14 juin 2014

Bối rối với “giấy nợ” chủ quyền biển đảo

Theo RFA

Nam Nguyên, phóng viên RFA

namnguyen06132014.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
cong-ham-pvd-305
Ads by OnlineBrowserAdvertisingAd Options
Công hàm Phạm Văn Đồng 1958
Photo courtesy of cpv.org.vn



Chính quyền Việt Nam có vẻ bị động khi Trung Quốc lần đầu tiên ra đòn ngoại giao, chính thức giải thích vấn đề giàn khoan HĐ 981 lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hôm 9/6 và xin lưu hành điều gọi là “Thư bày tỏ lập trường” về các sự việc liên quan. Ngoài việc tố ngược Việt Nam gây hấn ở khu vực giàn khoan, Trung Quốc đã công bố một số tài liệu được cho là quả đắng đối với Việt Nam, để chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo Tây Sa và Nam Sa tức Hoàng Sa, Trường Sa theo tên Việt Nam



Việt Nam không phản biện?

Ba ngày sau khi Trung Quốc có hành động phản công ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc, báo chí Việt Nam vẫn chưa đá động gì tới những tài liệu mà Trung Quốc sử dụng làm vũ khí chống Việt Nam. Chẳng hạn như Tập bản đồ Thế giới do Cục Đo Dạc và Bản Đồ-Phủ Thủ Tướng Việt Nam phát hành năm 1972 đã dùng từ Tây Sa, Nam Sa thay vì Hoàng Sa Trường Sa. Ngoài ra còn có sách giáo khoa địa lý lớp 9 của Nhà Xuất Bản Hà Nội ấn hành năm 1974. Theo tài liệu này học sinh lớp 9 ở miền Bắc đã được học rằng: “Vòng cung đảo từ các đảo Nam Sa, Tây Sa đến các đảo Đài Nam, Đài Loan, quần đảo Hoành Hồ, Châu Sơn… làm thành một bức trường thành bảo vệ Trung Quốc…” Những tài liệu này được phía Trung Quốc sử dụng như những bằng chứng để cụ thể hóa nội dung công hàm Phạm Văn Đồng 1958. Tài liệu được hệ thống hóa khá chặt chẽ, để dẫn tới kết luận phía Việt Nam trong quá khứ đã công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với các hải đảo trong đó có Tây Sa và Nam Sa mà nay lại vi phạm cam kết.
Trả lời chúng tôi vào tối ngày 12/6, TS Nguyễn Nhã một nhà nghiên cứu biển Đông hiện sống và làm việc tại Sài Gòn nói rằng, nếu đã vô hiệu hóa công hàm Phạm Văn Đồng bằng lập luận nào thì cũng có thể hóa giải các tài liệu bản đồ hay sách giáo khoa địa lý lớp 9 mà nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành. TS Nguyễn Nhã nhận định:
Tất cả các chính quyền có trách nhiệm quản lý chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền thành thử ra những bằng chứng Trung Quốc đưa ra không có giá trị pháp lý quốc tế.
-TS Nguyễn Nhã
“Công hàm Phạm Văn Đồng hay tất cả mọi thứ khác Trung Quốc nói Việt Nam lật lọng. Trong đó có ông Ung Văn Khiêm tuyên bố thế nào, viên chức Bộ Ngoại giao thế nào… sách giáo khoa, bản đồ thế nào… Theo tôi Hiệp định Genève qui định rất rõ rồi, trong thời gian sau 54 cho đến 75 trong lãnh thổ cũng như ngoài biển từ vĩ tuyến 17 trở xuống thuộc về chính quyền phía Nam quản lý. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quản lý, cho nên những điều như Trung Quốc nói nó chỉ thể hiện vấn đề chính trị, quan hệ đồng minh đồng chí ủng hộ cùng phe thôi.”
TS Nguyễn Nhã ủng hộ quan điểm cho rằng Việt Nam thống nhất sau 30/4/1975 là không thuận ý Trung Quốc. Lúc đó chính quyền hai miền, miền Bắc miền Nam đã hiệp thương với nhau thống nhất đất nước, bầu cử Quốc hội và có một nhà nước mới. TS Nguyễn Nhã nhấn mạnh:
“Nhà nước mới thống nhất này có tính chất pháp lý hoàn toàn khác với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặc dù nhà nước này cũng có một số nhân vật trong chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó nhà nước thống nhất này đã khẳng định chủ quyền, về ngoại giao năm 1979 có Sách Trắng khẳng định chủ quyền Việt Nam về Hoàng Sa Trường Sa rồi và phản bác những gì Trung Quốc nói. Như thế về tính pháp lý quốc tế, bất cứ chính quyền nào kể từ Chúa Nguyễn cho đến Nhà Nguyễn cho đến thời Pháp thuộc, sau 1954 rồi sau 1975 thống nhất, tất cả các chính quyền có trách nhiệm quản lý chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền thành thử ra những bằng chứng Trung Quốc đưa ra không có giá trị pháp lý quốc tế.”
Khi báo chí Việt Nam do chính quyền quản lý đề cập tới việc Trung Quốc lưu hành “Thư lập trường” về vụ giàn khoan HD 981, thì hầu hết chỉ nhắc tới việc Trung Quốc vu vạ Việt Nam gây hấn ở khu vực giàn khoan HD 981 chứ không cho biết các luận cứ và tài liệu của Trung Quốc, do vậy cũng không có chi tiết nào về phản biện của Việt Nam.

PTT_Pham_Binh_Minh-250.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí bên lề phiên họp Quốc hội ở Hà Nội chiều 12/6/2014. Courtesy infonet.

Chiều 12/6 bên lề phiên họp Quốc hội ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói với báo chí theo nguyên văn của Tiền Phong Online: “Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp Quốc đã gặp Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp Quốc thông báo cụ thể tình hình, đồng thời phản bác tất cả thông tin trong những văn bản của Trung Quốc”. Ông Phạm Bình Minh không có một lời phản biện nào về công hàm Phạm Văn Đồng hay Tập bản đồ Thế giới do Cục Đo Đạc và Bản Đồ-Phủ Thủ Tướng Việt Nam phát hành năm 1972, trong đó đã dùng từ Tây Sa, Nam Sa thay vì Hoàng Sa, Trường Sa; cũng như sách giáo khoa địa lý lớp 9 do Nhà Xuất Bản Hà Nội ấn hành năm 1974 mô tả Tây Sa, Nam Sa là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Trò chuyện với chúng tôi, TS Trần Đình Bá thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam hiện sống và làm việc ở Hà nội nhận định:
“Tôi cũng giống như mọi người dân mong muốn khởi kiện đấu tranh pháp lý với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền đòi lại Hoàng Sa. Trung Quốc viện cớ Hoàng Sa là của họ để coi giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Chuyện đó là sai, Hoàng Sa là của Việt Nam mà căn bản pháp lý từ Hội nghị San Francisco tới Hiệp định Genève cũng xác định là của Việt Nam, rồi các bản đồ cổ để lại xác định đó là của Việt Nam. Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”

Mắc tội với lịch sử?

Những ai không biết phát huy nội lực, không biết biến thời cơ thành sức mạnh, không tranh thủ được sự đồng thuận của thế giới thì lịch sử muôn đời sẽ nguyền rủa kẻ đó.
-Học giả Đinh Kim Phúc
Ngày 12/6 TS Vũ Thị Phương Anh được Blog Quê Choa đăng lại bài viết trên facebook. Theo đó, nữ Tiến sĩ kêu gọi Đảng và Nhà nước Việt Nam nên chủ động cung cấp thông tin chính thức cho toàn dân về những vướng mắc nếu có về biển Đông, và cùng nhau thảo luận những gì có thể làm vào lúc này, những gì cần làm ngay để có thể đi thêm những bước sau, những gì không thể làm vì nếu làm thì kết quả chỉ có thể tệ hơn. TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng, cần tận dụng trí tuệ và lòng yêu nước của toàn dân - một truyền thống vô giá của người Việt - để bảo vệ đất nước, vì nếu không làm điều này thì tất cả sẽ mắc tội rất lớn với lịch sử.
Học giả Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu biển Đông sống và làm việc tại TP.HCM từng nhận định là Việt Nam phải phát huy và tận dụng sức mạnh đoàn kết toàn dân để đối phó với họa mất nước, mất biển. Ông nói:
“Bản thân Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, không phải mới đây thời Tập Cận Bình, hay trước đây thời Hồ Cẩm Đào mà Đặng Tiểu Bình đã định nghĩa ‘chủ quyền thuộc ngã gác tranh chấp cùng nhau khai thác’, đây là phương châm bất di bất dịch của Trung Quốc và Trung Quốc ôm mộng nuốt trọn biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Đừng ảo tưởng đối với Trung Quốc và cũng đừng ảo tưởng đối với những cường quốc nào vào bênh Việt Nam, bảo vệ Việt Nam, vì mỗi cường quốc họ đều có quyền lợi của họ. Việt Nam phải biết phát huy nội lực của mình để bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ. Còn những ai không biết phát huy nội lực, không biết biến thời cơ thành sức mạnh, không tranh thủ được sự đồng thuận của thế giới thì lịch sử muôn đời sẽ nguyền rủa kẻ đó.”
Giàn khoan Trung Quốc HD 981 hạ đặt thăm dò bất hợp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam kéo dài đã hơn một tháng. Trung Quốc đã khoan thăm dò và dịch chuyển vị trí. Các chuyên gia nhận định Trung Quốc đang thực hiện một phép thử đối với Việt Nam, phép thử ấy là một bước cụ thể để Trung Quốc chiếm cứ toàn thể biển Đông, đặc biệt là các vùng biển đảo của Việt Nam.