Thế là lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã loại
bỏ tất cả các ý kiến tâm huyết của nhiều nhân sỹ, trí thức, tuổi trẻ và nhân
dân
Theo báo cáo của Ban dự thảo văn kiện Đại hội XII tại
Hội nghị toàn thể Ban Chấp hàng Trung ương (BCHTƯ) lần thứ 13, sau khi tiếp thu
hàng triệu ý kiến do công luận đóng góp, qua đại hội các cấp, bản dự thảo Báo
cáo chính trị (BCCT) của BCHTƯ Đảng Khóa XI sẽ trình tại Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XII của đảng CSVN đã có những «thay đổi, bổ sung» nhưng thật ra
chỉ là một vài thay đổi về cấu trúc, hình thức. Bản dự thảo mới sẽ có 15 chương
thay vì 9 chương. Đại thể là tách chương về Giáo dục ra khỏi chương về Khoa học
Công nghệ; tách chương về Vấn đề Văn hóa ra khỏi chương về Tài nguyên môi
trưòng; tách chương về Quốc phòng - An ninh ra khỏi chương về Đối ngoại; tách
chương về Đoàn kết dân tộc ra khỏi chương về Dân chủ; hai chương về Nhà nước và
Đảng cũng tách riêng. Đây là những thay đổi rất nhỏ, chẳng có mấy ý nghĩa.
Bản dự thảo BCCT đã được «sửa đổi bổ sung» về thực
chất không khác gì bản dự thảo ban đầu. Bao nhiêu ý kiến đóng góp của đông đảo
nhân sỹ, trí thức, đảng viên… đều bị coi là vô giá trị. Không những vậy, Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn đăng đàn lên án nặng nề các đảng viên yêu cầu đổi
tên nước, đổi tên đảng, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ chuyên chính vô sản
và chế độ độc đảng, từ bỏ chủ nghĩa xã hội (CNXH) mơ hồ, từ bỏ phương châm lấy
quốc doanh làm chủ đạo trong nền kinh tế. Theo ông Trọng, đây là «biểu hiện của
suy thoái tư tưởng, sa sút về đạo đức, là những quan điểm phản động của các thế
lực thù địch».
Phản ứng của ông Trọng mang tính trịch thượng, vu cáo
chụp mũ của những người mụ mẫm, lú lẫn, giáo điều một cách cực đoan nhất, sợ
tranh luận đường hoàng. Đây mới chính hiệu là biểu hiện của sự suy thoái tư
tưởng và sa sút đạo đức nghiêm trọng nhất, mang tính phản động theo nghĩa là
phản tiến hóa, có hậu quả nghiêm trọng khôn lường cho vận mệnh dân tộc cũng như
cho uy tín vốn đã cạn đến đáy của đảng CSVN.
Từ tình hình trên đây, xét trên lập trường dân tộc,
đổi mới và sáng tạo chân chính, lãnh đạo đảng hiện nay – BCHTƯ và Bộ Chính trị
- đang dẫn Đại hội XII vào con đường cực kỳ tệ hại cho đất nước, đối lập đảng
CSVN với nhân dân, phản bội lại lợi ích của dân tộc, đi ngược lại với thế giới
văn minh của thời đại.
Lãnh đạo là phải đi trước nhân dân, thấy rõ và đúng
con đường sáng của thời đại, phải có viễn kiến sâu rộng, có tinh thần sát thực
tế nhưng lại phải có tư duy sáng tạo, từ bỏ dứt khoát tư tưởng giáo điều cũ lỹ,
ngưng trệ, đã phá sản rõ ràng
Theo tinh thần đó, con đường đã được xác định của Đại
hội XII dứt khoát là con đường tiêu biểu cho tư duy giáo điều, hủ lậu đã bị thế
giới vứt bỏ và lên án, đã bị kết luận là tội ác chống nhân loại. Đó là con
đường của 5 điều kiên định: kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định CNXH mơ
hồ, kiên định chế độ độc đảng phản dân chủ, kiên định mục tiêu chủ nghĩa cộng
sản (CNCS) xa vời vô tận, kiên định phương châm lấy quốc doanh làm chủ đạo tàn
phá nền kinh tế - tài chính, chặn đường phát triển của kinh tế tự do, bóp chết
giai cấp trung lưu vốn là nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế năng động,
sáng tạo trong cạnh tranh bình đẳng, dẫn đến phát triển và phồn vinh.
Đây là 5 cái gông cùm nguy hiểm gây bế tắc và làm phá
sản chính trị - kinh tế - tài chính văn hóa - xã hội lẽ ra đã phải bị vứt bỏ từ
30 năm trước, khi bắt đầu đổi mới. Nhưng trong 30 năm nay 5 gông cùm ấy đã ngày
càng thêm nặng nề, đến mức hiện nay ngoài cơ quan lãnh đạo tham lợi chủ trương
kiên trì, hầu như bị toàn xã hội coi là một thảm họa cho dân tộc.
Bản BCCT sẽ được trình bày tại Đại hội XII khoe khoang
về thành tích Đổi mới, nhưng thật ra chỉ đổi mới hời hợt, cục bộ, mang tính cải
lương và chỉ giới hạn trong những vấn đề như : cho tư nhân có quyền làm kinh
tế, lập công ty nhỏ để sản xuất, buôn bán; cho phép xã hội dân sự được phát
triển bước đầu; các vụ án xét xử độc đoán có phần nhẹ hơn trước; Quốc hội thông
qua nhiều đạo luật, tiến hành các buổi chất vấn chính phủ; công dân được xuất
ngoại đi du lịch, thăm viếng, học hành; mở cửa cho 2 nguồn ODA và FDI nhập vào
khá lớn; đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện - nhưng quá thấp so với
thành quả của phát triển. Tất cả những bước đổi mới ban đầu này đều bị cản trở,
triệt tiêu bởi 5 điều kiên định nêu trên, nên chỉ là những đổi mới bộ phận, giả
tạo, không cơ bản. Vì vậy, nên đất nước vẫn «không chịu phát triển», ngày càng
lạc hậu đến 10 - 20 năm so với các nước láng giềng.
Vậy thì xét cho cùng, ai là lực lượng cản trở bước
tiến của dân tộc, chặn đứng con đường phát triển đi tới phồn vinh của đất nước,
tiếp tay cho Bành trướng Trung Quốc gặm nhấm lãnh thổ và biển đảo nước ta? Ai
là hiểm họa nguy hiểm nhất của nhân dân và dân tộc ta hiện nay?
Không có một lực lượng phản động nào, lực lượng đế
quốc và tay sai nào làm nổi việc ấy, chẳng có nguy cơ diễn biến hòa bình từ
ngoài đảng CS. Cần nói thẳng ra đó là do lãnh đạo đảng CSVN, không một ai khác.
Nếu đảng CS từng coi nạn tham nhũng là «giặc nội xâm»,
là hiểm họa không kém gì nạn ngoại xâm, đe dọa sự phát triển của đất nước, thì
cái bệnh giáo điều cực đoan, cơ hội chính trị dai dẳn rõ ràng là còn nguy hiểm
hơn cái hiểm họa đó gấp nhiều lần, là kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc, là
hiểm họa số một của đất nước hôm nay.
Nếu như Đại
hội XII vẫn không tỉnh ngộ, vẫn thờ ơ với vận mệnh đất nước và dân tộc, đảng viên
vẫn buộc phải theo tâm lý bầy đàn phục tùng mù quáng theo đuôi của Ban lãnh đạo
giáo điều ngoan cố và cơ hội, thì đông đảo đảng viên cần có thái độ lựa chọn
dứt khóat: một bên là đường lối giáo điều cơ hội được kiên định một cách mù
quáng vô trách nhiệm bởi Ban lãnh đạo hiện nay, và một bên có thể gọi là
bên «Đối lập công khai» ngày càng đông đảo, mà tiêu biểu là 127 nhân sỹ
trí thức vừa gửi tâm thư cho toàn đảng với đường lối đổi mới thật sự, từ bỏ dứt
khoát chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH ảo tưởng, từ bỏ con đường CNCS xa vời và
chế độ độc đảng phản tiến hóa…
Đây là mâu
thuẫn cơ bản nổi bật nhất hiện nay khi Đại hội XII gần kề. Tất cả các lực lượng
yêu nước cần suy nghĩ, bàn bạc để cùng nhu lên tiếng và nhất là phối hợp hành
động có tổ chức để cứu đất nước khỏi hiểm họa suy vong trong thời kỳ hậu Đại
Hội XII, không thể chậm trễ và vô cảm, rồi lại bất động như đối với các đại hội
đảng CSVN trước đây.
Bùi Tín