08 juin 2014

Hành động khiêu khích trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc được tính toán kỹ lưỡng



Andrew Browne (The Wall Street Journal *), bản dịch của Dương Thạch (Diễn Đàn Việt Nam 21)

05/06/2014 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Cho đến gần đây, hầu hết các nhà quan sát coi hành vi quá khích của Trung Quốc trong Biển Đông là hậu quả của một chính sách ngoại giao bất nhất, trong đó cánh quá khích thường có phần lấn lướt.


Giới chính trị Trung quốc thường nói đến "chín con rồng làm biển sôi động" sau khi Trung Quốc theo đuổi một đường lối đáng tin cậy và rõ ràng thân thiện trong vùng từ thập niên 1990.
Điều này bao gồm quyết định đặt một giàn khoan dầu trong vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Bây giờ, chính sách của Trung Quốc không còn thể hiện như là kết quả của chính sách bất nhất mà là một kế hoạch có mục tiêu rõ ràng, các chuyên gia an ninh Trung Quốc và nước ngoài đều nhận định như vậy. Rất có thể là những biện pháp đó được phối hợp ở cấp chính trị cao nhất. Sau hết có thể đã được chính Chủ tịch Tập Cận Bình chấp thuận.
Nếu đúng như vậy thì những nỗ lực dành vùng kiểm soát cho đến nay của Trung Quốc giờ đây đã được nằm hẳn trong chính sách đối ngoại của siêu cường kinh tế này. Và khó có thể hình dung được một thỏa thuận cần thiết nào để ngăn chận sự bùng nổ tranh chấp vô tình hay cố ý trong vùng.
Các chỉ đạo chính trong chính sách đối ngoại mới
Cuối năm ngoái Tập đã thành lập siêu ủy ban mới về các vấn đề an ninh để chấm dứt những bất nhất trong chính sách đối ngoại. Các nhóm lợi ích mạnh mẽ như Giải phóng quân nhân dân, Cục an ninh hàng hải và các Tập đoàn năng lượng nhà nước - gọi chung là "chín con rồng" - trước đó đã lạm dụng lèo lái chính sách đối ngoại vào lợi ích riêng đôi khi rất hạn chế của họ, ví dụ như rút ruột ngân khoản chính phủ tài trợ hoặc tăng cường cơ hội kinh doanh của riêng mình. Thường họ qua mặt cả Bộ Ngoại giao, được cho là chịu trách nhiệm về việc thực hiện các lợi ích quốc gia của Trung Quốc trên thế giới.
Là chủ tịch của Ủy ban an ninh quốc gia mới, dường như bây giờ họ Tập cũng tự gia tăng cường độ. Và hiện nay những hành động rất cụ thể của Trung Quốc không còn có thể xem như là một trò chơi chiến thuật, câu hỏi lớn đặt ra là Tập theo đuổi mục tiêu chiến lược gì.
Tập là người mang chủ nghĩa quốc gia. Trong bản chất, "Giấc mơ Trung Quốc" mà ông ta quảng bá có ý đồ khôi phục lại vai trò thống trị truyền thống của Trung Quốc trong khu vực trước khi "thế kỷ nhục nhã" bắt đầu trong tay của đế quốc phương Tây hồi đầu thế kỷ 19. Một trong nhiều điều của ý đồ đó chính là ý muốn lấy lại khu vực mà Trung Quốc đã bị mất cho Nhật Bản, nơi mà Trung quốc coi như là lãnh thổ quốc gia, cũng như phần lãnh hải thuộc những quốc gia láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Philippines và Việt Nam.
Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đối với các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm về Trung quốc thì điều khó hiểu là để đòi quyền lịch sử, tại sao họ Tập lại tranh chấp cùng một lúc với nhiều nước láng giềng.
Trong vùng biển ngoại biên của Trung Quốc, sóng gió nổi lên đáng kể hơn là vào thời điểm "chín con rồng" cạnh tranh quyền lực với mục đích rất khác nhau. Và có nhiều triển vọng hỗn loạn hơn nữa. Tàu Trung Quốc xâm nhập thường xuyên vào vùng biển chung quanh quần đảo Senkaku không dân cư mà Nhật Bản đang kiểm soát, nơi mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Ở Nhật Bản, những chính trị gia cánh hữu chống Trung Quốc đang chiếm ưu thế và khuyến khích Thủ tướng Shinzo Abe thể hiện sức mạnh quân sự của mình. Abe đã cải thiện được uy tín một cách đáng kể trong lập trường của ông tại nhiều nơi trong khu vực.
Việt Nam cảm nhận hành động của Trung Quốc là hành động khiêu khích
Trong vụ giàn khoan dầu của Trung Quốc ở biển, Việt Nam nhìn đó là một hành động khiêu khích có chủ ý của Trung Quốc nhiều hơn là để tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên. Với trữ lượng dầu mỏ rất lớn, việc thăm dò một khu vực ít hứa hẹn không có ý nghĩa gì cả. Tiếp theo là việc tấn công doanh nhân Trung Quốc đã là một thất bại rõ ràng cho những người theo Trung Quốc trong giới lãnh đạo Việt Nam.
Áp lực từ phía Trung Quốc tại Philippines đã khiến Manila đưa ra tòa trọng tài để đạt được một phán quyết của Liên Hiệp Quốc về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trong vùng biển phía đông Trung Quốc. Nếu phán quyết thuận lợi cho Manila thì đó sẽ là một đòn ngoại giao nghiêm trọng đối với Bắc Kinh. Ngay cả Hà Nội đang xem xét để bắt đầu một tiến trình tương tự tại Liên Hiệp Quốc.
Mới thoạt nhìn thì chính sách của Trung Quốc có vẻ như táo bạo, thiếu thận trọng. Tuy nhiên giới ngoại giao cấp cao và các nhà phân tích chính trị ở châu Á và Washington càng ngày càng đánh giá rằng thời điểm đã Trung Quốc được lựa chọn kỹ. Tập nhận định rằng đối thủ của ông là một Tổng thống Mỹ yếu kém, dù lớn tiếng tuyên bố sẽ hỗ trợ những đồng minh châu Á nhưng sẽ không có hành động cứng rắn nào đối với Trung Quốc.
Tập đánh giá nhận định của mình là đúng vì nhiều chuyên gia nói rằng Obama đã không can thiệp quân sự ở Syria và ở Ucraina. Từ nhận định này, nhà lãnh đạo Trung Quốc kết luận rằng ông ta có một cửa sổ thời gian để mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.
Căng thẳng thấy rõ
Trên thực tế, những căng thẳng đã hiện rõ trong diễn đàn an ninh khu vực ở Singapore, nơi mà cuối tuần vừa rồi bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc Bắc Kinh có "hành động đơn phương gây bất ổn" tại Biển Đông. Trung Tướng  Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đã phản pháo rằng bài phát biểu của Hagel "mang đầy những ý tưởng của uy quyền, đầy đe dọa trấn áp" và là một phần của "thách thức khiêu khích Trung Quốc".
Các chuyên gia cho rằng thiệt hại cho Trung Quốc do chính sách đối ngoại hiện nay chỉ có thể thẩm định trong tương lai xa. Trung Quốc tin rằng các láng giềng phải chịu đựng chính sách của họ, vì các nước đó lo cho sự thịnh vượng của riêng mình và như thế sẽ phải chịu lệ thuộc dài hạn vào thị trường khổng lồ đầy hứa hẹn phát triển của Trung Quốc.
Richard Rigby, nhà cựu ngoại giao Úc và hiện là giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc, tóm gọn căn bản chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong một câu duy nhất: "Chúng ta đẩy mạnh ở bất cứ nơi nào chúng ta có thể". Rigby đề cập đến vô số các khó khăn trong nước mà Tập phải đối mặt chưa kể đến phát triển kinh tế đang suy yếu. Trong bối cảnh này, "ông ta không thể hiện diện trên trường quốc tế trong một tư thế yếu kém", chuyên gia người Úc nói.
"Chín con rồng" cũng đã đủ đáng sợ trong một khu vực nơi sự trỗi dậy của Trung Quốc đang được theo dõi với đầy âu lo. Cung cách hành xử của Trung Quốc hiện nay càng gây thêm nhiều lo sợ khác.

(*) Andrew Browne: Chinas Provokationen in der Außenpolitik sind kühl kalkuliertThe Wall Street Journal Deutschland 04.06.2014