty văn hoá thông tin, Hội văn học nghệ thuật. Khi bài thơ “hoạ” đăng lên, không lẽ họ không chịu trách nhiệm gì cả, còn bài thơ “xướng” thì vô can? Con chó săn nào đã nhanh chóng đánh hơi được tên thật của tác giả ký bút danh “Cao Đăng”? Đã làm thì không sợ, cây ngay không lo chết đứng. Ấy thế mà bị chết đứng thật! Họ bảo tôi viết bản kiểm điểm. Tôi nói: “Tôi có chống Đảng đâu mà phải kiểm điểm?” Mai Bình nói: “Đây là lệnh. Nội ba ngày anh phải nộp bản kiểm điểm. Anh bị tạm đình chỉ công tác kể từ hôm nay. Chúng tôi sẽ tuỳ mức độ thành khẩn xin cấp trên chiếu cố khoan hồng”. Mai Bình lại cười khẩy: “Cao Đăng là gì? Báo sơ ý bị lừa. Còn chúng tôi thừa hiểu anh tự cho mình là kẻ tài giỏi sáng suốt nhất, đồng chí Bì thư bảo riêng cái tên đã chống Đảng rồi, không thể tha thứ được!”.

Tôi nghĩ họ bắt bẻ, suy diễn đến thế là cùng. Ngay như vụ Nhân văn-Giai phẩm cũng chỉ căn cứ vào nội dung bài viết mà buộc tội chứ!. Đây chắc đâu phải là ý ông Bí thư Hà Trọng Hoà. Tôi không biết kẻ nào tâng công hót với Mai Bình. Thì ra Lê Sĩ Oanh, người Hoằng Hoá, viết văn xuôi, tạm trú khu nhà tập thể của Hội. Hắn ở dãy phía trước nhìn sang phòng tôi, tính hay dòm ngó, ai ra vào khó lọt khỏi đôi mắt cú vọ. Tôi nhớ sáng sớm hôm ấy hắn đi vệ sinh qua, rẽ vào phòng tôi thấy bài thơ hoạ “Năm Tý nói chuyện chuột” vừa viết xong. Hắn thường thì thọt lui tới phòng Mai Bình, Hà Khang để hầu hạ lãnh đạo kiếm chén rượu thừa. Hắn lấy tư cách là bạn đồng tuế để khuyên tôi làm bản kiểm điểm cho xong…Tôi nghe lời hắn, tắc lưỡi: Ừ thì kiểm điểm, mấy ai sáng tác thơ văn được toàn bích hơn người.

Tôi viết đại khái, bài thơ còn non chữ vụng câu, xin được lãnh đạo thứ lỗi…Mai Bình cau mặt lắc đầu: “Anh che giấu tội lỗi của mình một cách vụng về! Tôi nói thẳng: Anh chỉ là một hạt nhân trong nhóm văn nghệ sĩ Thanh Hoá chống Đảng. Công an tỉnh đang lập hồ sơ đưa sang Viện kiểm sát để chuyển cho Toà án xét xử, nhưng lãnh đạo Hội gồm tôi, anh Hà Khang, anh Vương Anh xin để kiểm điểm trong nội bộ. Anh phải khai thật đi!”.

Chánh văn phòng Trần Kháng vốn làm gì đó bên Ty văn hoá, khi Mai Bình trúng cử chức Chủ tịch Hội, thì đưa Kháng sang để phục vụ rượu chè, nói chõ vào: “Có gì thì cứ khai báo thật anh Phổ ạ. Nếu để người khác tố cáo trước, nhẹ thì anh cũng phải về nhà đi cày!

Tôi không ngờ bỗng dưng bị bốc lửa bỏ bàn tay, đến cả thằng Trần Kháng ngu dốt kia cũng dám lên mặt lãnh đạo! Tôi bực quá, liền trả lời: “Anh không biết tôi vốn xuất thân đi cày, đâu có sợ phải đi cày như ai mà ăn đơm nói đặt cho ai!

Họ đều biết tôi bị cái thành phần gia đình địa chủ phản động, từng qua 10 năm cải tạo không giam giữ tại địa phương, năm 1967 được Bí thư tỉnh uỷ Ngô Thuyền, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Lê Hữu Khải, Trưởng ty Công an Thanh Hoá Nguyễn Hữu Kính, Bí thư Huyện uỷ Quảng Xương Lê Hữu Hinh (hiện còn trường thọ) can thiệp, Hoàng Tuấn Phổ mới thoát được chín tầng địa ngục, chui từ bùn đen đất đỏ lên làm người với cây bút nghiên cứu văn học, lịch sử, dân tộc học, văn hoá dân gian, sân khấu…để trải nghiệm kiến văn và rèn dũa tư duy của mình. Bây giờ không ngờ…

Sau 8 tháng bị kiểm điểm, hết viết tường trình đến tự thuật, lãnh đạo Hội kết luận tôi là kẻ ngoan cố, không chịu khai báo tổ chức văn nghệ sĩ Thanh Hoá chống Đảng. Mai Bình cử Vương Anh về địa phương xã tôi điều tra lí lịch bản thân và gia đình. Dĩ nhiên “bói ra ma quét nhà ra rác”, Vương Anh gợi ý cho chính quyền xã phê lý lịch toàn những điều ác ý về tên Hoàng Tuấn Phổ, cốt để chôn sống nó một lần nữa!

Tội cũ, tội mới của tôi được Mai Bình chất lại cao hơn đống rơm đống rác ngày mùa! Một trong những tội Mai Bình khoái nhất là Hoàng Tuấn Phổ chui trộm vào biên chế nhà nước, chính quyền xã không đời nào cấp giấy cho phép. Tôi không có lí lịch gốc sao? Có. Năm 1972 Uỷ ban Hành chính huyện sơ tán bị mất. Đầu tháng 3-1979, ông Võ Quyết uỷ viên phụ trách văn hoá thông tin của UB Tỉnh chỉ thị cho Hà Khang về Quảng Xương điều Hoàng Tuấn Phổ lên Hội văn nghệ làm trực Ban lý luận phê bình. Ông Trần Tất Sĩ, Trưởng ban Tổ chức Uỷ ban hành chính huyện Quảng Xương nói với ông Hà Khang là không cần. Đến khi về Hội được một thời gian, ông Minh Hiệu (nhà thơ) Phó ban Tuyên huấn tỉnh uỷ được cử về làm Phó Chủ tịch phụ trách Hội, mới bảo tôi làm lý lịch tự thuật để xét lương vì mức lương tôi quá thấp. Lý lịch gốc của tôi do ông Lê Soi, Chủ tịch xã cấp, có cả lời xác nhận và lời phê rất tốt của Bí thư Đảng uỷ Lê Văn Hoan, rất tiếc đã bị mất. Nay Vương Anh về xã tôi gợi ý cho chính quyền và tung tin đồn nhảm rằng Nguyễn Văn Giá, Thường vụ Tỉnh uỷ kiêm Tổng biên tập báo Thanh Hoá báo cáo với bác Hà Trọng Hoà cụ thể nhà tôi đã ba đời chống Đảng (ông nội tôi, bố tôi, và tôi). Vương Anh về Quảng Hoà quê tôi trao đổi vụ chống Đảng khiến dư luận đồn về vụ thơ chuột ở địa phương thêm ầm ĩ và lan ra khắp tỉnh. Chủ tịch xã Lê Văn Dần và Phó Chủ tịch kiêm trưởng công an xã Lê Trí Dậu phê vào bản điều tra lí lịch tôi theo định hướng, gợi ý của Vương Anh…

Mai Bình, Hà Khang mừng lắm, kết luận Hoàng Tuấn Phổ chui vào cơ quan Nhà nước để chống phá cách mạng. Nhưng tìm hiểu danh sách biên chế cán bộ cơ quan cấp huyện thời chống Mỹ lưu ở Uỷ ban Hành chính tỉnh, lại thấy có tên Hoàng Tuấn Phổ, do Phó chủ tịch tỉnh Tôn Viết Nghiệm ký (hồ sơ lưu ở huyện Quảng Xương, công văn đề nghị xét biên chế của Lê Hữu Hinh Bí thư huyện uỷ và Nguyễn Đức Nhơm Chủ tịch Huyện).

Bộ tứ Mai Bình, Hà Khang, Vương Anh, Văn Giá xét không thể bỏ tù tôi về tội hình sự, đành trị tôi về kỷ luật hành chính: Phá rối, làm mất đoàn kết trong cơ quan Hội, chia rẽ văn nghệ sĩ và gây bè phái, làm thơ, vẽ tranh đả kích cán bộ lãnh đạo…

Tôi bác bỏ tất cả những điều bịa đặt vô căn cứ ấy, gửi đơn thư khiếu nại lên tỉnh. Mai Bình giả nhân giả nghĩa: “Đành nhận tội cho xong anh Phổ ạ. Tôi bảo anh từ đầu rồi. Bây giờ anh có kêu lên đến ông Trời cũng không ai thèm xem đơn từ của anh đâu. Hay là anh muốn gặp Bác Hoà để thú tội, chúng tôi sẽ giúp anh?

Đúng là miệng lưỡi con rắn độc. Giới văn học xứ Thanh nhiều người đã nói: “Con rắn độc cắn Mai Bình, Mai Bình không chết mà rắn độc chết!” quả không ngoa. Còn Hà Trọng Hoà? Để tranh được cái ghế Bí thư, ông đã phải qua nhiều “keo vật”, cuối cùng chiến thắng là nhờ bè cánh đông và mạnh. Trong một hội nghị thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh và những cán bộ công tác tư tưởng mở rộng, ông nói: “Có ba loại cán bộ: Thứ nhất dùng có lợi phải được ưu tiên, thứ hai dùng không lợi cũng không hại, thì vẫn cứ dùng, thứ ba dùng không có lợi thì quyết loại trừ!” Đó là tuyên ngôn của Hà bí thư. Ai nấy đều nín thở lắng nghe! Lợi cho ai? Tất nhiên lợi cho ông. Vậy mà sau đó một thời gian, có một cán bộ dám cho ông xơi ba cái tát trời giáng giữa mặt tại một cuộc họp thường vụ do ông chủ trì. Kẻ nào mượn gan hùm để vuốt râu sư tử? Đó là ông Hùng bí thư Đoàn thanh niên tỉnh! Nhiều người gọi đó là “cái tát lịch sử”! Ông Hùng suýt bị tù, nhưng ông Hoà vốn mưu sâu, e xấu mặt mình nếu bị phơi trước thiên hạ, cho là ông Hùng bị bệnh tâm thần, chỉ đuổi về nhà “chữa bệnh” (Đến khi ông Hoà bị đổ, ông Hùng được khôi phục ra Trung ương làm Tổng cục trưởng Thể dục thể thao).

Hoàng Tuấn Phổ đã được ngoi từ âm ti địa ngục lên làm người, vậy mà lại dại dột mắc bẫy của Mai Bình, nên “hoạ” thơ chuột để rước hoạ vào thân!

Thực ra cái tiêu cực như giống chuột cứ “sống đời” nên đả kích con chuột để phê phán cái tiêu cực, vô tình chạm phải râu hùm, đâu có biết ông Bí thư Hà Trọng Hoà tuổi Giáp Tý, cầm tinh con chuột, lại là “cống, lỗ”, “mèo”nào dám đụng tới!

Thời xưa, Thanh Hoá là đất vua chúa, đến nỗi Thanh Hoa phải đổi thành tỉnh Thanh Hoá, vì phạm huý vợ vua! Thời nay Thanh Hoá là đất cách mạng, tôi vì thiếu hiểu biết phạm huý Hà bí thư, không bị tru di tam tộc, chỉ phải lãnh án khai trừ Hội văn học nghệ thuật, đồng nghĩa với “treo bút” (thông báo với báo chí, xuất bản, đề nghị không sử dụng bài vở của Hoàng Tuấn Phổ, mà trước mắt là cuốn truyện lịch sử “Mai vàng chùa Tháp” ở NXB Thanh Niên, đã bị đình bản). Ngoài ra, tôi còn bị đuổi việc, ra khỏi văn phòng cơ quan Hội. Ông Vương Anh, Phó chủ tịch Hội nói: Nếu ông Phổ xin được Bác bí thư Hà cho ở lại thì cũng chỉ làm việc quét dọn vệ sinh và rửa ấm chén mà thôi. Nhưng trong công văn đề nghị cấp trên, Mai Bình Chủ tịch Hội ghi mức án “đuổi việc” nghĩa là tay trắng về vườn, về với làng quê đã từng bị mấy ông cầm quyền ác bá chôn xuống bùn đen đất đỏ!

Nhưng phúc bảy mươi đời cho tôi, ông Hoà đọc công văn, phê mực đỏ: “Đồng ý buộc thôi việc nhưng cho hưởng mất sức”. Về nguyên tắc, đã buộc thôi việc thì không có chế độ mất sức. Ông Hoà phê sai, nhưng cơ quan Thương binh xã hội làm chế độ cho tôi theo cái ý thứ hai: Mỗi tháng tôi được 15kg tem phiếu lương thực (gạo, mạch, ngô, sắn) và 15 đồng bạc để mua lương thực và thực phẩm (mắm muối). Thế là nhân đạo chứ gì? Nhưng chế độ mất sức với tôi lại không có thời hạn tạm thời hay vĩnh viễn. Nghĩa là tôi sẽ bị cắt cái “mất sức” bất cứ lúc nào! Rõ miệng nhà quan có gang có thép, chứa đầy mưu sâu kế hiểm!

Bấy giờ, tôi đã 50 tuổi. Tôi bỏ bút cầm dao, không phải dao bầu chọc tiết lợn mà là dao cầu thái thuốc. Tôi theo nghiệp cha ông, nghiên cứu Đông y và thuốc nam, viết cuốn “Bàn về y lý và y dược dân gian”. Tôi chữa bệnh và châm cứu cho một số người làng xã rất hiệu nghiệm, không lấy tiền của ai. Khi tôi đang định mở hiệu thuốc thì tình hình thay đổi. Ông Hoà bị mất ghế, Trung ương cử ông Lê Huy Ngọ về thay, làm Bí thư tỉnh uỷ, tôi được phục hồi công tác, trở về văn phòng cơ quan Hội văn học nghệ thuật cho đến lúc nghỉ chế độ.

Năm năm tôi bị kỷ luật tội chống Đảng, cũng là thời gian Nhóm Năm Tên (Hà Trọng Hoà, Mai Bình, Hà Khang, Vương Anh, Xuân Đức…) ôm giấc mộng quan trường. Nhưng rồi kẻ trước người sau, tớ thầy, bè cánh nối đuôi theo nhau vỡ mộng quan trường, ngậm ngùi chờ đợi giấc mộng…. quan tài!!!

Tôi vẫn ở khu tập thể Hội. Các con tôi đều ở thị xã (thành phố) làm công ăn lương, xác định đến đời cháu tôi vẫn thế.

Năm 2017, tôi và bà lão vợ tôi đã trở về làng cũ quê xưa để yên hưởng tuổi già. Ông Lê Văn Dần, Nguyên Chủ tịch xã thỉnh thoảng đến nhà tôi hỏi han về thuốc thang bệnh tật. Tôi khuyên ông nên đến bệnh viện mổ lấy sỏi. Nhưng ông cứ muốn dùng thuốc hoàn tán của tôi. Một hôm, tôi hỏi ông Dần về cái lý lịch do ông và ông Lê Trí Dậu-Trưởng công an xã (đã chết) bôi đen đời tôi và cả nhà tôi. Rằng ông có biết cái lý lịch ấy gây tác hại đến năm bảy đời sau cho gia đình tôi không? Tôi không hận thù gì các ông, hôm nay mới nhắc lại chuyện cũ để ông biết tác hại của ngòi bút quyền lực ra sao. Chắc ông hiểu rõ hơn ai hết rằng: “Quan nhất thời dân vạn đại”? Lê Văn Dần ngồi im lặng không nói gì. Chừng mười phút sau, thấy tôi cũng im lặng, ông chào tôi ra về. Đến cửa, ông nói: “Tất cả đều chết!”.

Mãi năm sau (2018) ông Dần mới đến gặp tôi cho biết uống hết 100 viên hoàn tán do con gái tôi làm theo bài thuốc gia truyền, tôi đã bổ sung thêm một số dược vị, thấy công hiệu lắm. Tôi mừng cho ông, khuyên ông xoa bóp vùng thận nhiều và thăm khám xem hòn sỏi có nhỏ dần đi không. Các bậc ác bá tiền bối đã qua đời cả rồi, còn lại loại con cháu như ông cuộc đời khổ cực lắm!(*)

Từ Giáp Tý đến Canh Tý là 36 năm, cái hoạ thơ hoạ con chuột đã thành chuyện xưa tích cổ. Nhưng nhiều người còn nhớ bài thơ lại tiếc bài thơ ra đời sớm quá! Tôi cười: Không sớm quá đâu, giống chuột sinh ra từ thượng cổ. Một khu rừng ở Lang Chánh, nhà động vật học đánh bẫy được hàng trăm loài chuột! Chúng sinh sản vô cùng nhanh chóng!

Ngày Tết cổ truyền được ăn nhiều món ngon, tôi chợt nhớ câu “Món ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”, nhìn lên tờ lịch treo tường thấy hai chữ “Canh Tý” bỗng bật cười vỗ vỗ cái bụng no nê..., kể lại chuyện cổ tích về chuột để vui Xuân…



HTP/Xuân Canh Tý/2020



Bạn đọc cần tìm hiểu thêm về vụ án văn chương "Năm Tý nói chuyện chuột", xin đọc lại bài "Nhớ một Tết độc lập buồn và ba mươi năm bài thơ chống Đảng".

Chú thích:



(*) Ông quan xã Lê Văn Dần làm xã quan chưa hết khoá đã bị cách chức về tội ăn trộm mấy con cá trắm lớn ở ao nhà ông Lý Bao, tham tang vật chứng cụ thể không chối cãi được!

Nguồn :tuancongthuphong







1/9/2014

Nhớ một Tết Độc Lập buồn và 30 năm Bài thơ "chống Đảng”


Hoàng Tuấn Công


Ông Hoàng Tuấn Phổ tuổi 80
     Mùng Hai Tháng Chín năm Giáp Tý 1984 là một ngày buồn trong một năm buồn của gia đình tôi. Sau gần 20 năm "theo Đảng" (không phải đảng viên), được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huy chương chiến sĩ văn hóa (hai lần), Cha tôi bỗng bị buộc thôi việc, khai trừ Hội tịch (Hội văn học nghệ thuật Thanh Hoá), trả về địa phương-nơi cũng chừng ấy năm trước, ông đứng dậy từ vũng lầy thời cuộc. Nhưng lần này trở về làng cũ, trên đầu ông nặng thêm một tội danh-một tội danh tày trời: Tội "chống Đảng”!
Tôi nhớ, bởi chuyện buồn ấy xảy ra đúng vào dịp Tết Độc Lập dân tộc. Chính xác, Cha tôi phải chấp hành Quyết định buộc thôi việc sau Tết Độc Lập một ngày: Ngày 3 tháng 9 năm 1984. Thế là mọi phấp phỏng hy vọng được minh oan của cả nhà tôi kéo dài từ mùa xuân sang mùa hè, đến mùa thu thì chấm dứt. Mẹ tôi tần tảo, sẵn sàng hy sinh, chịu đựng tất cả vì chồng con, nhưng bà không chịu nổi những lời dị nghị của làng xóm. Khi ấy tôi đã 14-15 tuổi nên cũng hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Tội "chống Đảng" lớn lắm, nhục nhã lắm! Nó đồng nghĩa với tội Việt gian phản động! Hai đứa em tôi bé nhỏ chưa hiểu gì, nhưng thấy bố mẹ, các anh buồn, chúng cũng buồn lây.

Thông thường, Mùng Hai Tháng Chín hàng năm, xóm làng tôi vui như Tết. Trẻ con vui đùa, thanh niên cắm trại, tổ chức chơi trò "Hái hoa Dân chủ". Và bao giờ làng cũng có một tiết mục đặc biệt được già trẻ, gái trai chờ đợi là "màn" mổ lợn ăn mừng Tết Độc Lập. Tôi thường sốt sắng với nhiệm vụ đi nhận phần thịt cho nhà mình. Ở làng có mấy ông chuyên chia thịt và chia rất khéo. Thật khó có thể chọn ra một phần thịt nào nhiều hơn, ngon hơn. Phần nào cũng như phần nào, thịt, xương, mỡ, nạc...có đủ cả trong từng khóm. Nhà ai cũng có một phần khá tươm tất. Mấy tháng mới được bữa cơm thịt no nê, bọn trẻ con chúng tôi vui đến mức cứ tưởng ngày này trên thế gian ai ai cũng được sung sướng như mình ! Nhưng năm ấy, nhà tôi không có Tết Độc Lập. Và lần đầu tiên trong đời tôi nhận thấy lẽ công bằng thật không đơn giản...

Đồng thời với kỷ luật buộc thôi việc, đề nghị đình bản tiểu thuyết lịch sử "Mai vàng chùa Tháp" ở NXB Thanh Niên, Hội văn nghệ Thanh Hóa tuyên bố đã gửi công văn đi các cơ quan, tạp chí đề nghị không xuất bản sách và in bài của kẻ "chống Đảng" Hoàng Tuấn Phổ. Thế là, cánh cửa mà Đảng từng mở ra con đường chữ nghĩa cho Cha tôi, nay lại bị đóng sập lại. Trước khi đi "thoát ly", Cha tôi từng cổ cày vai bừa ở quê. Nhưng lần này trở về, dù nặng gánh trên vai, Mẹ tôi không muốn ông lại tiếp tục công việc đồng áng... Cha tôi cũng quyết định bỏ bút, cầm dao cầu làm nghề thuốc, châm cứu chữa bệnh. Nhà tôi trở thành cái xưởng bào chế thuốc nho nhỏ. Phần chúng tôi, chỉ còn biết cố gắng ngoan ngoãn học hành để cha mẹ vơi đi nỗi buồn.

Vậy mà bể dâu thoáng chốc đã 30 năm tròn!

Chắc bạn đọc không khỏi thắc mắc, muốn biết Cha tôi “chống Đảng” như thế nào? Vâng, ông “chống” bằng một bài thơ Thất ngôn bát cú ! Nghĩa là ông tham gia cuộc thi “Xướng họa thơ vui, năm Tý nói chuyện chuột” do báo Đảng Thanh Hóa mời. Nói cách khác, "chống Đảng" theo lời mời của "Đảng". Thơ ông “Họa” lại bài “Xướng” của ông Hà Khang và Mai Bình-Chủ tịch Hội văn nghệ Thanh Hóa. Tôi nhớ như in hai bài thơ này:

Bài “Xướng” do ông Mai Bình chấp bút:

Năm Tý về đây nhắc chuyện đời

Không coi chừng chuột, chuột sinh sôi!

Chùm nem sơ hở con chù vọc

Đĩa chả thờ ơ lũ cống lôi!

Lạ nhỉ ? chơi không toan gọn lốm,

Ở kìa! ngồi rỗi chực ngon xơi!

Hẹn nhau sắm bả phòng năm chuột

Hễ chúng bò ra giết tiệt nòi!

Bài “Họa” của Cao Đăng (Cha tôi-Hoàng Tuấn Phổ):

Giống chuột làm sao vẫn sống đời

Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi!

Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu,

Của để tớ thầy hợp sức lôi!

Tiếc lọ chê ai đành chuột phá,

Hoài cơm trách bạn để mèo xơi!

Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc,

Cống lỗ chi chi cũng hết nòi!

Đọc xong chắc có độc giả phì cười mà bảo rằng: chúng tôi chỉ thấy đây là bài thơ “chống chuột” chứ làm gì có chỗ nào “chống Đảng” nhỉ? Đúng vậy, thưa bạn đọc yêu mến! Đây là bài thơ vui "chống ông Tý”, “nói chuyện chuột” 100% (như chủ đề cuộc thi “Xướng họa thơ vui năm Tý nói chuyện chuột” đã đề ra)

          Này nhé: Giống chuột hại, đục khoét từ thượng cổ đến giờ. Thời nào con người cũng tìm cách diệt chuột, và diệt được khá nhiều. Vậy mà chúng “vẫn sống đời”, “Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi”. Vì sao? Vì giống này rất mắn đẻ và cực tinh quái trong cuộc chiến sinh tồn. Chúng hay rúc rích kéo nhau đi ăn. Thứ cùng đánh chén tại trận, thứ hợp sức lôi về hang dùng dần. Khó mà bẫy bắt được chúng. Người xưa có câu “Ném chuột sợ vỡ bình quý” nên đôi khi chuột nhờ cơ hội đó mà sống sót. Nhiều con mèo được nuôi để bắt chuột, nhưng chỉ giỏi ỉa bếp, để chuột ngang nhiên hành hoành, quả là “hoài cơm”, đáng trách. Bài “Xướng” của Mai Bình đề xuất: “Hẹn nhau sắm bả phòng năm Chuột, Hễ chúng bò ra giết tiệt nòi”. Nhưng giống chuột đa nghi có khả năng "xuất quỷ, nhập thần", "thiên biến vạn hóa". Chấp nhận cho chúng tồn tại trong hang hốc là cách đánh chuột nửa vời và thụ động. Cao Đăng đề xuất biện pháp đánh chuột của dân gian, triệt để, quyết liệt hơn: “Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc, Cống lỗ chi chi cũng hết nòi”. Nghĩa là đánh vào tận sào huyệt giống đục khoét! Lại chủ trương diệt cả chuột cống, chuột lỗ-loại chuột kếch xù mà họ nhà mèo không dám đụng đến. Rồi chuột nhắt, "chi chi" chuột...hễ đục khoét, ăn hại đều diệt hết!

Tôi dù ở tuổi thiếu niên cũng đã đủ khôn để cảm nhận đây là bài thơ hay, nghĩa bóng chống lại những tiêu cực thời nào cũng có. Mẹ tôi là nông dân chất phác, dù lòng đang nặng trĩu nỗi buồn, khi nghe bài thơ "chống Đảng" của Cha tôi cũng phải tủm tỉm cười khen...hay, và nói: “Tôi chả thấy ông chống Đảng ở chỗ mô cả !Có lẽ cuối cùng dù Cha tôi không thoát được tội tày đình, nhưng tự lòng Mẹ tôi đã cảm thấy vô tội và thanh thản.

Nhà tôi tuy nghèo nhưng từ nhỏ chúng tôi được bố mẹ cho ăn học, giáo dục tử tế. Cha tôi luôn nhắc nhở con cái: “Nhà ta được như ngày nay là nhờ có Cách mạng, các con phải cố gắng học hành, phấn đấu, đi bằng chính đôi chân của mình, sống có ích cho gia đình, xã hội”. Tôi biết rõ Cha tôi là người thế nào. Tôi không tin ông chống lại những chủ trương mà thường ngày tôi vẫn nghe ông ca ngợi là đúng đắn và tiến bộ.

Thế nhưng “có người” đại diện cho Đảng lại động lòng, tự thấy mình trong bài thơ "chống chuột", và cho rằng “nó” đang “chống” mình! Họ phân tích như sau: “Con đàn cháu lũ” ở đây ý chỉ “con ông cháu cha” đời nối đời hưởng đặc quyền đặc lợi. “Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu, Của để tớ thầy hợp sức lôi” ám chỉ chuyện vây bè, kéo cánh, ăn cắp của công, tham ô, hối lộ, móc ngoặc với nhau. Của ít chia nhau ăn, của nhiều hợp sức lôi về nhà làm giàu. Không thể chấp nhận được! Chế độ này là khối "đại đoàn kết", chỉ có quan hệ “đồng chí” "đồng nghiệp", tại sao lại có từ “bè cánh”, “tớ thầy” ở đây? Cao Đăng nói “Tiếc lọ”, thì “lọ” cũng là “bình”. Mà “bình” không phải “Mai Bình” còn ai vào đây? Hóa ra, cấp trên vì nương tay với “Bình” nên không chống tiêu cực? Thật quá "thâm ý"! “Hoài cơm trách bạn để mèo xơi”, “mèo” đây đích thị là những người nắm pháp luật rồi ! Dám nói họ là “hoài cơm” sao? Lại còn định “Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc, Cống lỗ chi chi cũng hết nòi!” Cao Đăng muốn “diệt” tận gốc, từ “ông to” đến “ông nhỏ” kia ư? (đoạn này tôi nhớ lại theo lời kể của Cha tôi sau mỗi tuần trở về nhà với gương mặt mệt mỏi, thất vọng...)

Thế là họa lớn! Chín tháng trời ròng rã, Cha tôi chỉ làm mỗi công việc trần tình, kiểm điểm, mất ăn mất ngủ... Rốt cuộc ông vẫn không thể nào thanh minh được. Đúng là: "Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây"!

Năm Mậu Tý 2008, ông Khương Bá Tuân-nguyên PGĐ Sở NN và PTNT Thanh Hóa hỏi tôi: “Cậu còn nhớ bài thơ xướng họa “Năm Tý nói chuyện Chuột” của ông Phổ không? Thỉnh thoảng các cụ trong câu lạc bộ Hàm Rồng có hỏi. Mình thì chỉ nghe nói chứ cũng đã được đọc đâu. Nếu cậu còn nhớ chép lại cho mình một bản làm kỷ niệm” Tôi trả lời: “Cháu nhớ. Mậu Tý năm nay là 24 năm bài thơ họa năm Tý nói chuyện chuột. Cháu có nói với Bố cháu nhân đây nên kể lại sự việc để mọi người hiểu. Nhưng ông Cụ bảo, “Thôi, chuyện đã qua rồi...Mình nhắc lại người ta lại hiểu lầm là gợi chuyện cũ...”

Tôi hiểu. Sau nhiều tai bay vạ gió từ thời Cải cách ruộng đất và Đấu tranh chính trị, Cha tôi giống như con chim sợ làn cây cong vậy. Thế nên ông mới viết: "Sờ râu lão Tý tay còn nhớp, Chạm vía cụ Mèo mạng suýt toi!"

Ngày Tết Độc Lập 2014 năm nay khiến tôi lại nhớ về ngày buồn cách đây đúng 30 năm trước. Lần này ông Cụ đã đồng ý cho Tuấn Công thư phòng công bố Bản trần tình “Có hay không có một tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng ở Thanh Hoá?” từng đọc tại Đại hội Văn nghệ Thanh Hóa cách đây 25 năm về trước, sau khi ông được phục hồi công tác. Xin trích đăng để bạn đọc hiểu rõ thêm câu chuyện nhỏ của gia đình tôi trong muôn vàn câu chuyện lớn khổ đau của "Biển cả đời người":

Có hay không có một tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng ở Thanh Hoá?

(Bài phát biểu của Hoàng Tuấn Phổ đã trình bày tại Đại hội văn học nghệ thuật Thanh Hoá lần thứ III vào lúc 2 giờ chiều ngày khai mạc 22/5/1989 tại hội trường tỉnh 25B)

"Thưa ông Bí thư tỉnh uỷ Lê Huy Ngọ

Thưa Ban thường vụ Tỉnh uỷ và các đại biểu,

Thưa Đại hội

Bút tích một số trang
của bản Điều trần
          ...Theo sự khẳng định của Ban thường trực Hội do Ô. Mai Bình làm Chủ tịch, có một tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng ở Thanh Hoá và Hoàng Tuấn Phổ là một hạt nhân, một thành viên của tổ chức ấy.


Dịp Tết Giáp Tý (1984) báo Thanh Hoá phối hợp với các cơ quan Sở văn hoá-thông tin, Đài phát thanh tỉnh, Hội văn nghệ mở cuộc thi hoạ thơ vui với tiêu đề “Năm Tý nói chuyện chuột”. Bài xướng do Mai Bình chấp bút (nghe nói bài này chẳng những đã thông qua Ban thường vụ tỉnh uỷ mà còn được ông Bí thư Tỉnh uỷ Hà Trọng Hoà phê duyệt) và báo Thanh Hoá mời tôi tham gia, sau đó đã đăng bài hoạ của tôi ký tên Cao Đăng. Số báo này vừa mới phát hành, bản thân tác giả chưa được nhìn thấy bài mình in ấn ra sao đã bị Ban thường trực Hội gọi bảo: bài thơ hoạ của Cao Đăng, theo các đồng chí lãnh đạo cấp trên, sai lầm về quan điểm. Tôi hỏi: sai lầm về những “điểm” gì, xin chỉ rõ, thì không được giải đáp cụ thể. Rồi chẳng hiểu căn cứ vào đâu: Bài thơ hoạ của Cao Đăng bị qui là có tư tưởng chống Đảng vào người ta tiến hành khá khẩn trương, gay gắt và kiên quyết một số biện pháp như hội họp lãnh đạo để phân tích phê phán bài thơ, bắt tác giả phải viết tự kiểm điểm, gây dư luận quần chúng phản đối tác giả, vận động cán bộ, nhân dân, văn nghệ sĩ trong tỉnh gửi kiến nghị lên án tác giả và viết bài gửi tới Báo Thanh Hóa phê phán bài thơ, rồi về địa phương tác giả lập hồ sơ bịa tạc,v.v...nhằm tạo ra một vụ án văn học(1). Ông Mai Bình, Chủ tịch Hội cho biết: “Đáng lẽ Sở công an Thanh Hóa và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh khởi tố vụ án này, nhưng Ban thường trực Hội xin để Hội giải quyết nội bộ. Vậy thái độ của tác giả phải hết sức thành khẩn”. Tôi nói: “Tôi không thấy mình mắc sai lầm ở chỗ nào” Ông Hà Khang phó Chủ tịch Hội, gợi ý: “Kiểm điểm theo dư luận của cán bộ và nhân dân phê phán nội dung tư tưởng xấu của bài thơ”. Tôi nói: “Dư luận thì không phải cái gì cũng đúng. Có người bảo tôi đả kích ông này ông nọ, nhưng cũng có người cho rằng: không có “xướng” thì sao có “họa”,v.v...tôi biết theo “dư luận” nào ?" Ông Vương Anh, phó chủ tịch Hội (Ủy viên chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam) bắt tôi phải thú nhận theo tinh thần một bài viết dưới mục “Ý kiến bạn đọc” trên báo Thanh Hóa phê phán thơ họa của Cao Đăng là xuyên tạc sự thật, nói xấu chế độ. Bài này ký tên Phạm Trung Thực (Thị xã Thanh Hóa). Ông Vương Anh nhấn mạnh là bài của “ông to” cấp trên viết (thực ra do ông Vương Anh viết). Tôi nói: “Nếu là “ông to” cấp trên thì bài viết phải ghi rõ họ tên thật và chức vụ thì tôi mới chấp hành nghiêm túc kiểm điểm, còn như người viết dù “to”cỡ nào, ở “cấp” nào mà lại nhân danh “bạn đọc” thì trên nguyên tắc thông thường bạn đọc có quyền khen, chê, và tác giả được quyền tiếp thu hay không tiếp thu”. Nhưng ông Vương Anh vẫn không cho biết rõ Phạm Trung Thực là ai và vẫn nhắc lại rằng tôi phải kiểm điểm theo hướng đó. Ông Vương Anh nói thêm với tôi và một số anh em văn nghệ như Trọng Miễn, Đào Phụng, Xuân Quảng, Nguyễn Ngọc Quế và nhiều chị em khác rằng: trong cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập lãnh đạo Hội văn nghệ để bàn xét về vấn đề thơ chống Đảng, ông Vương Anh liếc nhìn vào sổ tay ông Lê Xuân Sang (Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy) và ông Quách Lê Thanh (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy) đều thấy cùng ghi một dòng chữ: “Hoàng Tuấn Phổ chống Đảng”. Điều này không biết có thực hay không, nhưng chẳng riêng gì tôi mà các anh em khác cũng đều hết sức hoang mang lo sợ. Mặc dù vậy, tôi vẫn không thể làm vừa lòng Ban thường trực Hội nói chung và ông Phạm Trung Thực nói riêng vì không hề nhận ra mình đã mắc những sai phạm chính trị trong bài thơ họa ký tên Cao Đăng. Sau những cuộc kiểm điểm liên miên ngày này qua tháng khác, Ban thường trực Hội kết luận tôi là “thái độ kiểm điểm không thành khẩn kéo dài” (9 tháng).


Cũng trong thời gian này, anh Minh Hiệu (Nhà thơ) có 8 bài thơ, Ban thường trực Hội coi như là “8 phát súng đại bác” nã vào Tỉnh ủy. Ông Vương Anh nói: trong khi ông Minh Hiệu tấn công trực diện vào Đảng thì Hoàng Tuấn Phổ gián tiếp đả kích những cán bộ lãnh đạo của Đảng. Anh Xuân Hùng vẽ bức tranh “Chuẩn bị thóc nhập kho”, vì góc bức tranh có vẽ một cây rơm, chung quanh có mấy em bé đang đùa chơi, ông Mai Bình và Ban thường trực Hội bảo là “cây rơm to hơn đống thóc tức là mất mùa thì lấy thóc đâu nhập kho? Phải chăng tác giả ẩn ý rằng thành tích nông nghiệp của ta chỉ là giả tạo ?” (Trong thực tế, dù được mùa lớn, rơm vẫn nhiều hơn thóc!) Bức tranh vẽ một đàn ngựa của anh Đỗ Chung, bị ông Mai Bình lộn ngược dưới lên để xem và nhận xét là tác giả vẽ toàn là các bộ phận kín của phụ nữ! Cũng một bức tranh khác của Đỗ Chung, ông Vương Anh bảo: “Cái mặt trời tím mọc trên cánh đồng lúa là con số không, ý tác giả muốn nói “nền nông nghiệp nước ta chỉ là con số không!”. Còn nhiều trường hợp nữa tôi không tiện dẫn hết ra đây.

Cứ cái kiểu suy diễn, phán xét nguy hiểm đó, trong công việc đọc duyệt tác phẩm, các ông Mai  Bình, Hà Khang, Vương Anh đã dần dần hệ thống hóa các tác phẩm, quy tụ các hiện tượng để tiến tới khẳng định ở Thanh Hóa có một tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng. Ông Mai Bình thay mặt Ban thường trực Hội bảo tôi: “Cho dù anh có phải nhận hình thức kỷ luật ra khỏi cơ quan văn phòng Hội thì anh cũng phải khai ra những kẻ cùng hội cùng thuyền để giúp Đảng lãnh đạo phong trào văn nghệ tỉnh nhà được tốt”.

Sáng 27/5/1984, tại phòng ông Trần Kháng (Trưởng ban hành chính trị sự của Hội) ông Hà Khang thay mặt Ban thường trực Hội yêu cầu tôi phải trả lời những câu hỏi:

          1.Tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng ở Thanh Hóa gồm những ai, do ai cầm đầu?

          2.Tổ chức này đã có nhiều cuộc tọa đàm, vậy anh đã dự những cuộc tọa đàm nào, các anh đã bàn bạc hoặc tiến hành những vấn đề, những công việc gì?

          Tôi hỏi lại ông Hà Khang:

          1.Ban Thường trực Hội căn cứ vào đâu để khẳng định tôi có tham gia tổ chức Văn nghệ sĩ chống Đảng?

          2. Ban Thường trực Hội hiểu thế nào về chữ “tọa đàm” ? Nếu tọa đàm là những cuộc trà lá mấy anh em văn nghệ ngồi tán gẫu về văn chương thì thường xuyên có và chẳng có gì là chống Đảng cả. Còn như về một tổ chức nào đó có hoạt động chống Đảng thì tôi không hề biết. Và, nếu Ban thường trực Hội đã biết chắc có những cuộc tọa đàm như ông (Hà Khang) nói thì xin ông dẫn ra cụ thể.



Ông Hà Khang ngồi im lặng một lát rồi nói: “Chỉ thị của lãnh đạo cấp trên là Ban thường trực Hội phải làm sáng tỏ vấn đề chống Đảng của một số văn nghệ sĩ trong tỉnh. Vậy anh phải viết ngay bản tường trình về tất cả những gì anh biết về tổ chức này, về những cuộc tọa đàm mà anh được dự !”

          Tôi nói “tôi không biết gì về những điều Ban thường trực Hội cần biết, do đó tôi không thể làm bản tường trình được”.

          Ông Hà Khang liền nói: “Đây là chỉ thị của cấp trên, là lệnh của đồng chí lãnh đạo cao nhất, anh phải chấp hành nghiêm túc. Ngày mai anh phải xong bản tường trình gửi Ban thường trực Hội”. Nói xong, ông Hà Khang đứng dậy chấm dứt buổi làm việc, không cho tôi trình bày hay hỏi han gì hơn.

          Chấp hành lệnh của lãnh đạo, tôi phải viết bản tường trình cũng chỉ là nhắc lại những điều tôi đã nói ở trên (có đi sâu chi tiết hơn) vì không biết nói gì khác. Tôi đề nghị Ban thường trực Hội công bố bản kiểm điểm của tôi ngày 28/5/1984 vấn đề sẽ được chứng minh cụ thể. Sau đó, tôi được biết, trong khi ông Hà Khang thẩm vấn tôi ở Văn phòng Hội thì ông Mai Bình gọi anh Xuân Quảng (họa sĩ công tác cơ quan văn phòng Hội) tới Sở văn hóa-thông tin (Vì ông Mai Bình là Phó giám đốc Sở kiêm Chủ tịch Hội) để tra hỏi cũng với nội dung vấn đề như ông Hà Khang hỏi tôi. Ông Mai Bình còn bịa ra là Hoàng Tuấn Phổ đã thú nhận và khai báo hết cả rồi, và dọa là nếu Xuân Quảng không thành khẩn sẽ chịu kỷ luật nặng hơn.


Cũng trong những ngày này, ông Mai Bình báo cáo đề nghị sở Công an Thanh Hóa về địa phương tôi lấy hồ sơ lí lịch theo hướng đem vụ việc chống Đảng ở địa phương kết hợp cùng ông Giá Tổng biên tập báo Thanh Hóa tố cáo tôi 3 đời chống Đảng v.v...(Vấn đề này còn liên can tới nhiều đối tượng khác, tuy ở mức độ và hình thức không giống nhau như trường hợp buộc anh Phạm Văn Sĩ cán bộ Biên tập NXB Thanh Hóa phải chuyển công tác đi xa, nếu không thì phải thôi việc, trường hợp cô Út ở phòng lưu trữ UBND tỉnh phải chuyển công tác về thị ủy Thanh Hóa, vì cô Út có chồng là anh thương binh Lê Viết Khảm, khen thơ họa của Cao Đăng, v.v...)

Sang tháng 6 năm 1984, tôi còn phải viết đi, viết lại nhiều lần các bản tường trình, kiểm điểm xoay quanh vấn đề trên vì vẫn liên tục bị các ông trong Ban thường trực Hội luân phiên gọi lên thẩm vấn, gợi ý, khuyên bảo. Đầu tháng 8 năm 1984, có lẽ xét thấy không thể khai thác được gì ở tôi như ý lãnh đạo mong muốn và vấn đề thơ họa Cao Đăng cũng không nên để dư luận kéo quá dài, ông Mai Bình gọi tôi, nói: “Hội đồng kỷ luật sắp họp, anh không tránh khỏi kỷ luật, chỉ còn ở mức độ kỷ luật có thể nặng hay nhẹ. Nhưng trước khi nhận kỷ luật, anh có muốn lên gặp lãnh đạo cấp trên như bác Hà Trọng Hòa, bác Tống Xuân Nhuận để trình bày những điều anh không muốn nói với chúng tôi thì để chúng tôi bố trí anh lên gặp ?” Tôi đáp: “Hiện tại, tôi không có gì khác ngoài những điều tôi đã viết trong các bản kiểm điểm để trình bày với lãnh đạo cấp trên.” Ông Mai Bình lại hỏi: “Thế anh có suy nghĩ gì về vấn đề kỷ luật ?” Tôi trả lời: “Tôi chỉ nghĩ là tôi không có tội lỗi gì. Nếu như có sai lầm thì tôi chỉ sai lầm ở chỗ đã tham gia vào việc xướng họa thơ.” Rồi tôi đề nghị đưa vấn đề ra trước một cuộc hội thảo văn học của anh em văn nghệ Thanh Hóa, nhưng ông Mai Bình không chấp nhận. Rốt cuộc, tôi vẫn bị Ban thường trực Hội qui kết là một hạt nhân, một thành viên của tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng. Kết luận này cũng được một số nhà lãnh đạo cấp tỉnh đồng tình, nhất trí, ở đây tôi thấy không cần thiết nêu rõ họ tên, chức tước (4). Cho đến nay, tôi vẫn không thể tự giải thích nổi tại sao Ban thường trực Hội lại bịa đặt cái chuyên tày trời đó, và bịa đặt ra nhằm mục đích gì ? Có đúng là Ban thường trực Hội chỉ làm cái việc vâng lệnh lãnh đạo cấp trên và lãnh đạo cấp trên là những ai, lãnh đạo cao nhất là ai ? Tại sao các nhà lãnh đạo của Đảng bộ Thanh Hóa lại nhằm tiêu diệt hoặc đánh vào những người cầm bút ở địa phương mình ? Hay là có một tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng ở Thanh Hóa thật ? Mặc dù Đảng ta đã có chính sách mới, văn nghệ sĩ được tuyên bố là được “cởi trói” tôi vẫn không thể yên tâm vì chắc là những bản báo cáo mật của Ban thường trực Hội, của một số cá nhân ố nhân thắng kỷ, những chỉ thị, những lệnh riêng của Tỉnh ủy và có thể là cả hồ sơ vụ án văn nghệ sĩ Thanh Hóa chống Đảng, đang lưu trữ tại một chỗ nào đó, rồi biết đâu, khi có cơ hội, kẻ xấu bụng, ác ý hay chính các ông Mai Bình, Hà Khang, Vương Anh lại khui ra thì sao ? Vì vậy, tôi đề nghị Đại hội buộc Ban thường trực Hội (khóa II) phải:

1.Công bố toàn bộ hồ sơ về vụ án văn nghệ sĩ Thanh Hóa chống Đảng mà các ông soạn thảo bí mật.

2.Nói rõ, các ông tiến hành âm mưu này xuất phát từ đâu, nhằm mục đích gì?

3.Về việc xử lý oan cho cán bộ và việc vu khống anh em văn nghệ sĩ chống Đảng phải được minh oan, phải được giải quyết theo luật lệ hiện hành, và về phía Ban thường trực Hội từng người phải nhận kỷ luật thích đáng.

          Thưa...


Thanh Hóa trong lịch sử đã xảy ra một số vụ án văn chương, có vụ, án xử tới tử hình. Để phòng ngừa cái tai họa văn chương, tôi nghĩ chúng ta nên nhớ lại lời dạy của Lê-nin. Trong sách “Lê-nin bàn về văn học nghệ thuật” (NXB Sự thật-1960) có in bài báo nổi tiếng: “Tổ chức Đảng và văn học có tính Đảng” Lê-nin viết: “Mỗi người đều có tự do viết tất cả những điều họ muốn viết và nói tất cả những điều họ muốn nói, không một chút hạn chế nào. Nhưng như vậy thì mỗi đoàn thể tự nguyện, tự giác (trong số đó kể cả Đảng) cũng đều được tự do đuổi cổ những phần tử lợi dụng chiêu bài Đảng để cổ vũ những quan điểm trái ngược với Đảng” Lời dạy sáng suốt và công bằng đó của Lê-nin cần được áp dụng với tất cả những kẻ “lợi dụng chiêu bài Đảng” để thực hiện những mưu đồ thâm hiểm, xấu xa, thấp hèn của chúng.

Và, tôi đề nghị Điều lệ của Hội ta nên đề cập cụ thể vấn đề này./.



                    Ngày 22 tháng 5 năm 1989 
                                                        

Chú thích:       

 -Vì không có đủ cơ sở lý luận buộc tội tôi về bài thơ họa, Ban thường trực Hội bịa đặt cho tôi một số khuyết điểm về ý thức tổ chức để thi hành kỷ luật: đuổi ra khỏi cơ quan Nhà nước và khai trừ khỏi Hội (/9/1984). Ngày 8/11/1988 Hội nghị toàn thể hội viên Hội văn nghệ Thanh Hóa đã quyết định phục hồi Hội tịch cho tôi, nhưng còn vấn đề xử lý kỷ luật sai về tổ chức cán bộ đến nay vẫn chưa được giải quyết (sửa sai) do sự cố ý chống lại của Mai Bình và Vương Anh đối với tôi.

          -Theo nguồn tin đáng tin cậy, nếu Hà Trong Hòa giữ vững ghế Bí thư Tỉnh ủy thêm 6 tháng nữa, tôi và một số người nữa sẽ bị ghép vào vụ án chính trị Lường Mạnh Hòa (con trai Lường Mạnh Huân đã bị chính quyền cách mạng xử tử hình)

          -Bài phát biểu này được Đại hội vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt, nhưng do thời gian hạn chế của Đại hội, vấn đề tôi nêu ra không có điều kiện giải quyết kịp thời..."

*Phần chú thích này không có trong bản trình bày trước Đại hội".



(Hết trích nội dung điều trần trước Đại hội của Hoàng Tuấn Phổ)

Bản nháp Công văn đề nghị
khôi phục công tác cho HTP

do Nhà văn Đặng Ái Chủ
tịch Hội VHNT Thanh Hóa ký

Vài lời nói thêm:
Đ/c Hà Trọng Hòa-Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, sau đó đã bị kỷ luật Đảng. Cha tôi-Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ sau khi được phục hồi công tác, ở tại Khu tập thể Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa. Các ông Mai Bình, Vương Anh thỉnh thoảng vẫn lui tới gặp gỡ, trò chuyện. Khi triển khai Dự án khôi phục Lam Kinh, ông Mai Bình không đồng ý với một số phương án, tuy nhiên chưa có dịp trình bày. Trước khi mất ông Mai Bình có giao lại văn bản và nhờ Hoàng Tuấn Phổ sau này có điều kiện thì công bố (hiện HTP còn giữ).


Ba mươi năm trôi qua, nhiều kẻ đã "ra đi", nhưng cũng không ít người còn "ở lại". Thuở "Đánh chuột vỡ bình, thơ sứt trán", Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ mới ở độ tuổi 50, nay đã thành Ông Lão Tám Mươi. Hàng ngày ông vẫn miệt mài dồn tâm huyết cho công trình "Tinh hoa văn hóa xứ Thanh". Quan điểm của ông là oán thù nên cởi chứ không nên buộc. Tuy nhiên, những câu chuyện cũ như thế này người ta lại không được phép quên. Bởi đó là một phần của lịch sử và cũng là một trong những bài học đắt giá của quá khứ. Đây chính là lý do Tuấn Công Thư Phòng nhớ lại "Ngày này năm xưa". 



Hoàng Tuấn Công/Ngày nghỉ Tết Độc Lập/2014


BÌNH LUẬN




Tôi có nghe giai thoại về cuộc Xướng Họa thơ Chuột này vào cái năm Tý ấy. Nhưng tường tận như anh Hoàng Tuấn Công thuật lại thì đây là lần đầu. Một vụ án văn chương oan khuất




Câu chuyện của bác Phổ đúng là "một phần của lịch sử " !!!




Cho du cu Hoang-Tuan-Pho co noi, oan-thu nen coi, khong nen buoc...nhung voi toi, nhung cai ten nhu MB, VA, HK, HTH vv...vv, la nhung Quai-thai thoi-dai (!), that ghe-tom...The ma ong Hoang-Tuan-Cong con dung chu "dong-chi" thi that toi cung khong the hieu duoc, chung khong he co mot chut Dao-duc nao cua con nguoi. Toi dung chu "quai-thai" khong sai dau! Qua kinh-tom!




Đau đớn thay phận người, ngu si sao một lũ ngu muội.




Thật là 1 giai thoại văn chương! Một câu chuyện buồn nhưng cũng lột tả được sự mục ruỗng của những người mang danh Đảng mà thời nào cũng có. Câu chuyện này phải phổ cập cho nhiều người biết chú ạ!




Nghe lại câu chuyện mà anh HTC kể và đọc qua những nhận xét của mọi người, tôi nhận thấy xuyên suốt một điều là: Thật buồn, cái buồn không phải của riêng gđ HTC mà buồn cho xã hội, cho những người được nghe! nhưng không sao cái buồn đã có cơ hội chia sẻ và tôi tin rằng Bác HTP và gđ đã phần nào cảm nhận tâm tư tình cảm, sự sẻ chia của mọi người. Câu chuyện này sẽ không đi vào quyên lãng, nó là một phần của lịch sử và gđ bác đã hy sinh, đóng góp rất nhiều cho lịch sử. Chúc bác HTP và gđ luôn hạnh phúc. Chúc Tuấn Công Thư Phòng luôn có nhiều bạn đọc nhân dịp 1 năm ngày khai trương.



Sợ nhất những kẻ nhân danh "thường vụ", nhân danh tập thể để tiêu diệt người tài giỏi hơn mình.




Bọn Mai Bình, Vương Anh...trong giới văn nghệ sỹ không ít đâu.Lũ lưu manh được Nghệ sỹ hóa ấy thật ghê tởm.
Tôi đã từng đau đầu, mất ngủ,uất giận khi đọc "Cái đêm hôm ấy đêm gì" của Phùng Gia Lộc. Và Phùng Gia Lộc cũng từng bị phiền hà về tác phẩm ấy. Thật ghê rợn.




anh cong oi nhung cau chuyen anh ke ve gia dinh nghe xuc dong qua




Đã có biết bao nhiêu cảnh đời như của bác? Chắc là nhiều không đếm xuể. Phần lớn các nhân chứng đã về thế giới bên kia khi mà những bài học còn chưa được ghi chép lại (mấy ai dám ghi chép, chưa nói đến chuyện chia sẻ?!) vì thế những câu chuyện như của bác cần được lưu giữ như một chứng cứ về một thời...và là bài học cho các thế hệ sau